Dẫn độ tội phạm trong hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới

Dẫn độ tội phạm trong hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới

1. Khái niệm dẫn độ tội phạm

Dẫn độ tội phạm là một trong những vấn đề từ lâu đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà lí luận và thực tiễn. Các quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu về dẫn độ tội phạm và đã có những quy định về dẫn độ tội phạm từ rất sớm. Khái niệm dẫn độ tội phạm cũng như quy định về dẫn độ tội phạm xuất hiện từ những năm cuối thế kỉ XIX. Ngày nay, trên thế giới, các quy định về dẫn độ tội phạm không chỉ đơn thuần được đề cập trong các điều ước quốc tế (ĐƯQT) đa phương, ĐƯQT song phương mà còn được các quốc gia thể chế hoá trong quy định pháp luật của chính quốc gia mình. Ban đầu, các quan điểm thường hiểu dẫn độ tội phạm là việc các quốc gia trao cho nhau người phạm tội để xét xử hoặc thi hành án.

Pháp luật Việt Nam và thực tiễn về dẫn độ tội phạm mới bắt đầu được đề cập từ những năm 80 của thế kỉ XX, đầu tiên được thể hiện trong các hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự, gia đình và vấn đề hình sự mà Việt Nam kí kết với một số quốc gia trên thế giới, trong đó có quy định về dẫn độ tội phạm. Đặc biệt được thể hiện trong hiệp định về dẫn độ mà Việt Nam kí kết với Hàn Quốc và hiện nay đang đàm phán để kí kết với một số quốc gia khác. Ngoài ra, dẫn độ tội phạm còn được quy định trong Luật Quốc tịch năm 1998, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, đặc biệt vấn đề dẫn độ  tội phạm đã được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đó là Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Tuy nhiên, thực tiễn về dẫn độ tội phạm của Việt Nam chưa nhiều, vì vậy trên phương diện kĩ thuật lập pháp cũng như kinh nghiệm áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này mới chỉ bắt đầu và tồn tại những hạn chế nhất định. Trong các tài liệu nghiên cứu pháp lí chuyên ngành, tài liệu giảng dạy cũng như trong giáo trình đại học, thuật ngữ dẫn độ tội phạm đã được giải thích dưới nhiều góc độ khác nhau.

Khi bàn về dẫn độ tội phạm, trong giới nghiên cứu luật học còn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau:

Quan niệm thứ nhất cho rằng dẫn độ là: “Thủ tục quốc tế, do đó một quốc gia (gọi là quốc gia thỉnh cầu) thỉnh cầu một quốc gia (gọi là quốc gia bị thỉnh cầu) giao cho mình một can phạm trốn tránh trong lãnh thổ quốc gia đó để xét xử hay bắt tuyên hình phạt đã tuyên xử”.([i])

Quan niệm thứ hai cho rằng dẫn độ là:“Hình thức hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, theo đó quốc gia được yêu cầu dẫn độ trao người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật đang trên lãnh thổ của mình cho quốc gia yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt”.([ii])

Quan điểm thứ ba cho rằng dẫn độ là:“Trường hợp một quốc gia chuyển giao người phạm tội đến một quốc gia khác để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc để chấp hành hình phạt trên cơ sở quy định tại các công ước, hiệp định hay pháp luật quốc gia”.([iii])

Quan điểm thứ tư cho rằng dẫn độ là: “Một trong những nội dung của hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự giữa các quốc gia, thể hiện ở chỗ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của quốc gia được yêu cầu dẫn độ bắt người phạm tội hoặc người đã bị toà án của quốc gia yêu cầu kết án hình sự và bản án đã có hiệu lực pháp luật và giao người đó cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng của quốc gia yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án”.([iv])

Khi xem xét các quan niệm trên, chúng tôi nhận thấy còn tồn tại một số quan điểm khác nhau về dẫn độ tội phạm. Tuy nhiên, có thể hiểu thống nhất về bản chất của dẫn độ tội phạm đó là việc một quốc gia chuyển giao cho quốc gia khác người có hành vi phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của quốc gia mình để quốc gia được chuyển giao tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) hoặc thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật đối với người đó.

Trên cơ sở tham khảo các quan niệm về dẫn độ tội phạm nêu trên, cũng như dựa trên cách giải thích dưới nghĩa chiết tự (cụm từ “dẫn độ” gồm hai từ “dẫn” có nghĩa là dẫn dắt và từ “độ” có nghĩa là khoảng cách nhưng có dấu hiệu qua biên giới) đồng thời dựa trên các quy định về dẫn độ của Luật Quốc tịch năm 1998, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, các ĐƯQT đa phương, các hiệp định TTTP mà Việt Nam tham gia kí kết với một số quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể hiểu thống nhất về dẫn độ tội phạm như sau:

Dẫn độ tội phạm là việc một quốc gia chuyển giao cho quốc gia khác công dân của quốc gia được chuyển giao đang có mặt trên lãnh thổ của quốc gia mình, mà người đó đã có hành vi phạm tội thuộc thẩm quyền truy cứu TNHS của quốc gia được chuyển giao hoặc đã bị toà án của quốc gia được chuyển giao kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật để quốc gia được chuyển giao tiếp tục truy cứu TNHS hoặc thi hành hình phạt đối với người đó trên cơ sở các ĐƯQT và pháp luật của mỗi quốc gia.

Từ khái niệm về dẫn độ tội phạm và các nghiên cứu lí luận cũng như quy định về dẫn độ  tội phạm có thể khát quát những đặc trưng của dẫn độ tội phạm như sau:

Thứ nhất, dẫn độ tội phạm là việc một quốc gia chuyển giao người có hành vi phạm tội cho quốc gia khác. Việc chuyển giao này được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của quốc gia có yêu cầu chuyển giao người có hành vi phạm tội. Người bị dẫn độ là người thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia yêu cầu, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật, sau đó bỏ trốn sang quốc gia được yêu cầu chuyển giao. Việc chuyển giao người có hành vi phạm tội theo yêu cầu của quốc gia có yêu cầu chuyển giao do cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia liên quan đến việc chuyển giao tiến hành.

