Chồng cũ không cho gặp con nhắn tin chửi rủa thì có đòi quyền nuôi con được không

Câu hỏi của khách hàng: Chồng cũ không cho gặp con nhắn tin chửi rủa thì có đòi quyền nuôi con được không

Mọi người cho mình hỏi là nếu chồng cũ và người yêu nó nhắn tin chửi rủa mình như thế này và cấm mình gặp con. Thì mình có thể kiện và đòi quyền nuôi con được không ạ. Hiện tại mình đang nuôi 1 bé nhỏ. Bây giờ muốn đón bé lớn về nuôi…mong mọi người giải đáp ạ


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 29/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn

  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
  • Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017)

3./ Luật sư trả lời Chồng cũ không cho gặp con nhắn tin chửi rủa thì có đòi quyền nuôi con được không

Trước hết, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là quyền và nghĩa vụ của cả cha và mẹ của người con. Việc cha và mẹ của người con ly hôn không phải là căn cứ để hạn chế quyền thăm nom của bên không trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người con.

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình:

Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

… 3.Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. …”

Theo đó, việc thăm nom bé lớn của bạn là quyền mà bạn được hưởng ngay cả khi bạn không phải là người có quyền trực tiếp nuôi con. Bên trực tiếp nuôi bé không có quyền cản trở bạn thực hiện việc thăm nom cháu, trừ khi người đó có quyết định của Tòa án về việc hạn chế quyền thăm nom con của bạn.

Quyết định về việc hạn chế quyền thăm nom con có thể được Tòa án đưa ra khi chồng cũ của bạn làm đơn yêu cầu với các tài liệu chứng cứ chứng minh bạn lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của họ.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình có quy định: “Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”. Trong trường hợp chồng cũ của bạn cố tình cản trở bạn trong việc thăm nom, chăm sóc cháu lớn, bạn có quyền tố cáo hành vi này tới công an để được giải quyết. Theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP thì người có hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa cha, mẹ và con sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Về hành vi nhắn tin chửi rủa của chồng cũ của bạn cùng người yêu của chồng cũ của bạn. Đây là hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật và đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm của bạn. Bạn có quyền yêu cầu những người này chấm dứt hành vi trên. Trong trường hợp hành vi của những người này đủ dấu hiệu cấu thành tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự (Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác) thì những người này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trong trường hợp hành vi của những người này không đến mức xử lý hình sự thì những người này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Trong trường hợp bạn muốn giành quyền nuôi con với chồng cũ của bạn, bạn có thể làm đơn gửi lên Tòa án yêu cầu tòa án thay đổi quyền trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình, theo đó, bạn có thể yêu cầu Tòa án khi có một trong những căn cứ sau:

-Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

-Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Do đó, khi xét thấy chồng cũ của bạn không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con, bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con bạn. Tòa án sẽ xem xét các yếu tố cần thiết mà cả hai bên vợ và chồng hiện có thể đáp ứng được điều kiện phát triển của con bạn. Tuy nhiên, trong trường hợp con bạn đủ 07 tuổi trở lên thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải dựa trên nguyện vọng của con.

Như vậy, theo các quy định của pháp luật nêu trên, chồng cũ của bạn có hành vi không cho bạn gặp con sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Còn người có hành vi chửi rủa bạn sẽ phải chịu trách nhiệm tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi (mức độ xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hành vi).

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191