Vấn đề kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này

Vấn đề kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này


Vấn đề kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này
Vấn đề kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này

MỞ ĐẦU

Luật Tố tụng hình sự Việt Nam đã quy định Toà án khi xét xử sơ thẩm một vụ án hình sự phải ra bản án hoặc quyết định hợp pháp và có căn cứ. Mặc dù vậy, không loại trừ những trường hợp bản án và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không đáp ứng được những yêu cầu của pháp luật. Để đảm bảo sự thận trọng trong việc xét xử cũng như đảm bảo quyền được phản đối lại bản án, quyết định của Toà án của bị cáo và những chủ thể có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định nguyên tắc hai cấp xét xử, đây cũng là thông lệ chung của các quốc gia khác trên thế giới. Theo nguyên tắc này, bản án và quyết định sơ thẩm không có hiệu lực ngay sau khi tuyên án mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại một lần nữa. khi có kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm, Toà án cấp trên trực tiếp của Toà án đã xét xử sơ thẩm sẽ tiến hành mở phiên toà phúc thẩm để xét xử lại vụ án về mặt nội dung cũng như xét lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án sơ thẩm. Những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị có quyền tham gia phiên toà phúc thẩm để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Toà án cấp phúc thẩm sau khi xét xử sẽ ra bản án hoặc những quyết định cần thiết khác để giải quyết những vấn đề của vụ án, những bản án và quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án. Những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm khi bị kháng cáo hoặc kháng nghị sẽ được Toà án cấp phúc thẩm xét lại để kiểm tra tính đúng đắn của các quyết định đó.

Như vậy ta có thể định nghĩa: Xét xử phúc thẩm là một giai đoạn của tố tụng hình sự. Trong giai đoạn này. Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm, mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị nhằm khắc phục sai lầm của Toà án cấp dưới, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Xét xử phúc thẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong Luật tố tụng hình sự. Cụ thể, xét xử phúc thẩm nhằm sửa chữa những sai lầm trong việc xét xử của Toà án cấp sơ thẩm. Toà án cấp phúc thẩm trong khi kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị và trong quá trình xét xử lại vụ án có khả năng phát hiện những sai lầm, thiếu sót trong việc xét xử sơ thẩm và khắc phục sửa chữa những sai lầm, thiếu sót đó một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Qua đó, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của công dân. Mặt khác, thông qua việc thực hiện chức năng giám đốc việc xét xử, phát hiện và sửa chữa sai lầm của Toà án cấp dưới, Toà án cấp phúc thẩm hướng dẫn Toà án cấp dưới giải thích và vận dụng đúng pháp luật. Bản án phúc thẩm là một hình thức án mẫu để Toà án cấp dưới học tập và rút kinh nghiệm cho việc xét xử. Vì vậy, giai đoạn xét xử phúc thẩm còn có ý nghĩa trong việc đảm bảo việc áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất.

Qua quá trình học tập và nghiên cứu môn Luật Tố tụng Hình sự, trong nội dung bài này em xin được đi sâu tìm hiểu về vấn đề kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm và việc hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực này.

NỘI DUNG

Kháng cáo, kháng nghị là quyền của những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật được đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp xét lại bản án và quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

II.Tìm hiểu về các nội dung của kháng cáo và kháng nghị phúc thẩm trên phương diện lý luận:

1) Đối tượng kháng cáo, kháng nghị

Đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm là những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện sai lầm không phải là đối tượng của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm mà là đối tượng của kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

“Điều 230. Tính chất của xét xử phúc thẩm

Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.”

2) Chủ thể của quyền kháng cáo, kháng nghị

1.Chủ thể của quyền kháng cáo:

Dựa theo Điều 231 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 ta có:

– Bị cáo

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Theo Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì người đại diện hợp pháp của bị cáo là người đại diện theo pháp luật. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ hoặc một phần bản án của Toà án cấp sơ thẩm có liên quan đến mình nếu thấy bản án đó chưa hợp lí. Bị cáo có thể nêu mục đích của việc kháng cáo như: xin giảm hình phạt, thay đổi tội danh nhẹ hơn, giảm mức bồi thường… Những người thân thích của bị cáo như cha, mẹ, vợ, chồng, con không được kháng cáo thay cho bị cáo. Trường hợp bị cáo là người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người bào chữa, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm để bảo vệ lợi ích cho họ. Người được Toà án tuyên là vô tội cũng có quyền kháng cáo về phần nhận định của bản án sơ thẩm đã tuyên là họ không có tội. Luật tố tụng hình sự hiện hành không hạn chế hướng kháng cáo của bị cáo.

