Va xe máy vào trẻ con nhưng không có lỗi thì có sao không?

Câu hỏi của khách hàng: Va xe máy vào trẻ con nhưng không có lỗi thì có sao không?

Xin chào, tôi có điều khiển xe máy trên đường đi đón con phải đi qua một khu ngõ nhỏ khoảng chừng rộng 5m, lúc đó tôi lái xe ở vận tốc 30km/h và hoàn toàn làm chủ được tốc độ của mình, tuy nhiên khi đến gần cuối ngõ, tôi chỉ cảm thấy một chấn động mạnh lao vào ở sườn xe và tôi bị đổ ngang xe, cùng đó là người dân 2 bên đường lao ra và nói đâm vào trẻ con rồi, một vài người lao ra rút chìa khóa xe của tôi và một phụ nữ thì bế đứa bé đi, thật tình tôi cũng choáng váng và chưa định hình được chuyện xảy ra là thế nào. Ngay lúc đó tôi bị một người đàn ông tự xưng là bố đứa bé lao tới tát liên tiếp và nói tôi lái xe đâm vào con họ do phóng nhanh làm tôi không thể kháng cự. Sự việc được chừng 30’ thì công an tới và mời tôi lên phường làm việc, yêu cầu viết lại bản tường trình sau đó bảo tôi về đi, có gì sẽ gọi tôi lên sau. Tôi rất sợ và hoang mang, tôi cũng không dám một mình quay lại chỗ đó để nói chuyện với gia đình cháu bé kia vì thái độ bố cháu cùng dân cư khu đó quả thật quá hung đồ, như vậy xin hỏi là liệu tôi có phạm tội gì không?


Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 10/01/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Trách nhiệm pháp lý khi gây tai nạn giao thông

  • Bộ luật Dân sự năm 2015

3./ Luật sư trả lời Va xe máy vào trẻ con nhưng không có lỗi thì có sao không?

Tai nạn giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Qua công tác khám nghiệm, điều tra mà cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân của vụ tai nạn, lỗi của từng bên để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự đối với chủ thể có lỗi.

Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn đang tham gia giao thông trên đường theo đúng tốc độ và làn đường cho phép, bị một xe đâm vào sườn xe khiến xe bị đổ ngang. Theo nhận định ban đầu, bạn hoàn toàn không có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị thiệt hại trong vụ việc trên. Tuy nhiên, khi tai nạn giao thông xảy ra, Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng Cảnh sát khác vẫn có nhiệm vụ khám nghiệm, điều tra giải quyết vụ việc. Nếu sau khi có kết luận của cơ quan chức năng xác định bạn không có hành vi vi phạm trong vụ tai nạn thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý do không có hành vi vi phạm pháp luật.

Bạn cũng sẽ không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đứa trẻ nếu bạn không có vi phạm. Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3.Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bời thường thiệt hại là có hành vi vi phạm gây thiệt hại. Tuy nhiên, bạn chỉ đang lưu thông trên đường với tốc độ cho phép, tai nạn xảy ra là do người khác tự đâm vào xe của bạn, do đó, bạn không có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác. Theo quy định nêu trên, bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Như vậy, đối với trường hợp này, bạn cần đợi kết quả khám nghiệm, điều tra của cơ quan chức năng về vụ tai nạn. Nếu có kết luận tai nạn hoàn toàn là do hành vi của bên kia gây ra, bạn không có hành vi vi phạm trong vụ việc này thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào đối với thiệt hại của đứa trẻ.

Đối với gia đình người bị thiệt hại, để trách những rắc rối về sau, bạn có thể bồi thường cho họ một số tiền coi như bù đắp chi phí chữa trị đồng thời là bù đắp về mặt tinh thần. Tuy nhiên, cần lưu ý với gia đình họ rằng đây là khoản bồi thường tự nguyện, không phải là thực hiện trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại này.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191