Phải làm gì để giải quyết việc chia thừa kế?

Câu hỏi của khách hàng: Phải làm gì để giải quyết việc chia thừa kế?

Gia đình ông nội em ( ông A) có 6 người con.. có 1 mảnh đất diện tích là 1 sào 12 thước…khi ông A còn sống, con trai ông A là anh B lấy vợ và sau đó ông A đã cho anh B mảnh đất có diện tích là 12 thước.thời điểm ông A cho anh B mảnh đất là năm 1986 …vợ chồng anh B sau đó đã tách khẩu và ra ở riêng…sau đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông A còn lại là 1 sào….năm 2000, ông A chết và không để lại di chúc…đến thời điểm năm 2018, bà C là vợ ông A đột nhiên cho con gái 5 thước và không được sự thống nhất của các con trong gia đình….nay gia đình em ( anh B ) muốn nhờ pháp luật can thiệp để phân chia mảnh đất ông A để lại một cách công bằng…

Theo em đc biết, theo luật thừa kế, tài sản của người chết nếu không có di chúc sẽ được phân chia đều từ hàng thừa kế thứ nhất…

Vậy em rất mong được mọi người tư vấn giúp em trường hợp này và gia đình em nên phải làm gì để nhờ pháp luật can thiệp giải quyết việc chia thừa kế


Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 11/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Chia thừa kế quyền sử dụng đất

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Luật Đất đai năm 2013;
  • Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

3./ Luật sư trả lời Phải làm gì để giải quyết việc chia thừa kế?

Thừa kế là việc chuyển dịch di sản của người đã chết cho người còn sống (bao gồm những người hưởng thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc). Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp không có di chức, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho những người cùng hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên (hàng thừ kế thứ nhất, hành thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba). Căn cứ khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế theo pháp luật như sau:

“2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau”.

Theo đó, trường hợp ông bạn không để lại di chúc thì phần di sản của ông sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Những người được hưởng thừa kế bao gồm những người cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bà nội bạn, 06 người con chung của ông, bà. Những người này sẽ được hưởng phần bằng nhau đối với di sản ông để lại.

Tuy nhiên, để xác định di sản của ông bạn để lại, cần phải xem xét mảnh đất kia có thuộc quyền sử dụng của riêng mình ông bạn hay không. Bởi lẽ, căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.

Theo đó, cần phải xác định rõ nguồn gốc mảnh đất trên, quyền sử dụng đất có được trước hay sau khi ông bà nội bạn kết hôn, có thuộc các trường hợp thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc mua bằng tài sản riêng hay không. Từ đó, xác định quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông bà bạn hay là tài sản riêng của ông nội bạn.

Trường hợp 1: quyền sử dụng 1 sào đất này chỉ thuộc về ông nội bạn.

Đối với trường hợp này, di sản thừa kế sẽ là toàn bộ 1 sào đất (15 thước) đó. Những người được thừa kế theo pháp luật sẽ nhận được những phần bằng nhau của di sản, tức là bà nội bạn và 06 người con của ông bà mỗi người sẽ nhận được khoảng 2,14 thước đất. Trường hợp này, bà nội bạn không được tự ý cho con gái mình 05 thước đất mà không được sự đồng ý của những người thừa kế còn lại (do quyền sử dụng đất mà bà được thừa kế chỉ là 2,14 thước đất).

Trường hợp 2: quyền sử dụng 1 sào đất trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông bạn là tài sản chung của bà và ông nội bạn.

Đối với 12 thước đất mà ông đã chuyển quyền sử dụng cho bố bạn, đã được tách sổ đỏ nên chúng tôi nhận định rằng việc tặng cho quyền sử dụng đất đã có sự đồng ý của bà nội bạn. Giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực, 12 thước đất đó không liên quan đến di sản thừa kế.

Di sản thừa kế của ông nội bạn sẽ được xác định là một nửa sào đất đó, tức là 7,5 thước đất. Bà nội bạn vẫn có quyền sử dụng đối với 7,5 thước đất còn lại. Khi ông mất, mỗi người thừa kế sẽ được chia 1/7 của 7,5 thước đất, tức là xấp xỉ 1,07 thước. Do đó, sau khi chia di sản thừa kế, bà nội bạn có quyền sử dụng với khoảng 8,57 thước đất. Như vậy, bà nội bạn được phép cho con gái mình 05 thước đất thuộc quyền sử dụng của mình sau khi chia thừa kế. Khi đó, diện tích đất mà của mối người thừa kế như sau:

– Bà nội bạn được hương: 8,57 – 5 = 3,57 thước đất;

– Người con gái được bà cho đất được hưởng: 1,07 + 5 = 6,07 thước đất;

– 05 người con còn lại của ông bà mỗi người được hưởng 1,07 thước đất.

Như vậy, trong trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông bà, sau khi bà nội bạn tặng cho quyền sử dụng 05 thước đất cho con gái, mỗi người thừa kế sẽ được hưởng thừa kế phần diện tích đất như trên.

Tuy nhiên, để được tách thửa và cấp Giấy chứng nhận riêng, pháp luật quy định phải đạt được diện tích đất tối thiểu. Diện tích đất tối thiểu để tách thửa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có thửa đất quyết định. 1,07 thước đất (khoảng 26 – 36 m2) là diện tích đất khá nhỏ, nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu để tách thửa theo quyết định của hầu hết các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Do đó, những người thừa kế 1,07 thước đất sẽ không được thực hiện tách thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng (mà sẽ sử dụng đất theo hình thức sở hữu chung).

Riêng đối với trường hợp của bố bạn, cũng chỉ được hưởng thừa kế 1,07 thước đất nhưng trước đó đã được ông tặng cho quyền sử dụng 12 thước đất. Bố bạn có thể làm thủ thục tách thửa đối với 1,07 thước đất thừa kế này. Căn cứ khoản 3 Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai như sau:

“3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới”.

Theo đó, bố bạn có thể xin tách 1,07 thước đất thừa kế từ ông bạn (liền kề với 12 thước đất trước) để hợp thửa với 12 thước đất trước đó. Bố bạn sẽ được cấp Giấy chứng nhận đối với thửa đất mới.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191