Thứ hai, dẫn độ tội phạm chỉ được thực hiện trên cơ sở có yêu cầu dẫn độ từ quốc gia khác. Quốc gia mà người phạm tội mang quốc tịch, quốc gia nơi tội phạm xảy ra, nơi tội phạm hoàn thành hoặc quốc gia có quyền bị tội phạm xâm phạm đều có quyền yêu cầu dẫn độ. Nhưng việc có chấp nhận dẫn độ hay không lại phụ thuộc vào quyết định của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Nếu nhiều quốc gia yêu cầu dẫn độ một người thì quốc gia được yêu cầu căn cứ vào pháp luật của quốc gia mình, ĐƯQT đa phương, song phương có liên quan và tình hình tội phạm cụ thể để đưa ra quyết định có chấp nhận yêu cầu dẫn độ của một trong số các quốc gia đó hay không.

Thứ ba, dẫn độ tội phạm nhằm hai mục đích đó là truy cứu TNHS hoặc thi hành án đối với người có hành vi phạm tội. Các hoạt động này sẽ do quốc gia yêu cầu tiến hành sau khi tiếp nhận người bị dẫn độ từ quốc gia được yêu cầu. Trong thực tiễn, người phạm tội thường tìm cách che giấu hành vi phạm tội của mình hoặc chạy sang lãnh thổ của quốc gia khác để trốn tránh sự truy cứu TNHS của pháp luật. Nhiều trường hợp, người phạm tội đã trốn thoát ra nước ngoài, sử dụng giấy tờ giả hoặc các phương tiện khác để che giấu nhân thân, tìm cách cứ trú lâu dài, trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Mục đích chung của dẫn độ tội phạm chính là buộc người có hành vi phạm tội bỏ trốn đó phải chịu TNHS về tội phạm mà họ đã gây ra. Hoạt động dẫn độ tội phạm được thực hiện có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Cho dù người phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn bỏ trốn, cuối cùng vẫn không thoát khỏi sự truy cứu TNHS. Kết quả này vừa là sự trừng phạt người phạm tội, vừa có tác dụng răn đe những người phạm tội khác đang có ý định bỏ trốn, rộng hơn là giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của công dân.

Thứ tư, dẫn độ tội phạm được thực hiện trên cơ sở ĐƯQT hoặc mức độ quan hệ giữa các quốc gia. Các ĐƯQT về dẫn độ tội phạm gồm ĐƯQT đa phương mà quốc gia đó tham gia hoặc gia nhập và ĐƯQT song phương được kí kết giữa quốc gia được yêu cầu và quốc gia yêu cầu dẫn độ. Nếu có một yêu cầu dẫn độ phù hợp với ĐƯQT có liên quan giữa các quốc gia thành viên, yêu cầu đó phải được thi hành. Nếu từ chối không có cơ sở thì quốc gia được yêu cầu đã vi phạm nghĩa vụ quốc tế của mình đồng thời làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai quốc gia. Hoạt động dẫn độ tội phạm tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế và những nguyên tắc riêng của dẫn độ.

2. Cơ sở pháp lí của dẫn độ tội phạm ở Việt Nam

Cơ sở pháp lí của dẫn độ tội phạm chính là tổng hợp các quy phạm pháp luật của ĐƯQT đa phương và ĐƯQT song phương, nội luật của quốc gia và các nguyên tắc được hình thành trong thực tiễn pháp luật hình sự quốc tế, mà trên cơ sở đó các quốc gia có thể yêu cầu, thực hiện yêu cầu dẫn độ.([v]) Cơ sở pháp lí của dẫn độ tội phạm ở Việt Nam bao gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, các điều ước quốc tế đa phương về dẫn độ tội phạm

Việt Nam đã tham gia một số ĐƯQT đa phương về dẫn độ tội phạm, cụ thể là: Ba công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát chất ma tuý (Công ước thống nhất các chất ma tuý, Công ước về chất hướng thần, Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và các chất hướng thần); hai nghị định thư bổ sung cho Công ước quyền trẻ em (Nghị định thư về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ emvà văn hoá phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư về việc sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang); Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Việt Nam đã kí kết Công ước này ngày 13/12/2000 tại Palermo (Italia), tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa phê chuẩn Công ước này); Công ước chống tham nhũng (Việt Nam đã kí kết Công ước này nhưng chưa phê chuẩn); 8 trong tổng số 13 ĐƯQT về ngăn ngừa và trừng trị tội phạm khủng bố quốc tế.([vi])

Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu để gia nhập các điều ước còn lại.Tuy nhiên, khi phê chuẩn ba công ước về kiểm soát các chất ma tuý và hai nghị định thư bổ sung cho Công ước quyền trẻ em Việt Nam lại bảo lưu các điều khoản về dẫn độ tội phạm. Nguyên nhân là do thời điểm đó dẫn độ tội phạm ở Việt Nam vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Ngoài ra, chúng ta chưa có điều kiện chuẩn bị đầy đủ về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong nước, về con người, đội ngũ cán bộ cũng như trình tự, thủ tục về dẫn độ tội phạm.

Vì lí do đó Việt Nam đã tạm thời bảo lưu các điều khoản về dẫn độ tội phạm trong các ĐƯQT đa phương nói trên. Tuy nhiên, hiện nay trước yêu cầu ngày càng cao về hoạt động hợp tác quốc tế trong TTHS, cũng như yêu cầu về công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vấn đề dẫn độ tội phạm của Việt Nam đã được pháp điển hoá theo hướng ngày càng hoàn thiện, chúng ta cần nghiên cứu rút lại sự bảo lưu những điều khoản về dẫn độ tội phạm, để có thể đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lí cho hoạt động dẫn độ tội phạm cũng như thể hiện được thiện chí của Việt Nam trong việc nỗ lực thực hiện các ĐƯQT.

