Một số hạn chế của công tác thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay

Một số hạn chế của công tác thi hành án hình sự ở nước ta hiện nay

30/10/2015

Khi xem xét, đánh giá hiệu quả của việc thi hành án phạt tù, cách đánh giá thông dụng nhất là phân tích mức độ tái phạm, nếu số lượng người thụ án tái phạm nhiều chứng tỏ hiệu quả giáo dục trong khi thi hành án phạt tù thấp, hình phạt đã không đạt được mục đích phòng ngừa. Ở nước ta hiện nay, các số liệu thống kê cho thấy một thực trạng đáng lo ngại là tỷ lệ người phạm tội tái phạm chiếm từ 25% đến 30%, khoảng 8-12% số người chấp hành hình phạt xong đi đâu, làm gì, có tiếp tục phạm tội lại hay không, không ai quản lý và biết được.

Thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao cho thấy rằng, hiện nay có gần 4.600 bị án tại ngoại ngoài xã hội, chưa bị bắt đi thụ hình vì nhiều lý do khác nhau.

Một thực tế là ở một số trường hợp do chưa có sự quan tâm đúng mức trong việc đôn đốc thi hành án của cơ quan thi hành án hình sự các cấp, chính quyền địa phương; của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định của Toà án, đã để người bị kết án có quyết định thi hành án chưa được áp giải thi hành án dẫn đến có trường hợp tiếp tục phạm tội hoặc trốn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Vai trò giám sát của Viện kiểm sát trong giai đoạn này còn hạn chế do hoạt động kiểm sát chưa hiệu quả và chưa được thực hiện thường xuyên trên thực tế. Qua việc giám sát của Viện kiểm sát giúp cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện và chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm trong quản lý giáo dục người phạm tội.

Sự phối hợp giữa cơ quan xét xử, Viện kiểm sát và cơ quan thi hành án hình sự công an các cấp có lúc còn thiếu kịp thời dẫn đến tình trạng người bị kết án sau khi hết thời hạn tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án đã tự giác vào trại chấp hành án nhưng Viện kiểm sát không nắm được và vẫn làm văn bản kiến nghị bắt.

Công tác thi hành án bị phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau, cán bộ làm công tác quản lý về thi hành án hình sự tại cơ quan công an nhiều nhưng không chuyên sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý đối tượng. Nhiều trường hợp các đối tượng không đủ điều kiện tạm hoãn thi hành án, Tòa án chuyển quyết định thi hành án cho cơ quan công an nhưng cơ quan công an chỉ xác minh đối tượng lưu hồ sơ và không cương quyết bắt dẫn đến tình trạng đối tượng không có quyết định tạm hoãn thi hành án nhưng vẫn được tại ngoại ngoài xã hội hoặc tiếp tục phạm tội. Đây là nguyên nhân làm cho công tác quản lý Nhà nước về thi hành án không tập trung, hiệu lực thi hành bản án, quyết định của Toà án chưa cao.

Đội ngũ cán bộ làm Thi hành án hình sự tại Toà án còn mỏng, chưa đáp ứng hết yêu cầu nhiệm vụ công tác này. Mặt khác, nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động thi hành án hình sự còn hạn chế ở một số nơi, tại các địa phương vẫn coi nó là hoạt động phụ và “bổ trợ” của các cơ quan tư pháp nên chưa được đầu tư đúng mức.

Quan nghiên cứu thực tiễn, những nguyên nhân chủ yếu làm giảm hiệu quả của hoạt động thi hành án hình sự bao gồm:

Ở giai đoạn thủ tục thi hành, tức là ở giai đoạn đưa bản án ra thi hành bị chậm trễ ở khâu thủ tục giấy tờ hành chính, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa cơ quan xét xử và cơ quan thi hành án. Đây là nguyên nhân chính để tình trạng hàng ngàn bị án có án phạt tù vẫn đang còn ở ngoài xã hội, tạo ra mối nghi ngờ của nhân dân về tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật, đồng thời tạo ra sự đe dọa mất an ninh và trật tự xã hội.

Công tác thi hành án bị phân tán ở nhiều cơ quan chức năng khác nhau, làm cho công tác quản lý nhà nước về thi hành án không tập trung; hiệu lực của các bản án, quyết định của Tòa án tác dụng trong thực tế không cao, không kết hợp thi hành án phạt tù với các hình phạt bổ sung khác, do đó làm hạn chế đến hiệu quả của công tác thi hành án và tính nghiêm minh của hình phạt.

