Quá trình phát triển và kế thừa của pháp luật Thừa kế

Quá trình phát triển và kế thừa của pháp luật Thừa kế


Quá trình phát triển và kế thừa của pháp luật Thừa kế
Quá trình phát triển và kế thừa của pháp luật Thừa kế

A_ MỞ ĐẦU

       Thừa kế với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế có mầm mống và xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người. Ở thời kỳ này, việc thừa kế nhằm di chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống được tiến hành dựa trên quan hệ huyết thống và do những phong tục tập quán riêng của từng thị tộc, bộ lạc quyết định.

       Quan hệ thừa kế là một quan hệ pháp luật, xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Mặt khác, quan hệ sở hữu là quan hệ giữa người với người về việc chiếm hữu của cải vật chất trong xã hội,trong quá trình sản xuất lưu thông phân phối của cải vật chất. Sự chiếm hữu vật chất này thể hiện giữa người này với người khác, giữa tập đoàn người này với tập đoàn người khác, đó là tiền đề đầu tiên làm xuất hiện quan hệ thừa kế.

       Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của con người, cá nhân có quyền sở hữu tài sản, quyền định đoạt tài sản của mình khi còn sống và sau khi qua đời. Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định : “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người khác thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Theo nghĩa rộng, quyền thừa kế là pháp luật về thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật quy định trình tự dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống. Thừa kế là một chế định pháp luật dân sự, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo một trình tự nhất định, đồng thời quy định phạm vi quyền, nghĩa vụ và phương thức bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của người thừa kế.

        Pháp luật về thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng để tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu. Khi xã hội phân chia thành giai cấp, xuất hiện nhà nước, việc chiếm giữ của cải vật chất trong xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật theo hướng có lợi cho giai cấp thông trị xã hội. Vì vậy quyền sở hữu hiểu theo nghĩa khách quan là tổng hợp các quy phạm pháp luật do nhà nước quy định nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu đối với các lợi ích vật chất trong xã hội. Những quy phạm pháp luật đó xác nhận, quy định và bảo vệ quyền sở hữu của các sở hữu chủ trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình. Quyền thừa kế là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành quy định các điều kiện, trình tự dich chuyển những tài sản của người đã chết cho người còn sống. Quyền sở hữu và quyền thừa kế đều là những phạm trù pháp lý, song song tồn tại trong cùng một hình thái kinh tế-xã hội nhất định. Giữa chúng có mối liên quan mật thiết va chặt chẽ, từ chỗ pháp luật quy định cho công dân có quyền sở hữu tài sản và cũng dựa vào đó pháp luật quy định cho họ các quyền năng trong quan hệ thừa kế.

 B_ NỘI DUNG

I.Lịch sử phát triển của pháp luật thừa kế Việt Nam :

 1) Pháp luật thừa kế của chế độ phong kiến Việt Nam và thời kỳ Pháp thuộc

       Trong bộ luật Hồng Đức có quy định các con (con trai, con gái, con nuôi) đều có quyền thừa kế của cha mẹ. Mọi người đều có quyền để lại hương hoả cho con cháu. Điều 390 quy định : “Cha mẹ làm chúc thư phân chia tài sản, thiết lập hương hoả trong chúc thư”. Còn bộ luật của Gia Long không thừa nhần quyền thừa kế của con gái mà chú trọng đến quyền lợi của con trai. Vấn đề thừa kế theo di chúc đã được đề cập đến như Điều 388 quy định: “Nếu có mệnh lệnh của cha mẹ, phải theo đúng. Vi phạm điều này sẽ mất phần của mình”. Xét về mặt nội dung,các quy định về thừa kế trong luật Hồng Đức và Gia Long tương đối chặt chẽ và đầy đủ.

       Thời kỳ Pháp thuộc, ở Việt Nam áp dụng các bộ luật sau : Dân luật Bắc Kì 1931 và Hoàng Việt Trung kì hộ luật 1936. Trong các bộ luật này đều có các quy định về thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.