– Người bị hại

Người bị hại và người đại diện hợp pháp theo pháp luật của họ có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần hình phạt cũng như phần bồi thường. Nếu người bị hại chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo (bản thân người bị hại cũng có quyền kháng cáo). Theo mục 1.3 phần I của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP có quy định

“1.3. Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Trong trường hợp người bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.”

Như vậy, nếu người bị hại chết thì đại diện hợp pháp của họ thực hiện quyền kháng cáo. Luật tố tụng hình sự hiện không hạn chế hướng kháng cáo của người bị hại, họ có thể kháng cáo với yêu cầu tăng nặng hoặc giảm nhẹ đối với bị cáo.

Mặt khác, trong trường hợp người bị hại chết, tại mục 1.4 phần I của Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP còn có rất nhiều quy định hướng dẫn cụ thể.

– Người bào chữa

Để bảo đảm việc bảo vệ quyền lợi cho bị cáo bị hạn chế về năng lực hành vi tố tụng, luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của bị cáo chưa thành niên hoặc có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất. Đây là quyền kháng cáo độc lập của người bào chữa, không phụ thuộc vào việc bị cáo có đồng ý hay không đồng ý. Trong trường hợp người bào chữa kháng cáo, bị cáo vẫn có quyền kháng cáo.

– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự

Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Do nguyên đơn, bị đơn dân sự tham gia vụ án hình sự để giải quyết vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án hình sự, vì vậy, quyền kháng cáo của họ chỉ hạn chế trong phạm vi những phần bản án, quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp cảu họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

– Người bảo vệ quyền lợi của đương sự

Người bảo vệ quyền lợi của người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Đây cũng là quyền độc lập của người bảo vệ quyền lợi của đương sự, không phải do đương sự uỷ quyền.

2.Chủ thể của quyền kháng nghị:

Dựa theo Điều 232 Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 ta có:

“Điều 232. Kháng nghị của Viện kiểm sát

Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm.”

Kháng nghị của Viện kiểm sát đối với bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp sơ thẩm không chỉ là quyền mà còn là hình thức để Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực kiểm sát xét xử. Viện kiểm sát kháng nghị nhằm yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp xem xét lại bản án hoặc quyết định sơ thẩm mà mình cho là không có căn cứ hoặc chưa đúng pháp luật. Kháng nghị phúc thẩm cũng có điểm khác so với kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm: Chủ thể có quyền kháng nghị phúc thẩm là Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với Toà án đã xét xử sơ thẩm và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; chủ thể có quyền kháng nghị giám đốc thẩm và tái thẩm là Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc cấp trên nữa, Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp không có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

3) Thời hạn kháng cáo, kháng nghị

Dựa theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì việc kháng cáo, kháng nghị phải được thực hiện trong thời gian luật định, nếu quá hạn, kháng cáo bị coi là không hợp lệ và không được chấp nhận (trừ trường hợp kháng cáo quá hạn có lý do chính đáng).

Thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày bản sao bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết. Thời hạn kháng cáo được tính kể từ ngày đầu tiên sau ngày tuyên án. Trong trường hợp Toà án xét xử vắng mặt người kháng cáo thì thời hạn được tính từ ngày đầu tiên sau ngày giao bản sao bản án hoặc trích lục bản án cho người đó, hoặc tính từ ngày bản án được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc làm việc cuối cùng của người đó. Nếu ngày cuối cùng của thời hạn là ngày lễ, tết, cơ quan nhà nước không làm việc thì ngày cuối cùng được tính là ngày cơ quan nhà nước làm việc lại. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn là 12 giờ đêm của ngày đó. Việc xác định thời điểm người kháng cáo thực hiện quyền kháng cáo căn cứ vào ngày họ đến Toà án nộp đơn kháng cáo hoặc kháng cáo bằng miệng. Nếu đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Ban giám thị trại giam thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày Ban giám thị nhận được đơn.

Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày tuyên án, cách tính thời hạn kháng nghị và xác định thời điểm kháng nghị tương tự như cách tính thời hạn kháng cáo và xác định thời điểm kháng cáo.

