Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự

Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự

22/01/2013

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, miễn, giảm mức hình phạt đã tuyên là sự thể hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội khi đáp ứng đầy đủ một số điều kiện nhất định.

Chính sách này của Nhà nước nhằm khuyến khích người bị kết án cải tạo tốt, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự cũng không nằm ngoài ý nghĩa và mục đích nói trên. Tuy nhiên, đứng trên góc độ các quy định của pháp luật hiện nay liên quan đến việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục. Xin nêu ra một số bất cập và phân tích để các đồng nghiệp cùng trao đổi.

Về thẩm quyền xem xét, quyết định miễn giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự đã được quy định rõ tại Điều 63 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: “Việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Toà án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Toà án cấp huyện) nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức việc thi hành án có trụ sở”.

Thẩm quyền xét miễn, giảm hình phạt tiền được quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự: “… Việc giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành các hình phạt khác hoặc giảm thời gian thử thách thuộc thẩm quyền quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nơi người bị kết án chấp hành hình phạt hoặc chịu thử thách”.

Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, đề nghị miễn giảm cũng đã được quy định tương đối rõ ràng từ Điều 61 đến Điều 64 Luật Thi hành án dân sự; Điều 26 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Cụ thể hơn nữa là Thông tư số 10/2010/TTLT-BTP-BTC-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/5/2010 của liên Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại Điều 2 của Thông tư số 10 thì các khoản thuộc diện được xét miễn, giảm thi hành án bao gồm:

“1. Phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự.

2. Phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự.

3. Các khoản truy thu tiền, tài sản thu lời bất chính, án phí, tịch thu sung quỹ nhà nước và các khoản tiền phạt khác được xác định trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án”.

Trong quy định trên, chúng ta thấy có sự phân biệt giữa khoản tiền phạt được xác định trong bản án và khoản tiền phạt còn lại theo quy định của Bộ luật Hình sự. Điều này có ý nghĩa và mục đích như thế nào, xin phân tích thêm như sau: Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự, hình phạt bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung: “1. Hình phạt chính bao gồm: a) Cảnh cáo; b) Phạt tiền… 2. Hình phạt bổ sung bao gồm: … đ) Tịch thu tài sản; e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính…”. Như vậy, có thể thấy rằng, phạt tiền trong bản án, quyết định về hình sự có thể được áp dụng với vai trò là hình phạt chính và cũng có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung. Xuất phát từ việc hình phạt tiền được áp dụng với vai trò nào sẽ dẫn đến sự khác nhau về thẩm quyền đề nghị xét miễn, giảm. Xung quanh vấn đề này, theo chúng tôi, cần làm rõ quy định của một số điều luật có liên quan để thực hiện việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án một cách chính xác, tránh tình trạng các cơ quan có liên quan né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến việc người bị kết án có thể không được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước chính từ việc làm của các cơ quan công quyền.

Tại Điều 4 Thông tư số 10 quy định về thẩm quyền đề nghị xét miễn, giảm thi hành án như sau:

“1. Trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu xét thấy người phải thi hành án có các điều kiện quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự; khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 76 của Bộ luật Hình sự thì chấp hành viên được giao thi hành vụ việc tiến hành xác minh, lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án và báo cáo thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền xét miễn, giảm thi hành án.

Trường hợp, người phải thi hành án có đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, thì trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được đơn, chấp hành viên được giao thi hành vụ việc phải xác minh, nếu đủ điều kiện để xét miễn, giảm thì lập hồ sơ xét miễn, giảm thi hành án theo quy định. Trường hợp chưa đủ điều kiện xét miễn, giảm thi hành án thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn phải thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị xét miễn, giảm thi hành án biết.

2. Đối với phần tiền phạt còn lại quy định tại khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự; khoản tiền phạt quy định tại khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự, căn cứ hồ sơ thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện nơi người phải thi hành án cư trú, làm việc đề nghị Toà án cùng cấp xét miễn, giảm thi hành án…”.

Khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự quy định: “…2. Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại…”.

Khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự quy định: “…3. Người chưa thành niên bị phạt tiền nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Toà án có thể quyết định giảm hoặc miễn việc chấp hành phần tiền phạt còn lại…”.

