Sự khác biệt và tương đồng điển hình trong đào tạo Luật ở Anh và Mỹ

Sự khác biệt và tương đồng điển hình trong đào tạo pháp Luật ở Anh và Mỹ.

Common law – một trong hai dòng họ pháp luật lớn nhất trên thế giới được bắt nguồn và áp dụng trên lãnh thổ Anh, sau đó xuất hiện tại Mỹ qua con đường bành trướng thuộc địa. Tuy nhiên, do đặc trưng là quốc gia đa tôn giáo, sắc tộc, văn hóa; cơ cấu lãnh thổ được chia thành nhiều tiểu bang khiến Mỹ đã và đang có sự phát triển hệ thống pháp luật mang bản sắc của riêng mình. 

Đào tạo luật là một thành tố quan trọng trong sự phát triển hệ thống pháp luật cũng như phổ biến, giáo dục pháp luật tại mỗi quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu tìm hiểu và so sánh đào tạo luật giữa các hệ thống pháp luật rất lớn và cần thiết không chỉ với nhà lập pháp, nghiên cứu pháp luật mà còn với luật sư, học sinh, sinh viên… 

Về mục tiêu, nhằm tìm hiểu các nét tương đồng và khác biệt có tính đặc trưng về đào tạo luật ở Anh và Mỹ, bài tiểu luận sẽ khái quát chung về đào tạo luật ở Anh và Mỹ, từ đó có cơ sở nhằm nêu bật những điểm tương đồng và khác biệt đặc trưng trong đào tạo luật tại hai quốc gia này trước khi trình bày các kết luận của nhóm tác giả. 

Về phương pháp nghiên cứu, để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm tác giả sử dụng phương pháp so sánh, phân tích, đánh giá, đi từ tổng quan tới chi tiết nhằm nêu bật những đặc điểm mang tính đặc trưng cần tìm.

1. Khái quát về đào tạo luật ở Anh và Mỹ 

1.1.Đào tạo luật tại Anh

Ở Anh, đào tạo luật phân tách rõ giữa các giai đoạn học thuật, dạy nghề và đào tạo chuyển tiếp. Nghề luật sư được phân biệt cụ thể theo hướng tư vấn và tranh tụng tụng đã ảnh hưởng trực tiếp mục tiêu, phương pháp, chương trình đào tạo luật. Trong khi đó, việc đào tạo thẩm phán tiến hành thông qua khóa học chính quy để đào tạo ra các thẩm phán mới và thông qua các khóa học bổ túc để phát triển kĩ năng nghề nghiệp và kiến thức cho các thẩm phán đang hành nghề. Thông thường, con đường trở thành thẩm phán phải xuất phát từ luật sư tranh tụng. 

Đào tạo cử nhân luật ở Anh được nhìn nhận có phần nhẹ hơn so với nhiều nước khác ở Châu Âu. Đào tạo cử nhân luật là quá trình đào tạo ở bậc đại học do các khoa luật của các trường đại học thực nhiệm; còn đào tạo nghề diễn ra ở bậc sau đại học và thuộc chức năng của cơ sở đào tạo được cấp phép bởi Đoàn luật sư và bởi Hội luật gia.

1.2.Đào tạo luật tại Mỹ 

Ở Mỹ, điều kiện tiên quyết là người học luật đã hoàn thành một chương trình cử nhân do đào tạo luật là đào tạo sau đại học. Yêu cầu trên nhằm tạo nền tảng để tiếp thu các kiến thức pháp lý trong từng chuyên ngành hẹp. Ví dụ, người muốn hành nghề luật sư trong lĩnh vực kinh doanh thường có bằng cử nhân về thương mại hoặc quản trị kinh doanh. 

Sau khi hoàn thành chương trình J.D, người học phải vượt qua kỳ thi do đoàn luật sư của mỗi bang tổ chức để có thể hành nghề luật. Nhìn chung, đào tạo luật ở Mỹ đòi hỏi người học phải có vốn kiến thức tương đối trên nhiều lĩnh vực trước khi nghiên cứu chuyên sâu pháp luật. Những quy định khắt khe về đào tạo luật đã tạo ra những thế hệ thẩm phán, luật sư có trình độ năng lực cao, tham gia và đóng góp quan trọng trong đời sống xã hội Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung. 

