Yêu cầu bán tài sản, kê biên tài sản để thi hành án

1.Yêu cầu bán tài sản để thi hành án

Cuối 2009, tôi đặt cọc cho ông Hương 200 triệu đồng để mua căn nhà đứng tên ông (giá 2 tỷ đồng), sau đó vì ông Hương vi phạm hợp đồng nên tôi không mua nữa và đòi cọc lại. Đầu 2010, tôi kiện ra Toà án quận. Trước Toà, ông Hương cam kết sau khi bán được nhà sẽ trả lại cọc. Sau đó Toà ra quyết định công nhận sự hoà giải của hai bên, đồng ý huỷ hợp đồng đặt cọc, và ông Hương phải trả lại tiền cọc cho tôi. Quyết định của Toà còn nói rõ tôi có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án theo các Điều 7, 30, 31, 32 của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Nhưng suốt 2 năm qua ông Hương không chịu bán nhà để trả lại cọc cho tôi như đã thoả thuận trước Toà lấy lý do là đợi đường đất trước nhà lên đường nhựa để bán với giá cao hơn. Nay tôi có thể yêu cầu, cơ quan thi hành án kê biên phát mãi căn nhà của ông Hương để thu hồi số tiền trên hay không? (trong quyết định của Toà không có điều khoản nào cho phép phong toả cũng như kê biên phát mãi tài sản của ông Hương, hiện ông Hương chỉ có một tài sản duy nhất là căn nhà trên).

Gửi bởi: Lê Huy Nhu

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp ông hỏi, ông nêu Toà ra quyết định công nhận sự hoà giải của hai bên, đồng ý huỷ hợp đồng đặt cọc và ông Hương phải trả lại tiền cọc cho ông, tuy nhiên ông chưa nêu rõ quyết định công nhận thỏa thuận của Tòa án có công nhận nội dung ông Hương “sau khi bán được nhà sẽ trả lại cọc” cho ông hay không.

Vì vậy:

1. Nếu quyết định công nhận thoả thuận của Tòa án có tuyên rõ nội dung sau khi ông Hương bán được nhà sẽ trả tiền đặt cọc cho ông thì cơ quan thi hành án dân sự không thể cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án cho ông nếu ông Hương chưa bán được nhà, vì Tòa án đã tuyên điều kiện trả tiền cho ông sau khi ông Hương bán được nhà.

2. Trường hợp Toà ra quyết định công nhận sự hoà giải của hai bên, đồng ý huỷ hợp đồng đặt cọc và ông Hương phải trả lại tiền cọc cho ông, nhưng không có nội dung công nhận thỏa thuận ông Hương “sau khi bán được nhà sẽ trả lại cọc cho ông”, thì ông có quyền yêu cầu Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với ông Hương, kể cả việc cưỡng chế kê biên, bán đấu giá ngôi nhà của ông Hương theo quy định tại khoản 2 Điều 9, Điều 72 Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


2.Thu tiền của người được thi hành án để nộp tiền án phí

Quyết định thi hành án buộc ông Nguyên Văn A phải tháo dỡ toàn bộ tài sản nằm trên phần đất 100m2 thuộc tờ bản đồ số 7B, số thửa 125A để trả ông Nguyễn Văn H và ông H có nghĩa vụ nộp tiền hỗ trợ để ông A phá dỡ là 20.000.000đ. Ngày 15/10/2011 ông Nguyễn Văn H có đơn yêu cầu thi hành án và Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện T đã ra quyết định thi hành án hai khoản trên và ông H đã tự nguyện nộp số tiền 20.000.000đ tại cơ quan thi hành án. Quá trình giải quyết việc thi hành án đến ngày 05/3/2012 ông H có đơn không yêu cầu chi cục thi hành án phải thi hành khoản phá dỡ công trình, rút đơn yêu cầu thi hành án Chi cục Thi hành án huyện T đã ra quyết định đình chỉ phần phá dỡ và ông H xin được rút lại số tiền 20.000.000đ đã nộp. Vậy Chi cục thi hành án huyện T có trả lại số tiền trên cho ông H không? Cơ sở pháp lý nào? Hiện ông A không nhận tiền và cũng không có ý kiến gì về khoản tiền trên? Hiện ông A đang phải thi hành khoản tiền án phí là 22.000.000đ nhưng không nộp, cơ quan thi hành án huyện T có khấu trừ số tiền trên sang án phí được không?

