Một số bất cập về thời hiệu xử lý kỷ luật các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

Một số bất cập về thời hiệu xử lý kỷ luật các chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp

25/11/2015

Chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (sau đây gọi là người quản lý doanh nghiệp) và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước (sau đây gọi là người đại diện) có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành, kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp cũng như thông qua hoạt động của những chủ thể này, Nhà nước thực hiện quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp. Do tính chất đặc thù trên, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sau đây gọi là Luật Cán bộ, công chức) đã giao Chính phủ quy định cụ thể việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với người quản lý doanh nghiệp và người đại diện[1].

Theo quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 66/2011/NĐ-CP), người quản lý doanh nghiệp gồm: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng. Ngoài ra, pháp luật quy định người đại diện là cá nhân được chủ sở hữu phần vốn nhà nước ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu phần vốn nhà nước, bao gồm: Người đại diện là người làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp và người đại diện là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước (Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh) được cử hoặc chỉ định làm người đại diện kiêm nhiệm tại doanh nghiệp[2].

Bên cạnh các quy định về bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm, thôi làm người đại diện… pháp luật còn quy định vấn đề khen thưởng, kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp và người đại diện để kịp thời động viên, khuyến khích họ phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật. Tuy một số quy định về xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp và người đại diện vẫn thực hiện theo quy định chung về kỷ luật cán bộ, công chức theo Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức (sau đây gọi là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP), nhưng Nghị định số 66/2011/NĐ-CP cũng có những quy định riêng biệt về xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp và người đại diện so với công chức như: Hình thức kỷ luật chỉ gồm khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, cách chức, buộc thôi việc (không có hình thức giáng chức); không quy định về tổ chức họp kiểm điểm người có hành vi vi phạm…

Trong các quy định về xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp và người đại diện, việc quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với nhóm người này có ý nghĩa rất quan trọng, buộc các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên có các biện pháp kiểm tra, rà soát tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của người quản lý doanh nghiệp và người đại diện để chủ động, thường xuyên có sự phối hợp nhằm phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật ngay từ khi mới phát sinh. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số trường hợp vì lý do này hay lý do khác mà cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đã không xử lý hành vi vi phạm. Đối với những trường hợp này, nếu trong một thời gian nhất định, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện được giải thoát khỏi trách nhiệm kỷ luật trong trường hợp đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Bởi lẽ, xử lý kỷ luật trong trường hợp này là không cần thiết, hơn nữa, lúc này mục đích và hiệu quả xử lý kỷ luật cũng không đạt được. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, cần phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, như:

1. Thời hiệu trong trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật

Mặc dù Nghị định số 66/2011/NĐ-CP không quy định cụ thể về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện, nhưng có thể vận dụng quy định của Luật Cán bộ, công chức và văn bản hướng dẫn thi hành về thời hiệu xử lý kỷ luật để áp dụng đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện. Theo quy định tại Điều 80 Luật Cán bộ, công chức; Điều 6 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì:

Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm đến thời điểm cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét kỷ luật. Khi phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.

Thời hạn xử lý kỷ luật là 2 tháng kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trường hợp phức tạp, có thể kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật nhưng tối đa không quá 4 tháng.

Theo quy định trên, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do pháp luật quy định mà khi hết thời hạn đó thì người vi phạm không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 2 năm từ ngày công chức có hành vi vi phạm đến thời điểm có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật. Về nguyên tắc, khi phát hiện người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có hành vi vi phạm pháp luật, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý doanh nghiệp hoặc cử người đại diện phải tiến hành xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện trong trường hợp ốm đau hoặc để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, pháp luật quy định chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với những trường hợp trên. Việc quy định này là phù hợp, vừa thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta là ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho người lao động, vừa bảo đảm cho cơ quan có thẩm quyền hoàn thành nhiệm vụ được giao khi điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện.

Tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP quy định các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật gồm: “a) Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền chấp thuận; b) Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; c) Đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; d) Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”. Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng đến quá trình xem xét xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện khi xảy ra các trường hợp trên, tại khoản 5 Điều 12 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP quy định: “Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp và người đại diện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật”.

Trong những trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện không xuất hiện các trường hợp chưa xem xét kỷ luật quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP thì cách tính thời hiệu, thời hạn như trên hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu hành vi vi phạm kỷ luật lại có dấu hiệu tội phạm hoặc người vi phạm phải điều trị bệnh hay đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; quá trình này lại nằm trong giai đoạn từ khi phát hiện đến lúc ra thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật, sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án hoặc người đó đi làm bình thường trở lại mà hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì việc xử lý kỷ luật được thực hiện như thế nào? Lúc này thời hạn xử lý kỷ luật vẫn còn, nhưng thời hiệu xử lý kỷ luật thì đã hết, vậy hành vi vi phạm đó có bị xử lý kỷ luật không?