2. Điểm tương đồng đặc trưng trong đào tạo luật ở Anh và Mỹ

2.1.Vai trò quan trọng của án lệ trong đào tạo luật

Là một trong những thành tố tiêu biểu của Common law, án lệ là nguồn luật được ưu tiên áp dụng và bị chi phối ít nhiều bởi học thuyết tiền lệ pháp. Từ đó, giảng dạy luật thông qua các nghiên cứu án lệ là một đặc trưng trong đào tạo luật tại hai quốc gia này. Tại Anh, đặc biệt trong giai đoạn đào tạo cử nhân, nghiên cứu án lệ được xem như một phần không thể thiếu ở các trường luật. Giai đoạn sau đại học, việc giảng dạy theo vụ việc diễn ra theo một hình thức khác, thiết thực hơn qua vụ việc giả định, phiên tòa giả định, buổi tham vấn hoặc đàm phán. Cuối cùng, trong thời gian đào tạo thực hành, học viên sẽ bắt đầu làm việc trên các vụ việc thực tế và được giám sát của các luật sư giàu kinh nghiệm. Sự tồn tại của giai đoạn đào tạo khác biệt này chứng minh một cá nhân ngay cả khi đã hoàn thành cử nhân cần phải tiếp tục tiếp cận, nghiên cứu và thật sự hiểu các vụ việc thực tế.2 Còn ở Mỹ, giảng dạy theo án lệ đã trở thành nền tảng trong đào tạo luật. “Phương pháp vụ việc” do Christopher Columbus Langdell sáng tạo và tiên phong áp dụng khi làm Hiệu trưởng Trường Luật Harvard vào cuối thế kỉ 19 được mô tả là “phương pháp sư phạm đặc trưng” trong các trường luật Hoa Kỳ3, tiếp tục được duy trì và hoàn thiện đến ngày nay. 

2.2.Tuyển sinh đầu vào 

Đào tạo luật có uy tín và vị trí quan trọng trong giáo dục ở Anh và Mỹ khi góp tạo ra nhiều thế hệ chính trị gia, lãnh đạo của công ty, tập đoàn hàng đầu, các luật sư nổi tiếng toàn cầu nhờ quy trình tuyển chọn học viên vô cùng khắt khe, gồm những cá nhân ưu tú và xuất sắc. Ở Mỹ, các khoa luật đều đặt ra tiêu chuẩn khá cao, nhiều trường hợp chỉ chọn được một sinh viên trong số năm hoặc mười người dự tuyển.4 Thông thường, điểm GPA đầu vào trung bình các trường luật nổi tiếng như Yale, Harvard, UC Berkeley phải đạt mức xuất sắc (từ 3.6 trở lên). Bên cạnh đó, kỳ thi chuẩn hóa LSAT về các kỹ năng về lập luận, phân tích logic, viết luận được sử dụng nhằm tìm kiếm những học viên có năng lực, tiềm năng nhất. 

Ở Anh, dù đào tạo luật được thực hiện ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông nhưng yêu cầu đầu vào vẫn rất cao và khắt khe. “Kỳ thi Năng khiếu Quốc gia về Luật” (LNAT) được tổ chức nhằm đánh giá kiến thức cũng như khả năng lập luận, đánh giá, kết luận của ứng viên. Nhờ đó, các trường luật sẽ tìm kiếm được những người có năng lực và phù hợp nhất để tham gia học luật. 