Thứ hai, các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ tội phạm

Bên cạnh ĐƯQT đa phương về dẫn độ tội phạm, ĐƯQT song phương về dẫn độ tội phạm hoặc ĐƯQT song phương có quy định về dẫn độ tội phạm cũng là cơ sở pháp lí cho các quốc gia tiến hành việc dẫn độ tội phạm khi có yêu cầu dẫn độ tội phạm phát sinh trong thực tiễn. Tính đến tháng 8/2012, Việt Nam đã kí kết 29 hiệp định TTTP với các quốc gia trên thế giới([vii]), trong đó bao gồm 4 hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù; 23 hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình, thương mại, lao động và vấn đề hình sự (trong đó có 13 hiệp định TTTP về hình sự có nội dung quy định một số vấn đề về dẫn độ tội phạm),([viii]) 1 hiệp định song phương về dẫn độ tội phạm với Hàn Quốc kí kết ngày 15/9/2003, có hiệu lực từ ngày 19/4/2005 và 1 hiệp định song phương về dẫn độ tội phạm với Algeria kí kết ngày 14/4/2010 nhưng chưa có hiệu lực. Cụ thể như sau:

Hiệp định TTTP và pháp lí về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc cũ được kí kết ngày 12/10/1982, có hiệu lực từ ngày 16/4/1984. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương II Phần II (Dẫn độ) bao gồm 19 điều (từ Điều 61 đến Điều 79). Hiện nay, Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlôvakia đang kế thừa Hiệp định này.

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Việt Nam và Cu Ba được kí kết ngày 30/11/1984 và đang có hiệu lực. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương I Phần III (Dẫn độ) bao gồm 16 điều (từ Điều 58 đến Điều 73).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Hunggari được kí kết ngày 18/01/1985 và đang có hiệu lực. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương I Phần III (Dẫn độ)bao gồm 18 điều (từ Điều 58 đến Điều 75).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Bungari được kí kết ngày 30/10/1986 và đang có hiệu lực thi hành. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương VIII (Dẫn độ) bao gồm 16 điều (từ Điều 59 đến Điều 74).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Ba Lan được kí kết ngày 23/3/1993, có hiệu lực từ ngày 18/1/1995. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương I Phần 3 (Dẫn độ) bao gồm 18 điều (từ điều 52 đến điều 69).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào được kí kết ngày 06/7/1998, có hiệu lực từ ngày 19/02/2000. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại mục II Chương III (Dẫn độ người phạm tội) bao gồm 18 điều (từ Điều 59 đến Điều 76).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga được kí kết ngày 25/8/1998, có hiệu lực từ ngày 27/8/2012. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương II Phần thứ ba (Dẫn độ để truy tố hình sự và thi hành án) bao gồm 16 điều (từ Điều 62 đến Điều 77).

Hiệp định TTTP và pháp lí về các vấn đề dân sự  và hình sự  giữa Việt Nam và Ukraina được kí kết ngày 16/4/2000, có hiệu lực từ ngày 19/8/2002. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương III (Tương trợ tư pháp và quan hệ pháp lí về các vấn đề hình sự) bao gồm 13 điều (từ Điều 50 đến Điều 62).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Mông Cổ được kí kết ngày 17/4/2000, có hiệu lực từ ngày 13/6/2002. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Phần thứ 3 (Tương trợ tư pháp về hình sự) bao gồm 16 điều (từ Điều 54 đến Điều 69).

 Hiệp định TTTP và pháp lí về các vấn đề dân sự, gia đình, lao động và hình sự giữa Việt Nam và Belarus được kí kết ngày 14/9/2000, có hiệu lực từ ngày 18/10/2001. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Chương II Phần thứ 3 (Dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự và thi hành án) bao gồm 17 điều (từ Điều 69 đến Điều 85).

Hiệp định TTTP về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Triều Tiên được kí kết ngày 04/5/2002, có hiệu lực từ ngày 24/02/2004. Nội dung về dẫn độ tội phạm được quy định cụ thể tại Phần 2 (Tương trợ tư pháp về vấn đề hình sự) bao gồm 12 điều (từ Điều 33 đến Điều 44).

Nghị định thư bổ sung Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lí về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Liên bang Ngađược kí kết ngày 23/4/2003, có hiệu lực từ ngày 27/7/2012, bổ sung điểm 6 vào khoản 1 Điều 63 về các trường hợp không dẫn độ.

Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam với Hàn Quốc được kí kết ngày 15/9/2003, có hiệu lực từ ngày 19/4/2005, bao gồm 20 điều khoản. Đây là ĐƯQT song phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia kí kết với một quốc gia khác về vấn đề dẫn độ tội phạm.

Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Cộng hoà dân chủ nhân dân Algeria, kí kết ngày 14/4/2010, hiện nay đang trong giai đoạn làm thủ tục phê chuẩn.

Các hiệp định TTTP trên là cơ sở pháp lí quan trọng và chủ yếu cho hoạt động dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và các quốc gia kí kết hiệp định có liên quan. Đó là những quy phạm pháp luật quốc tế thực chất và thống nhất, trực tiếp ấn định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp tác dẫn độ tội phạm. Do vậy, đây là cách giải quyết dẫn độ tội phạm trong các hiệp định nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Thứ ba, các quy định của pháp luật quốc gia về dẫn độ tội phạm

 Về nguyên tắc, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các ĐƯQT đa phương hoặc song phương nhưng trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm lại tuân theo quy định của pháp luật quốc gia được yêu cầu dẫn độ và pháp luật quốc gia yêu cầu dẫn độ. Theo đó, mỗi quốc gia đều có các quy định về dẫn độ tội phạm. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật riêng về dẫn độ tội phạm. Nội dung của luật quy định cụ thể về trình tự, thủ tục dẫn độ tội phạm. Đối với Việt Nam, trước khi ban hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 – văn bản luật đầu tiên quy định về tất cả các vấn đề liên quan đến dẫn độ tội phạm thì đã có một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dẫn độ tội phạm.