Theo luật tố tụng hình sự Việt Nam, việc kháng cáo quá hạn có thể được chấp nhận, nếu có lý do chính đáng. Lý do chính đáng là lý do khiến người có quyền kháng cáo không thể thực hiện được quyền của mình trong thời hạn luật định (như bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn phải đi cấp cứu hoặc bị cản trở khách quan khác). Trong những trường hợp này, người kháng cáo quá hạn phải nói rõ lý do kháng cáo quá hạn và ngay sau khi cản trở không còn nữa phải làm đơn kháng cáo ngay. Toà án đã xử sơ thẩm xác định về lý do kháng cáo quá hạn. Toà án cấp phúc thẩm xem xét và quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn với thành phần Hội đồng xét xử gồm 3 thẩm phán. Viện kiểm sát cùng cấp được thông báo để có thể tham gia việc xét đơn kháng cáo quá hạn đó. Nếu việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận thì toà án cấp phúc thẩm tiến hành xét xử phúc thẩm theo quy định chung. Nếu đơn kháng cáo quá hạn không được chấp nhận và không còn kháng cáo, kháng nghị nào khác thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

4) Thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị

a.Thủ tục kháng cáo

Người kháng cáo có thể gửi đơn kháng cáo đến Toà án đã xử sơ thẩm hoặc Toà án cấp phúc thẩm hoặc có thể trình bày trực tiếp với Toà án đã xét xử sơ thẩm về việc kháng cáo. Nếu kháng cáo bằng miệng, Toà án đã xử sơ thẩm phải lập biên bản về việc kháng cáo. Người lập biên bản phải giải thích cho người yêu cầu kháng cáo nói rõ lý do và yêu cầu kháng cáo. Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Ban giám thị trại tại giam phải tiếp nhận và gửi ngay đơn kháng cáo của bị cáo đến Toà án đã xử sơ thẩm.

b.Thủ tục kháng nghị

Viện kiểm sát kháng nghị bằng văn bản và phải nêu rõ lý do kháng nghị. Kháng nghị phải được gửi đến Toà án đã xử sơ thẩm.

5) Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị

Dựa vào Điều 236 BLTTHS năm 2003, khi có kháng cáo, kháng nghị, Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được kháng cáo, kháng nghị. Việc thông báo này là để những người này biết được việc vụ án đã được xét xử phúc thẩm. Qua đó họ sẽ chuẩn bị cho việc tham gia và bảo vệ quyền lợi của mình tại phiên Toà, cung cấp thêm những chứng cứ tài liệu mới. Riêng đối với bị cáo, việc thông báo còn đảm bảo cho họ có điều kiện thực hiện tốt quyền bào chữa tại phiên toà phúc thẩm. Người được thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi ý kiến của mình cho Toà án cấp phúc thẩm.

6) Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị

Trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, toàn bộ bản án của Toà án cấp sở thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Khi thời hạn kháng cáo, kháng nghị hết mà có đơn kháng cáo, kháng nghị thì những phần của bản án bị kháng cáo, kháng nghị chưa có hiệu lực pháp luật nên chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 255 BLTTHS. Đó là trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Toà án cấp sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, không kết tội, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là tù giam hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Toà án được thi hành ngay, mặc dù vẫn có thể bị kháng nghị, kháng cáo.

Khi có kháng cáo, kháng nghị đối với toàn bộ bản án thì toàn bộ bản án chưa có hiệu lực pháp luật và không được đưa ra thi hành.

Khi có kháng cáo, kháng nghị, toà án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cùng với đơn kháng cáo, kháng nghị cho Toà án cấp phúc thẩm trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị để toà án cấp phúc thẩm chuẩn bị cho việc xét xử.

7) Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị

Sau khi có kháng cáo, kháng nghị, người đã kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị của mình trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, nhưng không được bổ sung, thay đổi theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Quy định này đã được hướng dẫn thi hành tại phần VI của Thông tư liên tịch số 01-TANDTC-VKSNDTC/TTLT ngày 08/12/1998 và mục 7 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP.

Trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 234 của BLTTHS, thì người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo.

Trong trường hợp người kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.

Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 234 của BLTTHS, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị, nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.

Làm xấu hơn tình trạng của bị cáo là làm cho bị cáo có thể bị Tòa án cấp phúc thẩm phạt nặng hơn, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn hoặc tăng mức bồi thường so với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, người đã kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã kháng nghị theo hướng giảm nhẹ cho bị cáo so với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, thì không được bổ sung hoặc thay đổi theo hướng tăng nặng cho bị cáo. Nếu đã kháng cáo hoặc kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt thì không được bổ sung thêm hình phạt khác hoặc thay bằng loại hình phạt khác nặng hơn.

Người kháng cáo và Viện kiểm sát cũng có thể rút một phần hay toàn bộ kháng cáo, kháng nghị. Nếu rút một phần kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm xét xử phần còn lại.

