Bị công ty chậm trả lương và sổ bảo hiểm khi nghỉ việc thì phải xử lý thế nào?

Câu hỏi của khách hàng: Bị công ty chậm trả lương và sổ bảo hiểm khi nghỉ việc thì phải xử lý thế nào?

Em chào anh, chị. Anh chị hiểu biết về luật làm ơn tư vấn giúp em trường hợp này ạ.

Trước em có đi làm hơn 2 năm tại 1 công ty tại Hà Nội. Công việc cụ thể là bán đồ da trong trung tâm thương mại. Chúng em CHƯA ĐƯỢC KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, lúc nghỉ cũng không có cầm quyết định nghỉ việc (do công ty đó làm việc không được chuyên nghiệp lắm, hoặc cũng có thể do cố tình như vậy, và lý do cuối là do em thiếu hiểu biết về luật pháp).

Trong quá trình làm việc thường xuyên chậm lương, thậm trí chậm đến vài tháng.

Tới tháng 5/2018 em quyết định xin nghỉ việc vì thời gian chậm lương kéo dài quá lâu, em không đủ kinh phí để đảm bảo cuộc sống.

Hiện tại số lượng còn đọng lại của em rơi vào gần 15 triệu. Là lương còn lại của tháng 1 2 5.

Đó là vấn đề của em, còn chồng em cũng làm cùng công ty đó có tham gia bảo hiểm, nhưng khi nghỉ việc không được nhận sổ bảo hiểm đúng hạn để lấy tiền bảo hiểm thất nghiệp, cũng chưa rõ có được nhận tiền rút sổ 1 lần hay không.

Em liên hệ thì phía công ty hẹn rất nhiều nhưng cũng chưa trả, thậm trí gọi điện không nghe máy, tắt máy.

Anh chị tư vấn giúp em xem có cách nào để em nhận được lương không ạ?

Thực sự em rất rất cần sự giúp đỡ ạ.


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 25/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi người sử dụng lao động có hành vi giữ sổ bảo hiểm

  • Bộ luật lao động 2012
  • Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật dân sự
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (được sửa đổi, bổ sung Nghị định 88/2015/NĐ-CP)
  • Luật bảo hiểm xã hội 2014

3./ Luật sư trả lời Bị công ty chậm trả lương và sổ bảo hiểm khi nghỉ việc thì phải xử lý thế nào?

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang bị phía công ty chậm trả lương, còn chồng bạn bị chậm trả sổ bảo hiểm khi nghỉ việc. Bạn có quyền yêu cầu người sử dụng trả lương theo thỏa thuận giữa hai bên, chồng của bạn có quyền yêu cầu người sử dụng lao động trả sổ bảo hiểm.

-Thứ nhất, về trường hợp công ty chậm trả lương đối với bạn. Theo quy định pháp luật, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Khi bạn làm việc đối với việc làm thường xuyên,liên tục nhưng công ty không ký hợp đồng bằng văn bản với bạn đã vi phạm quy định pháp luật về lao động. Nhưng mặc dù hai bên không ký kết  hợp đồng lao động bằng văn bản, bạn vẫn có quyền được người sử dụng lao động trả lương theo đúng quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 96 Bộ luật lao động quy định về nguyên tắc trả lương, người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Theo đó, việc công ty chậm trả lương cho người lao động, thậm chí còn chậm mấy tháng đã vi phạm pháp luật về lao động.

Căn cứ Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì người lao động chỉ được trả lương chậm trong trường đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận.

Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì công ty không phải trả thêm tiền cho người lao động. Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì ngoài tiền lương, công ty phải trả thêm một khoản tiền cho người lao động. Khoản tiền trả thêm này ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi không  giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người lao động trở lên (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP), người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người lao động với hành vi trả lương không đúng hạn theo quy định của Bộ luật lao động (Khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Để giải quyết vấn đề này,đầu tiên bạn có thể gửi đơn yêu cầu tới người sử dụng lao động (như giám đốc công ty,…) để được giải quyết. Nếu công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, bạn có quyền làm đơn lên Sở lao động- thương binh và xã hội, khởi kiện trực tiếp ra Tòa án nhân dân quận, huyện nơi công ty có trụ sở để được giải quyết, giành lại quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

-Thứ hai, về việc chậm trả sổ bảo hiểm thất nghiệp đối với chồng của bạn. Căn cứ Khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động thì:

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

3.Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4.Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

Ta thấy, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đó, sự việc công ty bạn chậm trả sổ bảo hiểm cho chồng của bạn là hành vi vi phạm quy định về pháp luật lao động. Trong trường hợp này, chồng của bạn có thể gửi đơn yêu cầu người sử dụng lao động như Ban giám đốc công ty,… để yêu cầu người sử dụng lao động trả lại sổ bảo hiểm xã hội. Nếu công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, thì bạn gửi đơn yêu cầu đến Sở Lao động- thương binh xã hội để yêu cầu người sử dụng lao động trả sổ bảo hiểm cho bạn.

Bên cạnh đó, căn cứ Khoản 1 Điều 8 Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng trở lên đến 20.000.000 đồng.

Như vậy, bạn và chồng bạn trước tiên nên gửi đơn yêu cầu tới người sử dụng lao động/ công ty để được giải quyết. Nếu không giải quyết được, các bạn có thể gửi đơn yêu cầu tới Sở lao động thương binh và xã hội hoặc khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền  để được giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191