Hai quy định nêu trên của Bộ luật Hình sự bản chất cùng quy định về điều kiện để được xét miễn chấp hành hình phạt tiền còn lại, chỉ khác nhau ở đối tượng áp dụng. Nội dung bài viết không đi vào phân tích đối tượng được xét miễn, giảm là người đã thành niên hay chưa thành niên, mà chỉ tập trung làm rõ về thẩm quyền đề nghị miễn, giảm đối với người phải thi hành án khi có đủ các điều kiện đã nêu trong nội dung khoản 2 Điều 58 Bộ luật Hình sự.

Trên thực tế, có các quan điểm liên quan đến thẩm quyền đề nghị xét miễn, giảm thi hành khoản tiền phạt khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất, Viện kiểm sát nhân dân chỉ có văn bản đề nghị Toà án nhân dân nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt (tiền) vụ việc xét miễn thi hành đối với khoản tiền phạt còn lại khi hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính trong bản án, quyết định. Nếu trường hợp hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, thì cơ quan thi hành án căn cứ tại đoạn 1 khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 10 để làm văn bản trực tiếp đề nghị Toà án nhân dân nơi cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành vụ việc có trụ sở xét miễn.

Quan điểm thứ hai, việc đề nghị miễn thi hành khoản tiền phạt còn lại khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 58 và khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự là thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân không phụ thuộc vào việc hình phạt tiền đó là hình phạt chính hay hình phạt bổ sung. Và đối với khoản tiền phạt, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có thẩm quyền đề nghị Toà án nhân dân xét miễn, giảm theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (khi có các căn cứ tại Điều 61) chứ không được đề nghị xét miễn, giảm theo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi những lý do như sau:

Một là, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 10, thì ngoài các điều kiện quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự thì khi có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền đề nghị Toà án nhân dân xét miễn, giảm phần còn lại theo báo cáo đề xuất của chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành vụ việc.

Hai là, mặc dù tại khoản 2 Điều 58 và khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự chỉ sử dụng cụm từ “người bị kết án phạt tiền” mà không phân biệt hoặc có hướng dẫn thực hiện rằng khoản tiền phạt đó phải là hình phạt chính, nhưng phân tích một cách có logic nội dung các điều luật nói trên có thể thấy rằng, việc quy định cứng thẩm quyền đề nghị xét miễn, giảm trong trường hợp này thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân là hoàn toàn có cơ sở để xác định đó phải là hình phạt chính. Vì trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ về kiểm sát việc thi hành án hình sự, hàng năm, Viện kiểm sát phải tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đề nghị xem xét miễn, giảm chấp hành hình phạt đối với những đối tượng có đủ điều kiện. Và chỉ khi hình phạt tiền là hình phạt chính thì Viện kiểm sát mới có thể đề nghị Toà án xem xét miễn, giảm cũng giống như đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, giảm thời gian thử thách theo thủ tục tố tụng hình sự. Đây chính là tinh thần quy định tại khoản 2 Điều 58 và khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp hình phạt tiền là hình phạt bổ sung, thì Viện kiểm sát nhân dân có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành vụ việc phải lập hồ sơ và trực tiếp đề nghị Toà án nhân dân xét miễn, giảm theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 10.

Trong thực tế, việc miễn, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc giảm thời gian thử thách được thực hiện thường xuyên, một năm ít nhất là 3 lần vào các dịp lễ, tết. Thủ tục và trình tự được hướng dẫn kỹ, nên khi thực hiện không có gì vướng mắc. Đối với các hình phạt bổ sung mà cụ thể là hình phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính) thì lại không có hướng dẫn cụ thể. Bằng phép suy diễn mới có thể hiểu rằng, nếu khoản tiền phạt là hình phạt bổ sung và chưa đáp ứng đủ điều kiện để được xét miễn theo quy định tại Điều 61 Luật Thi hành án dân sự, thì phải áp dụng Luật Thi hành án dân sự và Thông tư liên tịch số 10 đồng thời kèm theo điều kiện “đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn”, thì mới có thể được xét miễn toàn bộ nghĩa vụ còn lại. Còn nếu phạt tiền là hình phạt chính trong bản án, quyết định thì chỉ cần có đủ điều kiện quy định duy nhất tại nội dung khoản 2 Điều 58 và khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự là người phải thi hành án đã có thể được xét miễn toàn bộ nghĩa vụ còn lại theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Trước đây, tại Thông tư liên ngành số 05/TT-LN ngày 26/12/1986 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt và chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp có hướng dẫn về miễn hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung theo Bộ luật Hình sự năm 1985 như sau:

– Giảm thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung (Điều 50): Người đang chấp hành hình phạt cư trú hoặc quản chế nếu có đủ 2 điều kiện sau đây thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại:

+ Đã chấp hành được 1/2 thời hạn hình phạt. Thời hạn chấp hành hình phạt quản chế tính từ ngày người bị kết án trình diện với chính quyền cơ sở là đã chấp hành xong hình phạt tù. Thời hạn chấp hành hình phạt cấm cư trú tính từ ngày người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù.

+ Đã có nhiều tiến bộ thể hiện ở việc tích cực lao động, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách và pháp luật các quy định về cấm cư trú hoặc quản chế.

– Giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt (Điều 51): Theo khoản 1 Điều 51, đối với người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm thì có thể được xét giảm sớm hơn hoặc mức cao hơn so với thời gian và mức quy định ở Điều 49 và Điều 50,lý do đáng được khoan hồng thêm là:

+ Người bị kết án đã lập công như tố cáo giúp trại cải tạo hoặc cơ quan điều tra phát hiện tội phạm; có sáng kiến hoặc cải tiến kỹ thuật có giá trị trong sản xuất; cứu được tính mạng của người khác trong tình thế hiểm nghèo; cứu được tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của công dân khi có bão lụt, hỏa hoạn v.v…

+ Người bị kết án đã quá già yếu hoặc đang mắc bệnh hiểm nghèo. Người quá già yếu là người đã 70 tuổi trở lên hoặc trên 60 tuổi mà thường xuyên ốm yếu. Mắc bệnh hiểm nghèo nghĩa là mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như lao nặng, ung thư, bại liệt…

Bộ luật Hình sự quy định thời hạn sớm hơn và mức cao hơn không đáng kể so với thời hạn quy định ở Điều 49 và Điều 50. Tuy nhiên, ít nhất thì người bị kết án cũng phải đã chấp hành được 1/4 thời hạn của hình phạt; các hình phạt được miễn chấp hành bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

Đến nay, đối chiếu quy định tại các Điều 49, 50 và 51 Bộ luật Hình sự năm 1985 và các Điều 57, 58, 59 Bộ luật Hình sự năm 2000, sửa đổi năm 2009, về cơ bản không có gì thay đổi, bởi vì: Điều 49 chuyển thành Điều 58; Điều 50 được chuyển thành khoản 5 Điều 57; khoản 2 Điều 51 chuyển thành Điều 57, khoản 1 chuyển thành Điều 59, khoản 3 chuyển thành khoản 4 Điều 58.

Tuy nhiên, đến nay Thông tư liên ngành số 05/TT-LN ngày 26/12/1986 đã hết hiệu lực pháp luật. Do đó, không thể áp dụng tinh thần Thông tư này để cho rằng, khoản tiền phạt được xét miễn theo khoản 2 Điều 58 và khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự bao gồm cả tiền phạt là hình phạt chính và tiền phạt là hình phạt bổ sung.

Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay trong hệ thống các quy định của pháp luật còn nhiều quy định gây khó khăn về cách hiểu, cách thực hiện. Trong quy định về thẩm quyền đề nghị xét miễn, giảm ở trên gây ra tình trạng giữa cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân không thống nhất quan điểm trong việc cơ quan nào có thẩm quyền đề nghị Toà án nhân dân xét miễn đối với khoản tiền phạt còn lại khi có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 58, khoản 3 Điều 76 Bộ luật Hình sự. Để hiểu một cách đúng đắn và áp dụng thống nhất đòi hỏi phải phân tích, đánh giá và đặt trong mối quan hệ với các quy định pháp luật khác. Tuy nhiên, để thực hiện không phải là điều dễ dàng. Qua bài viết này, chúng tôi mong muốn góp phần làm rõ quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền đề nghị xét miễn thi hành đối với khoản tiền phạt còn lại để các cơ quan thi hành án dân sự và Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình thực hiện tránh được những cách hiểu khác nhau, gây ảnh hưởng đến quyền của người bị kết án hoặc người phải thi hành án khi có đủ điều kiện để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.

Lương Thanh Tùng

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191