Khi Việt Nam kí kết Hiệp định TTTP với Cộng hoà dân chủ Đức, Liên Xô cũ, Tiệp Khắc, ngày 23/3/1984 thì Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư liên bộ số 139/TT-LB ngày 12/3/1984 về việc thi hành Hiệp định TTTP và pháp lí về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự được kí kết giữa Việt Nam với Liên Xô cũ và các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Thông tư này quy định về nhiệm vụ của các ngành trong việc thực hiện hoạt động TTTP nói chung, trong đó có hoạt động dẫn độ tội phạm. Đây chỉ có thể coi là cơ sở pháp lí cho cơ chế thực hiện việc dẫn độ tội phạm theo hiệp định TTTP mà Việt Nam đã kí kết với các quốc gia.

Cùng với quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế ở nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cấu kết thành các băng nhóm tội phạm trong và ngoài nước diễn biến phức tạp; một số người Việt Nam phạm tội rồi bỏ trốn ra nước ngoài, nhiều người nước ngoài phạm tội tại nước ngoài rồi chạy trốn sang Việt Nam. Để hợp tác và đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã quy định về dẫn độ tội phạm tại Chương XXXVII (Dẫn độ và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, vật chứng của vụ án)nhằm xác định những nguyên tắc cơ bản về hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự nói chung và dẫn độ tội phạm nói riêng. Điều 343 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định các căn cứ dẫn độ tội phạm như sau:

– Các ĐƯQT mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia kí kết hay gia nhập.

– Nguyên tắc có đi có lại.

Trường hợp Việt Nam đã kí kết hay gia nhập ĐƯQT thì dẫn độ tội phạm được thực hiện trong trường hợp này là thực hiện các nghĩa vụ quốc tế đã được cam kết. Thông thường ĐƯQT thuộc trường hợp nói trên là ĐƯQT đa phương và ĐƯQT song phương về dẫn độ tội phạm. Trong trường hợp Việt Nam chưa kí kết hoặc chưa gia nhập các ĐƯQT liên quan thì vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa hai chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Dẫn độ tội phạm trong trường hợp này không phải là thực hiện nghĩa vụ quốc tế đã cam kết. Như vậy, nguyên tắc có đi có lại có vai trò quan trọng trong hoạt động dẫn độ tội phạm, là cơ sở thay thế các ĐƯQT trong việc dẫn độ tội phạm và thực hiện dẫn độ tội phạm, nguyên tắc này vẫn có ý nghĩa quan trọng trong cả trường hợp có ĐƯQT về dẫn độ tội phạm. Bên cạnh Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định về vấn đề dẫn độ tội phạm tại Chương IV (từ Điều 32 đến Điều 48), trong đó đề cập tất cả những vấn đề liên quan đến dẫn độ tội phạm hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng cả về lí luận và thực tiễn trong công tác chuyển giao người bị kết án nhằm phục vụ cho việc truy cứu TNHS, thi hành án nói riêng và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

3. Một số nội dung cơ bản về dẫn độ tội phạm trong các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với một số quốc gia trên thế giới

Dẫn độ tội phạm là thủ tục đặc biệt trong hoạt động tố tụng hình sự quốc tế và được thực hiện chủ yếu dựa trên các ĐƯQT đa phương và ĐƯQT song phương, nhằm trao trả người có hành vi phạm tội cho quốc gia mà người đó là công dân, để quốc gia này thực hiện việc truy cứu TNHS hoặc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội. Như vậy, trước hết dẫn độ tội phạm đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế, vì lợi ích chung là phòng chống tội phạm quốc tế.

Hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia trên thế giới quy định một số vấn đề về dẫn độ tội phạm như: Nghĩa vụ dẫn độ; điều kiện dẫn độ; vấn đề từ chối dẫn độ, hoãn dẫn độ và dẫn độ tạm thời; thực hiện dẫn độ; giới hạn truy cứu trách nhiệm hình sự; văn bản yêu cầu dẫn độ và bổ sung tài liệu văn bản dẫn độ; tạm giữ để dẫn độ, trả tự do cho người bị yêu cầu dẫn độ; vấn đề nhiều quốc gia cùng yêu dẫn độ một đối tượng; chuyển giao đồ vật của người bị dẫn độ và người bị dẫn độ; quá cảnh và các quy định liên quan; chi phí về dẫn độ và quá cảnh; thông báo kết quả truy cứu trách nhiệm hình sự người bị dẫn độ; cách thức liên hệ… Tuy nhiên, trong phạm vi bài nghiên này chúng tôi chỉ tập trung làm rõ một số nội dung về dẫn độ tội phạm trong các hiệp định TTTP nói trên, mà trong lí luận cũng như trong thực tiễn còn nhiều vấn đề tranh luận và vướng mắc.

Thứ nhất, về nghĩa vụ dẫn độ tội phạm

 Các hiệp định TTTP đều thống nhất quy định: Các nước kí kết cam kết sẽ dẫn độ cho nhau những người đang ở trên lãnh thổ quốc gia mình để quốc gia kí kết truy cứu TNHS hoặc để thi hành hình phạt. Các hiệp định đều chỉ quy định việc dẫn độ tội phạm là để truy cứu TNHS những người có hành vi mà pháp luật của cả hai quốc gia kí kết đều coi là tội phạm, với hình phạt tù giam tối thiểu từ một năm trở lên. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Hàn Quốc:

“Người bị dẫn độ theo quy ước của Hiệp định này là người có hành vi phạm tội có thể bị xử phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nặng hơn theo quy định pháp luật của cả hai bên tại thời điểm yêu cầu dẫn độ” Hoặc tại khoản 2 Điều 62 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Liên bang Nga quy định: “Việc dẫn độ để truy tố hình sự được tiến hành đối với những hành vi mà theo pháp luật của cả hai Bên kí kết đều là tội phạm và phải chịu hình phạt tù với thời hạn từ một năm trở lên hoặc nặng hơn”.

