Khung pháp lý về mua lại và sáp nhập Ngân hàng thương mại ở Việt Nam

Khung pháp lý về mua lại và sáp nhập Ngân hàng thương mại ở Việt Nam

22/01/2013

Trong thời gian gần đây, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam đã tăng nhanh về số lượng, nâng cao chất lượng, mở rộng mạng lưới hoạt động, đóng góp quan trọng cho quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng bộc lộ một số bất cập, yếu kém như vốn điều lệ và tính thanh khoản thấp, tỷ lệ nợ xấu gia tăng, trình độ quản trị còn yếu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách là phải tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại. Hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp thành công sẽ giúp các ngân hàng thương mại nâng cao sức mạnh toàn diện, lợi thế cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi phân tích khía cạnh pháp lý của hoạt động mua lại và sáp nhập đối với ngân hàng thương mại Việt Nam, chỉ ra những khoảng trống pháp luật và đưa ra một số giải pháp đề xuất hoàn thiện pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại Việt Nam.

1. Thực trạng hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại Việt Nam

Hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng bắt nguồn từ những yếu kém nội tại của bản thân các ngân hàng và thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để đạt các mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn. Hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại giai đoạn 2005 trở về trước diễn ra dưới hai hình thức chủ yếu là sáp nhập và hợp nhất. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn với quy mô vốn nhỏ đã được mua lại và sáp nhập như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam đã mua lại và sáp nhập với hàng loạt các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Nông thôn Đồng Tháp, Châu Phú, Đại Nam, Cái Sắn; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á tiến hành mua lại và sáp nhập với Ngân hàng Thương mại cổ phần Tứ giác Long Xuyên; Sacombank mua lại và sáp nhập với Ngân hàng Thạnh Thắng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông mua lại và sáp nhập với Ngân hàng Nông thôn Tây Đô… (Theo Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 8 – Tháng 12/2010).

Từ năm 2005 đến nay, việc sáp nhập ngân hàng thương mại trong nước đã ít đi, thay vào đó là hoạt động đầu tư góp vốn, mua lại cổ phần của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với các ngân hàng thương mại nội địa, thông qua đó trở thành đối tác chiến lược của các ngân hàng đó. Nói cách khác, việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược, nhất là các đối tác nước ngoài ngày càng phổ biến trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với nhiều cam kết về mở rộng thị trường tài chính, ngân hàng.

Việc các ngân hàng, tập đoàn tài chính nước ngoài mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua việc sở hữu vốn cổ phần của các ngân hàng thương mại trong nước đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên trong quá trình hợp tác cũng như cạnh tranh. Các ngân hàng thương mại Việt Nam đã nâng cao được năng lực tài chính, hiện đại hoá được công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị, nguồn nhân lực, mở rộng phạm vi kinh doanh. Các ngân hàng và tập đoàn tài chính nước ngoài đã không tốn kém chi phí mở chi nhánh mới, có sẵn mạng lưới hoạt động, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và hơn cả là số lượng khách hàng sẵn có tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Các thương vụ điển hình về mua cổ phần giữa ngân hàng nước ngoài và ngân hàng thương mại Việt Nam có thể kể đến là: Standard Chartered và ACB; HSBC và Techcombank; OCBC và VPBank; Deutsche bank và Habubank; UOB và PNB; Maybank và ABBank; ANZ và Sacombank. (Theo Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 8 – Tháng 12/2010).

Với những hoạt động mua lại và sáp nhập giữa các ngân hàng thương mại trong nước, thực chất đây là việc sở hữu cổ phần mang tính đan xen của các ngân hàng thương mại trong nước. Với sự kết hợp này, các ngân hàng trong nước cũng hỗ trợ cho nhau về nhiều mặt trong quá trình phát triển trước thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Có thể thấy rằng, nhờ các thương vụ mua lại và sáp nhập mà hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam phần nào được lành mạnh hóa, nâng cao năng lực quản trị; thành công trong việc tăng vốn điều lệ để đạt tiêu chuẩn quốc tế về chỉ số an toàn; lợi nhuận trong ngành ở mức cao; tỷ lệ nợ xấu giảm; mở rộng mạng lưới; tiếp thu được công nghệ, kỹ thuật hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến.

2. Pháp luật về hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại Việt Nam

2.1. Những quy định pháp luật

Ngân hàng là một loại hình doanh nghiệp, vì vậy ngân hàng cũng bị điều chỉnh bởi các quy định chung của pháp luật về hoạt động mua lại và sáp nhập đối với doanh nghiệp. Với Luật Doanh nghiệp năm 2005, các quy định về mua lại và sáp nhập được quy định tại Điều 150 (Chia doanh nghiệp), Điều 151 (Tách doanh nghiệp), Điều 152 (Hợp nhất doanh nghiệp), Điều 153 (Sáp nhập doanh nghiệp) đã đề cập đến một số vấn đề trong tổ chức, quản lý doanh nghiệp với các trường hợp về chia, tách, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp. Luật Đầu tư năm 2005 cũng đề cập đến hình thức đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lãnh thổ Việt Nam.

Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm: Sáp nhập doanh nghiệp; hợp nhất doanh nghiệp; mua lại doanh nghiệp; liên doanh giữa các doanh nghiệp và các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật (Điều 16). Khái niệm sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp được quy định tại Điều 17. Từ Điều 18 đến Điều 20 quy định trường hợp tập trung kinh tế bị cấm; trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm và thông báo việc tập trung kinh tế.

Điều 29, Điều 32, Điều 69 Luật Chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 điều chỉnh các hoạt động mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực chứng khoán và các công ty đại chúng.

Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam và Thông tư số 07/2007/TT-NHNN ngày 29/11/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 69/2007/NĐ-CP đã tập trung vào việc quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện để ngân hàng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện của tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam; điều kiện của các nhà đầu tư nước ngoài khi mua cổ phần của các ngân hàng Việt Nam trên thị trường chứng khoán; điều kiện tham gia quản trị tại ngân hàng Việt Nam.

Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng. Thông tư số 04 đã kế thừa và loại bỏ những hạn chế của Quy chế về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 241/1998/QĐ-NHNN5 ngày 15/07/1998 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó phạm vi các đối tượng được/thuộc diện sáp nhập, hợp nhất được mở rộng; kế thừa tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2005 về hợp nhất, sáp nhập, Luật Cạnh tranh năm 2004 về tập trung kinh tế, đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cụ thể:

Về hình thức mua lại và sáp nhập, Thông tư quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại giữa các tổ chức tín dụng chỉ được tiến hành dưới một số hình thức nhất định. Các hình thức sáp nhập bao gồm: Ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp tác sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính. Các hình thức hợp nhất bao gồm: Ngân hàng được hợp nhất với ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp tác để thành một ngân hàng; các công ty tài chính hợp nhất thành một công ty tài chính; các công ty cho thuê tài chính hợp nhất thành một công ty cho thuê tài chính. Các hình thức mua lại bao gồm: Một ngân hàng được mua lại công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; một công ty tài chính được mua lại công ty cho thuê tài chính.

Về điều kiện tiến hành mua lại và sáp nhập, Thông tư cũng quy định điều kiện để tiến hành hợp nhất, sáp nhập hay mua lại các tổ chức tín dụng, theo đó việc hợp nhất, sáp nhập hay mua lại không được thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh. Các tổ chức tín dụng tham gia các hoạt động này phải phối hợp xây dựng một đề án thực hiện hợp nhất, sáp nhập, hoặc mua lại không trái với nội dung của hợp đồng đã ký. Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn lại sau khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập, hoặc mua lại phải đảm bảo đáp ứng điều kiện về vốn pháp định theo quy định của pháp luật.

Về mặt thủ tục, Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy ý kiến tham gia của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương, Uỷ ban nhân dân địa phương nơi tổ chức tín dụng tham gia mua lại đặt trụ sở chính và nếu thấy cần thiết sẽ lấy ý kiến của các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến một hoặc một số nội dung trong hồ sơ đề nghị mua lại và quan điểm về việc mua lại để ra quyết định chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận.

Nếu được chấp thuận nguyên tắc, các tổ chức tín dụng tham gia phải lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền của tổ chức tín dụng để thông qua lại các nội dung thay đổi tại đề án trước khi lập hồ sơ chính thức gửi lại cho Ngân hàng Nhà nước để được chấp thuận chính thức. Sau đó, các tổ chức chấm dứt hoạt động cần phải hoàn tất thủ tục rút giấy phép kinh doanh, tổ chức mới phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng bố cáo hợp nhất v.v… Thông tư nghiêm cấm việc phân tán tài sản của tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức trong quá trình xin chấp thuận.

Bên cạnh hệ thống quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng còn phải tuân theo các thoả thuận, hiệp ước song phương và đa phương như cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quy định trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, các hiệp định đã ký kết trong ASEAN…

2.2. Những bất cập, tồn tại

Những quy định của pháp luật hiện hành tuy đã đề cập đến hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp nhưng khái niệm này chưa được chuẩn hóa, không thống nhất. Mỗi luật điều chỉnh hoạt động mua lại và sáp nhập từ một góc độ khác nhau. Luật Doanh nghiệp quy định về mua lại và sáp nhập như hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, Luật Đầu tư quy định như là hình thức đầu tư trực tiếp, Luật Chứng khoán quy định như là hình thức đầu tư gián tiếp, Luật Cạnh tranh quy định như là hình thức tập trung kinh tế thuộc nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh…

Các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp, trong khi đó, mua lại và sáp nhập doanh nghiệp là một giao dịch thương mại, tài chính, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể như kiểm toán, định giá, tư vấn, môi giới, cung cấp thông tin, bảo mật, chuyển giao và xác lập sở hữu, chuyển dịch tư cách pháp nhân, cổ phần, cổ phiếu, các nghĩa vụ tài chính, người lao động, thương hiệu, cơ chế giải quyết tranh chấp…

Luật Cạnh tranh hiện nay cấm các hoạt động mua lại và sáp nhập có thể dẫn tới việc một doanh nghiệp có mức tập trung kinh tế lớn hơn 50% trên thị trường liên quan. Trong trường hợp một doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng (có nhiều thị trường khác nhau), thì tùy theo các cách tính khác nhau có thể dẫn đến kết quả là doanh nghiệp đó có thể bị coi là có “tập trung kinh tế” trên 50% hoặc có thể dưới.

