THỰC HƯ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 33 LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

THỰC HƯ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 33 LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

ĐỖ KHẮC CHIẾN – Chuyên gia SHTT, Trọng tài viên VIAC

Mở đầu

Gần đây, đã xảy ra một vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận, thậm chí đã được đưa ra phiên chất vấnngày 13 tháng 6 năm 2017 tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Đó là việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) yêu cầu các khách sạn tại Thành phố Đà Nẵng trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, nhưng yêu cầu đã bị một số khách sạn phản đối. Cho đến nay, vụ việc vẫn đang trong tình trạng ‘treo’, VCPMC phải tạm dừng thu tiền để hoàn tất một số công việc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

VCPMC khẳng định cơ sở pháp luật để yêu cầu khách sạn trả tiền là Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ (Luật SHTT), cụ thể là quy định về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng tại điểm b) khoản 1 Điều 20 Luật SHTT, với mức thu bằng 25.000 đồng/năm nhân với số TV lắp đặt trong phòng ngủ khách sạn. 

Cơ quan quản lý nhà nước cũng khẳng định việc VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền có cơ sở pháp luật, đó là Điều 33 Luật SHTT.

Như vậy, hiện đang có ít nhất là hai ý kiến khác nhau về cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền, một ý kiến khẳng định đó là Điều 20 Luật SHTT và một ý kiến khẳng định đó là Điều 33 Luật SHTT.

Sự khác biệt ý kiến về cơ sở pháp luật đặt ra một vấn đề rộng hơn vấn đề cụ thể của vụ tranh chấp, đó là giải thícháp dụng một số quy định của pháp luật, cụ thể là quy định tại Điều 20 và Điều 33 Luật SHTT.

Về nguyên tắc, cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền có thể là Điều 20 Luật SHTT, Điều 33 Luật SHTT, hoặc một điều khác trong Luật SHTT, thậm chí yêu cầu của VCPMC không có cơ sở pháp luật. 

Mục đích của bài viết này và một số bài tiếp theo là làm rõ cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc và trao đổi về giải quyết vụ tranh chấp giữa VCPMC và một số khách sạn ở Đà Nẵng.

Hệ quả pháp lý của việc khẳng định cơ sở pháp lý

Việc khẳng định Điều 20 hoặc Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền kéo theo những hệ quả pháp lý rất quan trọng đối với các bên có liên quan.

Dưới đây là hệ quả pháp lý của từng trường hợp lựa chọn áp dụng Điều 20 hay Điều 33 của Luật SHTT vào tình huống nói trên.

1)  Nếu khẳng định Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật

Điều 33. Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.”

Trong trường hợp này, Điều 20 Luật SHTT không phải là cơ sở pháp luật và do đó:

– Các khách sạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đình chỉ, thay vì tạm dừng, việc thu tiền của VCPMC;

– Các khách sạn đã trả tiền cho VCPMC có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý việc thu tiền không đúng pháp luật của VCPMC; và

– VCPMC có thể dựa trên Điều 33 Luật SHTT để yêu cầu khách sạn trả tiền.

2)  Nếu khẳng định Điều 20 Luật SHTT là cơ sở pháp luật

“Điều 20. Quyền tài sản

1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:

a) Làm tác phẩm phái sinh;

b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

c) Sao chép tác phẩm;

d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;

đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;

e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.

3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.”

Trong trường hợp này, Điều 33 Luật SHTT không phải là cơ sở pháp luật và do đó:

– VCPMC có quyền yêu cầu khách sạn trả tiền; và

– VCPMC có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả,đối với các khách sạn không thực hiện việc trả tiền.

3)  Nếu khẳng định Điều 33 Luật SHTT và Điều 20 Luật SHTT không phải là cơ sở pháp luật

Trong trường hợp này, yêu cầu của VCPMC không có cơ sở pháp luật và do đó:

– VCPMC phải đình chỉ việc thu tiền;

– Các khách sạn đã trả tiền cho VCPMC có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý việc thu tiền trái pháp luật của – VCPMC; và

– VCPMC phải tìm ra quy định khác của Luật SHTT, nếu có, để làm cơ sở pháp luật cho yêu cầu trả tiền.

Cách thức khẳng định cơ sở pháp luật

Để khẳng định bất kỳ một quy định nào trong Điều 20 hoặc Điều 33 Luật SHTT là cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, cần phải chứng minh rằng hành vi sử dụng của khách sạn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định đó.

Việc chứng minh phải dựa trên hành vi đã xảy ra và quy định của pháp luật, cụ thể là:

– Xác định hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCMC yêu cầu khách sạn trả tiền; và

– Xác định hành vi được điều chỉnh theo Điều 20 hoặc Điều 33 Luật SHTT.