Bên cạnh đó, khi xem xét đến đối tượng bị dẫn độ để chấp hành hình phạt, ở các hiệp định còn tồn tại sự khác nhau về hình phạt tù tối thiểu để có thể dẫn độ người có hành vi phạm tội hoặc đã bị kết án. Phần lớn các hiệp định quy định chỉ dẫn độ để bắt thi hành hình phạt những người phạm tội hoặc đã bị kết án mà theo pháp luật của hai quốc gia kí kết bị phạt tù từ một năm trở lên, ví dụ: Các hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Lào, Việt Nam và Hungary, Việt Nam và Tiệp Khắc cũ…Cụ thể, đoạn 2 Điều 60 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Lào quy định:

“Việc dẫn độ để thi hành bản án hình sự chỉ được thực hiện khi người có hành vi phạm pháp bị kết án tù từ một năm trở lên hoặc hình phạt nặng hơn”.

Tuy nhiên, một số hiệp định quy định mức phạt tù tối thiểu chỉ có 6 tháng để có thể dẫn độ người có hành vi phạm tội, ví dụ: Các hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ba Lan, Việt Nam và Mông Cổ, Việt Nam và Hàn Quốc. Cụ thể, đoạn 2 khoản 2 Điều 54 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Mông Cổ quy định:

“Việc dẫn độ để thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật được áp dụng đối với những người bị kết án phạt tù không dưới 6 tháng hoặc phải chịu hình phạt khác nặng hơn”.

Như vậy, hai quốc gia kí kết chỉ thực hiện dẫn độ trên cơ sở quy định của Hiệp định. Nếu một quốc gia có yêu cầu dẫn độ phù hợp với các quy định của hiệp định thì các quốc gia kí kết kia phải có nghĩa vụ chuyển giao đối tượng đang bỏ trốn trên lãnh thổ của quốc gia mình cho quốc gia kí kết có yêu cầu. Ngược lại, hai quốc gia kí kết sẽ không có nghĩa vụ dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ trái với các quy định của hiệp định hoặc trái với pháp luật của quốc gia kí kết được yêu cầu. Mục đích của việc dẫn độ tội phạm là để quốc gia kí kết yêu cầu dẫn độ truy cứu TNHS hoặc bắt thi hành hình phạt đối với người bị dẫn độ. Có nghĩa là người đó đang là đối tượng của quá trình tố tụng hình sự, có thể đã bỏ trốn ngay sau khi gây án hoặc đang trong một giai đoạn tố tụng nào đó của quá trình tố tụng hình sự, có thể là ngay sau khi bị khởi tố hoặc đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án.

Để quốc gia kí kết thực hiện nghĩa vụ dẫn độ, quốc gia kí kết yêu cầu dẫn độ phải chỉ ra rằng đối tượng bỏ trốn đã thực hiện hành vi phạm tội và hành vi đó chưa bị truy cứu TNHS hay bị trừng phạt. Xuất phát từ sự phức tạp trong thủ tục dẫn độ tội phạm nên những tội phạm ít nghiêm trọng, gây hại không lớn cho xã hội thì không nhất thiết phải áp dụng thủ tục dẫn độ mà có thể sử dụng các biện pháp khác như trục xuất, đẩy trả… Vì vậy, trong các hiệp định đều quy định hình phạt tối thiểu có thể áp dụng hoặc đã áp dụng cho đối tượng phạm tội.

Thứ hai, về vấn đề từ chối dẫn độ người phạm tội

Từ chối dẫn độ người phạm tội là vấn đề được quy định ở tất cả các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia có quy định về dẫn độ. Tuy nhiên, các trường hợp từ chối dẫn độ được quy định trong từng hiệp định có sự khác nhau nhất định. Nói chung có thể khái quát các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm trong các hiệp định bao gồm: Người bị dẫn độ là công dân của quốc gia kí kết được yêu cầu; người bị dẫn độ là cá nhân đã có hành vi phạm pháp trong cùng một vụ án mà quốc gia kí kết yêu cầu đã kết án hoặc đã có bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật hoặc đã có lệnh đình chỉ xét xử vụ án; tội phạm xảy ra trên lãnh thổ quốc gia kí kết được yêu cầu dẫn độ; quốc gia kí kết được yêu cầu xét thấy trong pháp luật của quốc gia mình, hành vi phạm tội làm căn cứ dẫn độ đã hết thời hiệu tố tụng hình sự hoặc hết thời hạn thi hành bản án; quốc gia kí kết được yêu cầu dẫn độ xét thấy pháp luật quốc gia mình không thể chấp nhận được việc dẫn độ vì lí do đặc biệt. 

Trong các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm nêu trên, xuất phát từ nguyên tắc quốc tịch và nguyên tắc chủ quyền quốc gia, các hiệp định TTTP đều quy định hai quốc gia kí kết có quyền từ chối dẫn độ đối với công dân của quốc gia mình. Tuân theo nguyên tắc pháp lí tối cao đó, quốc gia kí kết sẽ không chấp nhận yêu cầu dẫn độ công dân quốc gia mình, cho dù người đó phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia bên kia.

