Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách

Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách, liên hệ thực tiễn (Bài luận tổng hợp).

Nhà tâm lí học nổi tiếng X.L.Rubinstein đã viết : “ Con người là cá tính đặc biệt, không lặp lại, con người là nhân cách do nó xác định được quan hệ của mình với người xung quanh một cách có ý thức”. Như vậy, không có nghĩa từ khi sinh ra là một con người thì bản thân mỗi chúng ta đã có nhân cách. A.N.Leonchiev đã chỉ ra rằng : “ Nhân cách con người không phải được đẻ ra, mà là được hình thành”.

Nhân cách con người được hình thành và phát triển theo con đường từ ngoài chuyển vào nội tâm, từ các quan hệ với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, nền văn hóa xã hội do thế hệ trước tạo ra, các quan hệ xã hội mà con người gắn bó. Trong quá trình hình thành và phát triển, nhân cách bị chi phối bởi năm yếu tố, đó là yếu tố di truyền, hoàn cảnh sống, nhân tố giáo dục, nhân tố hoạt động và yếu tố giao tiếp. Mỗi yếu tố đều giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người.

Vậy để hiểu rõ hơn về vai trò các yếu tố đó, em đã chọn tìm hiểu đề bài : “Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách. Liên hệ thực tiễn”.

I.Khái quát về nhân cách

1.Một số khái niệm liên quan

    Con người là một khái niệm rất rộng. Tuy nhiên, trong khoa học xã hội, một khái niệm đã được thừa nhận rộng rãi là: Con người là một thức thể sinh học – xã hội.

    Cá nhân cũng là một thực thể sinh học – xã hội, nhưng được xem xét cụ thể riêng từng người, với các đặc điểm về sinh lí, tâm lí và xã hội để phân biệt cá nhân này với cá nhân khác với cộng đồng.

    Chủ thể là thuật ngữ được sử dụng khi cá nhân thực hiện một hoạt động nhất định một cách có ý thức và có mục đích (hoạt động trí óc, hoạt động chân tay, hoạt động lý luận hay thực hành), nhận thức và cải tạo thế giới xung quanh trong quá trình hoạt động đó.

    Cá tính của từng con người cụ thể là sự độc đáo riêng của mỗi cá thể về những đặc điểm thể chất và tâm lí (thể tạng, kiểu thần kinh, khí chất, nhu cầu, năng lực v.v.)

2.Khái niệm nhân cách

    Có nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về nhân cách. Nhưng trên cơ sở đó, có thể rút ra định nghĩa khái quát về nhân cách như sau :

    Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lí của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy. Cụ thể, trong đó :

+ Nói thuộc tính tâm lí là nói hiện tương tâm lí tương đối ổn định – kể cả phần sống động và tiềm phần tàng (nét, thói, tính tình…) có tính quy luật chứ không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên.

+ Dùng chữ “tổ hợp” có nghĩa là những thuộc tính tâm lí hợp thành nhân cách có quan hệ chặc chẽ với nhau, tác động lẫn nhau làm thành một hệ thống, một cấu trúc nhất định.

+ Nói bản sắc là muốn nói trong số những thuộc tính đó, trong hệ thống đó có cái chung từ xã hội, từ giai cấp, tập thể gia đình vào con người nhưng cái chung này ( gọi tắt là kinh nghiệm – xã hội lịch sử) đã trở thành cái riêng, cái khác biệt của từng người có đặc điểm về nội dung và cả hình thức, không giống với các tổ hợp khác của bất cứ một người nào khác.

+ Dùng chữ “giá trị xã hội” là muốn nói những thuộc tính đó thể hiện ra ở những việc làm, những cách ứng xử, hành vi, hành động, hoạt động phổ biến của người ấy và được xã hội đánh giá.