Gửi bởi: Tue Minh

Trả lời có tính chất tham khảo

Nếu nội dung vụ việc đúng như bạn nêu, thì ông H vừa là người được thi hành án, vừa là người phải thi hành án, nhưng quyền và nghĩa vụ đã được phân định rõ ràng, độc lập nhau.

Nghĩa vụ phải thi hành án của ông H là nộp tiền hỗ trợ để ông A phá dỡ là 20.000.000 đồng. Ông H đã làm đơn yêu cầu thi hành án và tự nguyện nộp số tiền 20.000.000 đồng. Trong trường hợp này, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu tiền thi hành án, cơ quan thi hành án phải tiến hành chi trả cho các đối tượng được thi hành án theo thứ tự quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự, thu phí thi hành án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 22 tháng 09 năm 2010 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và có biện pháp xử lý các khoản tiền, tồn đọng theo các hình thức đối với những khoản tiền đã báo gọi nhưng đương sự chưa đến nhận hoặc chưa xác định được địa chỉ của người nhận, hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà đương sự không đến nhận, thì cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm 01 tháng cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Cơ quan thi hành án phải mở sổ theo dõi ghi thông tin về sổ tiết kiệm cùng với tên người được thi hành án, tên bản án, tên quyết định thi hành án. Phần lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho đương sự. Trường hợp hết thời hạn 05 năm kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không đến nhận thì cơ quan thi hành án làm thủ tục chuyển nộp số tiền đó vào Ngân sách Nhà nước. Cơ quan thi hành án mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với khoản tiền gửi không đủ điều kiện để lập sổ tiết kiệm.

Do đó, số tiền 20.000.000 đồng ông H nộp trả ông A là của ông A, cơ quan thi hành án không trả ông H. Ông A phải thi hành khoản tiền án phí là 22.000.000 đồng nhưng không tự nguyện thi hành án, thì cơ quan thi hành án có quyền thu số tiền 20.000.000 đồng để thi hành khoản án phí của ông A và cần thông báo chi tiết, cụ thể cho ông A biết.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS


3.Việc cưỡng chế kê biên tài sản là đúng hay sai

Bố mẹ tôi ly hôn vào năm 2000. Trong bản án của tòa án công nhận mẹ tôi được quyền quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất 200m2, tuy nhiên mẹ tôi phải trả lại khoản chênh lệch cho bố tôi là 9.000.000đ. Do hoàn cảnh lúc đó mẹ tôi chưa có tiền để đưa cho bố tôi ngay nên mẹ tôi chỉ đưa trước 1.000.000đ, số tiền còn lại mẹ tôi đã làm giấy cam kết (có xác nhận của địa phương) trả từ từ cho bố tôi trong một thời gian ngắn. Đến năm 2001, cơ quan thi hành án đã xuống nhà tôi cưỡng chế kê biên tài sản của mẹ tôi mà không hề có bất cứ giấy tờ gì nhằm thông báo lý do hay căn cứ để kê biên. Tôi muốn hỏi việc làm đó của cơ quan thi hành án là đúng hay sai?

Gửi bởi: Nguyễn Minh Tấn

Trả lời có tính chất tham khảo

Nội dung bạn hỏi liên quan đến một số vấn đề, chúng tôi trao đổi như sau:

1. Về việc tự nguyện thi hành án:

Theo trình bày của bạn, mẹ bạn có quyền sử dụng diện tích đất 200m2 và có nghĩa vụ trả cho bố bạn 9.000.000 đồng, nếu mẹ bạn không tự nguyện thi hành án trả đủ số tiền này thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật. Mẹ bạn đã đưa cho bố bạn 1.000.000 đồng, số tiền còn lại cam kết trả từ từ trong thời gian ngắn có xác nhận của địa phương, nhưng quan trọng là phải được sự đồng ý của bố bạn. Bố bạn không đồng ý và đề nghị cơ quan thi hành án dân sự thi hành án thì việc cơ quan thi hành án kê biên, xử lý tài sản của mẹ bạn để thi hành án là có căn cứ, phù hợp pháp luật.