Đây là vấn đề hoàn toàn phù hợp với pháp luật của mỗi quốc gia cũng như pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, trong trường hợp quốc gia kí kết được yêu cầu xét thấy trong pháp luật của quốc gia mình hành vi phạm tội làm căn cứ dẫn độ tội phạm đã hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc hết thời hạn thi hành bản án thì đó cũng là căn cứ để từ chối dẫn độ tội phạm. Bởi lẽ, dẫn độ tội phạm phụ thuộc rất lớn vào việc xem xét thời hiệu trên cơ sở pháp luật của quốc gia kí kết được yêu cầu dẫn độ. Nếu một vụ án, theo pháp luật của quốc gia kí kết yêu cầu vẫn còn thời hiệu truy cứu TNHS nhưng theo pháp luật của quốc gia kí kết được yêu cầu thời hiệu này đã hết thì quốc gia kí kết được yêu cầu vẫn có quyền căn cứ vào pháp luật của quốc gia mình để từ chối dẫn độ tội phạm.

Về nguyên tắc, khi đã hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc hết thời hạn chấp hành hình phạt đối với một tội phạm thì người gây ra hành vi phạm tội đó sẽ không bị tiến hành tố tụng, cũng như không bị bắt thi hành hình phạt đã tuyên. Vì ý nghĩa đó nên trong pháp luật quốc gia cũng như ĐƯQT về dẫn độ tội phạm của một số quốc gia quy định rõ về vấn đề này. Đây là vấn đề cần đặt ra trong việc thực hiện các hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các quốc gia.

Bên cạnh những điểm chung về các trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm, tại một số hiệp định còn quy định những trường hợp dẫn độ tội phạm đặc thù, chỉ tồn tại trong hiệp định đó. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 3 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Hàn Quốc quy định:

“Việc dẫn độ sẽ không được thực hiện theo Hiệp định trong trường hợp khi bên được yêu cầu xác định rằng tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm mang tính chất chính trị” hoặc tại khoản 2 Điều 55 Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ba Lan quy định:

“Các nước kí kết không được dẫn độ trong trường hợp tội phạm đã thực hiện trên lãnh thổ của nước thứ ba và pháp luật của nước kí kết được yêu cầu không cho truy cứu trách nhiệm hình sự loại tội phạm đó thực hiện ngoài lãnh thổ nước mình”. Sở dĩ tồn tại những khác biệt đó là do sự khác nhau trong hệ thống pháp luật cũng như tình hình tội phạm ở các quốc gia.

Thứ ba, về vấn đề hoãn dẫn độ tội phạm

Hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các quốc gia đều quy định về vấn đề này. Có thể khát quát quy định về hoãn dẫn độ tội phạm trong các hiệp định TTTP như sau: Nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu TNHS hoặc đang phải chấp hành hình phạt trên lãnh thổ của bên kí kết được yêu cầu do thực hiện tội phạm khác thì có thể hoãn dẫn độ người đó cho đến khi kết thúc việc xét xử hình sự hoặc chấp hành xong hình phạt hoặc được tha trước thời hạn. Ngoài ra, trong Hiệp định về dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Hàn Quốc hay trong Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ba Lan, việc hoãn dẫn độ tội phạm được quy định khá cụ thể.

Thứ tư, về vấn đề giới hạn của việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ

 Các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia đều quy định: Nếu không được sự đồng ý của quốc gia kí kết được yêu cầu thì không truy cứu TNHS người bị dẫn độ, không được buộc người đó phải chấp hành hình phạt về một tội phạm đã thực hiện trước ngày dẫn độ và cũng không dẫn độ người đó cho quốc gia thứ ba. Bên cạnh đó, phần lớn hiệp định còn quy định các trường hợp không đòi hỏi phải có sự đồng ý nói trên, có nghĩa là không đòi hỏi phải có sự đồng ý của quốc gia kí kết được yêu cầu thì quốc gia kí kết yêu cầu có thể truy cứu hoặc không truy cứu TNHS người bị dẫn độ, hoặc có thể thi hành án hay không thi hành án trong các trường hợp cụ thể và thường được quy định tại khoản 2 của điều luật quy định về vấn đề này.

Thứ năm, một số quy định khác liên quan đến dẫn độ

Quy định có liên quan đến dẫn độ tội phạm đầu tiên đó là dẫn độ tạm thời. Dẫn độ tạm thời cũng được ghi nhận ở hầu hết các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia, trong đó đều thể hiện nội dung: Nếu việc hoãn dẫn độ tội phạm dẫn đến hết thời hiệu tố tụng (chính là thời hiệu truy cứu TNHS) hoặc có thể cản trở việc tiến hành xét xử vụ án hình sự thì người bị yêu cầu dẫn độ có thể bị dẫn độ tạm thời theo yêu cầu hợp lí của các quốc gia kí kết.

Ngoài các vấn đề cơ bản nêu trên, trong hiệp định TTTP còn quy định các vấn đề khác liên quan đến dẫn độ tội phạm như bắt giữ để dẫn độ, văn bản dẫn độ, vấn đề bổ sung tài liệu văn bản dẫn độ, dẫn độ tạm thời, dẫn độ lại, chuyển giao người dẫn độ, thông báo kết quả dẫn độ, quá cảnh… Nhìn chung, các quy định trên có sự khác nhau nhất định về cách thức quy định còn về nội dung đều có những điểm chung nhất, tạo ra sự thống nhất trong việc thực hiện dẫn độ tội phạm mà Việt Nam tham gia với tư cách là một trong hai bên kí kết.

4. Một số đề xuất, kiến nghị

Nhìn chung, quy định về dẫn độ tội phạm trong hiệp định TTTP mà Việt Nam đã kí kết với các quốc gia trên thế giới cho thấy việc có đầy đủ quy định tối thiểu thống nhất trong các hiệp định đã tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ sở pháp lí cho hoạt động dẫn độ tội phạm ở mỗi quốc gia kí kết. Tuy nhiên, trong chính những quy định này còn tồn tại hạn chế nhất định về mặt kĩ thuật lập pháp cần phải được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi.

