Yêu cầu phong tỏa tài sản và khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ

Yêu cầu phong tỏa tài sản và khởi kiện yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ

Tôi cho anh A vay tiền có thế chấp quyền sử dụng đất là 3 thửa đất (hợp đồng vay có công chứng). Đến nay hợp đồng vay đã quá hạn gần 7 tháng nhưng ông A không trả nợ. Tôi rất lo lắng là ông A sẽ tẩu tán tài sản thế chấp. Tôi có thể yêu cầu phòng tài nguyên huyện phong toả tài sản thế chấp theo hợp đồng vay không? Tôi có thể tự mình khởi kiện không? Trình tự như thế nào? Tôi chân thành cám ơn.

Gửi bởi: Trọng Thanh

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Phong tỏa tài sản là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà Tòa án (tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cá nhân, cơ quan, tổ chức) áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.

Phòng tài nguyên và môi trường huyện không có thẩm quyền phong tỏa tài sản do vậy bạn không thể yêu cầu phòng tài nguyên và môi trường phong tỏa tài sản thế chấp được.

2. Bạn có thể tự mình khởi kiện ra tòa án để yêu cầu anh A thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng vay đã ký theo quy định tại Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyền khởi kiện: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bạn phải nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của anh A – bị đơn trong vụ án dân sự (hoặc Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của bạn – nguyên đơn trong vụ án dân sự nếu hai bên đã có thỏa thuận trong hợp đồng).

* Nội dung đơn khởi kiện:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

– Tên, địa chỉ của người bị kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Bạn có thể gửi kèm theo đơn khởi kiện là hợp đồng vay tiền đã công chứng để làm chứng cứ chứng minh.

* Phương thức gửi đơn:

– Nộp trực tiếp tại Toà án;

– Gửi đến Toà án qua bưu điện.

Ngày khởi kiện được tính từ ngày đương sự nộp đơn tại Toà án hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.

* Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Toà án sẽ xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

– Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

– Chuyển đơn khởi kiện cho Toà án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án khác;

– Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu:.

+ Thời hiệu khởi kiện đã hết;

+ Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;

+ Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Toà án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Toà án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện;

+ Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Tố tụng dân sự mà người khởi kiện không đến Toà án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng;

+ Chưa có đủ điều kiện khởi kiện;

+ Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Trường hợp Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án sẽ tiến hành hòa giải, chuẩn bị xét xử, ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử … theo trình tự, thủ tục quy định của bộ luật tố tụng dân sự và văn bản hướng dẫn. Khi Tòa án giải quyết vụ án, bạn có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự, như:

– Kê biên tài sản đang tranh chấp.

– Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

– Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

– Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.

– Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

– Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

– Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định.

Trong trường hợp thấy cần thiết, Tòa án sẽ có công văn yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền (như: các tổ chức công chứng, phòng tài nguyên và môi trường …) không thực hiện việc chuyển dịch tài sản mà bạn đã nhận thế chấp.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191