2. Về thủ tục kê biên, xử lý tài sản:

Về nguyên tắc, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục do pháp luật về thi hành án dân sự quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” và các văn bản pháp luật liên quan (thời điểm năm 2001 áp dụng Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993, Nghị định số 69/CP ngày 18/10/1993 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan lúc đó). Theo đó, việc cưỡng chế kê biên tài sản phải công khai, thông báo chặt chẽ và có căn cứ.

Chúng tôi chỉ lưu ý rằng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì phải đúng trình tự, thủ tục và có căn cứ.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Pháp lệnh 13/2004/PL-UBTVQH11 Thi hành án dân sự

Nghị định 69/CP Quy định thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS


4.Thoả thuận giao tài sản để thi hành án

Ông H có nghĩa vụ phải trả nợ cho tôi số tiền 500 triệu đồng theo Quyết định của Tòa án. Qua tìm hiểu tôi được biết ông H có tài sản là nhà và đất ở đã đượccấp giấy chứng nhận QSD đất. Năm 2009 UBND tỉnh có Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất theo giấy chứng nhận QSD đất của ông H để thực hiện một dự án, đất và tài sản trên đất đã được Ban quản lý dự án xác định giá trị để đền bù cho ông H khi ông H thực hiện bàn giao mặt bằng. Nay UBND tỉnh lại có Quyết định tạm dừng thực hiện dự án. Hiện tại ông H vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý dự án và chưa nhận các khoản tiền đền bù, ông H vẫn đang quản lý sử dụng nhà đất nói trên. Nay ông H có đề nghị với tôi xin được giao tài sản là nhà đất trong diện giải tỏa đền bù nói trên cho tôi để cấn trừ số tiền nợ, mọi nghĩa vụ vàquyền lợi phát sinh từ việc giải tỏa đền bù tôi được hưởng tất cả, đề nghị nêu trên của ông H có phù hợp với pháp luật không ? Tôi và ông H phải làm các thủ tục gì để theo qui định của nhà nước để đảm bảo tài sản đó thuộc về tôi?

Gửi bởi: Trương Mười

Trả lời có tính chất tham khảo

Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Điều 6 Luật Thi hành án dân sự quy định đương sự có quyền thoả thuận về việc thi hành án, nếu thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận. Theo yêu cầu của đương sự, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến việc thoả thuận về thi hành án. Trường hợp đương sự không thực hiện đúng thoả thuận thì có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định.

Điều 3 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” quy định việc thỏa thuận về thi hành án của đương sự phải được lập thành văn bản nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận.

Trường hợp người phải thi hành án có yêu cầu về việc thi hành án khác với nội dung bản án, quyết định đã tuyên và được người được thi hành án chấp thuận thì việc thi hành án được thực hiện theo yêu cầu đó. Việc thỏa thuận trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành do các đương sự tự nguyện thực hiện.

Sau khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án, đương sự có quyền yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận. Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội thì Chấp hành viên có quyền từ chối nhưng phải lập biên bản và nêu rõ lý do. Người yêu cầu Chấp hành viên chứng kiến việc thỏa thuận ngoài trụ sở cơ quan thi hành án dân sự mà phát sinh chi phí thì phải thanh toán các chi phí hợp lý cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp đương sự không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định; đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận để ra quyết định thi hành án.

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đang tổ chức thi hành án mà đương sự thỏa thuận về việc không yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định thì căn cứ thỏa thuận của đương sự, cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với phần thỏa thuận không yêu cầu thi hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp thỏa thuận vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba hoặc nhằm trốn tránh phí thi hành án. Trường hợp thỏa thuận nêu trên được thực hiện sau khi tài sản đã được bán hoặc giao cho người khác nhận để thi hành án thì phải được sự đồng ý của người mua được tài sản hoặc người nhận tài sản để thi hành án.

Do vậy, trường hợp ông nêu, ông có quyền thoả thuận không trái pháp luật với ông H về phương thức thi hành án bằng việc nhận tài sản để thi hành án. Ông và ông H làm văn bản thoả thuận, đề nghị Chấp hành viên chứng kiến thoả thuận đó để các ông thực hiện với nhau. Do tài sản là nhà đất thuộc diện thu hồi giải toả, do đó việc thoả thuận của các ông cần công khai, có sự chứng kiến của chính quyền cơ sở và Ban quản lý dự án để thuận lợi cho ông trong việc nhận tiền đền bù tài sản sau này nếu dự án được thực hiện.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS


5.Không làm Chấp hành viên thì không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề

Những người thời gian trước đã có hưởng phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp Chấp hành viên ở cơ quan thi hánh án dân sự, nhưng thời gian sau này không được bổ nhiệm lại Chấp hành viên nữa thì có được hưởng phụ cấp thâm niên nghề không?