II.Vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách, liên hệ thực tiễn

1.Yếu tố di truyền

    Theo sinh vật hoc hiện đại, di truyền là mối liên hệ kế thừa của cơ thể sống đảm bảo sự tái tạo ở thế hệ mới những nét giống nhau về mặt sinh vật đối với thế hệ trước và đảm bảo năng lực đáp ứng những đòi hỏi của hoàn cảnh theo một cơ chế đã định sẵn.

    Bẩm sinh – di truyền là những đặc điểm giải phẫu sinh lí của hệ thần kinh và các cơ quan cảm giác, vận động. Đối với mỗi cá thể khi ra đời đã nhận được một số đặc điểm về cấu tạo và chức năng cơ thể từ các thế hệ trước theo con đường di truyền, trong đó có những đặc điểm cấu tạo và chức năng của các giác quan và não. Những đặc điểm của hoạt động thần kinh cấp cao (cường độ , tính cân bằng và linh hoạt của các quá trình thần kinh) được biểu hiện ngay từ những ngày đầu của cá thể. Tuy nhiên, không thể kết luận về vai trò quyết định của di truyền trong sự hình thành và phát triển tâm lí nhân cách.

    Để nhận thức đúng vai trò của nó, ta cần phải thừa nhận một thực tế là mọi cơ thể bình thường đều có thể phát triển tốt đẹp đời sống tinh thần của mình. Hơn thế, hoạt động tâm – tâm sinh lí của con người lại có khả năng bù trừ (sự thiếu hụt của giác quan này có thể làm tăng tính nhạy cảm của một giác quan khác, một chức năng tâm lí bị hủy hoại có thể được khôi phục bằng cách luyện tập để thiết lập một hệ thống chức năng trên vỏ não ứng với chức năng tâm lí đó). Ngoài ra, sự tác động của yếu tố di truyền đối với từng giai đoạn phát triển lứa tuổi và đối với từng hoạt động cụ thể là khác nhau. Chẳng hạn, khả năng tiềm tàng của bộ máy phân tích âm thanh cần phải được phát triển và bồi dưỡng từ tuổi thơ ấu. Nó là một đặc điểm di truyền, khác với những đặc điểm phát triển khác của cơ thể.

    Tóm lại, bẩm sinh – di truyền đóng vai trò đáng kể trong sự hình thành phát triển tâm lí nhân cách. Chính nó tham gia vào sự tạo thành cơ sở vật chất của các hiện tượng tâm lí – những đặc điểm giải phẫu và sinh lí của cơ thể, trong đó có hệ thần kinh. Từ đó có thể khẳng định vai trò tiền đề vật chất của yếu tố di truyền đối với sự hình thành và phát triển nhân cách.

Liên hệ thực tiễn : Nhà soạn nhạc thiên tài Moza được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cùng với sự dạy dỗ của người cha và niềm say mê âm nhạc từ thuở nhỏ đã tạo lên một nghệ sĩ thiên tài. Như vậy, yếu tố di truyền đã giúp tạo tiền đề cho nhân cách con người phát triển.

Hay một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm ca sỹ, nhạc sỹ , thì nó sẽ có cơ hội và khả năng làm trở thành một người hoạt động nghệ thuật sau này, cộng với công việc của bố mẹ nó có thể phát triển và bồi dưỡng từ nhỏ khả năng tiềm tàng của bộ máy phân tích âm thanh, phát triển giọng ca, tài năng….

2.Hoàn cảnh sống

Hoàn cảnh tự nhiên:

    Như ta đã biết, mỗi dân tộc sống trên một lãnh thổ nhất định, có cái sự độc đáo của hoàn cảnh địa là: ruộng đồng, khoáng sản, núi sông, trời biển, mưa gió, hoa cỏ và âm thanh… Những điều kiện ấy quy định đặc điểm của các dạng, các ngành sản xuất, đặc tính của nghề nghiệp ( tức những phương thức hoạt động của con người trong tự nhiên) và một số nét riêng trong phạm vi sáng tạo nghệ thuật. Qua đó, quy định các giá trị vật chất và tinh thần ở một mức độ nhất định. Cho nên có thể nói rằng, tâm lí dân tộc mang dấu ấn của hoàn cảnh tự nhiên thông qua khâu trung gian là phương thức sống.

