Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

29/08/2014

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 70km. Sau khi tách lập tỉnh Đắk Nông (2004), tỉnh Đắk Lắk hiện nay có diện tích tự nhiên 13.125 km2, dân số 1.733.624 người; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện, với 184 đơn vị hành chính cấp xã. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có khoảng 30% là đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc Êđê 13,6%; dân tộc Nùng 3,9%, dân tộc Mnông 3,51%, dân tộc Tày 3,03%, dân tộc Thái 1,04%, dân tộc Dao 0,86%…).

Với diện tích tự nhiên tương đối rộng lớn, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống rải rác trên địa bàn và thường tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới (là những vùng mà điều kiện đi lại hết sức khó khăn, ít có điều kiện giao tiếp với bên ngoài và hoạt động kinh tế còn tương đối khép kín, tự cung, tự cấp), trình độ dân trí còn rất thấp, nhiều người chưa biết chữ…, nên công tác quản lý Nhà nước ở cơ sở gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình an ninh, chính trị tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường lợi dụng những lĩnh vực có nhiều vấn đề bất ổn và nhạy cảm như tranh chấp đất đai, di cư tự do, dân tộc, tôn giáo… để kích động mâu thuẫn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Chính vì vậy, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh càng trở nên quan trọng và cần được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức.

1. Những kết quả nổi bật

Trong 10 năm trở lại đây, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được đẩy mạnh, dần đi vào nề nếp, ngày càng phong phú về hình thức, thiết thực về nội dung, hướng mạnh về cơ sở, phục vụ cơ sở và đạt được những kết quả quan trọng, như:

Thứ nhất, về tổ chức, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động (Hội đồng phối hợp của tỉnh được thành lập vào năm 1998 trên cơ sở Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Qua nhiều lần kiện toàn, hiện số lượng thành viên của Hội đồng có 25 người, là lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, tổ chức, đơn vị của tỉnh, do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng và đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch thường trực. Ở cấp huyện, đã có 15/15 đơn vị thành lập Hội đồng phối hợp với tổng số 273 thành viên. Ngoài ra, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự và Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã thành lập Hội đồng phối hợp của ngành.Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh cũng đã từng bước được tăng cường. Đến nay, toàn tỉnh có 76 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 371 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 3.039 tuyên truyền viên cấp xã và 54 cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành. Công tác bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác PBGDPL được quan tâm, chú trọng.

Thứ hai, các nội dung tuyên truyền, phổ biến được định hướng rõ, bám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, ngành và địa phương, gắn với thực tiễn thi hành pháp luật; hình thức PBGDPL cũng không ngừng được đổi mới, vận dụng sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm cụ thể về đối tượng, địa bàn, đạt hiệu quả thiết thực, cụ thể:

Mỗi năm, ở tỉnh tổ chức gần 200 hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật cho hơn 13.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; ở cấp huyện, mỗi năm tổ chức hơn 600 hội nghị, lớp tập huấn cho hơn 124.000 lượt cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, trưởng thôn, buôn, tổ dân phố…

Hàng năm, tỉnh tổ chức ít nhất 01 hội thi hoặc cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị khác tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.Ở cấp huyện, ngoài việc tích cực hưởng ứng các hội thi, cuộc thi do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, các địa phương còn chủ động tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật trong các lĩnh vực phòng, chống ma túy, mại dâm, an toàn giao thông, bảo vệ và phát triển rừng… trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phát hành hơn 12,5 triệu tờ gấp tuyên truyền pháp luật, hơn 76.000 đề cương giới thiệu văn bản pháp luật mới, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương (cấp huyện, xã) cũng phát hành hàng triệu tờ gấp, tài liệu tuyên truyền pháp luật khác. Hiện nay, toàn tỉnh có 706 tủ sách pháp luật với hơn 46.700 đầu sách (trong đó có 501 tủ sách của các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể ở tỉnh, ở cấp huyện; hơn 200 tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn và thôn, buôn, tổ dân phố).

Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, qua các hoạt động trợ giúp pháp lý, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở thôn, buôn, tổ dân phố; hòa giải ở cơ sở… cũng đã được các cấp, các ngành chú trọng, triển khai và đạt hiệu quả cao.

