Trợ giúp pháp lý – Những vấn đề đặt ra

Trợ giúp pháp lý – Những vấn đề đặt ra

06/07/2015

Trợ giúp pháp lý là một chính sách xã hội, đã được triển khai ở nhiều quốc gia với các mô hình khác nhau theo hoàn cảnh và điều kiện của mỗi nước. Ở nước ta, nhu cầu được trợ giúp pháp lý là rất lớn, do đó, từ năm 1997 (theo Quyết định số 734/1997/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách) hệ thống cơ quan trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã được hình thành ở Trung ương (Cục trợ giúp pháp lý, Bộ Tư Pháp) và ở địa phương (Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư Pháp) nhằm đáp ứng yêu cầu được tư vấn, giúp đỡ về pháp luật miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách và những người yếu thế. Đây là một chính sách xã hội rất nhân văn, thể hiện sự phấn đấu vì công bằng xã hội, sự đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng. Đặc biệt đối với nước ta, việc nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn luôn là vấn đề hết sức cấp thiết. Trợ giúp pháp lý làm chỗ dựa cho người dân, để họ tiếp cận và tin vào công lý, vào Nhà nước, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Sau 9 năm triển khai công tác trợ giúp pháp lý, năm 2006, chúng ta có một hành lang pháp lý để đưa công tác này đi vào kỷ cương nền nếp và hướng tới “xóa đói giảm nghèo” về pháp luật, Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ những đối tượng nào được trợ giúp pháp lý, đối tượng nào được thực hiện việc trợ giúp pháp lý và việc trợ giúp pháp lý như thế nào… Tại thời điểm Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành, cả nước chỉ có khoảng 2.800 luật sư, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, trong khi nhu cầu được trợ giúp pháp lý miễn phí là rất lớn; do vậy việc nhanh chóng hình thành mạng lưới các trung tâm trợ giúp pháp lý và phát triển đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý ở tất cả các tỉnh, thành là hết sức cấp thiết, đặc biệt là các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi mà đội ngũ luật sưhầu như còn chưa có.

1. Một số kết quả thực hiệnLuật Trợ giúp pháp lý

Ngay sau khi ra đời Luật Trợ giúp pháp lý đã có tác động tích cực trong đời sống xã hội, bởi hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn luật đã được ban hành kịp thời, đúng tiến độ, vì vậy, Luật đã nhanh chóng tiếp cận thực tiễn. Bên cạnh đó, đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên pháp lý đã phát triển rộng và thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng trợ giúp pháp lý, nên đã phát huy vai trò tích cực của mình trong việc hỗ trợ kịp thời về pháp luật cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Sau 8 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước đã phát triển mạnh mẽ, với đội ngũ công chức, viên chức, người lao động tại các trung tâm và chi nhánh trợ giúp pháp lý là 1.314 người, trong đó có 572 trợ giúp viên pháp lý (490 người đã qua đào tạo miễn phí nghề luật sư). Ngoài ra, đội ngũ cộng tác viên trợ giúp pháp lý cũng phát triển nhanh chóng, toàn quốc có trên 10.700 cộng tác viên trợ giúp pháp lý (trong đó có 1.136 cộng tác viên là luật sư và 174 tư vấn viên pháp luật đăng ký trợ giúp pháp lý).

Có thể nói, từ trước năm 2010, có rất nhiều tổ chức quốc tế đã tài trợ cho công tác trợ giúp pháp lý, do vậy việc triển khai trợ giúp pháp lý có phần thuận lợi. Việc tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật được tổ chức rất nhiều đợt (từ năm 2006 đến năm 2014 đã bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý cho trên 1000 cán bộ), mỗi năm Bộ Tư pháp cũng tổ chức từ 05 – 07 khóa tập huấn nghiệp vụ trên toàn quốc hoặc theo khu vực, nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý. Rất nhiều tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ được in ấn và phát hành rộng rãi. Các địa phương cũng tổ chức hàng nghìn đợt tập huấn nghiệp vụ (mỗi năm mỗi tỉnh cũng tổ chức 04 – 05 đợt tập huấn). Rất nhiều đối tượng đã được bồi dưỡng kỹ năng trợ giúp pháp lý đặc biệt là mạng lưới cơ sở.

Ngoài hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước (bao gồm các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên, tư vấn viên pháp luật đăng ký trợ giúp pháp lý), các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng được vận động, khuyến khích đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Như vậy, nhiều nguồn lực xã hội đã được huy động tham gia trợ giúp pháp lý, chính vì vậy mà công tác trợ giúp pháp lý đã đạt được kết quả thật ấn tượng. Sau 08 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý, đến hết tháng 12/2014, cả nước thực hiện được khoảng 940.183 vụ việc, trong đó gồm 52.985 vụ việc tham gia tố tụng (13.120 vụ việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý; 39.865 vụ việc bào chữa); 879.133 vụ việc tư vấn pháp luật (tại trung tâm trợ giúp pháp lý và chi nhánh hoặc trợ giúp pháp lý lưu động). Trong đó có 80.320 vụ việc hình sự, 202.146 vụ việc dân sự, 103.776 vụ việc hôn nhân và gia đình, 72.526 vụ việc hành chính, 228.090 vụ việc về đất đai, 20.656 vụ việc về lao động, 129.719 vụ việc ưu đãi và 102.922 vụ việc trong các lĩnh vực pháp luật khác. Tổng số lượt người được trợ giúp pháp lý sau 08 năm là gần 10.000 đối tượng.

