Thỏa thuận thừa kế khi di sản thừa kế bị giải tỏa

Thỏa thuận thừa kế khi di sản thừa kế bị giải tỏa

Ba mẹ chúng tôi có chung 1 căn nhà. Năm 2000, mẹ tôi mất; tại thời điểm mẹ tôi mất, ông bà ngoại của chúng tôi vẫn còn sống; ông nội của chúng tôi đã mất. Năm 2006, ba tôi được cấp quyền sử dụng đất và nhà ở (trong giấy chứng nhận, ghi rõ cả tên ba và mẹ, nhưng có ghi chú là mẹ tôi đã mất năm 2000). Tháng 3/2011, ba chúng tôi mất. Sau đó ông ngoại của chúng tôi mất vào cuối năm 2011. Hiện tại, nhà chúng tôi bị giải tỏa và đang làm thủ tục nhận đền bù và cần có giấy phân chia di sản thừa kế. Cả ba và mẹ tôi đều không để lại di chúc. Xin hỏi cách chia di sản theo pháp luật cho trường hợp của tôi là như thế nào? Thời điểm mở thừa kế trong trường hợp của tôi được tính ở thời điểm nào?

Gửi bởi: Vu Nguyen

Trả lời có tính chất tham khảo

Vì ba mẹ bạn không để lại di chúc nên những người thừa kế theo pháp luật của ba bạn có thể làm thủ tục công chứng để công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản (theo Điều 49 và Điều 50 Luật Công chứng). Với các thông tin bạn cung cấp thì có thể xác định một số vấn đề cụ thể như sau:

* Thời điểm mở thừa kế: Theo khoản 1 Điều 633 Bộ luật Dân sự thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Như vậy, thời điểm mở thừa kế của mẹ bạn là năm 2000; thời điểm mở thừa kế của ba bạn là tháng 3 năm 2011 (cụ thể hơn là ngày ba mẹ bạn mất). Việc xác định thời điểm mở thừa kế của ba và mẹ bạn sẽ giúp xác định được di sản thừa kế và người thừa kế…

* Người thừa kế:

– Người thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn: Xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự, gồm: ông ngoại và bà ngoại của bạn (bố, mẹ của người để lại di sản); Ba của bạn (chồng của người để lại di sản); các anh chị em của bạn (con của người để lại di sản); và những người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất nếu có.

– Người thừa kế theo pháp luật của ba bạn: các anh chị em của bạn (con của người để lại di sản); và những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất khác nếu có.

Lưu ý: Vì ông ngoại bạn đã mất vào cuối năm 2011 nên phần di sản mà ông ngoại được hưởng từ mẹ bạn (nếu ông ngoại còn sống) sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật của ông, xác định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự: Hàng thừa kế thứ nhất của ông ngoại gồm: bà ngoại, và những người người thừa kế khác nếu có (Điểm a Khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết)

Như vậy, hiện nay, những người sẽ tiến hành thủ tục khai nhận di sản của ba và mẹ bạn theo quy định của pháp luật gồm: bà ngoại, các anh chị em của bạn (con của ba và mẹ bạn); những người thừa kế theo pháp luật của ông ngoại bạn (với tư cách là người hưởng thay phần di sản của ông ngoại được hưởng) và những người thừa kế khác thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ba và mẹ bạn nếu có.

* Thỏa thuận trong văn bản thừa kế.

Theo thông tin bạn cung cấp thì ngôi nhà bị giải tỏa và đang làm thủ tục nhận đền bù nên gia đình bạn phải làm thủ tục khai nhận thừa kế. Vậy gia đình bạn có thể lập văn bản thừa kế để thỏa thuận về việc: cử người đại diện cho các đồng thừa kế thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng; thỏa thuận phân chia số tiền nhận đền bù…

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191