Ví dụ: Ông D là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện một tội phạm ít nghiêm trọng (thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cho tội này là 5 năm). Đến năm thứ 3, cơ quan có thẩm quyền phát hiện tội phạm (lúc này cơ quan quản lý người đại diện cũng mới biết). Giả sử lúc này chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra thông báo về việc xem xét kỷ luật. Theo quy định, thời gian điều tra, truy tố, xét xử không được tính vào thời hạn, do đó, sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật, nếu ông D bị Tòa án phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức (theo khoản 3 Điều 17 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP). Nếu ông D bị Tòa án phạt tù không được hưởng án treo thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc (theo khoản 1 Điều 18 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP).

Trong ví dụ trên, thời điểm cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật phát hiện hành vi vi phạm đã quá 24 tháng kể từ ngày ông D có hành vi vi phạm, tức là hết thời hiệu xử lý kỷ luật. Vì vậy, trong trường hợp này không thể kỷ luật đối với ông D và đương nhiên, việc không xử lý kỷ luật trong trường này vừa không hợp lý, vừa không phù hợp với chính quy định tại khoản 3 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP. Trường hợp này chưa được đề cập trong Nghị định số 66/2011/NĐ-CP và cũng chưa được quy định rõ trong Điều 80 Luật Cán bộ, công chức, Nghị định số 34/2011/NĐ-CP.

Rõ ràng hành vi vi phạm của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có dấu hiệu tội phạm hoặc đang phải điều trị thì cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật cũng không thể tiến hành kỷ luật khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan y tế có thẩm quyền. Mặt khác, khi người quản lý doanh nghiệp, người đại diện bị khởi tố, điều tra, xét xử thì việc kỷ luật bằng hình thức gì (cách chức hay buộc thôi việc) phụ thuộc hoàn toàn vào việc Tòa án tuyên phạt họ bằng hình thức gì (phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ hay phạt tù mà không được hưởng án treo).

Từ ví dụ trên, để bảo đảm việc xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp, người đại diện tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội, đồng thời để bảo đảm việc áp dụng thống nhất giữa các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật, chúng tôi thấy rằng, pháp luật cần quy định bổ sung trường hợp: “Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp và người đại diện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định này không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật”.

Như vậy, thời hiệu trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 66/2011/NĐ-CP tính từ thời điểm nào? Để giải quyết vấn đề này thì thời hiệu xử lý kỷ luật không nên tính từ khi người quản lý doanh nghiệp và người đại diện vi phạm như quy định tại Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 34/2011/NĐ-CP mà tùy từng trường hợp cụ thể để tính như sau: Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có dấu hiệu phạm tội, bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự thì thời hiệu xử lý kỷ luật tính từ ngày quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc ngày bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp, người đại diện đang điều trị tại cơ sở y tế thì thời hiệu xử lý kỷ luật tính từ ngày người đó đi làm trở lại bình thường.

2. Thời hiệu xử lý kỷ luật trong trường hợp có hành vi vi phạm kéo dài, liên tục

Theo quy định chung, thời hiệu tính từ thời điểm có hành vi vi phạm xảy ra. Do đó, nếu tính từ ngày người quản lý doanh nghiệp, người đại diện bắt đầu có hành vi vi phạm đến ngày cơ quan có thẩm quyền ra thông báo xem xét xử lý kỷ luật chưa quá 24 tháng thì việc xử lý kỷ luật không có vấn đề gì. Tuy nhiên, có trường hợp, nếu tính từ ngày người quản lý doanh nghiệp, người đại diện bắt đầu có hành vi vi phạm đến ngày cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra thông báo xem xét xử lý kỷ luật đã quá 24 tháng nhưng nếu tính từ ngày người đó chấm dứt hành vi vi phạm đến ngày cơ quan có thẩm quyền ra thông báo xem xét xử lý kỷ luật chưa quá 24 tháng thì việc xử lý kỷ luật có được tiến hành không?

Ví dụ: Từ khi được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc (tháng 10/2012), bà Y thường xuyên ký các văn bản, giấy tờ không đúng thẩm quyền liên quan đến hoạt động của công ty. Đến tháng 11/2014, công ty mới phát hiện ra hành vi vi phạm của bà Y (lúc này, bà Y mới chấm dứt hành vi vi phạm của mình). Như vậy, nếu tính từ thời điểm bà Y bắt đầu vi phạm đến thời điểm phát hiện thì đã quá 24 tháng, nhưng nếu tính từ thời điểm bà Y chấm dứt hành vi vi phạm đến thời điểm bị phát hiện thì chưa quá 24 tháng.

Trường hợp khác: Trong lúc làm quy trình bổ nhiệm ông K giữ chức Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, ông K đã sử dụng Bằng tốt nghiệp giả để hoàn thiện hồ sơ đề nghị bổ nhiệm của mình. 03 năm sau, hành vi của ông K mới bị phát hiện (lúc này, ông K vẫn đang trong nhiệm kỳ giữ chức vụ). Như vậy, nếu áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật theo cách tính từ ngày thực hiện hành vi thì không thể xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 66/2011/NĐ-CP đối với ông K được.

