Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh tại Pháp

Mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh tại Pháp

28/10/2014

Lịch sử xây dựng và phát triển Luật Cạnh tranh trên thế giới đã cho thấy một thực tế là: Cơ quan quản lý cạnh tranh có vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực thi Luật Cạnh tranh. Mỗi quốc gia tuỳ theo điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể của mình mà có cách xây dựng mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh khác nhau, song đều có chung mục đích là góp phần thực thi Luật Cạnh tranh một cách có hiệu quả nhất. Vì vậy, việc cơ quan này được tổ chức và hoạt động như thế nào là một vấn đề hết sức quan trọng, cần thiết phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một cách khái quát, chung nhất về mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo trong việc hoàn thiện cơ quan quản lý cạnh tranh ở Việt Nam.

1. Quá trình hình thành cơ quan quản lý cạnh tranh tại Pháp

Văn bản pháp luật đầu tiên quy định về cơ quan quản lý cạnh trạnh tại Pháp là Nghị định ngày 09/8/1953 về việc thành lập Ủy ban kỹ thuật về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Commission technique des ententes) – tiền thân của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia.

Đến Luật ngày 02/7/1963, Ủy ban này được đổi tên thành Ủy ban kỹ thuật về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và vị trí thống lĩnh (La Commission technique des ententes et des positions dominantes). Về thẩm quyền, Ủy ban này tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế về các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh, tức là Ủy ban không có thẩm quyền ra quyết định độc lập.

Luật ngày19/7/1977 thiết lập Ủy ban cạnh tranh (Commission de la concurrence) để thay thế cho Ủy ban kỹ thuật về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và vị trí thống lĩnh. So với mô hình trước đó, Ủy ban cạnh tranh được bổ sung thêm 02 chức năng mới: Tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề liên quan đến quản lý cạnh tranh và tư vấn bất kỳ giao dịch hoặc hành vi sáp nhập nào được đề xuất.

Pháp lệnh về tự do giá cả và cạnh tranh ngày 01/12/1986 đánh dấu bước phát triển có tính chất lịch sử của Luật Cạnh tranh Pháp với việc thành lập Hội đồng cạnh tranh (Conseil de la concurrence). Hội đồng này được bổ sung một số nhiệm vụ mới so với Ủy ban cạnh tranh trước đây, cụ thể là:

– Chuyển giao thẩm quyền áp dụng chế tài từ Bộ trưởng Bộ Kinh tế sang Hội đồng cạnh tranh.

– Trong một số trường hợp, Chính phủ bắt buộc phải xin ý kiến tư vấn của Hội đồng cạnh tranh về một số dự án văn bản quy phạm pháp luật và còn bắt buộc phải nghe theo ý kiến tư vấn đó.

– Mở rộng phạm vi quyền khiếu kiện cho các doanh nghiệp.

– Bổ sung các quy định chi tiết về tố tụng với mục đích đảm bảo tốt nhất các quyền của đương sự.

Tiếp theo đó, Luật ngày 11/12/1992 đã trao cho Hội đồng cạnh tranh thẩm quyền áp dụng các điều từ Điều 81 đến Điều 83 Hiệp định Rome. Đến Luật ngày 01/7/1996, thẩm quyền của Hội đồng cạnh tranh được mở rộng đối với cả việc xử lý hành vi bán phá giá.

Luật ngày 15/5/2001 đã quy định một số điểm mới về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng cạnh tranh, cụ thể là:

– Tăng cường hiệu quả chống lại các hành vi hạn chế cạnh tranh;

– Đảm bảo tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trong nghĩa vụ chứng minh;

– Phân định rõ ràng chức năng điều tra và chức năng xét xử;

– Kiểm soát tập trung kinh tế một cách có hệ thống và minh bạch hơn;

– Tăng cường thẩm quyền hợp tác quốc tế của Hội đồng cạnh tranh.

Quy định số 1/2003, có hiệu lực ngày 01/5/2004, đã phân cấp quản lý của pháp luật cộng đồng và “hệ thống” cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia. Nó thay đổi phương pháp làm việc của Hội đồng cạnh tranh và tăng thẩm quyền cho cơ quan này. Trong phong trào hiện đại hóa Luật Cạnh tranh của Pháp, Sắc lệnh ngày 04/11/2004 đã bổ sung thẩm quyền ra quyết định của Hội đồng nhằm phù hợp với những cơ quan cạnh tranh khác ở Châu Âu.