Gửi bởi: Đoan Thi Thuy

Trả lời có tính chất tham khảo

Phụ cấp thâm niên nghề đối với chức danh Chấp hành viên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ “về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang” và Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC ngày 24/12/2009 Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính “hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm” và hướng dẫn tại Công văn số 566/BTP-TCTHA ngày 09/3/2010 của Bộ Tư pháp.

Về nguyên tắc, phụ cấp này áp dụng đối với thời gian là Chấp hành viên và đối với người hiện còn đang là Chấp hành viên. Phụ cấp này không được tính để đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, những người đã hưởng phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp Chấp hành viên ở cơ quan thi hánh án dân sự, nhưng thời gian sau này không được bổ nhiệm lại Chấp hành viên nữa thì không còn cơ sở để được hưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Tuy nhiên, nếu sau thời gian nhất định, người đó lại được bổ nhiệm Chấp hành viên thì người đó chỉ không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề trong khoảng thời gian người đó không là Chấp hành viên.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT-BNV-BTC Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm

Nghị định 76/2009/NĐ-CP Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS


6.Xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình để thi hành án

Bản án tuyên: buộc bà Nguyễn Thị A phải thi hành cho 22 nguyên đơn với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Qua xác minh bà A có tài sản là QSD đất đứng tên được cấp là hộ bà Nguyễn Thị A. Tuy nhiên, hộ bà A có 03 thành viên, gồm ông B, bà A và 01 người con trưởng thành. Cơ quan THA tiến hành kê biên QSD đất nhưng không xử lý là tài sản chung của hộ bà A, mà cho rằng tài sản phải xử lý là tài sản của bà A. Xin hỏi: trường hợp này có được xem là tài sản chung của cả 03 người không, căn cứ pháp lý? Vậy cơ quan thi hành án xử lý như vậy là đúng hay sai?

Gửi bởi: Nguyen Van Tam

Trả lời có tính chất tham khảo

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì tài sản của hộ gia đình là tài sản chung của các thành viên trong gia đình. Do vậy, quyền sử dụng đất được cấp là hộ gia đình bà Nguyễn Thị A, hộ gia đình bà A có 03 thành viên thì cơ quan thi hành án chỉ được xử lý phần tài sản của bà A trong khối tài sản chung đó để thi hành án.

Cơ quan thi hành án dân sự phải xác định phần tài sản chung của bà A trong khối tài sản chung của hộ gia đình căn cứ Điều 74 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế.

Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:

– Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;

– Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


7.Có được ra quyết định tiếp tục thi hành án không?

Quyết định của Tòa án buộc Nguyễn Văn A phải trả cho Nguyễn Thị B số tiền là 10.000.000 đồng. Bản án có hiệu lực pháp luật, Nguyễn Thị B có đơn yêu cầu thi hành án. Trong quá trình giải quyết, Nguyễn Thị B đã tự nguyện rút đơn yêu cầu THA. Sau khi nhận được đơn của Nguyễn Thị B, Chi cục THADS huyện H đã ra Quyết định đình chỉ THA. Sau đó Nguyễn Thị B lại tiếp tục có đơn yêu cầu THA. Như vậy Chi cục THADS huyện H có tiếp tục thụ lý giải quyết được không? Hiện nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về trường hợp này, rất mong được quý Báo trả lời để chúng tôi tham khảo giải quyết vụ án.

Gửi bởi: Nguyễn Đức Hiếu

Trả lời có tính chất tham khảo

Đình chỉ thi hành án là việc cơ quan thi hành án ngừng hẳn việc thi hành bản án, quyết định dân sự khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật. Đặc điểm của đình chỉ thi hành án là việc chấm dứt thi hành đối với các bản án, quyết định dân sự. Việc thi hành án sau khi bị đình chỉ sẽ không được đưa ra thi hành nữa, các bên đương sự cũng chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của họ đã tuyên trong bản án, kể cả nghĩa vụ đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định đình chỉ thi hành án khi có những căn cứ theo quy định của pháp luật.

