Đơn ly hôn đơn phương hoặc thuận tình thì nộp ở đâu?

Câu hỏi của khách hàng: Đơn ly hôn đơn phương hoặc thuận tình thì nộp ở đâu?

Các luật sư và cả nhà cho em hỏi vấn đề này ạ, em hộ khẩu ở thành phố A, chồng hộ khẩu thành phố B, đăng ký kết hôn ở thành phố B, hiện tại em sống ở thành phố C (em và con em, còn chồng vẫn ở thành phố B), em nộp đơn ly hôn thuận tình hoặc đơn phương ở thành phố C được không ạ. Xin cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Luật Tố tụng dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thẩm quyền giải quyết ly hôn của Tòa án 

  • Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
  • Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Đơn ly hôn đơn phương hoặc thuận tình thì nộp ở đâu?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Luật Hôn nhân và gia đình hiện nay quy định co hai hình thức: thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên (đơn phương ly hôn).

Căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”.

Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về đơn phương ly hôn như sau: “1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Theo đó, thuận tình ly hôn là trường hợp vợ, chồng cùng yêu cầu ly hôn, tự nguyện và đã thỏa thuận được các vấn đề liên quan như: chia tài sản, nuôi con chung. Nếu vợ chồng đều tự nguyện yêu cầu ly hôn nhưng vẫn chưa thỏa thuận được một trong những vấn đề liên quan trên thì không được xem là thuận tình ly hôn; trường hợp này Tòa án sẽ tiến hành giải quyết theo thủ tục đơn phương ly hôn.

Thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn của Tòa án được quy định theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể:

Thứ nhất, về thẩm quyền theo loại việc của Tòa án. Căn cứ khoản 1 Điều 28 và khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thì Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hônYêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là những tranh chấp, yêu cầu thuộc thẩm quyền dân sự của Tòa án. Do đó, Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp, yêu cầu này.

Thứ hai, về thẩm quyền theo cấp của Tòa án. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:

“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này”.

Khoản 7 Điều 26 quy định về tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính, không liên quan đến trường hợp của bạn. Do đó, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với các trường hợp thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn của bạn.

Thứ ba, về thẩm quyền theo lãnh thổ. Khi xác định thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án trong trường hợp của bạn, cần phải xét riêng từng trường hợp: thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.

Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định như sau: “h) Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn”. Theo đó, trong trường hợp thuận tình ly hôn, bạn có thể nộp đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn tại thành phố C (nơi bạn cư trú, làm việc) hoặc thành phố B (nơi chồng bạn cư trú, làm việc) đều được. Lưu ý, để được nộp đơn tại Tòa án thành phố C, bạn cần có giấy chứng nhận cư trú tại thành phố C (đăng ký tạm trú,…).

Căn cứ khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”

Theo đó, đối với vụ án ly hôn có tranh chấp về chia tài sản và nuôi con sau ly hôn, thẩm quyền theo lãnh thổ của tòa án được xác định theo thứ tự ưu tiên như sau:

  1. Nơi bị đơn (chồng bạn) cư trú, làm việc
  2. Nơi nguyên đơn (bạn) cư trú, làm việc theo thỏa thuận của hai bên

Như vậy, đối với trường hợp đơn phương ly hôn, bạn phải nộp đơn tại Tòa án thành phố B nơi chồng bạn – là bị đơn trong vụ án ly hôn cư trú, làm việc. Trừ trường hợp bạn và chồng bạn có thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi bạn cư trú, làm việc (thành phố C) thì Tòa án thành phố C mới có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn của bạn.

Kết luận: Trường hợp thuận tình ly hôn (đã thỏa thuận được về chia tài sản và nuôi con) thì bạn có quyền nộp đơn lên Tòa án nhân dân thành phố C yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp đơn phương ly hôn, bạn chỉ được nộp đơn đến Tòa án thành phố C nếu đã có sự thỏa thuận bằng văn bản với chồng mình về việc giải quyết ở Tòa án thành phố C. Nếu không có thỏa thuận thì bạn phải nộp đơn đến Tòa án thành phố B nơi chồng bạn cư trú, làm việc để giải quyết.

Cần lưu ý: chúng tôi tư vấn dựa trên giả định thành phố B, thành phố C là những thành phố trực thuộc tỉnh (tức thành phố tương đương cấp huyện). Trường hợp đây là những thành phố trực thuộc Trung ương (tương đương cấp tỉnh) thì bạn phải nộp đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thành phố C hoặc thành phố B theo những quy định nêu trên. (do thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện chứ không phải Tòa án cấp tỉnh).

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191