Cải cách mới nhất của Pháp là Luật hiện đại hóa kinh tế số 2008-776 ngày 04/8/2008 có hiệu lực từ ngày 13/01/2009, theo đó Hội đồng cạnh tranh được đổi tên thành Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia (Autorité de la concurrence). Tách chức năng điều tra và khoảng 60 điều tra viên từ Tổng cục cạnh tranh, chống gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng Pháp sang Hội đồng cạnh tranh. Như vậy, ngoài những thẩm quyền cũ như của Hội đồng cạnh tranh thì Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia được trao một số thẩm quyền mới như:

– Là cơ quan thuộc Bộ Kinh tế có chức năng kiểm soát tập trung kinh tế.

– Có quyền tiến hành điều tra riêng và có quyền tổ chức xét xử các vi phạm hạn chế cạnh tranh; đưa ra những khuyến nghị để giúp Bộ trưởng Bộ Kinh tế có những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thực thi cạnh tranh.

2. Bản chất pháp lý của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia

Đây là một vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi từ khi Hội đồng cạnh tranh (tiền thân của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia) được thành lập và đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong giới luật gia. Việc xác định bản chất pháp lý của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia ngay từ đầu đã không chỉ thuần túy có ý nghĩa về mặt lý thuyết, mà còn có ý nghĩa thực tiễn, vì vấn đề xác định Tòa án nào (Tòa hành chính hay Tòa tư pháp) có thẩm quyền xét lại quyết định của Cơ quan sẽ phụ thuộc vào bản chất pháp lý của nó được xác định là cơ quan hành chính hay cơ quan tư pháp. Ở Pháp, nếu kết luận Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia là cơ quan hành chính thì hệ thống Tòa án hành chính sẽ có thẩm quyền xét lại các quyết định của Cơ quan, còn nếu nó được nhìn nhận vơi tư cách là một cơ quan tư pháp thì hệ thống Tòa án tư pháp sẽ có thẩm quyền đó.

* Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia – một cơ quan hành chính độc lập

Trong dự thảo đầu tiên của Pháp lệnh về cạnh tranh năm 1986, nhóm chuyên gia tham gia soạn thảo đã sử dụng thuật ngữ “cơ quan hành chính độc lập” để nói về bản chất pháp lý của Hội đồng cạnh tranh. Khi Dự thảo này được công bố lấy ý kiến đóng góp, giới luật gia đã lên tiếng nghi ngờ về tính “độc lập” của một thiết chế không có thẩm quyền ra quyết định (chỉ có thẩm quyền tư vấn) và không có phương tiện tài chính độc lập. Đến khi Pháp lệnh này được thông qua ngày 01/12/1986 (Pháp lệnh số 86-1213) thì không có bất kỳ một điều khoản nào quy định về bản chất pháp lý của Hội đồng cạnh tranh. Chính sự “im lặng” này đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi mới xung quanh chủ đề này. Tựu chung lại có 02 trường phái:

Trường phái thứ nhất cho rằng Hội đồng cạnh tranh có bản chất pháp lý là một cơ quan tài phán vì nó có chức năng xét xử giống như Tòa án.

Trường phái thứ hai cho rằng Hội đồng cạnh tranh là một cơ quan hành chính bởi lẽ:

– Các thành viên do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kinh tế;

– Ngân sách hoạt động của Hội đồng nằm trong ngân sách của Bộ Kinh tế;

– Hội đồng có vai trò tư vấn cho Chính phủ, Nghị viên, Chính quyền địa phương, tổ chức nghề nghiệp và nghiệp đoàn các vấn đề của Luật Cạnh tranh.

Các cuộc tranh luận gat gắt giữa giới luật gia đã buộc Hội đồng bảo hiến (Toàn án Hiến pháp) phải “vào cuộc”. Đây cũng là một sự kiện đặc biệt trong lịch sử lập pháp của Cộng hòa Pháp. Vụ việc được tóm tắt như sau:

Ban đầu nhóm chuyên gia soạn thảo dự thảo đầu tiên của Pháp lệnh đã có ý tưởng trao cho hệ thống Tòa án tư pháp, cụ thể là Tòa phúc thẩm Paris thẩm quyền xét lại quyết định của cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, Tham chính viện, khi được tham vấn, đã không đồng ý và do vậy Ban soạn thảo đã không dám làm trái ý của Tham chính viện.