Thứ nhất, tiêu đề của phần dẫn độ tội phạm trong các hiệp định TTTP mà Việt Nam đã tham gia kí kết với một số quốc gia trên thế giới chưa thống nhất,([i]) sự khác nhau về tiêu đề như trên dẫn đến giới hạn phạm vi các vấn đề tương trợ về hình sự, trong đó có dẫn độ tội phạm thiếu tính hệ thống. Bởi vậy, cần xem xét lại việc đặt tiêu đề cho phù hợp và thống nhất với nội dung các điều khoản. Xuất phát từ chính các nội dung có liên quan đến dẫn độ tội phạm được thể hiện trong các hiệp định TTTP mà Việt Nam đã tham gia kí kết với một số quốc gia trên thế giới, theo chúng tôi nên đặt tên thống nhất trong phần liên quan đến dẫn độ tội phạm trong thời gian tới là “Dẫn độ tội phạm”.

Thứ hai, vấn đề nhiều quốc gia cùng yêu cầu dẫn độ tội phạm được quy định trong các hiệp định TTTP mà Việt Nam đã kí kết với một số quốc gia trên thế giới vẫn còn tồn tại sự không thống nhất, cụ thể: Có hiệp định quy định dẫn độ một người mà nhiều nước cùng yêu cầu dẫn độ (Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Lào), có hiệp định quy định nhiều yêu cầu dẫn độ đối với một người (Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Hàn Quốc), có hiệp định quy định xung đột về yêu cầu dẫn độ (Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Liên bang Nga), có hiệp định quy định yêu cầu dẫn độ của một số quốc gia (Hiệp định TTTP Việt Nam giữa Mông Cổ). Chính từ sự khác nhau này có thể dẫn đến cách hiểu và áp dụng không thống nhất các quy định về dẫn độ tội phạm theo yêu cầu của nhiều quốc gia có liên quan đến đối tượng bị yêu cầu dẫn độ. Theo chúng tôi cần đặt tên thống nhất cho vấn đề này trong các hiệp định TTTP mà Việt Nam sẽ kí kết với các quốc gia trong thời gian tới là “Nhiều quốc gia yêu cầu dẫn độ tội phạm”.

Đồng thời cần bổ sung thêm các tiêu chí, căn cứ để quốc gia được yêu cầu dẫn độ tội phạm xem xét đưa ra quyết định cho một quốc gia yêu cầu dẫn độ tội phạm trong số các quốc gia cùng yêu cầu dẫn độ tội phạm được dẫn độ người phạm tội, cụ thể trên cơ sở nghiên cứu kĩ một số hiệp định TTTP mà Việt Nam đã kí kết với Cu Ba, Ba Lan, theo chúng tôi cần bổ sung những căn cứ sau đây làm cơ sở cho quốc gia được yêu cầu dẫn độ xem xét, quyết định cho quốc gia yêu cầu dẫn độ được dẫn độ tội phạm:

– Quốc tịch của người bị yêu cầu dẫn độ;

– Địa điểm thực hiện hành vi phạm tội;

– Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội;

– Khả năng dẫn độ của các quốc gia yêu cầu (đảm bảo sự thuận lợi trong dẫn độ tội phạm của quốc gia yêu cầu dẫn độ tội phạm);

– Thời gian các quốc gia yêu cầu dẫn độ đưa ra yêu cầu dẫn độ.

Thứ ba, khi nghiên cứu và xem xét quy định trong một số hiệp định TTTP về nghĩa vụ dẫn độ tội phạm, có thể nhận thấy quy định này trong một số hiệp định TTTP còn chưa thống nhất. Hầu hết các hiệp định TTTP đều quy định chỉ dẫn độ để truy cứu TNHS đối với những đối tượng bị coi là tội phạm mà theo pháp luật của cả hai quốc gia có thể bị áp dụng hình phạt ít nhất là một năm tù giam hoặc để thi hành hình phạt đối với bản án đã tuyên từ một năm tù trở lên. Tuy nhiên, trong một số hiệp định như Hiệp định TTTP giữa Việt Nam và Ba Lan, Việt Nam và Liên Xô cũ, Việt Nam và Mông Cổ lại quy định hình phạt tối thiểu đã tuyên là từ 6 tháng.

Mặt khác, các quy định này còn chưa chặt chẽ, chưa đề cập một thực tế là khi yêu cầu dẫn độ tội phạm về cùng một tội phạm mà quốc gia kí kết này quy định hình phạt tù giam tối thiểu, còn quốc gia kí kết kia quy định thời hạn tối đa của hình phạt có thể áp dụng. Điều này xét ở khía cạnh nào đó sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng của Việt Nam khi thực hiện thủ tục hoạt động dẫn độ.

Đối với vấn đề thứ nhất, theo chúng tôi về nghĩa vụ dẫn độ tội phạm trong các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia trong thời gian tới cần thống nhất quy định: Chỉ dẫn độ để truy cứu TNHS đối với những đối tượng bị coi là tội phạm mà theo pháp luật của cả hai quốc gia có thể bị áp dụng hình phạt ít nhất là một năm tù giam hoặc để thi hành hình phạt đối với bản án đã tuyên từ một năm tù trở lên. Đối với vấn đề thứ hai, để giải quyết thực tế là khi yêu cầu dẫn độ tội phạm về cùng một tội phạm mà nước kí kết này quy định hình phạt tù giam tối thiểu, còn nước kí kết kia quy định thời hạn tối đa của hình phạt có thể áp dụng, theo chúng tôi cần giải thích trong các văn bản hướng dẫn thi hành các hiệp định TTTP đó là ưu tiên pháp luật của quốc gia được yêu cầu dẫn độ trong việc xác định mức phạt tù làm căn cứ để dẫn độ tội phạm.