 2) Giai đoạn từ năm 1945 đến 1959

       Sau cách mạng Tháng 8 năm 1945 Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Ngày 22/5/1950 Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh 97/SL về việc sửa đổi một số quy lệ và chế định trong luật dân luật, quy định một số nguyên tắc mới để áp dụng trong điều kiện của nền dân chủ nước ta. Riêng trong lĩnh vực thừa kế đã quy định vựo chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau; con trai, con gái đều có quyền thừa kế di sản của cha mẹ; chồng goá, vợ goá, các con đã thanh niên có quyền xin chia di sản; con, cháu hoặc vợ goá, chồng goá không bắt buộc phải nhận thừa kế của người đã chết; các chủ nợ của người đã chết không có quyền đòi người thừa kế phải thanh toán nợ quá phần di sản mà người đó nhận được.

 3) Giai đoạn từ 1959-1980

       Hiến pháp năm 1959 đã công nhận vấn đề thừa kế thành nguyên tắc, Điều 19 quy định : “Nhà nước chiếu theo pháp luật, bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân”. Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Các con đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong gia đình và trong việc hưởng thừa kế, không phân biệt con trai, con gái, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi”… Toà án nhân dân tối cao ra nhiều Thông tư hướng dẫn. Thông tư Số 549 NCPL ngày 27/8/1968 hướng dẫn đường lối xét xử các việc tranh chấp về thừa kế; Thông tư Số 02 TATC ngày 02/8/1973 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế di sản liệt sĩ…

 4) Giai đoạn từ 1980 đến nay

      Hiến pháp năm 1980, Điều 27 ghi nhận: “Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân”. Để phục vụ cho công tác xét sử, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 81 ngày 24/7/1981 hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế (Di sản thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, phân chia di sản thừa kế,…). Luật hôn nhân và gia đình ban hành năm 1986 đã quy định một số điều liên quan đến quyền thừa kế của vợ, chồng (Điều 14, Điều 16, Điều 17…). Ngày 30/8/1990, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà XHCN Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh thừa kế. Thừa kế được quy định tại phần thứ tư Bộ Luật Dân sự năm 1995 đã kế thừa hầu hết các quy định của Pháp lệnh về thừa kế 1990. Ngoài ra có bổ sung một số vấn đè mới trong lĩnh vực thừa kế, đặc biệt là việc thừa kế quyền sử dụng đất của cá nhân và thành viên của hộ gia đình. Phần thứ tư Bộ luật Dân sự năm 2005 về cơ bản vẫn giữ nguyên như trong quy định Bộ luật Dân sự năm 1995 và có một số thay đổi nhỏ để khắc phục sự cố vướng mắc không phù hợp với thực tế trong quá trình giải quyết tranh chấp về thừa kế trong thời gian qua.

 

II.Pháp luật thừa kế Việt Nam trong bộ luật dân sự năm 2005, một công cụ pháp lý quan trọng để tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu :

1) Một số nguyên tắc chung, quy định chung về thừa kế

a_ Nguyên tắc chung của quyền thừa kế

   – Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của cá nhân :

       Quyền thừa kế của công dân là một quyền hiến định, Bộ luật dân sự năm 2005 cụ thể hoá quyền này của công dân tại Phần thứ tư, đây chính là một trong những nguyên tắc khá rõ ràng về việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu. Ngay điều đầu tiên trong phần thừa kế  (Điều 634) đã đưa ra nguyên tắc chung nhất, đó là : “Quyền thừa kế của cá nhân”. Nguyên tắc này được thể hiện cụ thể như sau: Pháp luật bảo đảm quyền định đoạt của cá nhân đối với tài sản sau khi cá nhân đó chết thông qua việc lập di chúc, nếu không lập di chúc để định đoạt tài sản của mình thì việc thừa kế được giải quyết theo pháp luật.

“ Ðiều 631: Quyền thừa kế của cá nhân

    Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”.

Người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) được pháp luật bảo đảm cho việc hưởng di sản của người chết để lại. Thừa kế được thực hiên theo 2 phương thức khác nhau: Thứ nhất, theo sự định đoạt theo ý nguyện cuối cùng của người để lại thừa kế theo di chúc; thứ hai là theo quy định của pháp luật.

  Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền thừa kế :

      Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng của pháp luật với quyền sở hữu tài sản của từng người. Nguyên tắc này là sự cụ thể hoá một phần các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp được Điều 52 Hiến pháp 1992 ghi nhận “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, bảo đảm cho mọi thành viên trong gia đình bình đẳng với nhau, cùng nhau đoàn kết, xây dựng gia đình hạnh phúc.