Ngày 20/12/1986, dự thảo Luật số 547 về việc “chuyển giao cho cơ quan tài phán tư pháp thẩm quyền xét lại các quyết định của Hội đồng cạnh tranh” được thông qua. Ngay sau đó, ngày 24/12/1986, một nhóm Nghị sỹ đã khiếu kiện lên Hội đồng bảo hiến yêu cầu kiểm tra tình hợp hiến của dự luật trên. Sau khi xem xét các tình tiết cụ thể, tại Quyết định ngày 24/01/1987, Hội đồng bảo hiến đã khẳng định: việc phân biệt giữa Tòa hành chính và Tòa tư pháp là một nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có thể “linh hoạt”

vì một nền tư pháp hoàn hảo. “Trong trường hợp việc áp dụng một luật hoặc một văn bản dưới luật có thể dẫn đến những xung đột về thẩm quyền tài phán, thì theo thông lệ về việc phân định thẩm quyên giữa Tòa hành chính và Tòa tư pháp, việc nhà lập pháp nhất thể hóa các quy định về thẩm quyền tài phán trong một hệ thống cơ quan tài phán có liên quan vẫn được coi là hợp pháp vì một nền tư pháp hoàn hảo”. Tiến xa hơn, Hội đồng bảo hiến khẳng định “Hội đồng cạnh tranh là một cơ quan hành chính chứ không phải là một cơ quan tư pháp”. Sau này, Tòa phúc thẩm Paris – cơ quan có thẩm quyền xét lại quyết định của Hội đồng cạnh tranh cũng đã khẳng định “Hội đồng cạnh tranh, mặc dù có chức năng trừng phạt, vẫn là một cơ quan hành chính chứ không phải là một cơ quan tư pháp” (án lệ Phòng dân sự 1, ngày 8/9/1998, Công ty Coca-cola, Công báo về cạnh tranh, tiêu thụ và chống gian lận thương mại ngày 30/9/1998, trang 531).

Quyết định trên của Hội đồng bảo hiến đã không nhận được sự ủng hộ của giới luật gia. Quyết định đó đã không nhận được sự ủng hộ của giới luật gia. Quyết định đó đã không khép lại, mà trái lại làm phát sinh nhiều cuộc tranh luận mới về bản chất pháp lý của Hội đồng cạnh tranh.

* Xu hướng tài phán hóa

Rất nhiều học giả lên tiếng phản đối quyết định trên của Hội đồng bảo hiến.Mạnh mẽ hơn, có tác giả còn cho rằng Hội đồng cạnh tranh là “một cơ quan tài phán thực sự” hoặc “Hội đồng cạnh tranh là một cơ quan tài phán nhưng không được thừa nhận”. Việc xác định bản chất pháp lý của Hội đồng cạnh tranh vẫn còn là một chủ đề gây tranh cãi đến tận bây giờ. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng là xu hướng “tài phán hóa” của thiết chế này đang diễn ra mạnh mẽ tại Pháp. Chính Hội đồng bảo hiễn cũng khẳng định “không có gì ngăn cản xu hướng một cơ quan hành chính bị tài phán mạnh mẽ” (trong cùng Quyết định trên). Rất nhiều tiêu chí hội tụ để xác định cơ quan này là một cơ quan tài phán:

– Tiêu chí nội dung: Cơ quan này có thẩm quyền áp dụng pháp luật để xử lý vụ việc (phân xử đúng sai);

– Tiêu chí hình thức: Quyết định được ban hành theo một trình tự, thủ tục đặc biệt. Trong đó có hai điểm đáng lưu ý: Thủ tục tranh tụng và quyết định đó có thể bị kháng cáo ra Tòa án.

Ngoài ra, việc có mặt đại diện công tố của Chính phủ tại phiên họp của Hội đồng cạnh tranh càng góp phần nhấn mạnh tính “tư pháp” của thiết chế này.

Học thuyết phổ biến hiện nay dung hòa hai trường phái trên bằng cách quan niệm rằng Hội đồng cạnh tranh (Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia) là một cơ quan hành chính độc lập và đang ngày càng bị tài phán hóa một cách mạnh mẽ. Nói cách khác, bản chất pháp lý của Hội đồng cạnh tranh là “lưỡng tính”, tức là nó vừa mang thuộc tính hành chính, vừa mang thuộc tính tư pháp.

3. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia

Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia có chức năng tư vấn, chức năng xét xử và chức năng điều tra.

