TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ: BẤT CẬP VỀ VI PHẠM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ THEO KỲ

TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ: BẤT CẬP VỀ VI PHẠM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ THEO KỲ

HUỲNH MINH KHÁNH – Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

Vào đầu năm 2015 bà Tuyết mượn bà Lan 70 chỉ vàng 24k để xây dựng nhà ở, hai bên lập biên nhận và thoả thuận trong hạn sáu tháng sẽ thanh toán đầy đủ. Đến hạn, bà Tuyết trả cho bà Lan được 5 chỉ vàng 24k, còn nợ lại 65 chỉ vàng 24k. Đến ngày 15/12/2015, do bà Tuyết  làm ăn thua lỗ nên không thực hiện theo thoả thuận trả nợ được, hai bên lập văn bản thống nhất bà Tuyết còn nợ bà Lan 65 chỉ vàng 24k và thoả thuận trả nợ thành 05 kỳ cụ thể như sau:

– Lần 1: Vào ngày 15/01/2016, trả 05 chỉ vàng 24k

– Lần 2: Vào ngày 15/06/2016, trả 15 chỉ vàng 24k

– Lần 3: Vào ngày 15/01/2017, trả 15 chỉ vàng 24k

– Lần 4: Vào ngày 15/06/2017, trả 15 chỉ vàng 24k

– Lần 5: Vào ngày 15/01/2018, trả 15 chỉ vàng 24k

Trong quá trình thoả thuận thì bà Tuyết đã thực hiện đúng lần trả nợ thứ nhất. Đến đầu lần thứ hai, do bà Tuyết bị các chủ nợ khác xiết nợ; đồng thời căn nhà và thửa đất duy nhất (tài sản duy nhất) của bà Tuyết đã bị cơ quan thi hành án dân sự huyện kê biên, bán đấu giá với số tiền khoảng 2tỷ để thi hành các khoản với số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Do bà Lan sợ bà Tuyết sẽ cất giữ số tiền còn thừa ra khi thi hành án để tẩu tán tài sản, sợ không thanh toán đầy đủ 60 chỉ vàng mà bà Tuyết còn nợ. Nên vào tháng 2/2017, bà Lan khởi kiện ra Toà án yêu cầu Tòa xử buộc bà Tuyết phải trả cho bà Lan 60 chỉ vàng 24k, trả một lần ngay khi án có hiệu luật pháp luật mặc dù bà Tuyết chỉ vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo thoản thuận vào lần 2, lần 3 và đã được toà án thụ lý giải quyết.

 

Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án đã tống đạt thông báo thụ lý vụ án đối với bị đơn là bà Tuyết và bà Tuyết đã nộp tờ tường trình đồng ý trả nợ cho bà Lan theo thoả thuận vào ngày 15/12/2015, không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của bà Lan. Do số tiền dư của bà Tuyết còn ở cơ quan thi hành án nên bà Lan đã nộp đơn yêu cầu và Toà án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, phong toả số tiền còn dư của bà Tuyết. Đến ngày 20/4/2017, Toà án đã đưa vụ án ra xét xử, do hai bên không thống nhất thời hạn trả nợ nên HĐXX đã  xử buộc bà Tuyết phải trả cho bà Lan 30 chỉ vàng 24k ngay khi án có hiệu lực pháp luật. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện và trả lại đơn của bà Lan buộc bà Tuyết trả cho bà Lan 30 chỉ vàng 24k vì chưa tới kỳ hạn trả nợ nên chưa đủ điều kiện khởi kiện vì tranh chấp hai lần trả nợ sau chưa xảy ra.

Không đồng tình với cách giải quyết của Toà án cấp sơ thẩm nên bà Lan đã kháng cáo yêu cầu Toà cấp phúc thẩm buộc bà Tuyết phải trả một lần số vàng nợ 60 chỉ vàng 24k ngay khi án có hiệu lực pháp luật, vì nếu chỉ chấp nhận một phần như bản án sơ thẩm sẽ gây thiệt thòi quyền lợi của bà, số tiền bị phong toả chỉ được thi hành một phần, Bà Tuyết sẽ nhận số tiền còn lại và sẽ tẩu tán tài sản và số vàng 30 chỉ chưa tới kỳ còn nợ sẽ không thể thu hồi được. Từ sự việc trên đã xuất hiện đã xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Đồng tình với quan điểm của HĐXX sơ thẩm vì cho rằng bà Tuyết chưa vi phạm 2 kỳ hạn trả nợ sau, nghĩa là tranh chấp chưa xảy ra thì chưa đủ điều kiện khởi kiện để Toà án thụ lý vụ án. Nếu Toà án thụ lý và chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lan thì sẽ thiệt thòi cho bà Tuyết vì phải chịu án phí khi chưa vi phạm nghĩa vụ. Riêng đối với chuyện “tương lai” bà Tuyết có thi hành các khoản cho bà Lan hay không thì không thể căn cứ vào những lập luận của bà Lan được vì không thể khẳng định sau khi bà Tuyết nhận tiền thi hành án còn dư bà sẽ tẩu tán, không thi hành cho bà Lan.

Quan điểm thứ hai: cho rằng Tòa án cần giải quyết vụ việc trên một lần, nghĩa là xử chấp nhận yêu cầu của bà Lan, chứ không thể tách để giải quyết từng đợt như vậy. Việc giải quyết đó của Tòa án là gây khó khăn cho người dân và không đúng pháp luật. Tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2005 có qui định về thực hiện nghĩa vụ dân sự theo định kỳ như sau:

“Nghĩa vụ dân sự được thực hiện theo định kỳ nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo định kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự”

Khoản 1 Điều 286 Bộ luật Dân sự 2005 qui định về chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự: Chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết”. Do đó, mặc dù bà Tuyết trong trường hợp trên chỉ chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo kỳ nhưng theo quy định của pháp luật thì bà Tuyết đã chậm thực hiện nghĩa vụ toàn bộ khoản nợ đối với bà Lan, nên cần xác định thời điểm tranh chấp là thời điểm vi phạm nghĩa vụ đối với toàn bộ nghĩa vụ trả nợ. Việc bà Lan yêu cầu bà Tuyết trả toàn bộ số vàng, trả một lần là hoàn toàn phù hợp với các qui định của pháp luật.

Trên đây là tình huống trao đổi thường gặp nhiều trong thực tế giải quyết các vụ án dân sự, các đương sự thoả thuận theo từng kỳ (nhất là đối với hợp đồng góp hụi, họ…), các Toà thực hiện không thống nhất, thông thường thì giải quyết theo quan điểm thứ nhất tức là thụ lý giải quyết theo từng kỳ vi phạm. Theo quan điểm của tác giả thì áp dụng pháp luật theo quan điểm thứ hai là phù hợp, rất mong các đồng nghiệp, bạn đọc góp ý.

SOURCE: TẠP CHÍ TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/bat-cap-ve-vi-pham-nghia-vu-theo-ky/r1Am5NK-z.html


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191