“ Ðiều 632: Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

      Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”

   Nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt của người có tài sản, người hưởng di sản :

       Nếu người chết để lại di chúc hợp pháp thì việc thừa kế sẽ tiến hành theo di chúc, theo sự định đoạt của người có tài sản mà trước lúc chết , họ đã thể hiện ý nguyện của mình trong việc phân chia tài sản thuộc quyền sở hữu của người đó. Tuy nhiên, việc định đoạt của người lập di chúc bị hạn chế trong trường hợp quy định tại Điều 669 Bộ luât Dân sự :

“ Ðiều 669: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

     Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Ðiều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Ðiều 643 của Bộ luật này:

1.Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2.Con đã thành niên mà không có khả năng lao động. ”

 

     Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản trừ trường hợp việc từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản với người khác

     Khi nhận di sản người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại trong phạm vi di sản đã nhận.

  Củng cố, giữ vững tình thương yêu và đoàn kết trong gia đình :

      Nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định diện và hàng thừa kế theo pháp luật dựa trên cơ sở huyết thống gần gũi, quan hệ hôn nhân, trong việc bảo vệ quyền lợi của người đã thành niên nhưng không đủ khả năng lao động.

b_ Quy định chung về thừa kế

    – Di sản thừa kế :

     Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống.

 

“ Ðiều 634: Di sản

    Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

 – Người để lại di sản thừa kế :

     Là người có tài sản sau khi chết để lại cho người còn sống theo y chí của họ được thể hiện trong di chúc hay theo quy định của pháp luật. Người để lại di sản chỉ có thể là cá nhân, không phân biệt bất cứ điều kiện nào. Đối với pháp nhân, tổ chức được thành lập với những mục đích và nhiệm vụ khác nhau. Không cá nhân nào có quyền được định đoạt tài sản của pháp nhân,tổ chức. Khi cần thiết tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật. Pháp nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ thừa kế  với tư cách là người được hưởng di sản theo di chúc.

  Người thừa kế :

     Là người được thừa hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại.

“ Ðiều 635: Người thừa kế

     Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

    Quyền và nghĩa vụ của người thừa kế :

        Nghĩa vụ của người thừa kế được quy định cụ thể là :

“ Ðiều 636: Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế

      Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

 

  Ðiều 637: Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1.Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế.

3.Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4.Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.”

      Theo nguyên tắc chung mọi cá nhân đều có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản mình đối với người khác. Tại Điều 642 Bộ luật Dân sự có quy định :

“ Ðiều 642: Từ chối nhận di sản

1.Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2.Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3.Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.”

    – Thời điểm, địa điểm mở thừ kế :

“ Ðiều 633: Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1.Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Ðiều 81 của Bộ luật này.

2.Ðịa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.”

         Đăc biệt pháp luật thừa kế nước ta lần đầu tiên quy định thời điểm có hiệu lực đối với di chúc chung của vợ chồng. Nếu hai vợ chồng cùng lập di chúc chung, khi cả hai vợ chồng đều đã chết thì mới được chia thừa kế theo di chúc đó. Quy định như vậy nhằm bảo vệ quyền lợi cũng như quyền sở hữu của người chồng hoặc vợ còn sống, đảm bảo cho họ sử dụng tài sản chung có hiệu quả.

    Người quản lý di sản :

        Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra. Khi lập di chúc người có tài sản có quyền chỉ định người quản lý di sản, phân chia di sản. Việc chia di sản thừa kế thường được tiến hành sau một thời gian kể từ ngày người để lại di sản chết. Vì vậy, việc có người quản lý di sản là cần thiết. Quy định này thể hiện sự quan tâm bảo vệ của pháp luật đối với khối tài sản của công dân. Các Điều  638, Điều 639, Điều 640 có quy định rõ ràng về vấn đề này :

“ Ðiều 638. Người quản lý di sản

1.Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra.

2.Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3.Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

  Ðiều 639. Nghĩa vụ của người quản lý di sản

1.Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Ðiều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

2.Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Ðiều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

   Ðiều 640. Quyền của người quản lý di sản

1.Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Ðiều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Ðại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Ðược hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.

2.Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Ðiều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Ðược tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Ðược hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế.”