* Chức năng tư vấn

Thẩm quyền này được trao cho cơ quan quản lý cạnh tranh từ khi còn ở hình thức là Ủy ban cạnh tranh đến Hội đồng cạnh tranh và sau này là Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia. Pháp lệnh năm 1986 (được pháp điển hóa trong Bộ luật thương mại) quy định thẩm quyền tư vấn của Hội đồngcạnh tranh có nhiều diểm mới. Luật cạnh tranh của Pháp đã phân biệt 02 loại tư vấn: tư vấn tùy nghi và tư vấn bắt buộc:

– Tư vấn tùy nghi: Theo Điều L.462-1 Bộ Luật Thương mại, Hội đồng cạnh tranh có thể cho ý kiến về mọi vấn đề liên quan đến cạnh tranh theo yêu cầu của một trong ba chủ thể sau:

+ Chính phủ: Chính phủ có thể hỏi ý kiến Hội đồng cạnh tranh về các dự án luật, nghị định hoặc các vấn đề có tính nguyên tắc liên quan đến cạnh tranh. Quy định này cho phép cơ quan hành pháp tham vấn cơ quan được coi là có chuyên môn sâu nhất trong lĩnh vực Luật Cạnh tranh về mọi vấn đề liên quan đến cạnh tranh trước khi ban hành những chính sách điều tiết cạnh tranh.

Sau khi có ý kiến của Hội đồng cạnh tranh, Chính phủ không bị lệ thuộc vào ý kiến đó mà có toàn quyền sửa đổi, bổ sung dự thảo.

+ Các Ủy ban của Nghị viện: Các Ủy ban của Nghị viện cũng có thẩm quyền tham vấn Hội đồng cạnh tranh về các dự thảo Luật cũng như “mọi vấn đề liên quan đế cạnh tranh” (Điều 462-1 Bộ Luật thương mại). Thẩm quyền này được trao cho cả Ủy ban thường trực và Ủy ban lâm thời của Nghị viện (như Ủy ban điều tra, Ủy ban kiểm tra dịch vụ công…)

+ Các pháp nhân khác: đó là các chính quyền địa phương, các tổ chức nghề nghiệp và nghiệp đoàn, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các phòng nông nghiệp, phòng hỗ trợ việc làm, phòng thương mại và công nghiệp. Các chủ thể này chỉ được quyền dề nghị Hội đồng cạnh tranh tư vấn về các vấn đề cạnh tranh liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức mình. Quy định này cho phép Hội đồng cạnh tranh tránh được nguy cơ quá tải trong việc thực hiện nhiệm vụ tư vấn này.

Nếu như trong 02 trường hợp trên, việc công khai ý kiến của Hội đồng cạnh tranh là bắt buộc, thì trong trường hợp này, Hội đồng cạnh tranh toàn quyền quyết định việc đăng hay không đăng công khai ý kiến tư vấn của mình.

– Tư vấn bắt buộc: theo quy định của Bộ luật thương mại trong trường hợp Chính phủ dự định ban hành các quy định có khẳ năng áp đặt một hạn chế mới có khả năng ảnh hưởng đến quy định của Luật cạnh tranh, thì trước khi ban hành, Chính phủ có nghĩa vụ phải tham vấn Hội đồng cạnh tranh.

Cần phân biệt hai trường hợp: có nghĩa vụ xin ý kiến tư vấn nhưng không có nghĩa vụ phải nghe theo; có nghĩa vụ xin ý kiến tư vấn và có nghĩa vụ phải nghe theo ý kiến đó.

+ Đối với trường hợp thứ nhất: Có nghĩa vụ xin ý kiến tư vấn nhưng không có nghĩa vụ phải nghe theo. Điều L.462-2 Bộ luật Thương mại thì Chính phủ bắt buộc phỉa xin ý kiến tư vấn của Hội đồng cạnh tranh trong các trường hợp sau: (1) Dự kiến ban hành Nghị định quy định về việc hành nghề hoặc việc gia nhập thị trường phải tuân theo những hạn chế nhất định về số lượng; (2) Dự kiến ban hành Nghị định thiết lập chế độ đặc quyền thương mại trong một khu vựa địa lý nhất định; (3) Dự kiến ban hành các quy định áp đặt các điều kiện giống nhua về giá hoặc về điều kiện giao dịch chung.