Trên thực tế, cho đến nay chưa thấy một tài liệu nào chứng minh cơ sở pháp luật, từ phía người khẳng định cơ sở pháp luật là Điều 20 hoặc Điều 33 Luật SHTT.

Vì vậy, tìm hiểu về Điều 20 và Điều 33 Luật SHTT là việc thiết yếu phải làm, nhằm làm rõ cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền có đúng hay không.

Tuy nhiên, sẽ là hợp lý nếu bắt đầu việc tìm hiểu bằng Điều 33 Luật SHTT vì:

Chỉ gần đây Điều 33 Luật SHTT mới được khẳng định là cơ sở pháp luật; nhưng

– Điều 20 Luật SHTT đã được áp dụng trong thực tiễn nhiều năm qua mà chưa từng bị phản bác một cách chính thức.

Phạm vi điều chỉnh của Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ

1)  Quy định về quyền liên quan

Điều 33 «Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao» thuộc Mục 2. «Nội dung, giới hạn quyền, thời hạn bảo hộ quyền liên quan» (Chương II, Phần thứ hai Luật SHTT).

Như vậy, Điều 33 là điều quy định giới hạnquyền liên quan, cụ thể là giới hạn một phần quyền liên quan, để phân biệt với giới hạn toàn phần quyền liên quan tại Điều 32 Luật SHTT (Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao).

2)  Giới hạn quyền của nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’

Đoạn văn "Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng" trong khoản 1 và "Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại" trong khoản 2 Điều 33 thể hiện rõ ràng:

– Đối tượng của hành vi sử dụng là ‘bản ghi âm, ghi hình’; và

– Hành vi sử dụng là ‘phát sóng’ hoặc ‘trong hoạt động kinh doanh, thương mại’.

Như vậy, Điều 33 Luật SHTT chỉ quy định giới hạn quyền của nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’.

3)  Quyền của nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’

Khoản 1 Điều 30 Luật SHTT quy định nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’ có độc quyền sao chép ‘bản ghi âm, ghi hình’ và ’nhập khẩu,phân phối’ bản sao ‘bản ghi âm, ghi hình’.

Như vậy, theo Điều 30 Luật SHTT, nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’ không có độc quyền phát sóng ‘bản ghi âm, ghi hình’ và độc quyền sử dụng ‘bản ghi âm, ghi hình’ trong hoạt động ‘kinh doanh, thương mại’.

4)  Đối chiếu Điều 30 và Điều 33 Luật SHTT

Việc đối chiếu các quy định tại Điều 30 (quyền của nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’) và Điều 33 (giới hạn một phần quyền của nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’) Luật SHTT cho phép khẳng định chắc chắn rằng Điều 33 Luật SHTT không áp dụng đối với bất kỳ một hành vi nào thuộc phạm vi quyền của nhà sản xuất ’bản ghi âm, ghi hình’.

Hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc

Vì Điều 33 Luật SHTT không điều chỉnh bất kỳ một hành vi nào nên việc xác định hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc mà VCMC yêu cầu khách sạn trả tiền là không cần thiết.

Kết luận

Điều 33 Luật SHTT không quy định bất kỳ một giới hạn nào đối với quyền liên quan nói chung, quyền của nhà sản xuất ‘bản ghi âm, ghi hình’ nói riêng.

Nói khác đi, Điều 33 Luật SHTT không quy định bất kỳ một trường hợp nào trong “Các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao”.

Như vậy, Điều 33 Luật SHTT không thể là cơ sở pháp luật để VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc, bất kể đối tượng của hành vi sử dụng là gì; ai là người sử dụng; sử dụng dưới hình thức nào, bằng phương tiện gì, ở đâu, lúc nào, nhằm mục đích gì.

Lưu ý

Dù muốn hay không, đành phải chấp nhận đã xảy ra lỗi kỹ thuật trong quá trình soạn thảo Điều 33 Luật SHTT.

Về nguyên tắc, việc xảy ra lỗi trong quá trình soạn thảo là điều không thể loại trừ hoàn toàn, chỉ có thể hạn chế hoặc xử lý hậu quả, nếu có, thông qua thiết lập và áp dụng các nguyên tắc về quy định và giải thích pháp luật, chẳng hạn như nguyên tắc tại khoản 2 Điều 6 Luật SHTT, tại Điều 1 Công ước Rome (về bảo hộ quyền liên quan, 1961) và Điều 1 WPPT (Hiệp ước WIPO về biểu diễn và ghi âm, 1996).

SOURCE: VIBONLINE.COM.VN


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191