Tiền đặt trước để tham gia đấu giá: Tối đa không quá 15%

Tiền đặt trước để tham gia đấu giá: Tối đa không quá 15%

14/10/2009

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về khoản tiền đặt trước (không quá 5% giá khởi điểm) của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản hiện hành là quá thấp, gây sự liên kết, thông đồng trong bán đấu giá tài sản.
Theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, khi đăng ký mua tài sản, người mua phải nộp một khoản tiền đặt trước do người bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối đa không quá 5% của giá khởi điểm. Trường hợp người đã nộp tiền đặt trước mua được tài sản bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người nộp ngay sau khi cuộc bán đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

“Quy định nói trên gây tình trạng người tham gia đấu giá có thể liên kết với nhau để dìm giá tài sản hoặc sẵn sàng chịu mất số tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản với mục đích gây khó khăn cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc vụ lợi”, bà Nguyễn Thị Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết.

Để khắc phục, Dự thảo Nghị định về bán đấu giá tài sản đã sửa đổi quy định nói trên theo hướng tạo điều kiện cho tổ chức bán đấu giá và người có tài sản đấu giá thỏa thuận căn cứ vào tính chất, giá trị của từng loại tài sản, nhưng tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.

“Quy định mức tối thiểu và tối đa nhằm tạo sự linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương”, bà Minh lý giải.

Chế tài nghiêm để hạn chế thông đồng

Cũng theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, trong trường hợp người điều hành cuộc bán đấu giá tài sản đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề ít nhất bằng giá khởi điểm. Khoản tiền đặt trước thuộc về người có tài sản bán đấu giá.

Tuy nhiên, do quy định về tiền đặt cọc thấp nên nhiều trường hợp cố tình trả giá rất cao để được tuyên bố trúng đấu giá, sau đó lại từ chối mua để tài sản được bán cho người trả giá liền kề (có khi thấp hơn nhiều so với giá của người từ chối mua). Họ chấp nhận mất (một ít) tiền đặt cọc để chia nhau số tiền chênh lệch có giá trị lớn hơn nhiều lần.

Tuy nhiên, với quy định của Dự thảo lần này, tình trạng nói trên sẽ được hạn chế bằng cách đưa vào các chế tài nghiêm khắc hơn để hạn chế sự thông đồng trong đấu giá. Cụ thể, tài sản chỉ được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất phải bằng giá đã trả của người từ chối mua tài sản. Nếu số tiền cộng lại nhỏ hơn cuộc đấu giá không thành.

Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua mà có hai người trở lên cùng trả giá liền kề thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp để lựa chọn người mua tài sản.

Khoản tiền đặt trước trong trường hợp từ chối mua tài sản thuộc về người có tài sản bán đấu giá.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: có quyền hủy kết quả đấu giá?

Ngoài hai trường hợp bị hủy kết quả bán đấu giá tài sản theo thủ tục tố tụng dân sự, Dự thảo Nghị định bổ sung một số trường hợp được hủy kết quả bán đấu giá tài sản theo trình tự hành chính, do có vi phạm về trình tự, thủ tục bán đấu giá, người điều hành cuộc bán đấu giá. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp nhất định. Các bên có quyền kiện ra tòa nếu không tự giải quyết được về hậu quả của việc hủy kết quả đấu giá theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên,cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có quyền hủy kết quả đấu giá vì như vậy có thể dẫn tới việc hủy một cách tràn lan. Trong khi đó, việc hủy kết quả đấu giá phải được xem xét kỹ về quy trình, thủ tục.

Thu Hằng

Trong trường hợp đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người mua được tài sản bán đấu giá mà người này từ chối mua thì tài sản được bán cho người trả giá liền kề nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất phải bằng giá đã trả của người từ chối mua. Trong trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhở hơn giá đã trả của người từ chối mua thì cuộc bán đấu giá coi như không thành.

Đối với cuộc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, trong trường hợp từ chối mua nêu trên mà có hai người trở lên cùng trả giá liền kề thì đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp để lựa chọn người mua tài sản.

(Khoản 1 Điều 34 Dự thảo Nghị định về bán đấu giá tài sản)


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191