Người tham gia giao dịch bị câm, không có khả năng thực hiện việc ký, điểm chỉ

Người tham gia giao dịch bị câm, không có khả năng thực hiện việc ký, điểm chỉ

Trường hợp trong hộ có thành viên bị câm, không biết gì, không có chứng minh thư, không có khả năng thực hiện việc ký, điểm chỉ khi công chứng việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cùng các thành viên trong hộ thì phải làm thế nào? Xin cảm ơn!

Gửi bởi: Nguyễn Trí Liễu

Trả lời có tính chất tham khảo

Trong trường hợp của bạn, phải xác định được thành viên đó có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay đã mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

1. Trường hợp thứ nhất: người đó có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của bạn có thể được giải quyết như sau:

* Việc người đó không có chứng minh nhân dân: Khi yêu cầu công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng/sở hữu tài sản thì người yêu cầu công chứng phải nộp giấy tờ tùy thân (theo Điều 35 Luật Công chứng). Giấy tờ tùy thân là Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu. Như vậy, thành viên trong hộ gia đình của bạn phải xin cấp chứng minh nhân dân hoặc có thể dùng hộ chiếu để thay thế.

* Việc người đó bị câm, không ký, điểm chỉ được:

Theo Điều 9 Luật Công chứng: Trong trường hợp pháp luật quy định việc công chứng phải có người làm chứng hoặc trong trường hợp pháp luật không quy định việc công chứng phải có người làm chứng nhưng người yêu cầu công chứng không đọc được hoặc không nghe được hoặc không ký và không điểm chỉ được thì phải có người làm chứng.

Như vậy, gia đình bạn có thể mời người làm chứng trong việc lập và ký hợp đồng công chứng. Người làm chứng phải có đủ các điều kiện sau đây:

– Từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ về tài sản liên quan đến việc công chứng.

2. Trường hợp thứ hai: người đó mất năng lực hành vi dân sự

Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định (Điều 22 Bộ luật Dân sự).

Trường hợp của bạn nêu, nếu người đó không có khả năng nhận thức thì gia đình có thể yêu cầu Tòa tuyên người đó mất năng lực hành vi dân sự; và cử người giám hộ. (theo Điều 319 Bộ luật Tố tụng dân sự)

* Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự.

* Đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có đủ các nội dung:

– Ngày, tháng, năm viết đơn;

– Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;

– Tên, địa chỉ của người yêu cầu;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;

– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;

– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;

– Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.

* Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự phải có kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

* Toà án có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong quyết định tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Toà án phải quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Sau khi có quyết định của Tòa án tuyên thành viên trong hộ gia đình của bạn mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện của người đó (do Tòa chỉ định) sẽ cùng các thành viên khác của hộ gia đình thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Lưu ý khi: người đại diện phải tuân thủ quy định về phạm vi đại diện quy định tại Điều 144 Bộ luật Dân sự như sau:

Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.

– Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

– Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.

– Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Các văn bản liên quan:

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191