Trường hợp tại phiên toà phúc thẩm, người đã có đơn kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì Toà án cấp phúc thẩm phải đình chỉ xét xử. Khi đó bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày toà án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

8) Kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm

Việc kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm không những được tiến hành đối với bản án của Toà án sơ thẩm mà còn đối với các quyết định khác của Toà án. Theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2003, Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị quyết định của Toà án cấp sơ thẩm. Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bào chữa; người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại chỉ được quyền kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ vụ án của Toà án cấp sơ thẩm. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định của Toà án là bảy ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười lăm ngày, kể từ ngày Toà án ra quyết định. Việc kháng nghị hoặc kháng cáo đối với quyết định của Toà án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được tiến hành như đối với bản án sơ thẩm.

II.Thực tiễn thực hiện và những đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề Kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm:

1) Về vấn đề kháng nghị quá hạn:

Hiện tại Luật không có quy định về việc kháng nghị quá hạn, nhưng theo em cần phải coi mọi trường hợp kháng nghị quá hạn là không hợp lệ. Vì bất cứ một sự chậm trễ nào cũng làm ảnh hưởng đến công tác xét xử và làm giảm hiệu lực thi hành bản án hoặc quyết định. Chỉ chấp nhận kháng cáo quá hạn vì lý do đảm bảo tính nhân đạo, uyển chuyển của pháp luật trong thực tế, đảm bảo quyền lợi cho bị cáo và người tham gia tố tụng chứ không thể chấp nhận những sự vi phạm thời hạn của chính cơ quan tiến hành tố tụng. Trong trường hợp cần thiết khi có căn cứ, sau khi bản án hoặc quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát cấp trên thực hiện quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Như vậy để đảm bảo sự chặt chẽ của Bộ luật tố tụng, theo em nên bổ sung quy định thể hiện quan điểm của pháp luật về việc chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị quá hạn bên cạnh kháng cáo quá hạn.

2) Vấn đề chủ thể của quyền kháng nghị:

Trong thực tế, có những trường hợp Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và Viện kiểm sát cùng cấp đều kháng nghị đối với một bản án hay quyết định sơ thẩm song lại mâu thuẫn với nhau. Trong trường hợp đó, nếu Viện kiểm sát cấp dưới không rút kháng nghị của mình, mà vì một lý do nào đó, Viện kiểm sát cấp trên cũng không ra lệnh rút kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới thì đối với phần mâu thuẫn, Toà án cấp phúc thẩm chỉ chấp nhận để xét kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên. Trường hợp hai bản kháng nghị có tính chất bổ sung cho nhau thì Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận để xét cả hai bản kháng nghị.

Theo em, việc tiến hành xử lý như trên là chưa hợp lý, vì tuy theo tổ chức và hoạt động thì Viện kiểm sát cấp dưới phải phục tùng cấp trên, nhưng nếu xét về bản chất thì việc kháng nghị là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức và của công dân, nên ta chỉ cần xét là kháng nghị hợp lý hay không hợp lý chứ không nên áp đặt một cách cứng nhắc quy tắc tổ chức theo đơn vị hành chính vào vấn đề này. Cũng có thể do các yếu tố điều kiện khách quan, mà kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp sẽ chính xác hơn so với kháng nghị của cơ quan cấp trên, nhưng nếu cứ chỉ chấp nhận để xử phúc thẩm theo kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên thì sẽ bỏ lọt quyền lợi chính đáng mà bản kháng nghị này đang nhằm bảo vệ.

Như vậy, theo em nên bổ sung quy định về sự độc lập của Viện kiểm sát các cấp trong lĩnh vực kháng cáo, kháng nghị, và Toà án sẽ chỉ xét tính hợp lý của các bản kháng nghị đó rồi đưa ra kết luận chấp nhận hay không chấp nhận kháng nghị.

3) Vấn đề bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị:

Tại Điều 236 BLTTHS và hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, thì Toà án cấp sơ thẩm phải thực hiện thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị cho những người tham gia tố tụng nếu việc xét xử phúc thẩm vụ án do có kháng cáo, kháng nghị có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Nhưng tại khoản 1 Điều 238 BLTTHS lại cho phép người kháng cáo, kháng nghị bổ sung, thay đổi kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà phúc thẩm. Như vậy ta có thể thấy nếu tại phiên toà kháng cáo, kháng nghị đột nhiên được thay đổi, bổ sung thì sẽ dẫn đến tình trạng mở rộng phạm vi người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị; hiển nhiên khi phạm vi người tham gia tố tụng được mở rộng hơn thì theo nguyên tắc Toà sẽ phải gửi thông báo cho những người mới này nhưng hiện tại Luật lại không có hướng dẫn về cách xử lý của Toà án trong trường hợp này. Theo em, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho những người tham gia tố tụng cũng như quyền được thay đổi bổ sung kháng cáo, kháng nghị, Luật nên quy định cách xử lý của Toà án trong tình huống bổ sung kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà làm thay đổi số lượng người tham gia tố tụng. Cụ thể như là hoãn phiên toà và gửi thông báo tới những người mới theo nội dung bổ sung, thay đổi của kháng cáo, kháng nghị, để họ có thể chuẩn bị chứng cứ, ý kiến nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.

