Thủ tục xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

Thủ tục xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài

Tôi là người Việt Nam có quốc tịch Hoa Kỳ, kết hôn với người Việt Nam. Hiện nay vợ tôi vẫn sinh sống và làm việc tại Việt Nam và muốn nhận đứa cháu trai 13 tuổi, gọi vợ tôi bằng dì ruột làm con nuôi. Làm ơn cho tôi biết thủ tục và giấy tờ cần thiết để vợ tôi nhận con nuôi? Xin chân thành càm ơn.

Gửi bởi: NGUYEN HUU LOI

Trả lời có tính chất tham khảo

Vợ chồng bạn có đăng ký kết hôn hợp pháp nên cả hai vợ chồng sẽ cùng làm thủ tục xin nhận con nuôi tại Việt Nam. Điều kiện đối với người nhận con nuôi trong trường hợp xin nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài (bạn hiện là người Việt Nam định cư ở Hoa Kỳ) quy định tại Điều 29 và Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 như sau:

Điều29. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật nước nơi người đó thường trú và quy định tại Điều 14 của Luật này.

2. Công dân Việt Nam nhận người nước ngoài làm con nuôi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 14 của Luật này và pháp luật của nước nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.

Điều14. Điều kiện đối với người nhận con nuôi

1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

Theo quy định trên, bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ phải đáp ứng các điều kiện theo luật của nước mà bạn đang thường trú và quy định tại Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2012 của Việt Nam. Hồ sơ xin nhận con nuôi bao gồm Hồ sơ của người nhận con nuôi và Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi. Bạn sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu theo quy định của Điều 31 Luật Nuôi con nuôi năm 2010.

Điều31. Hồ sơ của người nhận con nuôi

1. Hồ sơ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có các giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Đơn xin nhận con nuôi;

b) Bản sao Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

c) Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

d) Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

đ) Văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe;

e) Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

g) Phiếu lý lịch tư pháp;

h) Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

i) Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này.

2. Các giấy tờ, tài liệu quy định tại điểm b, c, d, đ, e, g và h khoản 1 Điều này do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

3. Hồ sơ của người nhận con nuôi được lập thành 02 bộ và nộp cho Bộ Tư pháp thông qua cơ quan trung ương về nuôi con nuôi của nước nơi người nhận con nuôi thường trú; trường hợp nhận con nuôi đích danh quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này thì người nhận con nuôi có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho Bộ Tư pháp.

Vợ của bạn sẽ chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010:

“Điều17. Hồ sơ của người nhận con nuôi

Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

Hồ sơ đối với người được nhận nuôi gồm các giấy tờ sau:

– Giấy khai sinh

– Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp

– Hai ảnh toàn thân nhìn thẳng, chụp không quá 06 tháng

– Bản tóm tắt đặc điểm, sở thích, thói quen của cháu, sở thích, thói quen hàng ngày đáng lưu ý của trẻ em

Văn bản thể hiện sự đồng ý cho con đi làm con nuôi của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi.

Văn bản thể hiện sự đồng ý của trẻ em (cháu của vợ bạn đã 13 tuổi)

Bạn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của cháu được nhận làm con nuôi để làm thủ tục.

Sở Tư pháp nơi cháu được nhận nuôi thường trú sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác minh các giấy tờ có trong hồ sơ xin nhận làm con nuôi. Nếu đầy đủ và đúng theo yêu cầu của pháp luật thì sẽ tiến hành làm thủ tục trao nhận con nuôi cho bố mẹ nuôi.

Các văn bản liên quan:

Luật 52/2010/QH12 Nuôi con nuôi

Trả lời bởi: CTV2


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191