    Xét cho cùng, nhiều phong tục tập quán đều có nguồn gốc từ điều kiện và hoàn cảnh sống tự nhiên. Một số nét tâm lí nào đó của bản địa, của nghề nghiệp cũng có thể hiểu theo logic ấy. Nhân cách như một thành viên xã hội, chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên thông qua những giá trị vật chất tinh thần, qua phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương, của nghề nghiệp – những cái vốn có liên hệ với điều kiện tự nhiên ấy và qua phương thức sống của chính bản thân nó.

   Liên hệ thực tiễn : Người dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long nước ta có truyền thống trồng lúa nước lâu đời, cây lúa nước không chỉ đơn thuần là cây nông nghiệp, mà nó đã trở thành biểu tượng cho nền nông nghiệp nước ta nói chung và hai vùng đồng bằng này nói riêng. Ở đây, người dân không chỉ có kinh nghiệm lâu đời về trồng lúa nước, tâm lí gắn bó với cây lúa, mà còn có những phong tục, tập quán, hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn liền với nền văn minh lúa nước. Sở dĩ như vậy là bởi vì nơi đấy có địa hình bằng phẳng, có hai con sông lớn chảy qua, bồi đắp phù sa, có các điều kiện phù hợp cho việc canh tác cây lúa nước.

Một ví dụ nữa cho thấy nhân cách con người chịu sự ảnh hưởng của tự nhiên thời tiết : Khi thời tiết nắng nóng vào khoảng 40, 41 độ C, chúng ta có cảm giác khó chịu trong người và hay cáu gắt hơn bình thường, những khi thời tiết mát mẻ mùa thu, thì tinh thần con người cũng thoải mái hơn, khi đó con người thấy vui vẻ hơn, thấy mọi thứ nhẹ nhàng, bâng khuâng như tiết trời mùa thu….

Hoàn cảnh xã hội:

    Trước hết, cần nhận thức về ảnh hưởng nói chung của xã hội đối với sự phát triển tâm lí nhân cách. Rõ ràng là không có sự tiếp xúc của con người thì cá thể lớn lên và phát triển trong trạng thái động vật, nó không thể trở thành một con người, một nhân cách. Nhân cách đó phải là sản phẩm của xã hội. Có nghĩa là, đứa trẻ muốn trở thành nhân cách phải có sự tiếp xúc với người lớn để nắm vững kiến thức, kinh nghiệm lịch sử xã hội, để được chuẩn bị bước vào cuộc sống và lao động trong văn hóa của thời đại. Ví dụ như, trong trường hợp một em bé được chó sói nuôi, sống trong rừng, không có sự tác động hay tiếp xúc của con người thì sẽ sống như một động vật, cụ thể: đi bằng bốn chân, không biết nói mà chỉ rú được như sói, không biết ăn thịt chín, không mặc quần áo….

    Trong tất cả các mối quan hệ xã hội, nhân cách không chỉ là một khách thể mà còn là một chủ thể. Cá nhân là một tồn tại có ý thức, nó có thể lựa chọn phương thức sống của mình và do đó nó lựa chọn những phản ứng khác nhau trước tác động của hoàn cảnh xã hội.

    Trong môi trường xã hội ta còn thấy những hiện tượng tâm lí xã hội quần chúng khác ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lí nhân cách. Dư luận và tâm trạng chung, đó là sự phán xét đánh giá của sự đông người về sự kiện đời sống xã hội của hoạt động tập thể của hành vi cá nhân. Dư luận được hình thành âm thầm hoặc có ý thức. Có thể đóng vai trò tích cực hay tiêu cực trong đời sống được bắt nguồn từ sự kiện thực hay bịa đặt. Nó nảy sinh, phát sinh trên tâm trạng xã hội và có ảnh hưởng trở lại tâm trạng đó.

