Chuyển tên người thừa kế

Chuyển tên người thừa kế

Tôi sống ở nước ngoài, nhưng có nhận tài sản ở Việt Nam theo di chúc do cha tôi để lại. Nay tôi muốn chuyển tên tôi (người thừa kế) sang tên con trai tôi (sinh ra ở Mỹ và là công dân Mỹ) thì phải làm thế nào?

Gửi bởi: Minh Nguyen

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài nên để trả lời câu hỏi của bạn, trước hết chúng tôi muốn lưu ý với bạn vấn đề về quyền thừa kế đối với tài sản ở Việt Nam của bố con bạn.

Điều 631 Bộ luật Dân sự quy định: cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Như vậy, bất kể người nào nếu thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản hoặc được người để lại di sản định đoạt trong di chúc thì đều có quyền hưởng thừa kế đối với di sản của người đó. Riêng đối với di sản là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất thì pháp luật có quy định chặt chẽ hơn. Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn đều quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nhưng chia ra thành hai trường hợp:

* Trường hợp thứ nhất: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng/quyền sở hữu khi có đủ các điều kiện được quy định tại Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, cụ thể như sau :

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất:

+ Người có quốc tịch Việt Nam;

+ Người gốc Việt Nam (người mà hiện tại không có quốc tịch Việt Nam) thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

– Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định nêu trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

* Trường hợp thứ hai: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không đáp ứng các điều kiện nêu ở trường hợp trên thì: khi được hưởng thừa kế là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng/quyền sở hữu mà chỉ được hưởng giá trị của phần thừa kế đó.

Đối chiếu với những quy định trên thì bạn và con bạn có quyền được hưởng di sản do bố bạn để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật nhưng chỉ được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu/quyền sử dụng đối với di sản là nhà ở hoặc quyền sử dụng đất khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định; hoặc chỉ được hưởng giá trị đối với phần thừa kế đó.

2. Về việc chuyển tên người thừa kế

Bố bạn lập di chúc để lại tài sản cho bạn nhưng bạn chỉ được hưởng di sản đó khi di chúc có hiệu lực (di chúc có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế, tức là thời điểm bố bạn mất). Câu hỏi của bạn không nêu rõ di chúc của bố bạn đã có hiệu lực chưa, do vậy, để trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi chia thành hai trường hợp như sau:

* Trường hợp thứ nhất: Di chúc chưa có hiệu lực (tức là bố của bạn hiện nay vẫn còn sống).

Điều 662 BLDS cho phép người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Như vậy, nếu muốn chuyển tên người thừa kế từ bạn sang con của bạn thì bố bạn chỉ cần sửa đổi phần tên người được hưởng di sản trong di chúc đã lập hoặc lập lại di chúc mới để chỉ định người thừa kế mới. Việc thay thế người thừa kế mới chỉ được thực hiện theo ý chí của bố bạn, không ai được có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản bố bạn trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc trái với ý chí của bố bạn.

* Trường hợp thứ hai: Di chúc đã có hiệu lực (tức là bố bạn đã mất).

– Nếu di sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (và bạn có đủ điều kiện theo quy định tại Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai) hoặc di sản là tài sản khác thì: bạn có quyền làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế mà mình được hưởng theo di chúc của bố bạn và tiến hành đăng ký quyền sử dụng/quyền sở hữu đối với tài sản đó (trường hợp tài sản phải đăng ký). Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền tài sản, bạn có thể định đoạt tài sản đó cho con trai mình bằng cách lập Hợp đồng tặng cho hoặc Di chúc….

– Nếu di sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và bạn không đáp ứng điều kiện theo quy định tại Luật số 34/2009/QH12 về sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai thì: bạn chỉ được hưởng phần giá trị của tài sản đó và có quyền tặng cho phần giá trị đó cho con của bạn.

Việc lập di chúc hoặc tặng cho tài sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 của nước CHXHCN Việt Nam và các văn bản có liên quan. Trong cả hai trường hợp nêu trên, khi được nhận tài sản từ bạn, con trai bạn được đứng tên sở hữu/sử dụng tài sản đó hay chỉ được hưởng giá trị của tài sản phụ thuộc vào việc con trai bạn có đáp ứng đủ điều kiện như đã nêu tại phần trên hay không.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 34/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191