Mang xe đi sửa nhưng bị hư hỏng do bão thì ai phải chịu trách nhiệm

Câu hỏi của khách hàng: Mang xe đi sửa nhưng bị hư hỏng do bão thì ai phải chịu trách nhiệm

A mang xe đến cửa hàng của B sửa. B hẹn A 1 tuần sau quay lại lấy. Đúng hẹn A quay lại nhưng B nói nhiều việc quá nên sửa chưa xong. A không nói gì ra về. Tối đó, 1 cơn bão làm sập nhà của B và 1 số nhà khác, tài sản của B và xe của A bị hư hỏng. A yêu cầu B bồi thường vì cho rằng B chậm sửa xe nên vi phạm Hợp đồng. Vì vậy, B phải chịu trách nhiệm. B cho rằng A là chủ sở hữu nên A phải chịu rủi ro. Theo anh chị tranh chấp này giải quyết như thế nào? Tại sao?

Mọi người cho em hỏi phương án giải quyết bài này ạ.
Cá nhân em nghĩ, thì đây là trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ,
Thứ nhất, căn cứ vào điều 351 bộ luật dân sự, thì B có trách nhiệm dân sự đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ.
Thứ hai, căn cứ điều 360 thì trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Nhưng mà ở đây, cái này là sự kiện bất khả kháng ( bão),và B không lường trước được và cũng không thể khắc phục được. Thì theo điều 584 Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thì B sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường. vậy là B có phải bồi thường không ạ?


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 08/11/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ bồi thường

Bộ luật dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Mang xe đi sửa nhưng bị hư hỏng do bão thì ai phải chịu trách nhiệm

Hợp đồng dịch vụ được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Trong trường hợp bạn đưa ra, thực chất, giữa A và B đã xác lập một hợp đồng dịch vụ. Do vậy, khi xảy ra thiệt hại trong thời gian chậm thực hiện nghĩa vụ, thông thường bên B sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Trước hết, cần phải xem xét xem hợp đồng được xác lập giữa A và B có thỏa thuận gì về vấn đề bồi thường trong trường hợp này không. Nếu hai bên có thỏa thuận thì việc bồi thường được thực hiện như nội dung thỏa thuận, phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu hai bên không có thỏa thuận/ thỏa thuận không hợp pháp thì việc bồi thường được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc giải quyết trách nhiệm bồi thường trên được pháp luật dân sự quy định như sau:

-Người phải gánh chịu trách nhiệm, hậu quả khi chiếc xe của bên A bị thiệt hại trong trường hợp trên là bên B. Do việc bên A không lấy chiếc xe về khi đến thời hạn đã thỏa thuận trước đó là do lỗi của bên B, bên B chưa sửa xong, việc này có thể coi là bên B chậm thực hiện nghĩa vụ. Không phải do bên A chậm lấy tài sản. Ngoài ra, trong trường hợp này, hai bên cũng có thể coi việc bên A bỏ sẽ lại đây là việc sửa đổi hợp đồng dịch vụ ban đầu, cụ thể là kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Nói cách khác, thiệt hại xảy ra trong thời gian này sẽ do bên B chịu trách nhiệm.

-Ngoài ra, theo nhận định của bạn thì việc xe của bên A bị thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng gây ra nên bên B theo lý không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự:

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1.Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2.Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3.Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn phải nhận định xem thiệt hại này có thực sự là do sự kiện bất khả kháng hay không.

Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự thì “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Theo đó, việc có bão gây sập nơi bảo quản xe không nhất định là sự kiện bất khả kháng trong trường hợp:

-Hai bên thỏa thuận không coi đây là sự kiện bất khả kháng.

-Bên A chứng minh được rằng bên B không thực hiện các biện pháp chống bão, sửa chữa những chỗ có nguy cơ sập khi có thông tin về việc bão sẽ đổ bộ tới khu vực này. Ví dụ như, bên B hoàn toàn biết nơi bảo quản xe của mình đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ khi có bão nhưng bên B lại không nói cho bên A, không có biện pháp sửa chữa,…

Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, có hai khả năng xảy ra, cần phải tùy thuộc vào nội dung cụ thể của thỏa thuận giữa hai bên cùng việc khắc phục, hạn chế hậu quả do bão gây ra của bên B để xác định trách nhiệm của các bên. Bên B phải chịu trách nhiệm bồi thường, hay bên A phải chịu rủi ro.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191