   Tâm trạng chung bao trùm bầu không khí lạc quan hay bi quan – sức phấn đấu chung của nhóm hay cá nhân đều chịu ảnh hưởng của tâm trạng chung đó.

   Thi đua là phương thức tác động qua lại giữa các cá nhân, nhóm và tập thể làm tăng cho kết quả hoạt động của nhau nhiều phẩm chất nhân cách, tập thể được phát triển qua thi đua.

    Bắt chước thể hiện ra mọi lĩnh vực của đời sống (vui chơi, học tập, lao động, giao tiếp), bắt chước diễn ra một cách có ý thức hay không có ý thức, bắt chước trong cách giao tiếp, ngôn ngữ ăn mặc.v.v.

3.Nhân tố giáo dục

    Theo quan điểm của tâm lí học và giáo dục học hiện đại thì giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển nhân cách. Giáo dục là hoạt động chuyên môn của xã hội nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người theo những yêu cầu của xã hội trong giai đoạn lịch sử nhất định.

   Trong tâm lí học, giáo dục thường được hiểu như là quá trình tác động có ý thức, có mục đích và có kế hoạch về mặt tư tưởng, đạo đức và hành vi trong tập thể trẻ em và học sinh, trong gia đình và cơ quan giáo dục ngoài nhà trường. Nhưng thực ra giáo dục còn có nghĩa rộng hơn giáo dục bao gồm cả việc dạy học cùng với hệ thống các tác động sư phạm khác, trực tiếp hoặc gián tiếp trong lớp và ngoài lớp, trong trường và ngoài trường, trong gia đình và ngoài xã hội. Vai trò chủ đạo của giáo dục được thể hiên qua những điều sau đây:

-Giáo dục nhằm vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh và dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh theo chiều hướng đó.

-Giáo dục có thể mang lại những cái mà các yếu tố bẩm sinh – di truyền hay môi trường tự nhiên không thể đem lại được. Chẳng hạn, một đứa trẻ sinh ra không bị khuyết tật thì theo sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể, đến một giai đoạn nhất định, bé sẽ biết nói. Nhưng nếu muốn biết đọc sách báo thì nhất thiết phải đi học.

-Giáo dục có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật đem lại cho con người. Ví dụ : bằng những phương pháp giáo dục đặc biệt cho những người bị khuyết tật (câm, mù, điếc…) có thể phục được những chức năng đã mất, hoặc có thể phát triển tài năng một cách bình thường. Chẳng hạn, như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, thầy bị tật nguyền từ nhỏ, nhưng nhờ giáo dục, rèn luyện học tập, thầy đã tập viết được bằng chân và đã viết lên “một huyền thoại số phận” nhờ đôi bàn chân của mình.

-Giáo dục có thể uốn nắn nhứng phẩm chất tâm lí xấu, do tác động tự phát của môi trường xã hội gây nên và làm cho nó phát triển theo chiều hướng mong muốn của xã hội. Ví dụ như những người phạm tội bị kết án phạt tù, thì họ tham gia vào các hoạt động lao động để cải tạo bản thân.

-Giáo dục có thể đi trước hiện thực, trong khi tác động tự phát của xã hội chỉ ảnh hưởng đến cá nhân ở mức độ hiện có của nó.

    Như vậy, giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sựu phát triển nhân cách, vì giáo dục một mặt cung cấp cho con người những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, mặt khác hình thành trong nhân cách họ những phẩm chất tâm lý cần thiết theo yêu cầu phát triển của xã hội. Sản phẩm văn hóa của loài người có thể biến thành tài sản tinh thần của nhân cách nhờ hoạt động giáo dục.

4.Nhân tố hoạt động

Khái niệm:

   Hoạt động là sự tác động qua lại có định hướng giữa con người với thế giới xung quanh, hướng tới biến đổi nó nhắm thỏa mãn yêu cầu của mình.

