Xuất trình chứng minh nhân dân khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà

Xuất trình chứng minh nhân dân khi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà

Bà ngoại em đã cao tuổi, CMND đã hết hạn. Nếu làm lại CMND thì thủ tục quá rườm rà, phải về nguyên quán tại An Giang để làm lại khai sinh. Nay ngoại em muốn chuyển quyền sở hữu căn nhà cho mẹ em thì có cần CMND của ngoại không? Xin chân thành cám ơn!

Gửi bởi: Nguyễn Trọng

Trả lời có tính chất tham khảo

Tình huống bạn nêu có hai vấn đề như sau:

1. Về xuất trình chứng minh nhân dân khi chuyển quyền sở hữu nhà ở.

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Nhà ở phải lập thành văn bản và phải có công chứng. Khi yêu cầu công chứng, người yêu cầu công chứng phải xuất trình những giấy tờ theo quy định tại Điều 35 Luật Công chứng, bao gồm:

– Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

– Dự thảo hợp đồng, giao dịch;

– Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

– Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;

– Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.

Bản sao quy định trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Về giấy tờ tùy thân: Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân có nêu: Chứng minh nhân dân là một loại giấy tờ tùy thân của công dân nhằm đảm bảo thuận tiện cho việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong đi lại và thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy, khi yêu cầu công chứng, bà bạn phải xuất trình giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân của mình. Trường hợp không có chứng minh nhân dân thì có thể thay thế bằng Hộ chiếu vì theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam: Hộ chiếu được sử dụng thay thế chứng minh nhân dân.

2. Về chứng minh nhân dân hết thời hạn.

Theo thông tin bạn nêu thì bà bạn có chứng minh nhân dân nhưng đã hết hạn. Theo Điều 2 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP thì chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng nhận dạng người được cấp chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay để tạo điều kiện cho người yêu cầu công chứng, nhiều công chứng viên có chấp nhận chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng với điều kiện các thông số trên chứng minh vẫn rõ ràng và đảm bảo vẫn nhận dạng được (vì mục đích của việc xuất trình chứng minh nhân dân nói riêng và giấy tờ tùy thân nói chung là để công chứng viên có thể đảm bảo tính xác thực khi công chứng, xác định người đó đúng là chủ thể của hợp đồng, giao dịch).

Như vậy, khi yêu cầu công chứng bà bạn vẫn có thể xuất trình chứng minh nhân dân đã hết thời hạn để công chứng viên xem xét giải quyết.

Các văn bản liên quan:

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Luật 56/2005/QH11 Nhà ở

Nghị định 136/2007/NĐ-CP Về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Nghị định 05/1999/NĐ-CP Về chứng minh nhân dân

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191