Quy định bồi thường trong trường hợp người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết

Quy định bồi thường trong trường hợp người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết

Chị Hiền đi xe đạp lên thị trấn mua thuốc trừ sâu. Khi rẽ từ đường làng ra đường quốc lộ, dù thấy có xe máy đang đi tới nhưng do chủ quan nên chị vẫn cố vượt sang. Người đi xe máy là anh Vân ở cùng làng. Do phải tránh chị Hiền nên anh Vân phải quặt tay lái, đâm xe vào tủ hàng tạp hoá của bà Lệ ở lề đường, làm vỡ kính tủ và một số bát đĩa sứ bày trong đó.

Bà Lệ đã giữ cả anh Vân và chị Hiền lại, yêu cầu hai người bồi thường. Anh Vân cho rằng, chị Hiền là người có lỗi. Vì vậy, chị Hiền phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Lệ. Sự việc không được giải quyết nên người nhà bà Lệ đã giữ xe của anh Vân và chị Hiền. Vậy, cán bộ tư pháp cần xử lý tình huống này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Anh Vân là người đã đâm xe vào tủ hàng của bà Lệ, hành vi của anh Vân đã gây thiệt hại về tài sản cho bà Lệ. Tuy nhiên, phải căn cứ vào hoàn cảnh gây ra thiệt hại và mức độ lỗi của anh Vân để xem xét việc anh Vân có phải bồi thường thiệt hại cho bà Lệ hay không.

Tình huống này phát sinh hai vấn đề: trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết; xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Lệ.

Tình huống này được giải quyết dựa vào Điều 262 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết và Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 262 Bộ luật Dân sự năm 2005, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

Trong trường hợp này, vì muốn tránh gây tai nạn cho chị Hiền, anh Vân đã không còn cách nào khác là phải tránh xe vào lề đường, do vậy, đã đâm xe vào tủ bày hàng của bà Lệ. Sự việc xảy ra trong một hoàn cảnh bất khả kháng, ngoài ý muốn chủ quan của anh Vân. Nếu không kịp tránh, anh Vân chắc chắn đâm xe vào chị Hiền, hậu quả sẽ không lường trước được cho cả anh và chị Hiền. Nếu xảy ra tai nạn, thiệt hại chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với chiếc tủ bị vỡ kính.

Như vậy, anh Vân đã gây ra thiệt hại cho bà Lệ trong tình thế cấp thiết nên anh không có lỗi và không phải bồi thường thiệt hại cho bà Lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Xác định người bồi thường thiệt hại cho bà Lệ: Chị Hiền cố tình vượt xe sang đường dù đã nhìn thấy xe anh Vân đang đi tới. Rõ ràng, chị Hiền không những đã có lỗi do vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn là người gây ra tình thế cấp thiết. Trong trường hợp này, khoản 3 Điều 614 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Như vậy, chị Hiền là người phải bồi thường thiệt hại cho bà Lệ và hai người có thể tự thoả thuận với nhau về mức độ bồi thường.

Các văn bản liên quan:

Bộ Luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: Admin Portal


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191