Còn tồn tại tình trạng không thống nhất về cơ sở tính toán mức độ tập trung trong ngân hàng giữa Luật Cạnh tranh và Nghị định số 69/2007/NĐ-CP. Luật Cạnh tranh quy định giới hạn mức độ tập trung trong lĩnh vực ngân hàng dựa trên thị phần, trong khi Nghị định số 69/2007/NĐ-CP lại quy định giới hạn về mức độ tập trung trong lĩnh vực ngân hàng căn cứ trên vốn điều lệ.

Những khoảng trống trong pháp lý còn thể hiện ở việc chưa có nghị định về hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp, chưa có văn bản hướng dẫn các thủ tục, quy trình mua lại và sáp nhập rõ ràng, cụ thể gây khó khăn trong xác lập các giao dịch, địa vị mỗi bên mua – bán, hậu quả pháp lý sau khi tiến hành hoạt động mua lại và sáp nhập… Ngoài ra, thẩm quyền quản lý của các đơn vị chủ quản đối với từng loại hình doanh nghiệp cũng khác nhau. Hiện tại, các hoạt động mua lại và sáp nhập liên quan đến các doanh nghiệp niêm yết do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước quản lý, liên quan tới đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước cũng chưa thống nhất được hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, điều kiện nào để chuyển hoá từ đầu tư trực tiếp thành đầu tư gián tiếp và ngược lại. Nếu mỗi cơ quan nhìn nhận mua lại và sáp nhập dưới góc độ riêng thì không thể xây dựng được cơ chế, chính sách thống nhất nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động này…

3. Giải pháp đề xuất hoàn thiện pháp luật về mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại Việt Nam

Một là, xây dựng tập trung và có hệ thống đối với quy định của pháp luật về hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng thương mại với hoạt động mua lại, sáp nhập, hợp nhất và đầu tư mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược trong Luật Các tổ chức tín dụng với tư cách là đạo luật điều chỉnh chuyên ngành, theo đó cần có các định nghĩa, khái niệm, hình thức, điều kiện, quy trình và hợp đồng mua lại và sáp nhập ngân hàng cụ thể. Đồng thời, với tư cách là một hình thức tập trung kinh tế bị điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật cạnh tranh, các quy định về mua lại và sáp nhập ngân hàng cần phải phù hợp, đáp ứng các điều kiện về kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh, về thị phần, thị trường liên quan… để tránh việc độc quyền, hạn chế cạnh tranh lành mạnh trên thị trường ngân hàng.

Hai là, hình thành các công ty tư vấn mua lại và sáp nhập doanh nghiệp và có các chuyên gia tư vấn mua lại và sáp nhập của Việt Nam một cách chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ mua lại và sáp nhập doanh nghiệp với các khâu dự báo, tìm kiếm, thăm dò đối tác, thẩm định đầy đủ các nội dung về pháp lý/tài chính; thiết lập hợp đồng mua lại và sáp nhập trong từng trường hợp, từng yêu cầu cụ thể; các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau mua lại và sáp nhập; các vấn đề cần giải quyết sau mua lại và sáp nhập doanh nghiệp. Để cung cấp các dịch vụ mua lại và sáp nhập, nhất là mua lại và sáp nhập ngân hàng đòi hỏi các công ty tư vấn, chuyên gia tư vấn mua lại và sáp nhập phải là những công ty, chuyên gia hàng đầu về tài chính, ngân hàng và pháp luật, có kinh nghiệm thực tế.

Ba là, lần kết hợp các tiêu chí để xác định thị phần của tổ chức tín dụng, phản ánh đúng bản chất của sự tập trung trong hoạt động ngân hàng.

Bốn là, bổ sung quy định về việc mua lại và sáp nhập giữa một ngân hàng thương mại Việt Nam và một tổ chức tín dụng phi ngân hàng, đảm bảo khi xảy ra mua lại và sáp nhập giữa hai tổ chức nói trên có thể sẽ không vi phạm quy định về tập trung kinh tế theo pháp luật hiện hành.

Năm là, để đảm bảo tính nhất quán trong quy định của pháp luật và tạo điều kiện dễ dàng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động mua lại và sáp nhập doanh nghiệp và tạo điều kiện quản lý thuận tiện đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cần sửa đổi và sử dụng thống nhất quy định về khái niệm mua lại và sáp nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần xem xét để bổ sung các quy định pháp luật về mua lại và sáp nhập khi ngân hàng Việt Nam niêm yết ở nước ngoài; tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua vốn tại hai ngân hàng Việt Nam trở lên.

Phạm Minh Sơn

Phạm Minh Sơn

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191