Các trường hợp không truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cá nhân, tổ chức

Các trường hợp không truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cá nhân, tổ chức


Các trường hợp không truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cá nhân, tổ chức
Các trường hợp không truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cá nhân, tổ chức

Trách nhiệm hành chính là hậu quả pháp lí bất lợi mà Nhà nước buộc các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gánh chịu. Truy cứu trách nhiệm hành chính đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính thực chất là việc áp dụng các hình thức, biện pháp xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân này. Chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính buộc phải thực hiện các biện pháp chế tài hành chính do người có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hành chính quyết định.

Dựa vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008), các trường hợp không truy cứu trách nhiệm hành chính đối với cá nhân, tổ chức như sau:

+ Xét về mặt độ tuổi, có những trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hành chính sau:

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính với lỗi vô ý, tức là chỉ chịu trách nhiệm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính do cố ý mà thôi.

– Người chưa đủ 14 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hành chính, nếu họ vi phạm hành chính thì chỉ áp dụng biện pháp giáo dục.

+ Xét về mặt hành vi, cá nhân, tổ chức sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hành chính trong những trường hợp sau:

– Hành vi vi phạm không được quy định trong các văn bản quy định về vi phạm hành chính.

– Thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp thuộc sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng

– Vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình

– Hết Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính.

Tôi xin đi sâu phân tích rõ những trường hợp trên.

+ Xét về mặt độ tuổi, dựa vào Điều 6 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002, cụ thể tại khoản 1 Điều này đã quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra, còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý, và chỉ bị xử phạt hành chính bằng hình thức duy nhất là cảnh cáo. Vậy tất nhiên nếu những người trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 nếu có hành vi vi phạm hành chính do lỗi vô ý thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hành chính; và đặc biệt người chưa đủ 14 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hành chính dù có bất cứ hành vi vi phạm hành chính nào mà chỉ bị áp dụng biện pháp giáo dục; việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật sẽ do cha mẹ hoặc người giám hộ nộp thay. Qui định này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ những người ở độ tuổi này là những người chưa có sự phát triển hoàn thiện về mặt thể chất và tinh thần, chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên, nên việc xử lý người chưa thành niên này là vấn đề vừa mang tính pháp lý vừa mang tính nhân văn. Pháp luật có quy định như vậy là trên tinh thần Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để những người này được quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục từ đó có thể phát triển tốt nhất về cả thể chất và nhân cách trở thành người khỏe mạnh, có ích cho xã hội sau này.

+ Xét về mặt hành vi, khi xem xét, đánh giá hành vi của cá nhân hay tổ chức có phải là vi phạm hành chính hay không, bao giờ cũng phải có những căn cứ pháp lí rõ ràng xác định hành vi đó, nếu hành vi vi phạm không được quy định trong các văn bản quy định về vi phạm hành chính, thì tất nhiên hành vi đó sẽ không bị xếp vào hành vi vi phạm hành chính do vậy sẽ không có trách nhiệm hành chính phát sinh và vì thế việc truy cứu trách nhiệm hành chính là không thể xảy ra. Mặt khác,dựa theo khoản 6 Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 thì nếu chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ thì cũng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hành chính. Cụ thể tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế rình rập đe doạ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của bản thân hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Sự kiện bất ngờ được hiểu là người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho Nhà nước do sự kiện bất ngờ xảy ra, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm bởi hành vi mình gây ra.

Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hành chính. Quy định này được xác lập bởi vì dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của vi phạm hành chính là dấu hiệu lỗi của chủ thể vi phạm. Vi phạm hành chính phải là hành vi có lỗi thể hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Nói cách khác, người thực hiện hành vi này phải trong trạng thái có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, khi có đầy đủ căn cứ để cho rằng chủ thể thực hiện hành vi trong tình trạng không có khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, chúng ta có thể kết luận rằng đã không có lỗi hay không có vi phạm hành chính xảy ra.

Việc một tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có bị truy cứu trách nhiệm hành chính trên thực tế hay không còn phụ thuộc vào việc thực hiện nhiều quy định của pháp luật khác có liên quan, như ngoài Điều 3 và Điều 6 thì tại Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 còn có quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể dựa theo quy định của Điều 10 thì nếu tổ chức, cá nhân đã thực hiện vi phạm hành chính nhưng vi phạm hành chính đó đã hết thời hiệu xử phạt theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm hành chính cũng sẽ không đặt ra đối với tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong trường hợp này nữa, người có thẩm quyền xử phạt sẽ chỉ được áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với tổ chức, cá nhân đó mà thôi.


Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam
  • Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 (sửa đổi bổ sung năm 2007, 2008)

 


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191