Khai nhận di sản thừa kế không có đủ người thừa kế

Khai nhận di sản thừa kế không có đủ người thừa kế

Mẹ tôi đứng tên căn nhà 70m2 trên diện tích đất 250m2 hợp thức hóa năm1988. Ba tôi mất năm 1992, chúng tôi có 9 anh chị em, có 1 người đang sống ở nước ngoài không sao lục khai sinh được (Sở Tư Pháp TP HCM trả lời bị mất sổ bộ). Để làm thủ tục đổi sổ hồng, các anh chị tôi tiến hành làm văn bản khai nhận di sản phần ba tôi, chỉ 8 người (người không có tên không có khai sanh) thì có hợp pháp không? Nếu không chúng tôi phải làm sao?

Gửi bởi: Võ Thị Bạch Lan

Trả lời có tính chất tham khảo

Thứ nhất: Trong quá trình phân chia di sản thừa kế, gia đình chị có vướng mắc vì một người con không sao lục được giấy khai sinh do Sở Tư pháp bị thất lạc Sổ đăng kí khai sinh. Đối với trường hợp này, gia đình chị có thể thực hiện như sau:

– Nếu người này đang sinh sống ở nước ngoài nhưng vẫn còn hộ khẩu tại Việt Nam và trên Sổ hộ khẩu có thể hiện quan hệ bố-con giữa người để lại di sản và người thừa kế thì có thể sử dụng Sổ hộ khẩu để chứng minh quan hệ huyết thống.

– Trường hợp không có Sổ hộ khẩu như trên thì người này có thể thực thủ tục Đăng ký lại việc sinh theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính Phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch.

Nếu người này vẫn còn hộ khẩu tại Việt Nam thì Thủ tục Đăng ký lại việc sinh được thực hiện theo các Điều 46, 47, 48 Nghị định 158/2005/NĐ-CP.

Nếu người này là người Việt Nam định cư tại nước ngoài thì Thủ tục Đăng ký lại việc sinh được thực hiện theo các Điều 58, 59 Nghị định 158/2005/NĐ-CP. Điều kiện, thẩm quyền đăng ký lại việc sinh đối với trường hợp này theo quy định tại Điều 58 Nghị định 158/2008/NĐ-CP như sau:

” 1. Việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của người nước ngoài đã đăng ký tại Việt Nam, nhưng bản chính giấy tờ hộ tịch và sổ đăng ký hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được, thì được đăng ký lại.

2. Sở Tư pháp mà trong địa hạt tỉnh (thành phố) đó trước đây đương sự đã đăng ký việc sinh, tử, kết hôn, nhận nuôi con nuôi thực hiện đăng ký lại.”

Thứ hai: Về thành phần khai nhận di sản thừa kế. Theo như chị trình bày thì gia đình chị thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật được quy định tại Chương 24 Bộ luật Dân sự. Việc phân chia di sản được thực hiện theo thứ tự hàng thừa kế. Theo Điểm a khoản 1 điều 676 Bộ luật Dân sự thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Nếu ba của chị không có cha mẹ nuôi hay con nuôi thì người thừa kế của ba chị gồm có:

– Vợ,

– 9 người con,

– Cha đẻ, mẹ đẻ (nếu họ còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết).

Các cá nhân trên đều bìnhđẳng về quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Việc phân chia di sản thừa kế cần phải có sự thỏa thuận của những người thừa kế nêu trên. Tuy nhiên pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc phải có đủ người thừa kế mới được phân chia di sản thừa kế. Khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự cũng có quy định mở như sau: “Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.”

Về nguyên tắc, việc khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo pháp luật phải được thực hiện một cách công khai, bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả những người thừa kế.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 158/2005/NĐ-CP Về đăng ký và quản lý hộ tịch

Trả lời bởi: CTV1


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191