Không có hộ khẩu làm sao để làm được Chứng minh nhân dân

Câu hỏi của khách hàng: Không có hộ khẩu làm sao để làm được Chứng minh nhân dân

Cho mình hỏi, ba mình là dân di cư bên Trung Quốc qua từ nhỏ, sau này cưới mẹ mình rồi sinh ra mình, do bên ngoại không cho mình vào hộ khẩu nên mình chỉ được làm giấy khai sanh, giờ mình lớn mà do không hộ khẩu nên không làm được chứng minh nhân dân (CMND), vậy còn cách nào không ạ

Giấy tờ tùy thân mình có gồm: 1 giấy khai sanh bản gốc, 1 giấy khai sanh bản sao có chứng thực , 1 tờ giấy của chính quyền xác nhận là không có hộ khẩu, giờ có cách nào mình làm Chứng minh nhân dân được không, mình không có CMND nên không đăng ký tạm trú để có KT3 được. Mong luật sư giúp ạ.


Luật sư Tư vấn Luật Cư trú – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 03/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Thủ tục để làm Chứng minh nhân dân

  • Luật cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2013
  • Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
  • Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP
  • Nghị định 05/1999/NĐ-CP về chứng minh nhân dân
  • Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn một số quy định của Nghị định 05/1999/NĐ-CP

3./ Luật sư trả lời Không có hộ khẩu làm sao để làm được Chứng minh nhân dân

Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân do cơ quan Công an có thẩm quyền chứng nhận về những đặc điểm riêng và nội dung cơ bản của mỗi công dân trong độ tuổi do pháp luật quy định, nhằm bảo đảm thuận tiện việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Khi không có hộ khẩu thì bạn phải đăng ký thường trú trước khi tiến hành thủ tục để xin cấp Giấy chứng minh nhân dân, cụ thể:

Căn cứ Điều 4 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:

“Điều 4.Các đối tượng sau đây tạm thời chưa được cấp Chứng minh nhân dân

1-Những người đang bị tạm giam, đang thi hành án phạt tù tại trại giam; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai n ghiện bắt buộc;

2-Những người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng điều khiển hành vi của mình. …”

Căn cứ Điều 3 Nghị định 05/1999/NĐ-CP:

“Điều 3.Đối tượng được cấp Chứng minh nhân dân

1-Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi tắt là công dân) có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp Chứng minh nhân dân theo quy định của Nghị định này. …”

Ba bạn là di cư bên Trung Quốc qua từ nhỏ, sau này cưới mẹ bạn rồi sinh ra bạn, bạn không được người thân cho nhập khẩu, giờ bạn muốn làm chứng minh nhân dân. Căn cứ vào thông tin trên Giấy khai sinh của bạn, nếu phần quốc tịch ghi bạn có quốc tịch Việt Nam, khi bạn đã đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam thì thủ tục xin cấp Chứng minh nhân dân của bạn là:

Căn cứ điểm b Khoản 1 Mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA:

“b-Thủ tục cấp mới Chứng minh nhân dân.

-Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu hoặc chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;

-Chụp ảnh: ảnh do cơ quan công an chụp hoặc thu qua camera để in trên CMND và tờ khai. Ảnh màu, kích thước là 3×4 cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, trang phục tác phong nghiêm túc, lịch sự.

-Kê khai tờ khai cấp CMND (theo mẫu);

-In vân tay 10 ngón vào chỉ bản, tờ khai (theo mẫu) hoặc cơ quan Công an thu vân tay 10 ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào chỉ bản và CMND;

-Nộp lệ phí cấp CMND.”

Tuy nhiên, bạn hiện không có hộ khẩu thường trú mà theo quy định này thì Hộ khẩu thường trú là một trong những loại giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ xin cấp mới chứng minh nhân dân. Nên bạn cần đăng ký thường trú trước khi làm thủ tục xin cấp chứng minh nhân dân.

Căn cứ Điều 19 Luật cư trú:

Điều 19. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh

Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”

Do đó, khi gia đình không đồng ý cho bạn đăng ký thường trú ở địa chỉ gia đình thì bạn có thể đi thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân khác theo thỏa thuận, sau đó thực hiện thủ tục đăng ký thường trú. Hồ sơ đăng ký gồm:

-Bản khai nhân khẩu theo mẫu

-Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo mẫu

-Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (trừ trường hợp được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình);

-Đối với chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ  của cá nhân thì người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở của mình phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên và ngày, tháng, năm (nếu tại thành phố Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh thì phải ghi rõ diện tích cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ vào trong hợp đồng)

Ngoài ra, khi đến làm thủ tục đăng ký thường trú, công dân phải xuất trình Giấy khai sinh (do bạn không có chứng minh nhân dân), nộp bản sao giấy tờ, tài liệu được cấp từ sổ gốc, bản sao được công chứng, chứng thực giấy tờ cho cơ quan đăng ký cư trú.

Thời gian giải quyết là 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp sẽ có trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, không có Sổ hộ khẩu thì cơ quan chức năng sẽ không cấp Giấy chứng minh nhân dân cho bạn. Nên bạn cần đăng ký thường trú trước, khi đăng ký xong theo quy định bạn có thể tới cơ quan công an để xin cấp Chứng minh nhân dân theo quy định.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191