Người có hành vi phá rừng phải bồi thường ra sao?

Người có hành vi phá rừng phải bồi thường ra sao?

06/10/2008

Vừa qua, Vụ Pháp chế, Bộ NN và PTNT đã tổ chức lớp tập cho các đại biểu đến từ Sở NN và PTNT của 21 tỉnh thành phía Bắc. Nội dung tập huấn là các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp liên quan đến quỹ bảo vệ và phát triển rừng, nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng.
Phá rừng phải đền rừng

            Ngày 28/3/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng. “Giá” rừng ở đây có thể hiểu chính là giá quyền sử dụng rừng (đối với rừng tự nhiên như rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất) và giá quyền sở hữu rừng (đối với rừng trồng). Việc xác định giá  quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng nhằm làm căn cứ để: tính tiền sử dụng rừng khi Nhà nước giao rừng có thu tiền sử dụng rừng hoặc không thu tiền sử dụng rừng; tính tiền thuê rừng khi Nhà nước cho thuê rừng không thông qua đấu giá quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng trồng; tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi rừng…

Đặc biệt, việc xác định giá rừng còn được áp dụng để tính mức bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng gây thiệt hại cho Nhà nước. Có thể hiểu nôm na quy định này là người nào có hành vi phá rừng thì phải đền rừng.Việc “đền rừng” sẽ được quy thành tiền bồi thường thiệt hại mà người đó phải bồi thường cho Nhà nước, bao gồm giá trị về lâm sản và giá trị về môi trường của rừng bị thiệt hại. Giá trị về lâm sản là giá trị của toàn bộ gỗ, lâm sản ngoài gỗ trên diện tích rừng bị phá. Giá trị về môi trường là giá trị của rừng cung cấp môi trường hàng năm và được tính bằng thương số giữa thu nhập thuần tuý của giá trị môi trường hàng năm trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 01 năm của loại tiền VNĐ tại ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình trên địa bàn ở thời điểm định giá hoặc được tính bằng giá trị của rừng về lâm sản nhân với hệ số k (từ 2 đến 5 tuỳ theo từng loại rừng)

 Có 3 phương pháp định giá rừng

            Đó là phương pháp thu nhập, phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

Theo đó, phương pháp thu nhập là phương pháp xác định mức giá của một diện tích rừng cụ thể căn cứ vào thu nhập thuần tuý thu được từ rừng quy về thời điểm định giá với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 01 năm của loại tiền VNĐ tại Ngân hàng Thương mại có mức lãi suất trung bình trên địa bàn ở thời điểm định giá. Phương pháp thu nhập được áp dụng để xác định giá quyền sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất là rừng tự nhiên; giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.

            Phương pháp chi phí là phương pháp xác định mức giá của một diện tích rừng cụ thể căn cứ vào các khoản chi phí hợp lý đã đầu tư tạo rừng và lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 01 năm của loại tiền VNĐ tại Ngân hàng Thương mại có mức lãi suất cao nhất trên địa bàn ở thời điểm định giá. Phương pháp này được áp dụng để xác định giá quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng trong điều kiện loại rừng cần định giá chưa có giao dịch trên thị trường.

            Cuối cùng, phương pháp so sánh được áp dụng tương tự như phương pháp thu nhập và với điều kiện trước đó đã có những mức giá rừng chuyển nhượng, cho thuê… trong thực tế.

            Nhằm cụ thể hơn về cách thức tính, ngày 25/5/2008 Liên Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 48. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp định giá nào nhất thiết phải căn cứ vào loại giá rừng cụ thể cần được xác định và đảm bảo lợi ích của chủ rừng, người làm nghề rừng.

Minh Dương


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191