Xây dựng nhà ở không đúng với giấy phép được cấp, lấn chiếm khoảng không của các hộ liền kề

Xây dựng nhà ở không đúng với giấy phép được cấp, lấn chiếm khoảng không của các hộ liền kề

Ngôi nhà số 37, phố X, phường B, thành phố Lạng Sơn là một ngôi nhà 02 tầng xây kiểu cũ có chiều rộng khuôn viên là 6m, chiều dài 17m, mái lợp ngói có dấu hiệu xuống cấp do sử dụng đã lâu; mặt tiền ngôi nhà là mặt phố, sát bên trái ngôi nhà là ngõ dân sinh có chiều rộng 1,8m của một số hộ dân sống trong ngõ phía sau ngôi nhà. Tháng 02/2005, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ sở hữu ngôi nhà đã gửi hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật xin phép chính quyền phường sở tại và UBND thành phố Lạng Sơn cho phá dỡ nhà cũ để xây dựng mới một ngôi nhà 03 tầng theo kiến trúc hiện đại. Tháng 3/2005, UBND thành phố Lạng Sơn đã cấp giấy phép xây dựng nhà cho ông Thắng. Sau khi có giấy phép, ông Thắng bắt tay vào thi công xây dựng ngôi nhà. Căn nhà được xây thô đến tầng 3 thì bắt đầu phát sinh khiếu kiện của các hộ dân trong ngõ kế bên ngôi nhà vì ông Thắng đã tự ý đổ bê tông ban công của tầng 2 và tầng 3 chạy dài theo chiều ngõ 10m, đồng thời mở cửa sổ và cửa ra vào ban công để sử dụng phần diện tích ban công lấn chiếm khoảng không gian của ngõ. Phần ban công lấn chiếm và sử dụng khoảng không gian này không có trong thiết kế trình xin giấy phép xây dựng. Vì vậy, các hộ dân trong ngõ đã làm đơn tập thể gửi đến UBND phường B và UBND thành phố Lạng Sơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của ông Thắng, dỡ bỏ phần ban công lấn chiếm khoảng không, khôi phục lại hiện trạng ban đầu của ngõ. Cán bộ phụ trách xây dựng của phường cần tham mưu cho Chủ tịch phường xử lý tình huống này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc phá dỡ nhà cũ để xây nhà mới của ông Thắng là đúng pháp luật vì ông Thắng đã có đơn kèm theo hồ sơ xin phép xây dựng và được UBND thành phố Lạng Sơn cấp Giấy phép xây dựng theo đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, việc ông Thắng tự ý đổ bê tông ban công tầng 2, tầng 3 và mở cửa sổ, cửa ra vào ban công của ngôi nhà không theo thiết kế được duyệt, lấn chiếm khoảng không của ngõ là vi phạm pháp luật về xây dựng và đất đai. Điểm d khoản 2 Điều 68 Luật Xây dựng năm 2003 quy định, người xin cấp giấy phép xây dựng có nghĩa vụ thực hiện đúng nội dung của giấy phép xây dựng; khi có sự điều chỉnh, thay đổi thiết kế phải được sự chấp nhận của cơ quan cấp giấy phép xây dựng. ở đây, ông Thắng đã không thực hiện đúng nội dung của giấy phép được cấp, có phần ban công được xây lấn ra khoảng không của ngõ liền kề. Mặt khác, việc ông Thắng lấn chiếm khoảng không gian của ngõ liền kề là vi phạm quyền sử dụng đất của các hộ dân trong ngõ, vì ngõ là lối đi chung của các hộ dân này; do đó, nếu họ không đồng ý thì ông Thắng không được lấn chiếm diện tích ngõ cũng như khoảng không gian thuộc phần diện tích ngõ tính theo chiều thẳng đứng từ mặt đất chiếu lên. Vì vậy, những đòi hỏi trong đơn khiếu kiện của tập thể các hộ dân trong ngõ là có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Thẩm quyền xử lý vi phạm thuộc về UBND phường B theo quy định tại Điều 28 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002, Điều 8 và Điều 43 Nghị định số 126/2004/NĐ-CP. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với chủ đầu tư tổ chức xây dựng bộ phận công trình, công trình mới; cải tạo, mở rộng, sửa chữa công trình sai thiết kế được duyệt; ngoài ra, chủ đầu tư vi phạm còn bị buộc thực hiện đúng thiết kế xây dựng được duyệt.

Theo đó, Chủ tịch UBND phường B cần tiến hành các công việc sau:

– Sau khi nhận đơn khiếu nại của các hộ dân, cán bộ phụ trách xây dựng của phường B báo cáo Chủ tịch UBND phường về việc thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra việc xây dựng nhà của ông Thắng.

– Lập biên bản vi phạm trong thi công xây dựng nhà của ông Thắng với lý do xây nhà không đúng với nội dung giấy phép được cấp và mời ông Thắng ra UBND phường giải quyết.

– Chủ tịch UBND phường B phân tích phần sai phạm trong việc xây nhà của ông Thắng như đã nêu trên; ra quyết định phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng theo thẩm quyền như đã nêu ở phần phân tích tình huống. Yêu cầu ông Thắng tự phá dỡ phần ban công xây lấn ra khoảng không gian của ngõ liền kề, khôi phục lại tình trạng ban đầu của ngõ và xây dựng theo đúng thiết kế đã được phê duyệt. Nếu ông Thắng không tự phá dỡ phần ban công xây lấn thì sẽ bị cưỡng chế phá bỏ phần xây dựng sai phạm này.

Các văn bản liên quan:

Luật 16/2003/QH11 Xây dựng

Pháp lệnh 44/2002/PL-UBTVQH10 Xử lý vi phạm hành chính

Nghị định 126/2004/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191