Theo quy định của Luật thi hành án hình sự hiện hành thì Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án trong phạm vi cả nước. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ quản lý công tác thi hành án phạt tù và tổ chức công tác thi hành án phạt tù. Tuy vậy, trong thực tế công tác thi hành án theo pháp luật hiện hành còn được giao cho nhiều cơ quan khác nữa cùng tham gia, thực hiện như Tòa án nhân dân, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, cơ quan y tế thi hành quyết định của Tòa án về bắt buộc chữa bệnh nhưng lại không có một cơ quan chuyên trách nào được giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý việc thi hành đó…Vì vậy, mục đích của hình phạt và các biện pháp tư pháp khác không đạt được kết quả, tác dụng phòng ngừa vi phạm và tội phạm bị hạn chế.

Việc theo dõi và quản lý phạm nhân còn chồng chéo, kém hiệu quả, trên thực tế đã tồn tại tình trạng là sau khi ra quyết định thi hành án phạt tù, Tòa án hoàn toàn không thể biết rõ được phạm nhân được đưa đi cải tạo ở đâu, bởi vì trên cơ sở tiếp nhận bị án, cơ quan thi hành án của Bộ Công an lập danh sách bị án, ra quyết định đưa họ đi cải tạo tại các trại cải tạo do mình quản lý trên cả nước mà không giao danh sách người bị kết án được điều đi cải tạo ở các trại giam cho toà án đã xét xử. Thực tế, có trại giam sau khi tiếp nhận phạm nhân có lập danh sách chuyển toà án ra quyết định thi hành án nhưng về cơ bản là không đầy đủ và thiếu kịp thời, dẫn đến thiếu thông tin trong hồ sơ theo dõi thi hành án của Toà án.

Ở giai đoạn xét giảm án: Khi thực hiện thủ tục xét giảm án, tha tù (quy định tại Điều 58, Điều 59, Điều 76 của Bộ luật hình sự; Điều 268, 269 Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, ngày 15/5/2013 của Bộ công an, Bộ Quốc phòng, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân”) thì về nguyên tắc giảm thời hạn chấp hành hình phạt là việc Toà án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị kết án chấp hành hình phạt tù căn cứ vào hồ sơ đề nghị của trại trại giam, và quá trình phấn đấu cải tạo phạm nhân để xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho người bị kết án. Mâu thuẫn ở chỗ, việc thẩm định của cơ quan có thẩm quyền (theo Thông tư 02) là Cục quản lý trại giam, cơ quan thi hành án hình sự công an tỉnh (đối với trại giam công an tỉnh) thay bằng thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn và danh sách phạm nhân mà các cơ quan này đã làm thay công việc của Toà án đó là “duyệt mức giảm”.

Mục đích nhân đạo của việc giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Nhà nước là rất rõ, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước, qua đó tạo khí thế thi đua sôi nổi trong chấp hành hình phạt tù của phạm nhân. Nhưng, bằng thẩm quyền chuyên biệt của mình, Bộ Công an (cụ thể là Tổng cục VIII đã làm thay chức năng của cơ quan quản lý phạm nhân (là các trại giam) để ấn định và điều chỉnh mức giảm án đối với các phạm nhân theo ý chí chủ quan của mình, đặt thẩm quyền hành chính thay cho chức năng tố tụng để yêu cầu các trại giam lập danh sách và mức giảm do mình “duyệt” để đề nghị Toà án nơi trại giam đóng trên địa bàn “chuẩn y” mức án mà mình đã duyệt. Việc làm này đã gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội về “vai trò lớn và cánh tay rộng” của ngành Công an, thẩm quyền của Toà án bị thu hẹp và gần như bị tước quyền hiến định về vấn đề độc lập của Toà án, điều này ảnh hưởng đến tâm lý người chấp hành án, làm cho phạm nhân không còn muốn phấn đấu, thi đua chấp hành hình phạt tù để được giảm án bởi sự bất công bằng trong quá trình thẩm định, xét duyệt giảm án cũng như quá trình giảm án.

ThS. Bùi Thị Hằng

Giảng viên Khoa Lý luận chính trị – Luật

Trường Đại học Hồng Đức

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191