Để được thụ lý, các vụ việc đề nghị Hội đồng cho ý kiến tư vấn phải thỏa mãn 02 điều kiện sau đây:

Thứ nhất: dự thảo văn bản phải có yếu tố mới. Quy định này nhằm tránh nguy cơ quá tải do các đề nghị tư vấn quá nhiều.

Thứ hai: các hạn chế đó phải có tác động trực tiếp đến thị trường, tức là phải có mối liên hệ nhân quả giữa quy định mới đó và hậu quả cạnh tranh bị hạn chế.

Sau khi có ý kiến của Hội đồng cạnh tranh, Chính phủ không bị ràng buộc bởi ý kiến do Hội đồng đưa ra.

+ Đối với trường hợp thứ hai: Có nghĩa vụ xin ý kiến tư vấn và có nghĩa vụ phải nghe theo. Trong trường hợp Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định cho phép một số thỏa thuận mặc dù có nội dung hạn chế cạnh tranh nhưng lại góp phần thúc đẩy tiến bộ kinh tế, nhất là trong trường hợp nó có tác dụng cải tiến quản lý doanh nghiệp (Nghị định về miễn trừ), thì Chính phủ bắt buộc phải xin ý kiến tư vấn Hội đồng cạnh tranh và bắt buộc phải nghe theo ý kiến đó. Quy định này thể hiện vai trò quan trọng của Hội đồng cạnh tranh trong việc cho phép miễn trừ một số loại thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Để áp dụng quy định này, Chính phủ phải công bố các dự thảo Nghị định trong thời hạn ít nhất là một tháng trước khi hỏi ý kiến của Hội đồng cạnh tranh. Tất cả những người có quyền và lợi ích sẽ bị tác động bởi văn bản đó đều có quyền đóng góp ý kiến trong thời hạn này.

Trong trường hợp này, Chính phủ chỉ có thể ban hành Nghị định sau khi có ý kiến tư vấn của Hội đồng cạnh tranh.

Ngoài 02 trường hợp tư vấn trên, Hội đồng cạnh tranh còn có thẩm quyền tư vấn trong một số trường hợp đặc biệt:

– Tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong các vụ việc về tập trung kinh tế: Giống như Ủy ban cạnh tranh trước đây, Hội đồng cạnh tranh có thể được Bộ trưởng Bộ Kinh tế hỏi ý kiến về các dự án tập trung kinh tế. Vì thẩm quyền cho phép tập trung kinh tế thuộc về Bộ trưởng Bộ Kinh tế nên việc tư vấn trong trường hợp này chỉ là tùy nghi. Khi được tham vấn, Hội đồng cạnh tranh nghiên cứu xem dự án tập trung kinh tế đó có khả năng gây ra tác động đáng kể, đe dọa sự vận hành của quy luật cạnh tranh trên thị trường hay không. Các ý kiến tư vấn của Hội đồng cạnh tranh trong trường hợp này phải được đăng báo công khai.

– Tư vấn cho các Tòa án về các loại hành vi phản cạnh tranh: Hội đồng cạnh tranh có thẩm quyền tư vấn cho các Tòa án về các vụ việc liên quan đến phản cạnh tranh như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, bán phá giá… Việc tư vấn này, giống như cơ chế trước đây, vẫn là tùy nghi. Trên thực tế, các Tòa án đề nghị tư vấn thường rất đa dạng: Tòa hành chính, Tòa Tư pháp, Tòa thương mại… Với nguyên tắc độc lập xét xử, đương nhiên Tòa án hoàn toàn có quyền theo hoặc không theo ý kiến tư vấn của Hội đồng cạnh tranh.

Ý kiến tư vấn của Hội đồng cạnh tranh chỉ được công bố sau khi có quyết định không thụ lý hoặc thụ lý vụ việc của Tòa án.

* Thẩm quyền điều tra

Đây là thẩm quyền mới được trao cho Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia kể từ Luật hiện đại hóa kinh tế số 2008-776 ngày 04/8/2008, có hiệu lực từ ngày 13/01/2009.

Theo quy định của pháp luật thì các Điều tra viên của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia có quyền tiền hành các cuộc điều tra theo Quyết định của Chủ tịch Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia để giải quyết các vụ việc cạnh tranh theo quy định tại Chương II và Chương III, Quyển V Bộ Luật thương mại.

