Quy định về Hợp đồng mua bán điện có thời hạn

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Quy định về Hợp đồng mua bán điện có thời hạn


Luật sư Tư vấn Luật điện lực – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 27 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Hợp đồng mua bán điện có thời hạn

  • Luật điện lực 2004, sửa đổi bổ sung năm 2012
  • Nghị định 137/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực
  • Thông tư 19/2014/TT-BCT ban hành mẫu hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt

3./ Luật sư tư vấn

Hợp đồng mua bán điện là một hợp đồng cung ứng dịch vụ, theo đó bên bán có trách nhiệm cung cấp dịch vụ mà bên mua yêu cầu, còn bên mua phải trả thù lao tương ứng với dịch vụ bên bán cung cấp.
Căn cứ Điều 22 Luật điện lực 2004, sửa đổi bổ sung năm 2012, hợp đồng mua bán điện có thời hạn phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung sau đây:

– Chủ thể hợp đồng;

– Mục đích sử dụng;

– Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ;

– Quyền và nghĩa vụ của các bên;

– Giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán;

– Điều kiện chấm dứt hợp đồng;

– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

– Thời hạn của hợp đồng;

– Các nội dung khác do hai bên thoả thuận.

Kể từ ngày 10/12/2013, ngày Nghị định 137/2013/NĐ-CP có hiệu lực thì bên mua điện phải thực hiện biện pháp bảo đảm khi thực hiện hợp đồng mua bán điện. Cụ thể:

– Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện có sản lượng điện tiêu thụ bình quân từ 1.000.000 kWh/tháng trở lên có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi hợp đồng mua bán điện có hiệu lực.

– Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng do các bên mua, bán điện thỏa thuận, nhưng không vượt quá 15 ngày tiền điện, được tính trên cơ sở sản lượng điện tiêu thụ trung bình tháng đăng ký trong hợp đồng mua bán điện và giá điện năng giờ bình thường được áp dụng.

– Biện pháp, hình thức, hiệu lực bảo đảm, quyền và nghĩa vụ trong việc bảo đảm do các bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mua bán điện; khuyến khích thực hiện biện pháp bảo lãnh qua ngân hàng.

– Bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện trong trường hợp bên mua điện không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng, không duy trì biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng mua bán điện có hiệu lực trước ngày 10/12/2013 thì không thực hiện áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm nêu trên, trừ trường hợp trong hợp đồng hai bên có thỏa thuận khác.

Theo Điều 11 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, trường hợp giao kết hợp đồng mua bán điện sinh hoạt có thời hạn, bên mua điện cần có giấy đề nghị mua điện và kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực. Các bên mua bán điện sinh hoạt có thể tham khảo mẫu hợp đồng mua bán điện của Bộ Công thương ban hành kèm theo Thông tư 19/2014/TT-BCT.

Các hành vi được coi là vi phạm hợp đồng mua bán điện, theo Điều 13 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, bao gồm:

– Các hành vi vi phạm của bên bán điện bao gồm:

+ Trì hoãn việc cấp điện theo hợp đồng mua bán điện đã ký, trừ trường hợp công trình của khách hàng chưa đủ điều kiện vận hành;

+ Không bảo đảm chất lượng, số lượng điện năng, tính ổn định trong cấp điện theo hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng;

+ Ghi sai chỉ số công tơ; tính sai tiền điện trong hóa đơn;

+ Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên mua điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

– Các hành vi vi phạm của bên mua điện bao gồm:

+ Trì hoãn việc thực hiện hợp đồng đã ký;

+ Sử dụng điện sai mục đích ghi trong hợp đồng;

+ Sử dụng quá công suất đã đăng ký trong biểu đồ phụ tải được ghi trong hợp đồng mua bán điện vào giờ cao điểm;

+ Không thanh lý hợp đồng khi không sử dụng điện;

+ Chậm trả tiền điện theo quy định mà không có lý do chính đáng;

+ Trì hoãn hoặc không bồi thường cho bên bán điện về những thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

+ Các hành vi khác vi phạm các quy định về mua bán điện.

Như vậy, hợp đồng mua bán điện có thời hạn được giao kết phải đảm bảo các nguyên tắc nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Quy định về Hợp đồng mua bán điện có thời hạn, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191