Bản tin Tư pháp Đắk Lắk được duy trì phát hành hàng tháng với 3.500 cuốn; Trang tin điện tử của Sở Tư pháp – Thường trực Hội đồng phối hợp của tỉnh thường xuyên đăng tải thông tin về các văn bản pháp luật mới, các hoạt động PBGDPL, hướng dẫn nghiệp vụ; xây dựng chuyên mục “Giải đáp pháp luật” trên Báo Đắk Lắk, Chuyên mục “Pháp luật và đời sống” trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh. Thường trực Hội đồng phối hợp cấp huyện thường xuyên phối hợp với Đài Truyền thanh – Truyền hình đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, liên quan mật thiết đến đời sống của người dân ở cơ sở; chỉ đạo cấp xã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (phát thanh 2 lần/ngày, thời lượng 10-15 phút /lần)…

Thứ ba, quan niệm về trách nhiệm thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Từ quan niệm ban đầu là công tác PBGDPL là của riêng Ngành Tư pháp, do Sở Tư pháp chịu trách nhiệm triển khai, đến nay, trên cơ sở quan điểm, tư tưởng chỉ đạo tại Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL và Thông báo kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực sự quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, chủ động phối hợp và thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL cho nhân dân, đã thực sự nhận thức được công tác này là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và của cả hệ thống chính trị của chính quyền các cấp.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, thực tế cũng cho thấy, hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít hạn chế cần có biện pháp khắc phục, như:

Thứ nhất, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan còn thiếu tính đồng bộ và chưa thật sự chặt chẽ; các thành viên Hội đồng phối hợp đều hoạt động kiêm nhiệm, đa số là lãnh đạo của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, nên việc dành thời gian đầu tư cho hoạt động này chưa nhiều, chưa phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong thực hiện nhiệm vụ chung của Hội đồng phối hợp, có nơi hầu như chỉ do cơ quan thường trực Hội đồng chủ động triển khai thực hiện, nhất là ở cấp huyện; ở một số địa phương, đơn vị, cấp uỷ, chính quyền chưa thật sự quan tâm và đầu tư đúng mức cho công tác này.

Thứ hai, với đặc thù địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, lại có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên một địa bàn rộng, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt một số nơi đồng bào còn chưa biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, trang thiết bị và nguồn lực phục vụ cho công tác PBGDPL ở địa phương, nhất là cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hầu hết đều kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế và chưa đồng đều, chế độ đãi ngộ lại quá thấp, nên chưa thực sự tâm huyết trong thực hiện nhiệm vụ, chưa thực sự phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc làm đầu mối để chuyển tải pháp luật đến với người dân…

Thứ ba, hoạt động PBGDPL có lúc vẫn còn mang tính hình thức, nặng về phong trào; việc phổ biến hiện nay mới chỉ tập trung vào các luật và pháp lệnh, chưa thực sự chú trọng vào các văn bản hướng dẫn thi hành; có hình thức PBGDPL hay nhưng chưa được triển khai nhiều trên thực tế như tổ chức các phiên toà xét xử lưu động kết hợp với PBGDPL cho nhân dân; các hình thức PBGDPL hiện đại chưa được sử dụng triệt để, đặc biệt là việc ứng dụng một cách có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL; hình thức tuyên truyền tuy đa dạng, nhưng quá trình tổ chức triển khai chưa đồng bộ, chưa được thường xuyên và rộng khắp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao đối với công tác PBGDPL, việc nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách. Để đạt được điều đó, thiết nghĩ, trước mắt và lâu dài cần giải quyết những vấn đề sau đây:

Một là, các ngành, các cấp cần quán triệt sâu sắc về chủ trương, chương trình, kế hoạch về công tác PBGDPL, nhất là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Chỉ thị số 32-CT/TW, Thông báo kết luận số 74-TB/TW, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Ngành Tư pháp phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, Hội đồng phối hợp PBGDPL triển khai có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, chương trình, kế hoạch PBGDPL của tỉnh; các luật mới ban hành phải được triển khai kịp thời; thường xuyên rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác PBGDPL, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp và hoà giải viên ở cơ sở. Các ngành, các cấp khi triển khai các hoạt động PBGDPL cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện theo kế hoạch, chương trình cụ thể trong từng giai đoạn, có biện pháp thực hiện phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Hai là, sớm kiện toàn Hội đồng phối hợp, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo đó, các cơ quan, đơn vị cử đại diện tham gia Hội đồng phối hợp cần cân nhắc lựa chọn thành viên cho phù hợp, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan và nhiệm vụ Hội đồng giao; ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, đồng thời quy định thống nhất về thành phần hội đồng các cấp, trách nhiệm từng thành viên để phát huy tính chủ động, vai trò, trách nhiệm của từng thành viên góp phần cho công tác này được triển khai nhịp nhàng, liên tục và hiệu quả, tạo ra môi trường thuận lợi để các thành viên thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; đối với từng thành viên Hội đồng phối hợp, khi thực hiện nhiệm vụ được giao cần sử dụng và phát huy vai trò tham mưu, giúp việc của tổ chức pháp chế và các tổ chức có liên quan tại cơ quan, đơn vị; cần trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch PBGDPL, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các thành viên, giữa các cơ quan có liên quan trong công tác này.

