Đối chiếu quy định của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm

Đối chiếu quy định của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm, từ đó đưa ra nhận xét về tính tương thích của pháp luật Việt Nam và Quy chế Rome


a) Đối chiếu quy định tại Điều 341 của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm

Đối chiếu quy định của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm
Đối chiếu quy định của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm

Tội xâm lược, tuy đã được xác định thuộc quyền tài phán của ICC, song các quốc gia thành viên vẫn chưa thể đạt được một sự thống nhất cao về định nghĩa, vì vậy các yếu tố cấu thành tội phạm chưa được ghi nhận trong quy chế. Ngày 15 tháng 6 năm 2010 tại Hội nghị kiểm điểm hoạt động của Tòa án hình sự quốc tế diễn ra ở thủ đô Kampala của Uganđa, các nước thành viên ICC đã đạt được thỏa thuận về định nghĩa tội xâm lược và đã sửa đổi Quy chế Rome liên quan đến tội này.

Tội xâm lược theo khoản 1 Điều 8bis Quy chế Rome là hành vi lập kế hoạch, chuẩn bị, bắt đầu, thực hiện hành vi xâm lược do một người có chức vụ tiến hành ra lệnh hoặc chỉ thị hành động quân sự hoặc chính trị của một nhà nước trong đó căn cứ vào tính chất nghiêm trọng và quy mô đã thể hiện rõ vi phạm Hiến chương của Liên hợp quốc.

Qua nghiên cứu Điều 8bis Quy chế Rome và Điều 341 Bộ luật Hình sự nước ta, có thể thấy sự không tương đồng từ tên tội danh đến cách mô tả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Đặc biệt là cách mô tả các dấu hiệu của cấu thành tội phạm phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược theo như Điều 341 Bộ luật Hình sự nước ta là quá đơn giản và không giống như cách mô tả của Điều 8bis Quy chế Rome.

b) Đối chiếu quy định tại Điều 342 của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm

Điều 342 Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định về Tội chống loài người, và trong nội dung cũng còn quy định cả hành vi diệt chủng khác là một trong những cấu thành của tội chống loài người.

Theo định nghĩa tại Điều 6 Quy chế Rome thì một người bị cho là phạm tội diệt chủng nếu họ thực hiện một trong các hành vi như giết các thành viên của cộng đồng; gây những tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần với các thành viên cộng đồng; cố tình áp đặt những điều kiện sống nhằm hủy diệt toàn bộ hay từng phần sự sống đối với cộng đồng; áp đặt những biện pháp để ngăn ngừa sinh sản đối với cộng đồng; cưỡng chế đưa trẻ em từ cộng đồng này sang cộng đồng khác với ý định hủy diệt toàn bộ hoặc từng phần cộng đồng quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Tội phạm diệt chủng đòi hỏi phải có yếu tố “chủ ý riêng”, có nghĩa là kẻ phạm tội có mục đích rõ ràng về hậu quả của việc thực hiện hành vi phạm tội đó. Mặt khác, những hành vi phạm tội phải là những hành vi có quy mô nhất định, cụ thể là “diễn ra trong hoàn cảnh các hành vi tương tự xảy ra hàng loạt một cách hiển nhiên nhằm chống lại nhóm người (trong cộng đồng) hoặc bản thân hành vi đó có thể gây ra sự phá hủy đối với nhóm người đó”.

Đối chiếu định nghĩa về tội phạm này với những quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể khẳng định rằng hiện nay, Bộ luật Hình sự chưa quy định tội phạm diệt chủng là một tội danh độc lập với những hành vi và mục đích như định nghĩa được nêu tại Điều 6 Quy chế Rome. Mặc dù Điều 342 Bộ luật Hình sự quy định hành vi diệt chủng khác là một trong những cấu thành của tội chống loài người, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa hay một khái niệm cụ thể thế nào được cho là hành vi diệt chủng quy định tại Điều 342 này.

Bên cạnh đó, Điều 7 Quy chế Rome đưa ra định nghĩa khá cụ thể và chi tiết về tội phạm chống loài người. Theo đó, tội phạm chống loài người nghĩa là bất cứ hành vi nào được liệt kê tại khoản 1 Điều 7 Quy chế Rome (như giết người; hủy diệt; bắt làm nô lệ; tra tấn; trục xuất hoặc dùng vũ lực di chuyển dân cư; tù giam hoặc tước đoạt tự do thân thể trái với nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế; hiếp dâm, lạm dụng tình dục, cưỡng bức mại dâm, buộc mang thai ngoài ý muốn, cưỡng ép triệt sản hoặc bất kỳ hành vi xâm phạm tình dục nào khác có mức độ trầm trọng tương tự,.v.v.) mà được thực hiện như một phần của hành động tấn công trên diện rộng hoặc có hệ thống nhằm vào thường dân với nhận thức đẩy đủ về hành vi tấn công đó.

Bộ luật Hình sự quy định tội chống loài người tại Điều 342, theo quy định của điều này thì một người được cho là phạm tội chống loài người khi thực hiện hành vi tiêu diệt hàng loạt dân cư của một khu vực, phá hủy nguồn sống, phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội nhằm phá hoại xã hội đó, hoặc có những hành vi diệt chủng khác, hành vi diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên.