Trong lực lượng thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý đã từng bước đáp ứng yêu cầu công việc, tham gia ngày càng nhiều các vụ việc tranh tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích cho người được trợ giúp pháp lý. Năm 2014, 572 trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện trên 74.258 vụ việc/124.171 vụ việc trên toàn quốc, trong đó có3.690 vụ việc tham gia tố tụng (mỗi trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng khoảng 06 vụ /năm).

Nhìn lại kết quả thực hiện công tác trợ giúp pháp lý thời gian qua, có thể khẳng định: Chủ trương chính sách đúng đắn của Nhà nước ta về công tác này, chúng ta đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa. Tuy nhiên, cũng phải khách quan đánh giá những bất cập ngay từ chiến lược, khi mà tình hình thực tiễn đã có nhữngthay đổi so với 08 năm trước, nếu chúng ta không có sự điều chỉnh kịp thời thì sẽ khó có thể là chỗ dựa tin cậy cho các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác trợ giúp pháp lý

Sau 08 năm triển khai luật trợ giúp pháp lý, có rất nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tổng kết kịp thời bổ sung, sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý. Đó là vấn đề đảm bảo sự công bằng, đảm bảo chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí và đảm bảo hoạt động của đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách và nguồn tài trợ.

Công tác trợ giúp pháp lý đang thực sự đứng trước những thách thức lớn. Có thể nói lực lượng thực hiện trợ giúp pháp lý đến nay là khá hùng hậu. Tuy nhiên, lực lượng này chưa được sử dụng một cách hiệu quả, đặc biệt là đội ngũ luật sư. Hoạt động trợ giúp pháp lý chủ yếu mới chỉ thiên về phổ biến, giáo dục pháp luật, mà chưa đi sâu vào từng vụ việc cụ thể, chưa đáp ứng yêu cầu của các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong tố tụng. Đội ngũ luật sư còn chưatham gia trợ giúp pháp lý nhiều, trong khi đội ngũ này đã lớn mạnh gấp 3,5 lần so với thời kỳ đầu hình thành hệ thống trợ giúp pháp lý. Vấn đề luật sư công như một số nước cũng là một vấn đề đặt ra khi sửa Luật Trợ giúp pháp lý, để làm sao giải quyết được bài toán dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí kịp thời và đảm bảo chất lượng trợ giúp pháp lý.

Xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý cũng là một vấn đề lớn đòi hỏi phải có bước đi rất cụ thể, phải năng động, phù hợp với từng vùng, miền, địa phương. Có lẽ việc xã hội hóa trợ giúp pháp lý ở nước ta sẽ rất khác với các nước trên thế giới, do mức độ nhận thức pháp luật của người dân, cũng như hoàn cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta. Chúng ta cần lựa chọn mô hình thực hiện trợ giúp pháp lý sao cho phù hợp, nhằm đảm bảo sự độc lập, năng động, kịp thời khi tiến hành trợ giúp pháp lý.

Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề được đặt ra sau 08 năm thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, đó là vấn đề mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý đến đâu? Hình thức trợ giúp pháp lý nào phù hợp và hiệu quả; vấn đề tổ chức lại hệ thống các trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước; vấn đề đánh giá chất lượng trợ giúp pháp lý, nhất là trong các vụ việc cụ thể; cơ chế giám sát và quản lý hoạt động trợ giúp pháp lý; vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn ngânsách và tiếp nhận tài trợ cho hoạt động trợ giúp pháp lý…, nhưng có lẽ vấn đề đầu tiên và khó khăn nhất vẫn là làm sao để có sự thống nhất về nhận thức, thông suốt về tư tưởng, thì mới có sự quyết tâm cao, tạo nên chuyển biến thật sự cho công tác trợ giúp pháp lý.

Sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý và thực hiện Đề án Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 – 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, chắc chắn tới đây, công tác trợ giúp pháp lý sẽ thực sự chuyển mình. Nhà nước phải khẳng định được vai trò của mình trong thực hiện “xóa đói pháp luật” cho các đối tượng khó khăn, yếu thế, đồng thời phải tổ chức lại bộ máy quản lý công tác trợ giúp pháp lý cho gọn nhẹ và hiệu quả, đặc biệt phải huy động được sự tham gia của toàn xã hội, của đội ngũ luật sư, của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế…

Duy Kiên

(Số liệu trong bài viết được trích dẫn từ Tài liệu tổng kết 08 năm thi hành Luật trợ giúp pháp lý của Cục Trợ giúp pháp lý ngày 16/6/2015)

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191