    – Những người có quyền thừa kế của nhau mà chết cùng một thời điểm và những người không được hưởng di sản :

      Nếu hai người thừa kế tài sản của nhau mà được coi là chết cùng một thời điểm, thì họ sẽ không được thừa kế của nhau. Di sản của mỗi người được chia cho những người thừa kế của họ. Pháp luật quy định như vậy để việc chia di sản thừa kế được tiến hành bình thường, không ảnh hưởng đến quyền lợi của những người thừa kế khác. Theo quy định tại điều 641, con hoặc cháu của người để lại di sản cùng chết vào nột thời điểm với người để lại di sản, thì cháu hoặc chắt của họ được thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677.

      Những người không được hưởng di sản nếu thuộc vào khoản 1 Điều 643:

“ Ðiều 643: Người không được quyền hưởng di sản

1.Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2.Những người quy định tại khoản 1 Ðiều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.”

      Tuy nhiên, để đảm bảo quyền tự định đoạt của người có di sản. Người này vẫn có thể cho người vi phạm được hưởng nếu biết nhưng vẫn viết di chúc cho họ hưởng tài sản của mình, điều này thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với quyền sở hữu của cá nhân.

    Thời hiệu khởi kiện về thừa kế :

       Điều này được pháp luật quy định rõ tại Điều 645 :

“ Ðiều 645: Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

      Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

     Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

2) Các hình thức thừa kế :

a_ Thừa kế theo di chúc :

      Thừa kế theo di chúc là việc dịch chuyển tài sản của người đã chết cho người khác còn sống theo quyết định của người đó trước khi chết được thể hiện trong di chúc. Nội dung cơ bản của thừa kế theo di chúc là chỉ định người thừa kế (cá nhân, tổ chức) và phân định tài sản, quyền tài sản cho họ, giao cho họ nghĩa vụ tài sản…

       Di chúc có hiệu lực khi người lập di chúc đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 652 sau đây:

“ Ðiều 652: Di chúc hợp pháp

1.Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2.Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3.Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4.Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Ðiều này.

5.Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.”

      Khi di chúc được coi là hợp pháp thì nó sẽ được pháp luật bảo đảm thực hiện đúng theo nội dung trừ trường hợp được quy định tại Điều 669.

      Người lập di chúc chỉ định một hoặc nhiều người trong di chúc và cho họ hưởng một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Nếu trong di chúc có nhiều người, mỗi người được hưởng bao nhiêu phụ thuộc vào ý chí của người có tài sản. Người có tài sản thể hiện ý chí của mình, nhưng ý chí đó có được thực hiịen hay không phụ thuộc vào hình thức biểu lộ ý chí. Người lập di chúc là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi, được pháp luật bảo vệ và có các quyền sau đây:

  • Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế
  • Phân định phần di sản cho từng người thừa kế
  • Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng
  • Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản
  • Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
  • Người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế huỷ di chúc

     Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của một số người phù hợp với phong tục tập quán và đạo đức xã hội, khi họ bị người có tài sản truất quyền hưởng di sản, hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, pháp luật đã có một số quy định rõ ràng như sau: “Những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc bao gồm:

  • Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng
  • Con đã thành niên mà không có khả năng lao động

      Những người này sẽ được hưởng phần di sản bằng ít nhất 2/3 suất của người thừa kế theo luật, nếu thừa kế được chia theo luật, trừ khi họ từ chối hưởng di sản hoặc không có quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự.

      Hiệu lực của di chúc và các quy định về tài sản dùng cho việc thờ cúng được quy định tại các Điều 667, Điều 668, Điều 670, xin được không trích dẫn.

b_ Thừa kế theo pháp luật :

      Để đảm bảo được quyền lợi của những người thân đối với người có tài sản, không để thất thoát tài sản khi chúng không được nói tới trong di chúc nên pháp luật đã đưa ra phương pháp thừa kế theo pháp luật áp dụng khi người có tài sản chết không kịp để lại di chúc hay di chúc không hợp pháp hoặc di chúc không thể thực hiện được do những người được thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc,…được quy định rõ tại Điều 675.

      Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng. Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận. Phạm vi những người thừa kế rất rộng, vì vậy pháp luật quy định thành nhiều hàng thừa kế. Trong đó hàng thứ nhất là những người có quan hệ hôn nhân,huyết thống gần gũi nhất so với các hàng khác. Các hàng thứ hai, thứ ba là những người hàng dự bị nếu như người chết không có những người ở hàng thứ nhất hoặc có nhưng họ đều không nhận hoặc không có quyền nhận.