2.3.Chi phí và thời gian đào tạo 

Điểm tương đồng đào tạo luật tại Anh và Mỹ không chỉ đặc trưng bởi những yếu tố học thuật mà còn bởi chi phí tốn kém. Dù có học bổng hoặc các khoản vay từ Hội đồng Hỗ trợ của các cơ sở đào tạo nhưng gánh nặng về chi phí vẫn còn rất lớn. Tại Anh, mức học phí tuy có sự khác nhau giữa sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế, nhưng trung bình từ 12000-18000 bảng/năm. Con số này ở Hoa Kỳ thậm chí còn lớn hơn, đặc biệt tại các trường luật hàng đầu, con số hàng năm không thấp hơn 50000 USD. Tổng thể, thời gian để một người có đủ khả năng hành nghề luật trung bình từ 06-07 năm, đòi hỏi sự kiên trì, chăm chỉ và năng lực học thuật để đáp ứng lượng kiến thức khổng lồ luật trong thời gian tương đối dài. 

3. Điểm khác biệt đặc trưng trong đào tạo luật ở Anh và Mỹ 

3.1.Lịch sử phát triển và ý tưởng về việc đào tạo luật 

Ở Anh hình thức đào tạo luật trong các trường dòng do các đoàn luật sư tổ chức (Inns of Court) xuất hiện từ thế kỷ 13 thông qua việc học viên quan sát các quy trình tố tụng tại Tòa và các cuộc tranh luận cũng như phiên tòa giả định. Những cơ sở dạy nghề này giúp học viên được học trực tiếp qua thực hành với những luật sư có kinh nghiệm. Đến khi các trường dòng dần mất vị trí (trường dòng xuất hiện và thoái trào từ thế kỉ 13-17), chế độ học nghề (Chế độ học nghề (apprenticeship): Bộ luật Anh 1729 (Act for the Better Regulation of Attorneys and Solicitors) yêu cầu một người phải dành 05 năm tại các văn phòng luật trước khi chính thức hành nghề đã khiến cho chế độ học nghề dần đánh mất vị trí do tính chất nhàm chán, thụ động. Cho đến cuối thế kỉ 18, mô hình đào tạo này cũng đã tồn tại ở Mỹ khi cá nhân có nguyện vọng học luật sẽ liên hệ với một luật sư và làm việc họ. Học viên được hướng dẫn lý thuyết pháp lý và kỹ năng hành nghề để trở thành luật sư) nổi lên thế chỗ. Do vậy, phải mất gần hai thế kỷ (từ giữa thế kỉ 17-19), đào tạo luật tại các trường đại học mới có chỗ đứng (trước đó tại đại học đã giảng dạy về luật La Mã, nhưng Common law không thuộc phạm vi giảng dạy vì sự tồn tại của trường dòng). Chế độ học nghề và trường dòng tuy giờ đây mất vị thế độc tôn nhưng vẫn tồn tại trong tư tưởng người Anh, tác động tới việc ngày nay đào tạo luật tại đại học chủ yếu cung cấp khoa học, tri thức mang tính hàn lâm, còn kỹ năng thực hành được “dành lại” vào giai đoạn sau đại học. 

Còn tại Mỹ, chế độ học nghề đã từng phổ biến khi chế độ thuộc địa tồn tại. Nhưng vào cuối thế kỉ 18, các luật sư độc lập hoặc các nhóm luật sư nhỏ bắt đầu mở các trường luật của họ. Tiếp đó, đầu thế kỉ 19, các trường đại học bắt đầu thuê giáo sư luật và mở các khoa luật. Luật được giảng dạy giống như lịch sử và kinh tế, và nghiên cứu về pháp luật tập trung vào học thuyết và lý thuyết pháp lý. Bắt đầu từ cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20, ngày càng nhiều người chọn đào tạo luật tại cơ sở đại học. Hiệp hội luật sư Mỹ (ABA) ra đời đã tiếp tục thúc đẩy vị trí đào tạo luật tại đại học và những nghiên cứu của tổ chức này sau này đã góp phần xây dựng mô hình đào tạo luật ba năm phổ biến tại Hoa Kỳ. Thay vì chỉ nghiên cứu, giảng dạy học thuyết và lý thuyết pháp lý, đến cuối những năm 1950, nội dung thực tiễn bắt đầu được tích hợp vào chương trình giảng dạy tại hầu hết các trường luật. Yêu cầu về kỳ thi chuẩn hóa được áp dụng bắt buộc và vẫn duy trì tới nay. 

