Ký kết hợp đồng tại Việt Nam có bắt buộc phải sử dụng pháp luật Việt Nam

Ký kết hợp đồng tại Việt Nam có bắt buộc phải sử dụng pháp luật Việt Nam (trong các trường hợp việc thực hiện thỏa thuận hợp đồng không nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam)

Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật dân sự năm 2015

Trả lời:

Việc ký kết HĐ tại Việt Nam trong một số trường hợp không bắt buộc phải sử dụng pháp luật Việt Nam mà có thể áp dụng pháp luật nước ngoài.

Căn cứ vào khoản 2 Điều 663, Điều 683 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 663. Phạm vi áp dụng

2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Điều 683. Hợp đồng

1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.

2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:

a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;

b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;

c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;

d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;

đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.

3. Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.

4. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.

5. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Các bên có thể lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh quá trình giao kết HĐ trong trường hợp việc thực hiện HĐ không nằm trong lãnh thổ Việt Nam. Bởi lúc này giữa các bên đã hình thành quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Và như vậy, hoàn toàn có thể áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 683: “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng”. Nếu trong HĐ các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước đó sẽ được áp dụng, tức không có sự bắt buộc sử dụng pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, cần lưu ý các trường hợp sau bắt buộc phải áp dụng pháp luật Việt Nam:

1/ Các bên không thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng, pháp luật Việt Nam có mối liên hệ gắn bó nhất với HĐ;

2/ Đối tượng của HĐ là bất động sản tại Việt Nam; nội dung HĐ liên quan đến việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ;

3/ Các bên trong HĐ lao động, HĐ tiêu dùng thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài nhưng việc áp dụng pháp luật này có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191