Điều 50 Luật Thi hành án dân sự quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;

đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;

g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.

Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Các trường hợp trên, có trường hợp người được thi hành án không còn quyền yêu cầu (đối với phần bản án, quyết định đã bị hủy) hoặc không thể yêu cầu (do người phải thi hành án chết mà không để lại di sản hoặc nghĩa vụ thi hành án không được chuyển giao cho người khác).

Luật Thi hành án dân sự cũng quy định trường hợp cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án khi đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba (điểm c khoản 1 Điều 50). Trong trường hợp này, các bên đương sự vẫn được quyền tiếp tục thi hành án không thông qua cơ quan thi hành án dân sự.

Vì vậy, đối với trường cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án do người được thi hành án có văn bản tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án, yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án thì sau đó họ có quyền tự thi hành với nhau, nhưng không có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành lại, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án không đúng pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục THADS


8.Có quyền kê biên tài sản mà người phải thi hành án chuyển nhượng sau khi có quyết định của Toà án?

Ngày 03/10/2011 Toà án nhân dân thành phố H đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc thanh toán nợ. Theo quyết định thì bà A phải thanh toán cho bà B số tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng). Bà B đã làm đơn yêu cầu thi hành án vào ngày 23/4/2012, Cơ quan thi hành án đã thụ lý và tiến hành xác minh. Qua xác minh, được biết gia đình bà A có 01 lô đất tại thành phố H, lô đất trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2006, GCNQSDĐ mang tên bà A và ông H (ông H là chồng bà A). Ngày 04/10/2011 bà A và ông H đã làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho vợ chồng ông T và bà L tại phòng công chứng. Hiện tại ông T và bà L đã làm thủ tục đăng ký QSDĐ tại văn phòng đăng ký QSDĐ và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy cơ quan thi hành án có được kê biên tài sản là quyền sử dụng đất trên theo Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTB-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hay không?

Gửi bởi: Pham Thi Van Anh

Trả lời có tính chất tham khảo

Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự” quy định: Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp bạn hỏi, ngày 03/10/2011 Toà án nhân dân thành phố H đã ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự về việc thanh toán nợ, theo quyết định thì bà A phải thanh toán cho bà B số tiền 100.000.000 đồng. Ngày 04/10/2011 bà A và ông H đã làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông T và bà L tại Phòng công chứng, hiện tại ông T và bà L đã làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà A chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không sử dụng tiền đó để thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền kê biên tài sản của bà B đã chuyển nhưọng cho người khác sau khi có quyết định của Toà án.

Khi kê biên tài sản của bà A, thủ tục giải quyết yêu cầu về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án theo khoản 4 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật, trường hợp có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án chỉ xử lý tài sản khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


9.Các đương sự có quyền thoả thuận phương thức thi hành án

Năm 2005, công ty A có ký kết hợp đồng đổi đất lấy nền nhà với ba mẹ tôi. Trong hợp đồng, ba mẹ tôi thỏa thuận giao cho công ty A 7.000m2 đất, đồng thời công ty A sẽ giao lại cho ba mẹ tôi 08 lô đất nền liền kề và cam kết đến 30/8/2006 sẽ giao đất nền hoàn chỉnh có đầy đủ cơ sở hạ tầng mà không phải thanh toán thêm bất kỳ khoản chi phí nào. Sau khi ba mẹ tôi giao đất, đến tháng 08/2006 công ty A giao cho ba mẹ tôi 04 lô đất. Đến năm 2009, ba mẹ tôi vẫn không nhận được 04 lô đất còn lại nên ba mẹ tôi có làm đơn khởi kiện ra Toà án huyện về việc vi phạm hợp đồng của công ty A, Toà án huyện ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa ba mẹ tôi với công ty A, công ty A cam kết sẽ hoàn thành 04 lô đất nền trong thời hạn 01 năm. Năm 2011, ba mẹ tôi vẫn chưa nhận được 04 lô đất này, nên có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện. Chi cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, yêu cầu công ty A phải hoàn thành và giao cho ba mẹ tôi 04 lô đất còn lại trong thời hạn 15 ngày. Cho đến nay ba mẹ tôi vẫn không nhận được 04 lô đất trên. Được biết công ty A hiện tại không còn khả năng hoàn thành và giao lại 04 lô đất này cho ba mẹ tôi, vậy tôi có thể yêu cầu công ty A thay vì giao đất nền cho ba mẹ tôi thì có thể thay bằng việc quy đổi giá trị 04 lô đất nền trên thành tiền được không? Có phương hướng giải quyết nào khác không? Mong được sự giúp đỡ, tôi xin cảm ơn!