Trong trường hợp điều tra viên tiến hành dưới tên hoặc thay mặt cho cơ quan cạnh tranh của một nước thành viên, khoản 1, Điều 22 của Quy định số 1/2003 về việc thực hiện các quy định về cạnh tranh tại Điều 81, 82 của Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu quy định các Báo cáo viên chung của cơ quan cạnh tranh có thể ủy quyền cho đại diện của các cơ quan cạnh tranh của một nước thành viên để hỗ trợ trong cuộc điều tra. Những phương thức hỗ trợ được quy định trong Sắc lệnh của Hội đồng nhà nước.

Kết quả của cuộc điều tra là việc lập biên bản hoặc thậm chí là một báo cáo. Biên bản được lập thành 2 bản, trao cho các bên có liên quan và được chuyển đến Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia.

Điều tra viên có thể vào bất kỳ cơ sỏ, đất đai, phương tiện vận tải chuyên dụng, yêu cầu thông tin liên lạc, hóa đơn và các tài liệu kinh doanh khác, thu thập các cuộc gọi hoặc thông tin trên trang web….để thu thập bằng chứng. Thậm chí, họ có thể yêu cầu các cơ quan mà họ phụ thuộc chỉ định một chuyên gia để giúp họ điều tra.

Điều tra viên tra có thể đến tất cả các cơ sở và thu giữ những tài liệu và các thông tin hỗ trợ theo yêu cầu điều tra của Ủy ban châu Âu, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Báo cáo viên chung của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia, trên đề nghị của các Báo cáo viên về ủy thác tư pháp cấp theo Lệnh của thẩm phán thuộc Tòa án Tối cao. Họ cũng có thể, trong cùng điều kiện, tiến hành niêm phong tất cả các cư sở thương mại, tài liệu…

* Thẩm quyền tài phán

Theo quy định của Bộ luật Thương mại Pháp[1], Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia chỉ có thẩm quyền tài phán trong các vụ việc phản cạnh tranh. Trong trường hợp này, ý kiến của Cơ quan không còn mang tính”tư vấn” nữa mà đã mang tính cưỡng chế, thể hiện qua việc “sửa chữa” hay “uốn nắn” một hành vi nào đó.

– Thẩm quyền theo vụ việc: thẩm quyền tài phán của Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia bị giới hạn trong các hành vi phản cạnh tranh theo quy định của Điều L.420-1 Bộ luật thương mại (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh). Điều L.420-2 (lạm dụng vị trí thống lĩnh) và Điều L.420-5 (bán phá giá). Riêng thẩm quyền xử lý hành vi bán phá giá mới được bổ sung theo Luật số 96-558 ngày 01/7/1996. Như vậy, Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia không có thẩm quyền xét xử các hành vi tập trung kinh tế (thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Kinh tế), tuyên bố hợp đồng vô hiệu để xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại (thuộc thẩm quyền của hệ thống Tòa án tư pháp).

– Thẩm quyền theo địa hạt: Theo Điều L.410-1 Bộ luật Thương mại, thì Luật Cạnh tranh của Pháp được áp dụng đối với toàn bộ hoạt động kinh tế. Như vậy, Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia có thẩm quyền can thiệp trên toàn bộ thị trường của Pháp.

Cần nhấn mạnh rằng Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia chỉ có thẩm quyền tài phán đối với các hành vi phản cạnh tranh gây tác động trên thị trường của Pháp. Như vậy, các hành vi liên quan đến xuất khẩu sẽ không thuộc thẩm quyền của Cơ quan.

– Thẩm quyền áp dụng luật của Liên minh châu Âu:

Theo Điều L.470-6 Bộ luật Thương mại, Cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia có thẩm quyền áp dụng các Điều 81-82 Hiệp định Rôme (về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh).

ThS. Trần Anh Tú, Khoa Luật, ĐHQGHN

ThS. Hoàng Thị Chung, Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo

1. Code de commerce francais;

2. Accord Rôme;

3. Décret n°53-707 du 9 août 1953 relatif au contrôle de l’Etat sur les entreprises publiques nationales et certains organismes ayant un objet d’ordre économique ou social;

4. Loi du 02 juillet 1963;

5. Loi du 19 juillet 1977 relative à la publication et à la diffusion de certains sondages d’opinion;

6. Loi du 11 décembre 1992;

7. Loi du 15 mai 2001;

8. Loi du 4 aout 2008 de modernisation de l’économie;

9. www.legifrance.gouv.fr;

10. www.autoritedelaconcurrence.fr;

11. www.luatcanhtranh.com.



[1] Điều 462-6 Bộ luật Thương mại Pháp

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191