Bàn về các nguyên tắc giám định tư pháp

Bàn về các nguyên tắc giám định tư pháp

Các nguyên tắc giám định tư pháp là những quan điểm, tư tưởng chủ đạo mà hoạt động giám định tư pháp phải tuân theo. Các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp thể hiện các đặc điểm, bản chất của hoạt động giám định. Các nguyên tắc giám định tư pháp được ghi nhận tại Điều 3 Pháp lệnh giám định tư pháp. Hoạt động giám định phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tuân theo các quy chuẩn chuyên môn; nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan; nguyên tắc chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu giám định và nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật.

1. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tuân theo các quy chuẩn chuyên môn

Giám định tư pháp là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn các vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự do người giám định thực hiện theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc đó.

Giám định tư pháp phải tuân thủ pháp luật bắt nguồn từ nguyên tắc bảo đảm pháp chế trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Thông qua các kết luận chuyên môn, giám định cung cấp những chứng cứ khách quan, khoa học, có ý nghĩa rất quan trọng, đôi khi có còn có tính quyết định đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, vụ việc. Vì vậy, hoạt động giám định phải tuân thủ pháp luật.

Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động giám định tư pháp phải được quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, Pháp lệnh Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các quy định của pháp luật về giám định tư pháp phải được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh, thống nhất.

Nguyên tắc này đòi hỏi Nhà nước phải quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn, địa vị pháp lý của người giám định, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định, thực hiện giám định. Điều đó có nghĩa rằng tiêu chuẩn, địa vị pháp lý của người giám định, trình tự, thủ tục trưng cầu giám định, thực hiện giám định phải được pháp luật quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Ở khía cạnh áp dụng pháp luật, nguyên tắc này đòi hỏi những người giám định, các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng khác phải tuân thủ triệt để, nghiêm chỉnh và thống nhất chế định giám định tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, hành chính và vụ việc dân sự. Trong trường hợp việc giám định tư pháp có vi phạm pháp luật thì các cơ quan có trách nhiệm phải áp dụng các biện pháp để khắc phục vi phạm đó. Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật Hình sự. Người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự.

Để đảm bảo cho nguyên tắc này, khoản 2 Điều 23 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc vi phạm pháp luật của những cơ quan hoặc cá nhân này.

Tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định:Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

Tại Điều 10 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và của Pháp lệnh này.

Bản chất của giám định là sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự, hành chính và vụ việc dân sự. Hoạt động giám định mang tính khoa học và chuyên môn chuyên sâu. Các hoạt động chuyên môn rất đa dạng và phong phú, do đó chuyên môn của các tổ chức giám định cũng rất đa dạng. Trong một số lĩnh vực, tổ chức giám định phát triển trở thành hệ thống từ Trung ương xuống địa phương như: Lĩnh vực kỹ thuật hình sự, lĩnh vực pháp y, lĩnh vực pháp y tâm thần. Để giám định mang tính khoa học, đảm bảo chính xác, khách quan, thống nhất, hoạt động giám định phải tuân theo các quy chuẩn chuyên môn. Quy chuẩn chuyên môn về giám định tư pháp là yêu cầu về quy trình kỹ thuật, phương pháp kỹ thuật và phương tiện kỹ thuật phải tuân thủ trong quá trình thực hiện giám định nhằm đảm bảo kết luận giám định được chính xác, khách quan. Tuân thủ quy chuẩn chuyên môn đòi hỏi, các bộ, ngành cần xây dựng những quy chuẩn chuyên môn giám định tư pháp, đồng thời khi tiến hành giám định, người giám định thuộc chuyên ngành nào phải tuân theo quy chuẩn chuyên môn của chuyên ngành đó. Quy chuẩn chuyên môn do các Bộ, ngành ban hành bắt buộc những người giám định thuộc lĩnh vực đó phải tuân theo. Giám định phải được tiến hành theo một trình tự nhất định, không chủ quan, võ đoán, hay bỏ qua một bước, một khâu nào trong quá trình giám định.

Tuân theo quy chuẩn chuyên môn là cơ sở để đánh giá kết luận giám định, đảm bảo tính đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ án.

2. Nguyên tắc trung thực, chính xác, khách quan

Trung thực là một phẩm chất tốt đẹp của con người. Trung thực có thể hiểu là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không sai lệch sự thật, chân lý, lẽ phải. Giám định cung cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng những chứng cứ mang tính khoa học. Nhiều trường hợp, kết luận giám định có ý nghĩa quyết định đối với vụ án, vụ việc. Nếu hoạt động giám định không trung thực, hoạt động tố tụng có thể sẽ đi chệch hướng. Do đó, trung thực là đòi hỏi khách quan trong quá trình giám định.

Trung thực đòi hỏi người giám định có nghĩa vụ thực hiện giám định theo đúng trưng cầu. Người giám định từ chối kết luận giám định mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội từ chối kết luận giám định. Nếu người giám định kết luận gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cung cấp tài liệu sai sự thật.