4) Vấn đề quyền kháng cáo của Nguyên đơn dân sự:

Tại Điều 231 BLTTHS năm 2003 có quy định: “Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại”. Do nguyên đơn, bị đơn dân sự tham gia vụ án hình sự để giải quyết vấn đề dân sự phát sinh trong vụ án hình sự, vì vậy, quyền kháng cáo của họ chỉ hạn chế trong phạm vi những phần bản án, quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

Nhưng trong thực tế, có rất nhiều trường hợp bản án hoặc quyết định của Toà án sẽ liên quan mật thiết đến quyền được bồi thường thiệt hại của Nguyên đơn dân sự. Ví dụ như trong tình huống bị cáo bị kết án tử hình và gần như không có tài sản riêng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại tại thời điểm tuyên án, vậy nếu bị cáo bị xử tử hình thì các quyền nhân thân tiêu biểu như thừa kế sẽ kết thúc, và do bị cáo không có tài sản để đền bù thiệt hại cho nguyên đơn nên quyền lợi của nguyên đơn tất nhiên sẽ  không được đảm bảo. Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo lý luận nguyên đơn sẽ phải kháng cáo bản án của Toà sơ thẩm, để bị cáo không bị xử tử hình, từ đó sẽ có nhiều cơ hội hơn để thi hành quyết định của Toà án về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, có thể trong tương lai bị cáo sẽ được thừa kế tài sản, từ đó sẽ đảm bảo hơn quyền lợi của nguyên đơn dân sự. Theo em, Luật nên mở rộng phạm vi kháng cáo của nguyên đơn dân sự, không chỉ là phần bản án, phần quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, mà là cả bản án hoặc quyết định sơ thẩm nếu bản án, quyết định này có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

KẾT LUẬN

Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của BLTTHS như trên, trong quá trình thực hiện cần có những hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện. Như vậy mới có thể có được sự bình đẳng giữa các các chủ thể, hạn chế thấp nhất tình trạng oan sai, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Mặt khác, trong Tố tụng Hình sự, việc bảo đảm các quyền và thực hiện hiệu quả việc kháng cáo, kháng nghị không chỉ đơn thuần bằng các biện pháp pháp lý. Khi đã có những quy định pháp luật, việc thực hiện các quy định đó lại còn phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể. Vì vậy, còn phải chú trọng đến các biện pháp tổ chức, biện pháp giáo dục đối với các cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng để họ thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tiến hành các hành vi tố tụng khác nhau. Và cuối cùng, phải động viên tích cực quần chúng nhân dân tham gia vào nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có các hình thức như làm người bào chữa trong tố tụng hình sự, kiểm tra giám sát để đảm bảo phát hiện sớm nhất và kịp thời những sai sót của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng.

 

Mục lục

MỞ ĐẦU

NỘI DUNG

I.Tìm hiểu về các nội dung của kháng cáo và kháng nghị phúc thẩm trên phương diện lý luận.

1) Đối tượng kháng cáo, kháng nghị

2) Chủ thể của quyền kháng cáo, kháng nghị

3) Thời hạn kháng cáo, kháng nghị

4) Thủ tục và hình thức kháng cáo, kháng nghị

5) Thông báo về việc kháng cáo, kháng nghị

6) Hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị

7) Bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị

8) Kháng cáo, kháng nghị những quyết định của Toà án cấp sơ thẩm

II.Thực tiễn thực hiện và những đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề Kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm

1) Về vấn đề kháng nghị quá hạn

2) Vấn đề chủ thể của quyền kháng nghị

3) Vấn đề bổ sung, thay đổi, rút kháng cáo, kháng nghị

4) Vấn đề quyền kháng cáo của Nguyên đơn dân sự

KẾT LUẬN

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Giáo trình Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam
  • Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003
  • Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
  • Thông tư liên tịch số 01-TANDTC-VKSNDTC/TTLT ngày 08/12/1998
  • Phan Thị Thanh Mai_Luận án Thạc sỹ Luật học: “Phúc thẩm trong Tố tụng Hình sự Việt Nam”_Hà Nội 1998


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191