       Diện những người thừa kế là phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế của người chết theo quy định của pháp luật, được xác định dựa trên 3 mối quan hệ với người để lại di sản: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng. Diện những người thừa kế được xếp thành ba hàng thừa kế. Thừa kế được phân chia theo nguyên tắc sau: Di sản thừa kế chỉ được chia cho một hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên: 1, 2, 3. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Cụ thể :

“  Ðiều 676:  Người thừa kế theo pháp luật 

1.Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2.Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

        Ngoài ra pháp luật còn quy định trường hợp thừa kế thế vị, vậy thừa kế thế vị là gì. Thừa kế thế vị là việc các con (cháu, chắt) được thay thế vào vị trí của bố hoặc mẹ (ông, bà) để hưởng di sản của ông bà (hoặc cụ) trong trường hợp bố hoặc mẹ (ông hoặc bà) chết trước hoặc chết cùng ông, bà (hoặc cụ). Những người thừa kế thế vị được hưởng phần di sản mà bố, mẹ mình (hoặc ông bà) đáng lẽ được hưởng nếu còn sống, được chia đều di sản với những người thừa kế khác, và lưu ý những người thừa kế thế vị phải còn sống vào thời điểm người có tài sản chết.

“  Ðiều 677:  Thừa kế thế vị

        Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

3) Thanh toán các nghĩa vụ tà sản mà người chết để lại, hạn chế phân chia di sản và phân chia di sản trong một số trường hợp đặc biệt:

      Để bảo vệ quyền lợi và quyền sở hữu tài sản của những người mà người chết chưa thực hiện nghĩa vụ về tài sản, pháp luật có quy định phải ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại theo thứ tự nhất định, sau đó số tài sản còn lại mới được phân chia cho những người thừa kế, quy định này được ghi rõ tại Điều 683.

      Hạn chế phân chia di sản là trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia, quy định này nhằm tôn trọng quyền sở hữu của người có tài sản và của những người thừa kế, quy định tại Điều 686.

      Pháp luật cũng đã cố dự đoán tất cả các trường hợp sẽ xảy ra trong cuộc sống để đưa vào bảo vệ quyền lợi về tài sản cho những người trong hoàn cảnh này, trong đó có một số trường hợp điển hình :

“ Ðiều 687. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế 

1.Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2.Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

III. Một số kiến nghị đề xuất :

     Để việc thực hiện pháp luật được dễ dàng và quyền lợi của những người có tài sản cũng như những người thừa kế được đảm bảo, tôi xin có một số kiến nghị sau:

  • Mở rộng tuyên truyền pháp luật, nâng cao sự hiểu biết cho nhân dân.
  • Tại điều 683 Bộ luật Dân sự, tôi thiết nghĩ cần quy định rõ nếu trong trường hợp thực tế di sản không đủ để thanh toán các nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại, thì số nợ còn lại sẽ do ai hay những ai giải quyết và sẽ chia như thế nào ?
  • Tại Điều 669 Bộ luật Dân sự, theo tôi cũng cần ghi rõ hơn về những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc là con đẻ hay con nuôi và trong những trưòng hợp cụ thể nào. Ví dụ như trong trường hợp cụ thể sau :

       Ông A và bà B kết hôn năm 2002, sau khi sinh đứa con trai đầu tiên là C vào năm 2003, ông A phát hiện C không phải là con mình, nên đã quyết định ly hôn vào năm 2004, nhưng vì một số lý do riêng ông A đã không tiến hành các thủ tục xác định lại quan hệ cha con trước chính quyền sở tại, vào năm 2007 ông A bị bệnh nặng và qua đời, trước khi chết ông A có để lại di chúc hợp pháp và ghi rõ truất quyền hưởng di sản của C, lúc này C vẫn chưa đủ tuổi thành niên. Vậy trong trường hợp này sẽ phải chia di sản thừa kế như thế nào ?

C_ KẾT LUẬN

      Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của con người, cá nhân có quyền sở hữu tài sản, quyền định đoạt tài sản của mình khi còn sống và sau khi qua đời. Pháp luật về thừa kế là một công cụ pháp lý quan trọng để tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu đó.

 

Danh mục tài liệu thao khảo

  • Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam 1
  • Bộ luật Dân sự năm 2005

Bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191