Vai trò của hoạt động:

    Hoạt động là phương thức tồn tại của con người, là nhân tố  quyết định trực tiếp sự hình thành và phát triển của nhân cách. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, cộng đồng, được thực hiện bằng những thao tác nhất định, với những cộng cụ nhất định. Thông qua hai quá trình đối tượng hóa và chủ thể hóa trong hoạt động mà nhân cách được bộc lộ và hình thành. Con người lĩnh hội kinh nghiệm xã hội lịch sử bằng hoạt động của bản thân để hình thành nhân cách. Mặt khác cũng thông qua hoạt động, con người đóng góp lực lượng bản chất của mình vào việc cải tạo thế giới khách quan.

    Sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người phụ thuộc vào hoạt động chủ đạo ở mỗi thời kì nhất định. Muốn hình thành nhân cách con người phải tham gia vào các dạng hoạt động khác, nhất là vai trò của hoạt động chủ đạo. Hoạt động có vai trò quyết định trực tiếp đến sự hình thành vè phát triển nhân cách cá nhân. Con đường tác động có mục đích, tự giác của xã hội bằng giáo dục sẽ không có hiệu quả, nếu như bản thân không tiếp nhân, không hưởng ứng những tác động đó, không trực tiếp tham gia vào các hoạt động nhằm phát triển tâm lí, hình thành nhân cách.

    Như vậy, khác với động vật, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, có ý thức. Hoạt động của con người được hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển ý thức, là nguồn góc và nội dung của ý thức. Hoạt động của con người được thực hiện không chỉ trong mối quan hệ của con người với sự vật mà cả trong mối quan hệ với người khác.

Liên hệ thực tiễn : Trong hoạt động học tập của sinh viên nói chung và sinh viên Luật nói riêng, việc tiếp thu một cách thụ động từ sách vở, từ thầy cô, trong khi bản thân không tự thân vận động, chủ động tìm kiếm, mày mò, học hỏi từ nhiều phía thì có nghĩa là con đường tác động có mục đích là giáo dục sẽ không có hiệu quả, bản thân chúng ta sẽ không năng động, việc áp dụng ý thức và phát huy vai trò của giáo dục trong việc hình thành và phát triển nhân cách sẽ chậm chạp đi rất nhiều.

Thực tế cho thấy, những ai học tập có yếu tố tích cực, sáng tạo, có độc lập nghiên cứu…thì tích lũy, lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm hơn, để phát triển hoàn thiện nhân cách. Như sinh viên luật, thì việc đọc nhiều sách, báo pháp luật, sẽ giúp sinh viên luật tích lũy được những kiến thức về pháp luật, những vụ án thực tiễn, giúp chúng ta tích hoàn thiện hơn khả năng tư duy, nhìn nhận tình huống trong quá trình học tập cũng như sau này. Đối với sinh viên, thì hoạt động học tập là chủ đạo, và nó cũng đóng vai trò chủ đạo tong việc hình thành nhân cách, nhưng để phát triển và hoàn thiện dần nhân cách của bản thân thì cần phải tham gia các hoạt động khác ngoài xã hội như : tình nguyện, thể dục thể thao, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, làm thêm… Với sinh viên luật thì yêu tố giáo hoạt động là yếu tố đặc biết quan trọng trong việc trau dồi kĩ năng nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm, tính năng động, độc lập làm việc… ngay từ khi còn đang học trong trường.

5.Yếu tố giao tiếp

    Giao tiếp là quá trình thiết lập và phát triển sự tiếp xúc giữa các cá nhân xuất phát từ nhu cầu phối hợp hành động. Đối tượng của giao tiếp là những chỉnh thể tâm lí sống động, những nhân cách hoàn chỉnh. Giao tiếp là điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Nhu cầu giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản, xuất hiện sớm nhất ở con người. Sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát triển của các cá nhân khác mà nó giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với họ. Chính con người làm xuất hiện, duy trì, phát triển giao tiếp và trở thành sản phẩm của giao tiếp.

