Ngôi nhà định đoạt trong di chúc bị giải phóng mặt bằng

Ngôi nhà định đoạt trong di chúc bị giải phóng mặt bằng

Bố mẹ tôi viết di chúc để lại cho tôi một ngôi nhà. Nay ngôi nhà bị giải phóng mặt bằng. Vậy tôi có được hưởng số tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không?

Gửi bởi: Vũ Minh Nam

Trả lời có tính chất tham khảo

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người khác; di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm mở thừa kế là thời điểm cá nhân có tài sản chết); nếu vợ chồng lập di chúc chung thì di chúc chung vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết, hoặc từ thời điểm vợ, chồng cùng chết.

Vì bố mẹ bạn cùng lập di chúc để định đoạt tài sản là ngôi nhà cho bạn nên di chúc của bố mẹ bạn là di chúc chung vợ, chồng và có hiệu lực sau khi cả hai người đã mất. Quyền lợi của bạn đối với ngôi nhà do bố mẹ bạn định đoạt trong di chúc được xác định theo thời điểm có hiệu lực của di chúc đó. Sự việc ngôi nhà bị giải phóng mặt bằng trước hoặc sau thời điểm có hiệu lực của di chúc cũng phát sinh hậu quả pháp lý khác nhau. Cụ thể như sau:

1. Ngôi nhà bị giải phóng mặt bằng sau khi di chúc có hiệu lực (khi bố mẹ bạn đã chết).

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Điều 636 Bộ luật Dân sự). Như vậy, tại thời điểm khi bố mẹ bạn đã chết, di chúc có hiệu lực thì bạn đã có quyền đối với ngôi nhà là tài sản do bố mẹ bạn định đoạt trong di chúc. Bạn có quyền thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để khai nhận di sản thừa kế và đứng tên chủ sở hữu ngôi nhà. Bạn sẽ có tất cả các quyền, nghĩa vụ liên quan đến ngôi nhà mà pháp luật quy định:

– Chiếm hữu đối với nhà ở.

– Sử dụng nhà ở.

– Bán, cho thuê, cho thuê mua, tặng cho, đổi, để thừa kế, cho mượn, cho ở nhờ, uỷ quyền quản lý, thế chấp nhà ở thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.

– Bảo trì, cải tạo, phá dỡ hoặc xây dựng lại nhà ở và sử dụng không gian của nhà ở phù hợp với quy hoạch xây dựng, kiến trúc và các quy định của pháp luật có liên quan.

– Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của mình.

– Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, xác nhận những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật Nhà ở.

Trong trường hợp ngôi nhà bị giải phóng mặt bằng thì bạn có quyền nhận tiền đền bù cũng như thực hiện các phương án về giải phóng mặt bằng theo quy định.

2. Ngôi nhà bị giải phóng mặt bằng trước khi di chúc có hiệu lực (khi bố mẹ bạn còn sống).

Như trên đã nói, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế mới có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Khi bố mẹ bạn còn sống thì mặc dù đã để lại di chúc nhưng bố mẹ bạn vẫn có quyền của chủ sở hữu đối với ngôi nhà đó. Bố mẹ bán vẫn có quyền định đoạt bán, cho thuê, tặng cho… ngôi nhà đó cho bất kỳ ai và bạn (là người được chỉ định trong di chúc) cũng không có quyền can thiệp.

Khi bố mẹ bạn còn sống, nếu ngôi nhà bị giải phóng mặt bằng thì bố mẹ bạn sẽ có quyền được nhận tiền bồi thường, được thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo phương án bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng… Khi ngôi nhà đã bị giải phóng hoặc bố mẹ bạn đã bán, tặng cho cho người khác thì di chúc không còn giá trị nữa vì đối tượng của di chúc là ngôi nhà đã không còn (Khoản 3 Điều 667 Bộ luật Dân sự). Và bạn cũng không còn được hưởng quyền lợi gì liên quan đến ngôi nhà đó nữa.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191