Học sinh bị bạn khác đánh thì nhà trường có trách nhiệm gì không?

Câu hỏi của khách hàng: Học sinh bị bạn khác đánh thì nhà trường có trách nhiệm gì không?

Các anh chị luật sư giúp mình với ạ
Mình là giáo viên mầm non
Trong lớp có một trẻ bị bạn tát vào má hai lần
Phụ huynh đến chửi bới và yêu cầu toàn trường xin lỗi sau đó bồi thường thiệt hại là một năm tiền lương của cô giáo
Theo luật thì chúng tôi bị khép vào tội gì và có phải bồi thường không hoặc bồi thường như thế nào ạ?
Xin cảm ơn các anh chị trước ạ


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 03/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm của nhà trường khi trẻ gây thiệt hại

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Học sinh bị bạn khác đánh thì nhà trường có trách nhiệm gì không?

Trong trường hợp trẻ (dưới 15 tuổi) gây thiệt hại cho tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của một cá nhân khác, chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân là cha, mẹ, người giám hộ của trẻ gây thiệt hại. Bằng tài sản của mình, những đối tượng này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà trẻ đã gây ra. Trong trường hợp trẻ gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý (trong thời gian coi trẻ với trường mầm non), nhà trường được coi là chủ thể quản lý trẻ và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà trẻ đã gây ra.

Căn cứ Điều 599 Bộ luật dân sự:

Điều 599. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý

1.Người chưa đủ mười lăm tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2.Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3.Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.

Khi một trẻ bị bạn tát vào má hai lần, tức là trẻ có hành vi tát bạn đã có hành vi gây thiệt hại về sức khỏe của bé bị tát. Nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho trẻ bị tát qua người giám hộ (thông thường là cha, mẹ) của trẻ bị thiệt hại. Tuy nhiên, sau khi nhà trường thực hiện việc bồi thường, nhà trường có quyền yêu cầu giáo viên coi trẻ trả lại số tiền đã dùng để bồi thường cho gia đình trẻ bị thiệt hại.

Ngoài ra, trong trường hợp nhà trường (mà cụ thể là giáo viên có nhiệm vụ trông coi trẻ) chứng minh được phía nhà trường không có lỗi trong việc quản lý trẻ thì nhà trường sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà trẻ đã gây ra cho bạn khác. Lúc này, chính cha, mẹ, người giám hộ của trẻ gây thiệt hại là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Về việc bồi thường thiệt hại. Căn cứ Điều 585 Bộ luật dân sự thì thiệt hại thực tế sẽ được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên (bên có trách nhiệm bồi thường và bên được bồi thường) có quyền thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần để giải quyết tranh chấp (trừ một số trường hợp đặc biệt). Bên cạnh đó, mức bồi thường có thể được giảm nếu chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường, hình thức bồi thường,… (những yếu tố liên quan), bên bồi thường có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết. Việc giải quyết của Tòa án sẽ được dựa trên các căn cứ mà pháp luật quy định.

Mà mức bồi thường thiệt hại cần được xác định trên thiệt hại do hành vi của trẻ đánh bạn gây ra trên thực tế. Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm thường gồm:

-Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

-Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

-Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải chi trả một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu (có thể thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).

Khi hai bên không thỏa thuận được, việc khởi kiện ra Tòa án được xem là biện pháp giải quyết cho hai bên. Tòa án ở đây đóng vai trò là chủ thể quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bên gây thiệt hại, không phải chủ thể định tội chủ thể gây thiệt hại hay chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xem xét những yếu tố cụ thể để nhận định trách nhiệm của nhà trường, bản thân cũng như thiệt hại thực tế mà trẻ đã gây ra cho bạn cùng lớp khi có hành vi tát bạn cùng lớp. Sau đó, bạn nhìn nhận lại yêu cầu của phía phụ huynh xem có phù hợp hay không. Nếu không phù hợp, bạn có thể thỏa thuận lại với phụ huynh của trẻ bị thiệt hại để yêu cầu một mức phù hợp hơn. Về vấn đề tội mà bạn phạm phải, theo quy định hiện tại và những thông tin bạn đưa ra thì bạn chỉ là bên có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bé bị thiệt hại. Việc bé đánh bạn khác trong lớp không phải yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191