Thứ tư, trong trường hợp từ chối dẫn độ tội phạm được quy định tại các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia, có quy định trường hợp dẫn độ có thể bị từ chối vì bất kì lí do hợp pháp (hoặc lí do đặc biệt) do quốc gia được yêu cầu đưa ra. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất ở đây là những lí do này lại không được quy định cụ thể trong chính các hiệp định TTTP, do đó việc vận dụng quy định này như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí chủ quan, mang tính chất tuỳ nghi của quốc gia được yêu cầu dẫn độ. Điều này có thể gây trở ngại cho quá trình dẫn độ người có hành vi phạm tội theo yêu cầu của quốc gia kí kết yêu cầu dẫn độ.

Do đó, theo chúng tôi để tránh sự tuỳ nghi không cần thiết của quốc gia được yêu cầu dẫn độ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc dẫn độ tội phạm cần quy định và giải thích rõ các trường cụ thể nào thuộc lí do hợp pháp (hoặc lí do đặc biệt) mà quốc gia được yêu cầu dẫn độ đưa ra để từ chối yêu cầu dẫn độ trong chính các hiệp định TTTP mà Việt Nam kí kết với các quốc gia trong thời gian tới. Chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng lí do đặc biệt hoặc lí do hợp pháp mà quốc gia kí kết được yêu cầu đưa ra để từ chối việc dẫn độ phải là lí do hết sức chính đáng và có sức thuyết phục như vì tình trạng sức khoẻ của đối tượng bị yêu cầu không đảm bảo, do chính sách khoan hồng của nhà nước được yêu cầu.([ii])

Thứ năm, cần sớm ban hành văn bản quy định chi tiết về thủ tục dẫn độ tội phạm (có thể dưới dạng thông tư hướng dẫn tương tự như Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Bộ Ngoại giao số 139/TT-LB về việc thi hành Hiệp định TTTP và pháp lí về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự được kí kết giữa Việt Nam với Liên Xô cũ và các quốc gia xã hội chủ nghĩa ngày 23/3/1984 về thủ tục dẫn độ. Chúng ta có thể tham khảo những thủ tục này ở pháp luật của Anh và Hàn Quốc nhằm tạo cơ sở pháp lí, cũng như tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất cho việc thực hiện thủ tục dẫn độ theo các hiệp định TTTP mà Việt Nam đã kí kết với một số quốc gia trên thế giới.

Thứ sáu, tiếp tục kí kết hiệp định TTTP song phương về dẫn độ tội phạm hoặc có quy định về dẫn độ tội phạm với các quốc gia khác, trước hết là với các quốc gia láng giềng, quốc gia trong khu vực và quốc gia có quan hệ truyền thống (đặc biệt là với Trung Quốc).                                                          

ThS. Ngô Thanh Xuyên

Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp


([i]).Xem: GS. Nguyễn Huy Chiểu (chủ biên), Giáo trình hình luật, Viện đại học Sài Gòn,niên khoá 1973 – 1974.

([ii]).Xem: ThS. Mai Thanh Hiếu,“Vấn đề dẫn độ theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”, Tạp chí luật học,Đặc san về Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, tr. 29.

([iii]).Xem: TS. Dương Tuyết Miên, “Vấn đề dẫn độ tội phạm”, Tạp chí t án nhân dân, số 10/2006, tr. 2.

([iv]).Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội,Giáo trình luật tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2009, tr. 577.

([v]).Xem: GS.TS. Nguyễn Ngọc Anh, “Dẫn độ theo luật tương trợ tư pháp – Một số vấn đề lí luận và thực tiễn”, Tạp chí toà án nhân dân, số 15/2009, tr. 2.

([vi]). Bao gồm:Công ước về các tội phạm và một số hành vi phạm tội khác thực hiện trên máy bay năm 1963, Công ước về trừng trị việc chiếm giữ bất hợp pháp tàu bay năm 1970, Công ước về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng năm 1971, Công ước về ngăn ngừa và trừng trị các tội phạm chống lại những người được bảo hộ quốc tế năm 1973, bao gồm viên chức ngoại giao, Nghị định thư về trừng trị các hành vi bạo lực bất hợp pháp tại các cảng hàng không phục vụ hàng không dân dụng quốc tế năm 1988, bổ sung cho Công ước về trừng trị những hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn hàng không dân dụng năm 1971, Công ước về trừng trị các hành vi bất hợp pháp chống lại an toàn của những công trình trên thềm lục địa năm 1988, Công ước quốc tế về trừng trị việc tài trợ cho việc khủng bố năm 1999.

([vii]).Xem: Bộ ngoại giao Việt Nam, Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự, http://lanhsuvietnam.gov.vn/Lists/BaiViet/B%C3%A0i%20vi%E1%BA%BFt/DispForm.aspx?List=dc7c7d75-6a32-4215-afeb-47d4bee70eee&ID=414

([viii]).Hiệp định TTTP và pháp lí về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Liên Xô (Liên bang Nga kế thừa): Kí kết ngày 10/12/1981, có hiệu lực từ ngày 10/10/1982, nội dung về dẫn độ được quy định cụ thể tại Chương III (Tương trợ về tư pháp hình sự, dẫn độ) bao gồm 16 điều (từ Điều 53 đến Điều 68). Liên bang Nga đang kế thừa Hiệp định này, hiện nay đã hết hiệu lực.

([ix]).Xem: Các hiệp định TTTP giữa Việt Nam với Lào, Liên bang Nga, Mông Cổ, Ba Lan, Ukraina, Triều Tiên.

([x]).Xem: TS. Nguyễn Ngọc Anh, “Hoạt động dẫn độ tội phạm theo hiệp định TTTP giữa Việt Nam với các nước”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, số 5/2001, tr. 18.

([xi]). Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã kí kết với Trung QuốcHiệp định TTTP và pháp lí về các vấn đề dân sự và hình sự ngày 19/10/1998, tuy nhiên, Hiệp định này chưa quy định các vấn đề pháp lí về dẫn độ tội phạm.

Tham khảo thêm các bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191