Làm việc nhiều năm nhưng theo hợp đồng thuê khoán không được tham gia BHXH có đúng không

Câu hỏi của khách hàng: Làm việc nhiều năm nhưng theo hợp đồng thuê khoán không được tham gia BHXH có đúng không

Tôi có thắc mắc muốn nhờ các Luật sư tư vấn giúp đỡ!

Tôi là 1 trong số nhiều anh chị em đang thực hiện công việc tại 1 Điện lực theo hình thức “Hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng” đã nhiều năm, thực tế chúng tôi làm việc tại Điện lực chứ không được thực hiện như HĐ. Gần đây Điện lực thay đổi hợp đồng với chúng tôi theo hình thức “Hợp đồng thuê khoán công việc”.

Thực tế tôi thực hiện các công việc ghi trong cả 2 loại hợp đồng đã rất nhiều năm (người ít nhất cũng đã 02 năm) tại Điện Lực, công việc diễn ra thường xuyên tháng nào cũng vậy suốt nhiều năm nhưng không hề được tham gia BHXH, BHYT.  Nay tôi muốn nhờ các Luật sư tư vấn giúp là với trường hợp của tôi và các anh chị em thì ĐL đã thực hiện đúng loại hợp đồng và các chế độ BHXH, BHYT chưa?

Tôi xin chân thành cảm ơn!


Luật sư Tư vấn Bộ luật lao động – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 17/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Bộ luật lao động

  • Bộ luật lao động 2012
  • Luật bảo hiểm xã hội 2014
  • Luật bảo hiểm y tế 2014
  • Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3./ Luật sư trả lời Làm việc nhiều năm nhưng theo hợp đồng thuê khoán không được tham gia BHXH có đúng không

Hợp đồng khoán việc là sự thỏa thuận của các bên, theo đó, bên nhận khoán có nghĩa vụ hoàn thành một công việc nhất định, sau khi hoàn thành phải bàn giao lại cho bên giao khoán kết quả công việc, bên giao khoán nhận kết quả công việc và trả cho bên nhận khoán thù lao đã thỏa thuận

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về đối tượng áp dụng:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

…”

Khoản 1 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung 2014 đối tượng tham gia bảo hiểm y tế:

“1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của pháp luật về tiền lương, tiền công; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là người lao động).

Theo đó, người nhận khoán việc không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHYT theo Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng. Do đó, trong trường hợp giao kết hợp đồng khoán việc (hợp đồng dịch vụ – không phải hợp đồng lao động) thì các bên không phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT theo quy định.

Trong trường hợp này, bạn làm việc cho công ty đã nhiều năm, được trả lương hàng tháng, được chấm công, làm việc theo giờ hành chính,… thường xuyên liên tục. Việc công ty không ký hợp đồng lao đồng mà ký hợp đồng theo dịch vụ hoặc hợp đồng khoán việc là đã vi phạm quy định về loại hợp đồng theo Bộ luật Lao động 2012 và hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP về Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động:

“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động; giao kết hợp đồng lao động trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

…”

Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn và những người lao động bạn nên gửi đơn yêu cầu công ty ký hợp đồng lao đồng, đóng bảo hiểm xã hội, bồi thường thiệt hại. Trường hợp công ty không giải quyết bạn gửi đơn yêu cầu tới Phòng Lao động, Thương binh và xã hội thuộc UBND huyện nơi công ty đóng trụ sở để có biện pháp xử lý hoặc bạn có thể khởi kiện hành vi vi phạm của công ty tới Tòa án nhân dân huyện nơi công ty đóng trụ sở.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191