Chồng được trực tiếp nuôi con nhưng vợ không cho chuyển khẩu có được không?

Câu hỏi của khách hàng: Chồng được trực tiếp nuôi con nhưng vợ không cho chuyển khẩu có được không?

Mọi người cho mình hỏi: mình ly hôn nay 2 năm, mình có 2 đứa con, trai lớn 13 tuổi hiện theo cha nó sống, con gái 4 tuổi sống với mình, trước đây 2 đứa con mình nhập khẩu chung với gia đình nhà ngoại (nhà mình) chồng mình bây giờ muốn cắt hộ khẩu con trai mình, để nhập về nhà bà Nội nó, mình cương quyết không cho vì chồng mình muốn cắt đứt mối quan hệ mẹ con (1 năm rồi anh ấy không cho mình gặp con trai) chỉ vì mình muốn con mình học bình yên ngôi trường cũ, nên mình không thay đổi quyền nuôi con, sợ con trai mình về sống với mình sau này nên chồng mình kiếm chuyện cắt khẩu để tiện làm giấy tờ sau này đi học. 6 năm nay mình nói nó học cũng giấy tờ không có gì khó khăn,nếu cắt khẩu rồi mình chắc anh ta không cho mình rước con mình về chơi mấy tháng hè, quyền nuôi con trai tòa án đã giao cho chồng mình. Vậy mình không cho cắt khẩu được không. (chủ hộ hộ khẩu là mẹ ruột mình) Mọi người tư vấn giúp mình với, chỉ mình cách để con trai mình về với mình (hàng tháng mình còn gửi tiền phí học cho giáo viên của con trai mình nữa vì nhà bà nó không có khả năng để nó đi học thêm và tiền ăn thiếu hụt, giáo viên gọi mình cho hay nên mình xót lắm) mọi người giúp mình để được yên lành nhận con mình lại (con trai mình cũng rất mong về sống với mình). Mình hiện là hiệu trưởng trường mầm non mà mình tự mở xây dựng, có khả năng nuôi con.


Luật sư Tư vấn Luật cư trú – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 19/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Quyền chuyển khẩu cho con của người trực tiếp nuôi con

  • Luật cư trú năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013)
  • Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

3./ Luật sư trả lời Chồng được trực tiếp nuôi con nhưng vợ không cho chuyển khẩu có được không?

Theo thông tin bạn cung cấp, sau khi ly hôn, quyền trực tiếp nuôi con trai của bạn được tòa án giao cho chồng của bạn, hiện tại chồng của bạn muốn chuyển hộ khẩu cho con nhưng bạn không muốn cho con chuyển khẩu sang bên nội.

Căn cứ Điều 13 Luật cư trú quy định về nơi cư trú của người chưa thành niên thì nơi cư trú của người chưa thành niên được xác định là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

Theo quy định trên, nơi cư trú của con chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

Trong trường hợp của bạn, vì chồng của bạn là người được Tòa án quyết định/công nhận là người có quyền trực tiếp nuôi con sau khi hai vợ chồng bạn ly hôn. Nên, về mặt pháp lý, chồng của bạn có quyền chuyển hộ khẩu của cháu bé ra khỏi hộ khẩu nhà bà ngoại (tức nơi bạn đang sinh sống) và nhập hộ khẩu vào nhà bà nội (tức là nơi cha của cháu sinh sống).

Việc bạn không đồng ý việc chuyển khẩu cho cháu không phải là căn cứ để bố của cháu (người có quyền trực tiếp nuôi bé hiện nay) không chuyển hộ khẩu của cháu về nhà bà nội.

Ngoài ra, việc bạn có hành vi ngăn cản có thể bị xem là hành vi gây ảnh hưởng tới quyền tự do cư trú của công dân, không thực hiện đúng nội dung của quyết định/bản án ly hôn của Tòa (không tạo điều kiện cho con có hộ khẩu thường trú cùng với cha để thuận tiện cho quá trình chăm sóc, học hành của con). Nên, chồng bạn có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phối hợp giải quyết để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu cho cháu. Bởi, theo quy định tại Điều 25 Luật cư trú thì chủ hộ có nghĩa vụ thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú.

Tuy nhiên, việc người chồng hoặc bất cứ ai ngăn cản bạn thực hiện quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc,… (không phải trực tiếp nuôi con) cũng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bạn. Do, theo quyết định/ bản án của Tòa án khi giải quyết ly hôn cho bạn thì bạn chỉ bị hạn chế quyền trực tiếp nuôi con, những quyền khác trong việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con của bạn không bị hạn chế.

Nói cách khác, bạn có quyền yêu cầu chồng của bạn tạo điều kiện cho bạn thực hiện quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục con trai lớn của bạn. Khi chồng của bạn hoặc gia đình chồng có hành vi ngăn cản bạn thực hiện quyền này, bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước can thiệp.

Căn cứ Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Điều 53. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đi với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn khi có một trong các căn cứ được quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình, trong trường hợp của bạn là các căn cứ sau:

-Bạn và chồng của bạn có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

-Chồng của bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (thông thường là điều kiện về nhân phẩm, lối sống,…)

Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con trai lớn của bạn sẽ cần phải xem xét nguyện vọng của cháu theo quy định tại Khoản 3 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy, khi quyền nuôi con đã được Tòa án xác định cho chồng bạn, việc chồng bạn muốn con chuyển khẩu sang nhà nội là quyền của người trực tiếp nuôi dưỡng cháu, điều này tạo điều kiện tốt cho con trai bạn được cư trú, học tập,… Tuy nhiên, trong trường hợp bạn chứng minh được chồng của bạn không đủ điều kiện nuôi con, bạn có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi cháu bé. Hơn nữa, ngay cả khi không phải người trực tiếp nuôi cháu bé, bạn cũng có quyền được thăm nom, chăm sóc, giáo dục,… cháu mà chồng của bạn không được phép ngăn cản.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191