Trung thực cũng đòi hỏi người giám định phải từ chối giám định nếu đã là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc đã tiến hành tố tụng với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên toà hoặc đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó; có người thân thích đã tham gia tố tụng cùng một vụ án hành chính ở cấp xét xử khác; hoặc có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Trung thực đòi hỏi người giám định phải kết luận đúng với những gì hiện có, không thêm bớt, võ đoán. Khi thực hiện giám định phải ghi nhận kịp thời, đầy đủ và trung thực toàn bộ quá trình thực hiện giám định bằng văn bản. Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định phải được lưu trong hồ sơ giám định. Hồ sơ giám định phải được xuất trình theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án.

Kết luận giám định phần lớn dựa trên các phương pháp, phương tiện khoa học. Chính xác vừa là bản chất vừa là đòi hỏi của kết luận giám định. Nếu kết luận giám định không chính xác, thì kết luận đó không có giá trị.

Chính xác đòi hỏi khi tiến hành giám định, người giám định phải sử dụng những phương pháp chính xác, hoàn hảo đã được khoa học và pháp luật thừa nhận. Khi cần thiết, người giám định phải tiến hành thực nghiệm để đối chiếu kết quả giám định.

Khách quan đòi hỏi hoạt động giám định phải xuất phát từ thực tế khách quan, tôn trọng sự thật khách quan, thái độ khách quan của người giám định khi thực hiện giám định. Khách quan cũng là thể hiện nguyên tắc đảm bảo sự vô tư của người tham gia tố tụng trong hoạt động tố tụng hình sự. Sự công tâm, vô tư của người giám định có ý nghĩa rất quan trọng. Điều 14 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: Người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Nếu không vô tư thì họ phải từ chối hoặc bị thay đổi.

Để đảm bảo sự vô tư của người giám định trong hoạt động giám định lại, Điều 159 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: Giám định lại phải do người giám định khác tiến hành.

3. Nguyên tắc chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu giám định

Trong tố tụng hình sự, trách nhiệm xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Trong tố tụng dân sự, đánh giá chứng cứ thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Còn trong tố tụng hành chính, trách nhiệm thu thập, đánh giá chứng cứ cũng thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, kết luận giám định chỉ là kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự. Do đó, khi kết luận giám định, người giám định chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án trong phạm vi được yêu cầu giám định, không kết luận về mặt pháp lý đối với những vấn đề được trưng cầu giám định, không kết luận hành vi phạm tội và người phạm tội, lỗi của các bên đương sự.

Khi trình bày, giải thích kết luận giám định, người giám định chỉ trình bày, giải thích vấn đề chuyên môn được trưng cầu, không trình bày, giải thích thêm các vấn đề khác, hoặc kết luận về hành vi phạm tội và người phạm tội, lỗi của các bên đương sự. Nếu phát sinh những vấn đề khác thuộc chuyên môn của mình, thì phải tiến hành giám định theo thủ tục giám định bổ sung.

Nguyên tắc chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề liên quan đến vụ án, vụ việc trong phạm vi được trưng cầu còn thể hiện trong giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc giám định và kết luận vấn đề thuộc chuyên môn của mình.

Giám định là hoạt động hỗ trợ tư pháp, do đó người giám định không thể làm thay cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Nguyên tắc này cũng đòi hỏi, cơ quan trưng cầu giám định không trưng cầu giám định những vấn đề pháp lý, hay đặt những câu hỏi mang tính định tội hoặc gỡ tội, xác định lỗi trong quyết định trưng cầu giám định đối với người giám định.

4. Nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định

Giám định là các hoạt động chuyên môn đặc thù mang tính độc lập. Mặt khác, kết luận giám định là nguồn chứng cứ khách quan, đôi khi rất quan trọng có tính quyết định đối với việc giải quyết đúng đắn vụ án, vụ việc. Nếu kết luận không đúng sự thật, có thể làm cho các hoạt động tố tụng đi chệch hướng, dẫn đến để lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Chính vì vậy, khi tham gia tố tụng, người giám định phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định. Nguyên tắc trách nhiệm cá nhân đề cao trách nhiệm của người giám định khi tham gia tố tụng.

Nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về kết luận giám định thể hiện việc người giám định có quyền độc lập đưa ra kết luận của mình. Đối với trường hợp giám định cá nhân, thì người giám định phải chịu trách nhiệm trước kết luận giám định của mình. Trong trường hợp kết luận tập thể về một lĩnh vực chuyên môn thì những người giám định cùng chịu trách nhiệm về kết luận đó. Trong trường hợp có ý kiến khác nhau, thì mỗi người giám định ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận giám định chung và chịu trách nhiệm về các ý kiến đó.

Trong trường hợp giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người thực hiện giám định phần việc thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.

Nếu người giám định cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức liên quan, thì người giám định phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cung cấp tài liệu sai sự thật theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự.

Hải Nam

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191