Mẹ bị tâm thần bỏ nhà đi nhiều năm thì con có được xóa tên mẹ trên khai sinh không

Câu hỏi của khách hàng: Mẹ bị tâm thần bỏ nhà đi nhiều năm thì con có được xóa tên mẹ trên khai sinh không

Tôi đọc được bài viết “Có thể xóa tên bố hoặc mẹ trên khai sinh không?” của quý công ty tại: https://wikiluat.com/2017/08/02/co-xoa-ten-bo-hoac-tren-giay-khai-sinh-khong/

Tôi rất cám ơn công ty đã viết bài vô cùng hữu ích cho cộng đồng và cho bản thân tôi.

Hiện tôi đang cần được hướng dẫn thủ tục xóa tên mẹ trên khai sinh. Mong quý công ty tư vấn giúp tôi.

Xin chân thành cảm ơn!

Trường hợp của tôi như sau:

Cha tôi câm điếc bẩm sinh, ông ở cùng với 1 người phụ nữ (mẹ tôi) cũng câm điếc và có 3 đứa con.

Cha mẹ tôi không đăng ký kết hôn.

Mẹ tôi không có bất kì giấy tờ tùy thân nào, như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú.

Lúc chúng tôi còn nhỏ thì mẹ bỏ nhà đi do có bệnh tâm thần, và biệt tích mười mấy năm nay.

Khi làm thủ tục khai sinh cho 3 chị em tôi (cha tôi câm điếc nên nhờ ai đó khai hộ), trên khai sinh đều có khai đầy đủ họ tên cha + họ tên mẹ; địa chỉ tạm trú của mẹ là địa chỉ thường trú mà 4 cha con hiện đang cư ngụ tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Tuy nhiên, chúng tôi không hề có giấy tờ nào liên quan đến mẹ, cũng không rõ họ tên, lai lịch của bà. Khi khai Sơ Yếu Lý Lịch để xin việc làm thì không cung cấp thông tin về bà được.

Nay tôi muốn xóa tên mẹ trên giấy khai sinh của 3 chị em thì cần đến Sở Tư Pháp hay ủy ban phường (tổ trưởng tư vấn cho tôi làm đơn nhờ hàng xóm ký tên làm chứng cho trường hợp gia đình tôi, nhưng tôi không biết có đúng không)? Thủ tục thế nào? (chúng tôi đều trên 18 tuổi)

Chân thành cảm ơn và tôi rất mong nhận được hồi âm của quý Công ty!


Luật sư Tư vấn Luật hộ tịch – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 12/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xóa tên mẹ trong giấy khai sinh

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Luật hộ tịch năm 2014
  • Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch
  • Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP

3./ Luật sư trả lời Mẹ bị tâm thần bỏ nhà đi nhiều năm thì con có được xóa tên mẹ trên khai sinh không

Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ, có nghĩa vụ và quyền thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, việc xác định quan hệ cha mẹ và con lại được dựa trên căn cứ là thông tin trên Giấy khai sinh của chính người con đó. Nói cách khác, một người chỉ được xác định là mẹ của một người khi người đó là người đứng tên mẹ trên Giấy khai sinh của đứa trẻ đó. Cũng do vậy, việc xóa tên của cha/mẹ trên Giấy khai sinh chỉ được thực hiện khi có những căn cứ nhất định.

Căn cứ Khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

2.Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. …”

Theo quy định trên thì quan hệ mẹ-con giữa mẹ của bạn và chị em bạn không bị ảnh hưởng bởi quan hệ hôn nhân giữa bố mẹ của bạn. Mẹ của bạn có quyền được đứng tên “mẹ” trong phần thông tin về mẹ trên Giấy khai sinh của các bạn dựa trên cơ sở là sự kiện sinh đẻ trước đó. Các bạn không có quyền xóa tên mẹ trong giấy khai sinh khi người đó đúng là mẹ đẻ của các bạn. Việc xóa tên mẹ trên giấy khai sinh chỉ được thực hiện khi bạn có cơ sở chứng minh được người đứng tên mẹ trên Giấy khai sinh của bạn không phải mẹ đẻ của bạn. Việc chứng minh này có thể thông qua cam kết của chính bạn và những người thân trong gia đình, qua quyết định/ bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc người đó không phải mẹ đẻ của bạn hoặc một người khác là mẹ đẻ của bạn,…

Như vậy, nếu bạn có căn cứ chứng minh người đứng tên mẹ trong Giấy khai sinh của bạn không phải mẹ đẻ của bạn thì bạn có thể thực hiện việc xóa tên mẹ trên Giấy khai sinh khi có quyết định/ bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền.

Còn nếu người đứng tên mẹ trên Giấy khai sinh của bạn thực sự là mẹ đẻ của bạn thì bạn không có quyền xóa tên mẹ trong Giấy khai sinh.

Quy định của pháp luật hộ tịch không có quy định rõ ràng về việc xóa tên mẹ, tuy nhiên, lại có quy định rất rõ ràng về việc nhận mẹ cho con. Bạn có thể dựa vào một số chứng cứ tương tự để chứng minh mối quan hệ không phải mẹ con giữa bạn và người có tên mẹ trên Giấy khai sinh. Căn cứ Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP thì chứng cứ chứng minh có thể là:

-Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ mẹ con giữa bạn và một người khác- không phải người đứng tên mẹ trong Giấy khai sinh của bạn, hoặc xác nhận việc người đứng tên mẹ trên Giấy khai sinh của bạn không phải mẹ đẻ của bạn.

-Thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ không phải mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc bạn không phải là con đẻ của người đã đứng tên mẹ trong giấy khai sinh đó, có ít nhất hai người thân thích của cha,mẹ làm chứng.

Trường hợp đặc biệt bạn có thể sử dụng bản cam đoan có chữ ký của những người thân trong gia đình, hàng xóm,… về việc người này không phải mẹ đẻ của bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải đảm bảo tính chính xác về những cam đoan đó, tránh những hậu quả pháp lý bất lợi về sau.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn có thể làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố bạn và người đứng tên mẹ trên Giấy khai sinh của bạn không có quan hệ mẹ con. Sau khi có quyết định/bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án về việc người đó không phải là mẹ đẻ của bạn, bạn thực hiện việc đăng ký thay đổi hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bạn. Hồ sơ gồm tờ khai và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của bạn là đúng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191