Gửi bởi: Phạm Thành Luân

Trả lời có tính chất tham khảo

Trường hợp bạn hỏi, quyết định của Toà án công nhận sự thỏa thuận giữa ba mẹ bạn với công ty A, công ty A cam kết sẽ hoàn thành 04 lô đất nền trong thời hạn 01 năm. Năm 2011, ba mẹ bạn vẫn chưa nhận được 04 lô đất này, nên có đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện, Chi cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án, yêu cầu công ty A phải hoàn thành và giao cho ba mẹ bạn 04 lô đất còn lại trong thời hạn 15 ngày là đúng với nội dung quyết định của Toà án và phù hợp với pháp luật.

Tuy nhiên, theo bạn nêu thì công ty A không còn khả năng hoàn thành và giao lại 04 lô đất này cho ba mẹ bạn, do đó việc thi hành án theo đúng quyết định của Toà án là không thực hiện được.

Vì vậy, ba mẹ bạn cần thoả thuận với công ty A về phương thức thi hành án sao cho thuận lợi nhất, trong đó có thể là phương án công ty A thay vì giao đất nền cho ba mẹ bạn thì có thể thay bằng việc quy đổi giá trị 04 lô đất nền trên thành tiền hoặc phương án khác phù hợp với điều kiện của hai bên. Tuy nhiên, việc thoả thuận này phải hoàn toàn do hai bên tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật hoặc ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba. Nếu thoả thuận được thì có thể đề nghị cơ quan thi hành án dân sự chứng kiến thoả thuận đó để kết thúc việc thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


10.Trách nhiệm của Ngân hàng trong thi hành án dân sự

Trường hợp Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Hà nội hỗ trợ thi hành án đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật bằng việc phong tỏa tài khoản hoặc giữ tài sản đối với Ngân hàng (người bị thi hành án), nhưng đến nay đã 02 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Hà Nội nhận văn bản của Cục Thi hành án dân sự mà vẫn không có văn bản trả lời. Xin hỏi, theo quy định của pháp luật hiện hành, có quy định nào bắt buộc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Hà Nội phải trả lời cho Cục Thi hành án đối với vụ việc nêu trên hay không? Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Hà Nội trong trường hợp không trả lời và chậm trễ trả lời dẫn đến thiệt hại đến lợi ích của đương sự thì xử lý như thế nào?

Gửi bởi: Bùi Xuân Đức

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 176 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng khác trong thi hành án dân sự:

1. Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

2. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong toả tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải toả việc phong toả tài khoản, phong toả tài sản của người phải thi hành án.

3. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này.

Phong tỏa tài khoản là một biện pháp tạm thời được quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, việc áp dụng biện pháp này do Chấp hành viên thực hiện theo trình tự, thủ tục và thời hạn chặt chẽ. Việc phong toả tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Khi tiến hành phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án. Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài sản quy định tại khoản 3 như sau: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong toả tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản quy định tại Điều 76 của Luật này”. Do vậy, Chấp hành viên phát hiện được tiền trong tài khoản tại ngân hàng và áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc biện pháp cưỡng chế thi hành án thì ngân hàng có trách nhiệm thực hiện, tuy nhiên nếu không áp dụng đúng biện pháp nêu trên thì không có căn cứ bắt buộc ngân hàng chịu trách nhiệm thực hiện giữ tiền của khách hàng giao dịch với ngân hàng.

Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người được thi hành án và hiệu quả của việc thi hành án thì người được thi hành án, Chấp hành viên cần tích cực xác minh, phát hiện tiền của người phải thi hành án có trong tài khoản tại ngân hàng. Chấp hành viên kịp thời áp dụng biện pháp bảo đảm phong toả tài khoản và biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án tại ngân hàng, đồng thời cũng nên tạo mối quan hệ phối hợp tốt với các ngân hàng để thực hiện tốt việc phát hiện, xử lý tiền của người phải thi hành án có tại ngân hàng.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191