    Nhờ giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hóa xã hội, chuẩn mực xã hội, đống thời thông qua giao tiếp, con người đóng góp năng lực của mình vào kho tàng chung của nhân loại.

   Trong giao tiếp, con người không chỉ nhận thức người khác, nhận thức các mối quan hệ, nhận thức các quan hệ xã hội, mà còn nhận thức được chính bản thân mình, tự đối chiếu so sánh mình với người khác, với chuẩn mực xã hội, tự đánh giá bản thân như một nhân cách.

    Liên hệ thực tiễn : Sinh viên trong qua trình học tập nghiên cứu, nhờ giao tiếp, tiếp xúc, trao đổi với bạn bè mà học hỏi được thêm nhiều kiến thức, cũng qua đó mà mỗi sinh viên có được những đánh giá thái độ với những người bạn của mình (ngưỡng mộ, khâm phục học hỏi từ họ…) đồng thời cũng hình thành sự đánh giá, xem xét lại bản thân, còn những gì cần khắc phục ở bản thân, những gì cần hoàn thiện… Giao tiếp với thầy cô, giảng viên, các anh chị khóa trên giúp ta học tập được thêm nhiều thứ như : kiến thức chuyên môn, thái độ làm việc, kinh nghiệm trong nghiên cứu, học tập… từ đó vận dụng để phục vụ cho việc học của bản thân mình. 

III.Liên hệ bản thân

    Đối với bản thân mỗi con người, các yếu tố ở trên đây đều có một mức độ ý nghĩa nhất định đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mình. Với bản thân em, qua một quá trình lớn lên, học tập, rèn luyện…. thì nhân cách cũng đã hình thành và phát triển.

Như vậy, có thể nói, sự hình thành và phát triển nhân cách là một quá trình lâu dài và phức tạp. Trong quá trình đó, giữa các yếu bên trong và yếu tố bên ngoài, giữa cái sinh học và cái xã hội thường xuyên tác động lẫn nhau và vai trò của các yếu tố đó cũng thay đổi qua các giai đoạn phát triển của mỗi người. Trong quá trình sống, con người có được những kinh nghiệm sống, niềm tin, thói quen…và ngược lại, khi tiếp nhận bất cứ việc gì, nhân cách cũng dựa trên những chuẩn mực xã hội để điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp. Không những thế, con người dựa vào những cái bên trong, những kinh nghiệm của mình để đánh giá, tiếp nhận hay gạt bỏ cái bên ngoài.

Do đó, quá trình này luôn gắn với năng lực tự đánh giá, tự ý thức của mỗi người, với quá trình tự giáo dục, quá trình thường xuyên tự hoàn thiện mình của nhân cách. Nhân cách không phải là cái gì đó đã hoàn tất, mà là quá trình luôn đòi hỏi sự trau dồi thường xuyên.

Con người xét về mặt tự nhiên, là một sinh thể bậc thang cao nhất của sự tiến hóa; xét về mặt xã hội, là chủ thể của lao động, nhận thức và giao lưu thể hiện trong suốt quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân. Trong quá trình đó, con người cũng được hình thành và hoàn thiện dần, dưới vai trò tác động của nhân cách của các yếu tố di truyền, hoàn cảnh xã hội, quá trình hoạt động, giao tiếp, yếu tố giáo dục. Dưới góc độ tâm lí học, các yếu tố này luôn là những yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một con người.

Vì vậy, mỗi cá nhân phải nhận thức được một cách đúng mức vai trò của các yếu tố đó, biết kết hợp hài hòa giữa các yếu tố để tác động đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách, xây dựng các kế hoạch cho bản thân, tự thân vận động, không ngừng học tập, rèn luyện, không ngừng tham gia vào các hoạt động xã hội, cộng động… để hoàn thiện nhân cách của mình.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191