Các tình huống này chưa được quy định rõ trong khoản 1 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức; khoản 1 Điều 6 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP. Nội dung khoản 1 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức; khoản 1 Điều 6 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP chỉ quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng mà không quy định ngoại lệ nên có thể hiểu theo cách mọi trường hợp khi hết 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm thì việc xử lý kỷ luật không được đặt ra nữa. Rõ ràng là trong trường hợp này, việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức nói chung, người quản lý doanh nghiệp, người đại diện nói riêng là rất cần thiết. Tuy nhiên, muốn xử lý kỷ luật trong trường hợp này thì phải coi hành vi vi phạm của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện vẫn trong thời hiệu. Ở ví dụ trên, có thể coi hành vi vi phạm của bà Y có dấu hiệu vi phạm liên tục, hành vi của ông K có dấu hiệu kéo dài. Vi phạm liên tục là trường hợp người vi phạm thực hiện nhiều hành động vi phạm cùng tính chất đối với một đối tượng, vi phạm kéo dài là trường hợp xét về bản chất, hành vi đó kéo dài từ lúc bắt đầu thực hiện và chỉ kết thúc khi hành vi đó bị phát hiện hoặc người vi phạm chủ động kết thúc hành vi đó.

Ở đây, theo chúng tôi, có thể tham khảo quy định của pháp luật hình sự về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội liên tục, phạm tội kéo dài và pháp luật hành chính về hành vi vi phạm liên tục, kéo dài[3] để quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện trong trường hợp họ có hành vi vi phạm liên tục, vi phạm kéo dài. Theo đó, đối với hành vi vi phạm liên tục, thời hiệu xử lý kỷ luật là thời điểm khi người vi phạm thực hiện hành vi cuối cùng. Đối với vi phạm kéo dài, thời hiệu xử lý kỷ luật tính từ thời điểm hành vi đó chấm dứt hoặc là ngày cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra vi phạm đó, không phụ thuộc vào việc vi phạm đó được thực hiện từ ngày nào.

3. Thời hiệu trong trường hợp kỷ luật lại

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề khiếu nại quyết định kỷ luật khi người quản lý doanh nghiệp, người đại diện bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, có thể vận dụng các quy định về khiếu nại đối với công chức để áp dụng cho người quản lý doanh nghiệp, người đại diện. Theo quy định tại khoản 7 Điều 23 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP thì: “Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo kết luận việc xử lý kỷ luật công chức tiến hành không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật thì người đứng đầu cơ quan đã ký quyết định kỷ luật phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật; đồng thời cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét xử lý kỷ luật công chức theo đúng quy định tại Nghị định này”.

Theo quy định trên, khi có căn cứ để cho rằng quyết định xử lý kỷ luật là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người quản lý doanh nghiệp, người đại diện có thể khiếu nại quyết định đó đến người ra quyết định xử lý kỷ luật hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Khi đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ thực hiện việc giải quyết yêu cầu của người quản lý doanh nghiệp, người đại diện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Tuy nhiên, ở đây xảy ra hai trường hợp, nếu quá trình giải quyết khiếu nại, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khẳng định cơ quan ra quyết định xử lý kỷ luật đã làm đúng các quy định của pháp luật thì không có vấn đề gì đặt ra, nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết luận việc xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp, người đại diện tiến hành không đúng quy định về nội dung, hình thức, quy trình xử lý và tuyên hủy hoặc yêu cầu người có thẩm quyền ký quyết định kỷ luật phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật và tổ chức lại việc xem xét kỷ luật người quản lý doanh nghiệp, người đại diện thì thời hiệu xử lý kỷ luật lại tính từ khi nào? Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP chỉ quy định “…cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải tiến hành xem xét xử lý kỷ luật công chức theo đúng quy định tại Nghị định này”. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc thời hiệu xử lý kỷ luật sẽ được tính từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Khi đó, việc xử lý kỷ luật sẽ không thể thực hiện được vì có thể đã quá 24 tháng, kể từ thời điểm hành vi vi phạm xảy ra.

Vì vậy, để giải quyết tình huống trên, theo chúng tôi, Luật Cán bộ, công chức; Nghị định số 34/2011/NĐ-CP hoặc Nghị định số 66/2011/NĐ-CP cần bổ sung quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật như sau: “Trường hợp phải tiến hành xem xét lại việc kỷ luật người quản lý doanh nghiệp, người dại diện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền về giải quyết khiếu nại thì thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm kết luận của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có hiệu lực”.

Tóm lại, xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp, người đại diện là vấn đề quan trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, lợi ích của họ mà đôi khi còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp. Nếu việc xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật cộng với hệ thống pháp luật đầy đủ, khoa học sẽ góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành doanh nghiệp, đồng thời càng khẳng định vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện cho thấy, một số quy định liên quan cần được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, khoa học, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về xử lý kỷ luật người quản lý doanh nghiệp, người đại diện nói riêng.

ThS. Nguyễn Cao Hiếu

Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giao thông – Vận tải



[1]Xem: Khoản 3 Điều 84 Luật Cán bộ, công chức.

[2]Xem: Khoản 2 Điều 2 Quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 21/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.

[3] Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam, 2006, Nxb.Công an nhân dân, tr 320; Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, 2009, Nxb.Công an nhân dân, tr.225.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191