Chủ quán cơm có phải đền xe cho khách không?

Chủ quán cơm có phải đền xe cho khách không?

Khi tôi vào ăn cơm trong một tiệm cơm thì thấy xe rất đông nên định quay đi tiệm khác nhưng anh chủ tiệm bảo cứ để xe đi anh trông coi cho. Do vậy tôi có quay sang và nói với anh là anh trông xe giúp em tý nhé, anh ta gật đầu. Tôi đi vào trong quán sau khi đã khóa cổ xe cẩn thận. Sau khi vào trong tiệm được khoảng 10 phút thì tôi có nghe tiếng tri hô. Tôi đi ra kiểm tra thì phát hiện xe tôi đã mất. Trong trường hợp này thì xin hỏi chủ quán cơm có phải bồi thường cho tôi không và nếu có thì là bao nhiêu. Xin chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: tuongnguyen

Trả lời có tính chất tham khảo

Bạn thân mến, trong trường hợp của bạn theo quy định của pháp luật dân sự có thể coi là hợp đồng gửi giữ tài sản mà bên gửi là bạn và bên nhận giữ tài sản là chủ tiệm cơm.

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản tại Điều 559 như sau:

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Điều 562 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản như sau:

Bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;

3. Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu huỷ tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí;

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

– Trong trường hợp gửi giữ, hình thức của hợp đồng có thể bằng lời nói, bằng văn bản (hoặc văn bản có chứng nhận của công chứng Nhà nước). Giấy biên nhận giữ, phiếu nhận giữ là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng.

– Quyền và nghĩa vụ cơ bản của bên gửi bao gồm: Bên gửi có quyền lấy lại tài sản bất cứ lúc nào nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn; có quyền được yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại nếu tải sản bị mất mát hoặc hư hỏng, bên gửi giữ ngoài nghĩa vụ phải trả tiền công còn có nghĩa vụ báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và những biện pháp bảo quản thích hợp. Nếu không thông báo mà tài sản bị tiêu hủy, hư hỏng thì phải tự chịu.

– Đối với bên nhận giữ tài sản ngoài nhiệm vụ thông thường như trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại nếu có lỗi làm mất mát hư hỏng tài sản, bên nhận giữ còn có nghĩa vụ báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ tiêu hủy, hư hỏng tài sản và có quyền thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo quản, nhận các thanh toán hợp lý cho chi phí này.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bên nhận gửi giữ (chủ tiệm cơm) đã có lỗi làm mất xe của bạn, theo khoản 4 Điều 562 nêu trên thì chủ tiệm cơm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bạn. Bạn nên báo công an phường đến lập biên bản mất xe trong đó tường trình rõ nội dung vụ việc, có chữ ký của chủ tiệm cơm và đề nghị họ bồi thường. Mức bồi thường sẽ do 2 bên thoả thuận theo việc định giá chiếc xe của bạn vào thời điểm đó. Nếu không thể thoả thuận, bạn có thể nhờ cơ quan chức năng giúp bạn.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191