Trâu phá ruộng, trẻ chăn trâu có phải bồi thường

Trâu phá ruộng, trẻ chăn trâu có phải bồi thường

Cháu Bình học lớp 4, hàng ngày, sau giờ đi học, Bình chăn trâu giúp bố mẹ. Trên đường lùa trâu về, Bình bị bạn Tài học cùng lớp trêu nghịch, ném một hòn đá trúng con trâu nhà Bình. Con trâu lồng lên, chạy xuống phá nát một phần ruộng dưa sắp đến kỳ thu hoạch của nhà ông Bắc.

Ông Bắc đã sang yêu cầu anh Nam là bố cháu Bình bồi thường thiệt hại cho ông nhưng anh Nam không đồng ý. Anh Nam cho rằng, người có lỗi và gây thiệt hại trong việc này là cháu Tài, ông Bắc gặp anh Tân (bố cháu Tài) yêu cầu bồi thường nhưng anh Tân không đồng ý. Ông Bắc không biết làm thế nào nên đã tìm đến tổ viên tổ hoà giải yêu cầu giải quyết. Vậy, tổ viên tổ hoà giải phải giải quyết như thế nào cho hợp lý?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Ruộng dưa nhà ông Bắc bị con trâu nhà anh Nam phá nát một phần là do cháu Tài ném đá vào con trâu khiến con trâu lồng lên rồi chạy xuống phá ruộng dưa nhà ông Bắc. Hai cháu Bình và Tài đều đang học lớp 4.

Tình huống này có 2 vấn đề cần được xem xét như sau: trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản do súc vật gây ra; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên.

Để xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Bắc, tổ viên tổ hoà giải cần căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân và quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Bắc:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Ở trường hợp này, anh Nam và cháu Bình đều không có lỗi trong việc để trâu phá nát một phần ruộng dưa nhà ông Bắc. Người có lỗi trong việc này là cháu Tài.

Khoản 2 Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại.

Do đó, người phải bồi thường thiệt hại cho ông Bắc là cháu Tài mà không phải là gia đình anh Nam. Tuy nhiên, vì cháu Tài đang là học sinh lớp 4, là người chưa thành niên nên theo quy định tại khoản 2 Điều 606 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Từ những phân tích trên cho thấy, người có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho ông Bắc là anh chị Tân – cha, mẹ cháu Tài. Về mức bồi thường thì anh chị Tân có thể thoả thuận với ông Bắc, căn cứ vào mức độ thiệt hại của ruộng dưa.

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191