Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng

Tôi làm việc cho một công ty tư nhân. Công ty đối tác có mua bên công ty tôi một số máy móc thiết bị, khi tôi đến công ty đó thực hiện việc lắp máy móc thiết bị thì có lời qua tiếng lại và vị tổng giám đốc đó thượng cẳng chân hạ cẳng tay nhưng tôi không chống trả lại. Tôi xin hỏi nếu như tôi chống trả thì tôi phạm tội mức độ nào? Vị tổng giám đốc công ty đó hành hung tôi như vậy có bị phạm tội không?

Gửi bởi: Lê Văn Phương

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn!

Điều 15 Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về vấn đề Phòng vệ chính đáng, cụ thể như sau:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Hiện nay, xuất phát từ mục đích khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động phòng chống tội phạm, hạn chế thiệt hại mà tội phạm gây ra pháp luật hình sự đã quy định về chế định phòng vệ chính đáng. Theo đó, một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách “cần thiết” người đang có hành vi tấn công hiện hữu xâm phạm các lợi ích nói trên mặc dù gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công, thì hành vi này được coi là phòng vệ chính đáng và người phòng vệ không bị coi là tội phạm. Việc phòng vệ chính đáng nói trên phải đảm bảo các điều kiện sau:

– Thứ nhất, hành vi tấn công của người có hành vi vi phạm phải là đang hiện hữu xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân.

– Thứ hai, người phòng vệ có sự chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi tấn công ngay cả những trường hợp có biện pháp khác tránh được sự tấn công (sự chống trả này phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công đặt trong hoàn cảnh cụ thể và để đánh giá được hành vi phòng vệ là cần thiết, phù hợp là tương đối phức tạp cà cần phải dựa vào một số căn cứ sau: tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại, mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra, sức mạnh và sức mãnh liệt của hành vi tấn công, tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện hay công cụ mà người tấn công sử dụng…).

Nếu hành vi chống trả của người phòng vệ rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì đó là vượt quá phòng vệ chính đáng và người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự và các hành vi tương ứng như: giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá phòng vệ chính đáng.

Như vậy, trong trường hợp nói trên để bảo vệ sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình, bạn hoàn toàn có thể chống trả lại sự tấn công của vị tổng giám đốc kia, nhưng bạn chú ý sự chống trả này phải là cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của vị tổng giám đốc.

2. Để xác định trách nhiệm pháp lý đối với vị tổng giám đốc kia phải căn cứ vào tỷ lệ thương tật cũng như các tình tiết khác mà hành vi cố ý gây thương tích của vị tổng giám đốc này gây ra theo quy định tại Điều 104 BLHS năm 1999.

Ngược lại, nếu hành vi gây thương tích của vị tổng giám đốc không thuộc các trường hợp trên (chưa đủ yếu tố để bị truy cứu trách nhiệm hình sự) thì hành vi này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự công cộng theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn công cộng, trật tự công cộng.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 73/2010/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: Thạc sỹ Ngô Thanh Xuyên


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191