Ba là,cần tiếp tục đa dạng hóa và đổi mới cách thức thực hiện, đảm bảo các hình thức, nội dung được triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo về công tác PBGDPL của cấp trên, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của từng đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người dân, nhất là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng đặc thù thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt:

Chú trọng Tuyên truyền miệng qua các hoạt động văn hoá, lễ hội, tuyên truyền lưu động; phổ biến qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, chú trọng phổ biến qua mạng lưới truyền thanh cơ sở phát bằng nhiều thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn) vào thời gian thích hợp để đồng bào dễ dàng nghe và tiếp thu được; biên dịch và chuyển thể nội dung những nguyên tắc chung, cơ bản của pháp luật (thường có tính ổn định cao), những quy định của pháp luật liên quan đến đời sống hàng ngày sang tiếng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số và dưới dạng lời nói vần tương tự như hình thức thể hiện và lưu truyền các luật tục để truyền bá rộng rãi trong đồng bào, thông qua gia đình, qua các thế hệ, dần dần hình thành ý thức pháp luật. Trong công tác PBGDPL cũng cần đề cao vai trò, uy tín của các già làng, trưởng thôn, cán bộ hoà giải vì những người này có thuận lợi là biết ngôn ngữ, lại am hiểu phong tục tập quán, đặc điểm đời sống của đồng bào nên việc tuyên truyền của họ sẽ có hiệu quả hơn.

Tiếp tục duy trì và tiến tới cải tiến hình thức, nội dung của việc xây dựng, phát hành Bản tin tư pháp hành tháng, các loại tài liệu tuyên truyền pháp luật khác; phối hợp xây dựng các Chuyên mục “Giải đáp pháp luật”, “Pháp luật và đời sống” trên báo, đài của địa phương.

Tiếp tục củng cố và phát triển các hệ thống thông tin pháp luật phù hợp tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp; nâng cao khả năng hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức làm công tác thông tin pháp luật tạo thành mạng lưới thông tin pháp luật thống nhất từ tỉnh đến cơ sở thực hiện việc tổ chức, quản lý và cung cấp thông tin pháp luật; hình thành các cơ quan đầu mối làm nhiệm vụ cung cấp thông tin pháp luật phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Kết hợp PBGDPL với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở. Giữa PBGDPL, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hoà giải ở cơ sở có mối quan hệ mật thiết trong việc xây dựng ý thức pháp luật, tăng cường sự hiểu biết pháp luật, khuyến khích thói quen ứng xử xã hội bằng pháp luật trong nhân dân. Để nâng cao hiệu quả, phát huy thế mạnh của các hình thức này, cần đưa yêu cầu thực hiện PBGDPL vào Quy chế hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và các tổ hòa giải ở cơ sở; hình thành trách nhiệm tự giác thực hiện PBGDPL cho đối tượng, cho khách hàng khi trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả và mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để đảm bảo mọi người dân đều có khả năng được hưởng dịch vụ này khi cần thiết.

Bốn là, cần tiếp tục tuyên truyền, PBGDPL theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của nhân dân đối với pháp luật.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL cần có sự tìm hiểu về thái độ của người dân đối với pháp luật, họ hiểu pháp luật như thế nào? Pháp luật có vai trò gì trong cuộc sống của họ?… Có thể nói, phần lớn người dân thường cho rằng, “pháp luật” là những mệnh lệnh mà người ta cần phải tuân thủ, là hình phạt, là trừng trị…, người khác thì cho rằng, pháp luật chỉ là để giải quyết các tranh chấp. Người dân thường chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân họ phải rơi vào tình thế sự việc miễn cưỡng, lợi ích bị xâm hại… dính líu tới pháp luật (kiện cáo, tranh chấp, bị phạt, bị cưỡng chế…). Bởi vậy, khi tuyên truyền, PBGDPL cần giải thích, phân tích cho người dân hiểu được rằng, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp. Pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong xã hội vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật là một môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho con người giao dịch với nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lý.

Năm là, các ngành, các cấp cần quan tâm bố trí hợp lý kinh phí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ lực lượng làm công tác PBGDPL. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các văn bản pháp luật cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học của Chính phủ, mạng Internet; xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử… để đáp ứng yêu cầu công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, cần quan tâm đến những vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, như: Nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về trình độ chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền; tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền đa dạng với nhiều hình thức phân loại theo các đối tượng khác nhau; chú trọng tuyên truyền tại cơ sở; tích cực đẩy mạnh xã hội hoá công tác PBGDPL; làm thay đổi tư duy nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về công tác PBGDPL.

ThS. Bùi Hồng Quý

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đắk Lắk

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191