Không có việc làm có đủ điều kiện nuôi con không

Câu hỏi của khách hàng: Không có việc làm có đủ điều kiện nuôi con không

Xin chào mọi người mong mọi người cùng lắng nghe và giúp em !
Em đã kết hôn và có 1 con với chồng em, con em năm nay được 18 tháng, hiện tại em đang muốn ly hôn với chồng em. Hai vợ chồng em chung sống được 2 năm nhưng do chồng em chơi bời không lo làm ăn và nợ nần rất nhiều, ngày nào cũng đi uống rượu và đến nửa đêm mới về đến nhà. Do năm đầu em bầu bì và cố gắng nhịn để khuyên răn chồng từ từ nhưng rồi con giun xéo lắm cũng phải quằn đã đi không để ý gì đến vợ con về rồi lại còn đánh đập và xúc phạm đến gia đình bên ngoại em có lên nói với bố mẹ chồng thì đã không được sự đồng tình lại còn quay lại chỉ trích em không biết bảo ban chồng, còn bảo em tị nạnh với chồng em. Ngày đó em mới sinh bé do stress dồn lại quá nhiều em cũng căng thẳng và phải đi gặp bác sĩ điều trị qua được 1 thời gian đó là em đc êm ấm tưởng đâu tháng ngày đen tối với em đã dứt nhưng không nó còn kinh khủng hơn nhiều vàng bạc rồi tiền nong rồi cả người chồng hiền lành tử tế của em đã biến mất càng ngày cuộc sống càng đi vào bế tắc. Thậm chí có những ngày mẹ con em không có gạo để ăn (mặc dù mới sinh xong chưa lâu ) con còn bé lúc đó bé nhà em ăn dặm sớm khoảng 4 tuần đã ăn rồi mà tiền thì không có để mua đồ cho con ăn ông bà ngoại thương quá nên hay mua đồ gửi sang, không được 1 câu con rể cảm ơn đã đành đằng này lại còn bị xúc phạm. Em biết là không nên vạch áo cho người xem lưng nhưng sự tình không nói ra thì rất ấm ức bí bách.. quay lại vấn đề em nói bên trên là em muốn ly hôn chồng và tranh quyền nuôi con ở Tòa Hoàng Mai – Hà Nội nhưng hiện tại em đã nghỉ làm và đi học tiếng sợ không đủ điều kiện nuôi con. Em xin các luật sư tư vấn giúp em ạ.
Bên trên chỉ là 1 phần của sự việc thôi ạ. Xin các luật sư lắng nghe và tư vấn cho em.
Em xin chân thành cảm ơn !


Luật sư Tư vấn Luật hôn nhân và gia đình – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 13/10/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Điều kiện để có thể trực tiếp nuôi dưỡng con khi ly hôn

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

3./ Luật sư trả lời Không có việc làm có đủ điều kiện nuôi con không

Ly hôn là việc vợ chồng chấm dứt quan hệ hôn nhân, theo đó khi ly hôn sẽ cần giải quyết ba vấn đề chính đó là quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản và quan hệ con cái. Phần lớn việc chú trọng trong mỗi vụ việc ly hôn đó là quyền nuôi con thuộc về ai. Để giải quyết vấn đề này, pháp luật đã đưa ra những quy định cụ thể trong pháp luật hôn nhân và gia đình.

Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

…2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3.Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Theo đó, về nguyên tắc, các bên đương sự (vợ, chồng) có thể tự thỏa thuận với nhau về việc người nào sẽ là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn và Tòa án sẽ ghi nhận thỏa thuận này trong bản án.

Trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho một bên vợ hoặc chồng có xem xét tới điều kiện của các bên. Đảm bảo đứa trẻ sẽ được nuôi dưỡng, phát triển trong môi trường có lợi nhất. Các điều kiện đó có thể là:

+Điều kiện về vật chất, bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ. Nhà ở, điều kiện vật chất, thu nhập của người vợ hoặc chồng sẽ là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn.

+Điều kiện về tinh thần, bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con; sự yêu thương, tình cảm đối với con từ trước đến nay; điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ. Những “thói hư, tật xấu”, thời gian hạn chế sẽ là một yếu tố gây trở ngại trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con.

Tuy nhiên, trong trường hợp “con dưới 36 tháng tuổi” thì mặc nhiên người con sẽ được giao trực tiếp cho người mẹ nuôi dưỡng, trừ trường hợp chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Vấn đề đủ điều kiện hay không tùy thuộc vào nhận định của phía Tòa án.

Trong trường hợp của bạn, mặc dù hiện tại bạn đã nghỉ việc, không có lương nhưng bạn vẫn có sẽ được giao quyền trực tiếp nuôi con nếu chứng minh được bạn hoàn toàn có điều kiện để trực tiếp nuôi con của bạn như bạn có tài sản riêng để nuôi dưỡng đứa trẻ, có thời gian chăm sóc con, có nơi ở cố định (không nhất thiết phải có nhà riêng),… Hoặc chứng minh được bạn có khả năng đem lại nhiều lợi ích cho đứa trẻ hơn chồng của bạn.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn chứng minh được việc hiện tại bạn không có việc làm không ảnh hưởng tới khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái thì bạn đương nhiên được giao quyền trực tiếp nuôi con.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191