Như vậy, dễ nhận thấy rằng tội phạm chống loài người được quy định trong Bộ luật Hình sự chưa có sự thống nhất và chưa bao quát hết các hành vi quy định tại tội chống loài người trong quy chế Rome. Có thể thấy rằng những hành vi quy định tại Điều 342 Bộ luật Hình sự là quá chung chung và thiếu rõ ràng so với 11 hành vi cấu thành tội phạm, được thực hiện như một phần của sự tấn công lan rộng và có hệ thống nhằm vào cộng đồng thường dân quy định tại Điều 7 Quy chế Rome. Đồng thời, các hành vi cấu thành tội phạm quy định tại Điều 7 Quy chế được giải thích rất rõ ràng, cụ thể. Trong khi đó Điều 342 Bộ luật Hình sự xác định những hành vi khá chung chung như “phá hoại cuộc sống văn hóa, tinh thần của một nước, làm đảo lộn nền tảng của một xã hội” hoặc xác định các hành vi như diệt chủng, diệt sinh, diệt môi trường tự nhiên mà không đưa ra một khái niệm hoặc sự giải thích cụ thể nào cho những hành vi này. Do vậy, mặc dù Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội phạm chống loài người, nhưng xét về mặt cấu thành tội phạm thì tội phạm chống loài người trong pháp luật hình sự Việt Nam có nhiều điểm chưa tương đồng với tội phạm chống loài người trong Quy chế Rome, và các quy định về cấu thành tội phạm này trong pháp luật hình sự Việt Nam cũng còn rất chung chung.

c) Đối chiếu quy định tại Điều 343 của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm

Tội phạm chiến tranh không phải là loại tội phạm mới trong thế kỷ XX, mà tội phạm này đã xuất hiện và bị nghiêm cấm trong luật tập quán quốc tế nhiều thập kỷ qua. Theo quy định tại Điều 8 Quy chế Rome thì tội phạm chiến tranh là bất kỳ hành vi nào được thực hiện như một phần của kế hoạch hoặc chính sách hoặc như một phần trong tiến trình thực hiện tội phạm này (những hành vi được quy định tại khoản 2 Điều 8).

Bộ luật Hình sự quy định tội phạm chiến tranh tại Điều 343. Theo quy định tại điều này thì một người bị coi là phạm tội phạm chiến tranh nếu trong thời kỳ chiến tranh họ ra lệnh hoặc trực tiếp thực hiện một số hành vi như giết hại thường dân, người bị thương, tù binh, cướp phá tài sản, tàn phá khu vực dân cư sử dụng các phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh bị cấm, hoặc có hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Như vậy, có thể khẳng định rằng quy định về tội phạm chiến tranh trong pháp luật hình sự Việt Nam và tội phạm chiến tranh trong Quy chế Rome có một điểm tương đồng, đó là những hành vi phạm tội này đều phải được thực hiện trong thời gian chiến tranh hoặc có xung đột vũ trang. Tuy nhiên, xét về mặt cấu thành tội phạm thì dễ dàng nhận thấy rằng những hành vi phạm tội quy định tại Điều 343 Bộ luật Hình sự là quá giản lược và chưa tương thích so với những hành vi được liệt kê tại Điều 8 Quy chế Rome (42 hành vi cụ thể). Tương tự như đối với tội chống loài người được nêu ở trên, Điều 343 Bộ luật Hình sự quy định khi một người có “hành vi khác vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế hoặc các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia” thì bị coi là thực hiện tội phạm chiến tranh, nhưng không có sự giải thích cụ thể những hành vi khác là những hành vi nào, trong khi đó Điều 8 Quy chế Rome đã quy định từng hành vi cụ thể cấu thành tội phạm chiến tranh.

d) Đối chiếu quy định tại Điều 344 của chương XXIV BLHS Việt Nam và Quy chế Rôm

Tại Điều 344 Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định cụ thể là:

1.Người nào tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê nhằm chống lại một nước bạn của Việt Nam hoặc một phong trào giải phóng dân tộc, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

2.Người nào làm lính đánh thuê, thì bị phạt từ từ năm năm đến mười lăm năm.

Tội tuyển mộ lính đánh thuê, tội làm lính đánh thuê tại Điều 344 Bộ luật Hình sự Việt Nam là một quy định khá mới mẻ đối với Quy chế Rome. Tuy tại mục g khoản 2 Điều 8bis của Quy chế Rome có nhắc qua về việc sử dụng lính đánh thuê để chống lại một quốc gia khác là hành vi của tội xâm lược, nhưng tại đây cũng không nêu cụ thể về các hành vi tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê và lại càng không có nội dung nào về tội của lính đánh thuê. Như vậy, ta có thể thấy nội dung quy định tại Điều 344 Bộ luật Hình sự Việt Nam có điểm tương đồng với Tội xâm lược tại Điều 8bis Quy chế Rome, nhưng cũng có điểm hoàn toàn mới so với quy định của Quy chế. Do đó, vấn đề đặt ra là đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện lại các tội được quy định trong chương XXIV của Bộ luật Hình sự – Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh dựa trên sự tham khảo các chuẩn mực quốc tế.

Bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191