Đất được chia thừa kế từ lâu nay người khác đòi chia lại thì xử lý thế nào

Câu hỏi của khách hàng: Đất được chia thừa kế từ lâu nay người khác đòi chia lại thì xử lý thế nào

Em chào các anh chị trong hội và các anh chị luật sư.
Em đang rất cần được tư vấn về vụ việc tranh chấp đất đai ạ. Sự việc như sau:
Bà nội em em mất nhưng không để lại di chúc. Các anh em trong nhà tự chia đất và làm giấy tương phân có cả trưởng ấp và phó trưởng ấp đều ký xác nhận ạ. Nhưng sau đó tất cả bọn họ đã bán hết đất đi nhưng duy nhất mỗi mình ba của em là không bán. Sau đó ba em bệnh nên mất. Nhà em có 3 anh em. Ba em ủy quyền lại cho mẹ đứng tên và nói khi 3 đứa con lớn đủ 18 tuổi thì chia ra làm tư, mỗi người một phần. Đến nay mẹ em đã đứng tên được 12 năm rồi ạ. Nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước kia là nhà nước đã vẽ sai mẫu đất nhà em nên năm vừa rồi cũng đã làm lại cho nhà em giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới ạ. Người đứng tên là mẹ em và nội dung là được thừa kế. Nay các bác và các cô thấy đất đang sốt, quay về và đòi đất đai lại. Họ viết đơn lên xã, rồi đến Tòa Án huyện, nhưng tòa án cũng đã bảo là bên họ không đủ giấy tờ pháp lý để kiện mẹ em. Rồi họ lại quay về xã kiện tiếp ạ. Xã không giải quyết và đưa lên Tòa án lần nữa. Và Tòa án chỉ nói với mẹ em như vầy: “Chị đang nắm hết tất cả các giấy tờ quan trọng rồi, mọi thứ đã quá rõ ràng, nhưng người ta họ kiện lần hai, nên sẽ tiếp nhận hồ sơ mặc dù giấy tờ chỉ có bên chị là đúng pháp lý”. Và từ đó đến giờ gần hai tuần. Hôm nay trưa 10h họ đem dây, thước đo đất và đi thẳng vào đất nhà em đo đạc rồi cắm cọc v.v… Mẹ em rất lo và tức ạ.
Rất mong các anh chị giúp tư vấn giúp đỡ em nên làm sao đây ạ??


Luật sư Tư vấn Luật đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chứng minh quyền sử dụng đất được thừa kế nhiều lần

  • Luật đất đai năm 2013
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Đất được chia thừa kế từ lâu nay người khác đòi chia lại thì xử lý thế nào

Theo quy định của pháp luật thì khi một/ nhiều chủ thể có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, chủ thể đó có quyền yêu cầu chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc có căn cứ hay không thì còn phụ thuộc một phần vào nhận định của chính Tòa án trên các quy định của pháp luật. Trong trường hợp của bạn, tranh chấp là tranh chấp về quyền sở hữu quyền sử dụng đất.

Căn cứ Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự thì:

Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

1.Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

2.Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. …

Theo đó, khi các bác, các cô của bạn có yêu cầu và có căn cứ hợp pháp cho rằng việc mẹ của bạn là người chủ sử dụng mảnh đất này là đang xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ, họ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tố tụng dân sự khi việc hòa giải ở cơ sở không thành. Việc giải quyết tranh chấp đất đai thường được thực hiện theo quá trình sau:

-Bước 1. Hòa giải ở cơ sở. Theo đó, chủ thể khởi kiện có trách nhiệm nộp đơn yêu cầu hòa giải tới UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để được hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 202Điều 203 Luật đất đai.

-Bước 2. Khởi kiện tại Tòa án. Căn cứ Khoản 9 Điều 26, Điều 35, điểm c Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự, chủ thể khởi kiện cần nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp. Trong hồ sơ khởi kiện phải gửi kèm Biên bản hòa giải ở cơ sở và các tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu là hợp pháp.

Mà theo thông tin bạn cung cấp thì tranh chấp trên đã được hòa giải (giải quyết) ở cơ sở, nên, việc Tòa án giải quyết tranh chấp không có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, bạn cần xem lại việc có người vào đo đạc, cắm mốc giới,… trên đất của gia đình bạn. Bởi, những người này có nghĩa vụ phải đưa ra quyết định của chủ thể có thẩm quyền, hoặc những căn cứ khác chứng minh cho việc những người đó có quyền đo đạc, cắm mốc giới trên đất của gia đình bạn. Nếu những người đó không có căn cứ hợp pháp, bạn có quyền yêu cầu những người này chấm dứt hành vi.

Ngoài ra, khi Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu của các cô, các bác của bạn, Tòa án có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho gia đình bạn (mà ở đây là mẹ của bạn), do mẹ của bạn là bên bị đơn trong tranh chấp.

Bên cạnh đó, khi tham gia các phiên họp, phiên tòa giải quyết, mẹ của bạn có quyền chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của mẹ của bạn đối với phần đất đang có tranh chấp. Theo thông tin bạn cung cấp thì mẹ của bạn có đầy đủ các giấy tờ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hợp pháp của mẹ bạn đối với mảnh đất đang có tranh chấp, nên mẹ bạn có thể đưa ra những giấy tờ trên để chứng minh cho quyền sở hữu hợp pháp của mẹ của bạn đối với mảnh đất. Gia đình bạn có thể sao từ bản gốc các giấy tờ trên và thực hiện việc chứng thực tại các chủ thể có thẩm quyền và gửi cho Tòa án để làm chứng cứ, chứng minh cho quyền sở hữu quyền sử dụng đất của mẹ của bạn.

Trong trường hợp phát hiện những yếu tố vi phạm pháp luật về tố tụng dân sự của Tòa án, mẹ của bạn có quyền khiếu nại tới chủ thể có thẩm quyền để được giải quyết.

Trong trường hợp mẹ của bạn cho rằng phán quyết của Tòa án không hợp lý với sự thật khách quan, mẹ của bạn có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật để vụ án được giải quyết theo thủ tục xét xử phúc thẩm.

Khi đã có phán quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật, yêu cầu của các cô, các bác của bạn lần thứ hai tại Tòa án sẽ không thuộc phạm vi giải quyết của Tòa án. Nói cách khác, các cô, các bác của bạn sẽ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trên với nội dung giống lần khởi kiện đã được giải quyết trước đó.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, mẹ của bạn có quyền chứng minh quyền sở hữu phần đất trên là hợp pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Khi đã có quyết định/ bản án có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền, các cô, các bác của bạn có trách nhiệm tuân theo phán quyết đó của Tòa mà không được yêu cầu giải quyết lần thứ hai.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191