Có thể thấy, không giống như đào tạo luật tại Anh vốn dựa vào trường dòng qua hàng thế kỷ, lịch sử đào tạo luật tại Hoa Kỳ tuy ‘trẻ hơn’ nhưng phát triển rất nhanh chóng. Điều này dẫn tới tại Anh khi mô hình đào tạo luật bậc đại học xuất hiện không hoàn toàn triệt tiêu mô hình đào tạo cũ qua việc trường dòng vẫn tồn tại tới tận ngày nay. Trong khi ở Mỹ đã hình thành mô hình đào tạo luật riêng, khác biệt cơ bản với ở Anh. 

3.2.Mục tiêu đào tạo 

Tại Anh, đào tạo luật hướng tới hai cấp độ mục tiêu: (1) trang bị kiến thức khoa học pháp lý (academic) cho người học, họ sẽ được cấp bằng cử nhân luật sau khi kết thúc khóa học; (2) dạy nghề, với mục tiêu này người học sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề luật.6 Như vậy xuất hiện sự phân tách rõ ràng về mục tiêu riêng khi bậc đại học tập trung đào tạo học thuyết và lý thuyết pháp lý, còn kiến thức phục vụ hành nghề luật sẽ được giảng dạy sau khi người học kết thúc bậc cử nhân. Không chỉ vậy, đào tạo luật còn phân biệt giữa đào tạo luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn – một đặc trưng cơ bản trong đào tạo luật tại Anh. Đây là hệ quả của việc tồn tại đồng thời luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn trong hệ thống pháp luật. 

Trong đào tạo luật ở Mỹ, mô hình đào tạo luật sư tư vấn và tranh tụng không tồn tại như ở Anh mà kết hợp hai mô hình trên vào một. Xu hướng kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và đào tạo nghề để trang bị tới học viện đầy đủ kiến thức lẫn kỹ năng, qua đó nhanh chóng tham gia hành nghề luật sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra do mỗi bang tại Mỹ có hệ thống pháp luật riêng nên mục tiêu đào tạo luật từng bang có những khác biệt, trong khi tại Anh không có yêu cầu về phạm vi, lãnh thổ như vậy. 

3.3.Tuyển sinh đầu vào 

Tuy cùng có quy trình tuyển chọn khắt khe, nhưng mỗi quốc gia vẫn có đặc trưng riêng. Tại Anh, do đào tạo luật xuất hiện từ bậc cử nhân nên ứng viên phải trải qua “Kỳ thi Năng khiếu Quốc gia về Luật” (LNAT). Bài thi này gồm 2 phần, phần A trả lời các câu hỏi trắc nghiệm; phần B tự luận, ứng viên phải thể hiện khả năng lập luận và kết luận về một loạt các vấn đề có chủ đề khác nhau.7 Nhiều trường luật còn yêu cầu phỏng vấn nhằm tạo điều kiện với ứng viên dù không có điểm số ấn tượng vẫn có cơ hội học luật ở Anh.8 

Tại Mỹ, ứng viên cần hoàn thành chương trình cử nhân trước đó và trải qua “Kỳ thi tuyển sinh trường luật” (LSAT). Bài kiểm tra gồm 5 phần bao gồm trắc nghiệm và tự luận. Đó là Lập luận logic 1&2, Lập luận phân tích, Đọc hiểu theo hình thức trắc nghiệm; và phần Viết luận.9 So số lượng ứng viên hàng năm rất đông, bộ phận tuyển sinh của các trường không phỏng vấn như ở Anh mà họ xem xét các yếu tố khác như điểm GPA đại học, lĩnh vực học đại học hay bài luận, cũng như “động lực, khả năng lãnh đạo, kinh nghiệm làm việc hoặc hoạt động ngoại khóa, nền tảng gia đình, văn hóa và cộng đồng…” của ứng viên để đưa ra quyết định10 nhưng điểm GPA đại học và điểm LSAT vẫn thường được quan tâm chủ yếu. Do đó, ứng viên thường học cử nhân về tiếng Anh, lịch sử hoặc khoa học chính trị để đạt điểm cao nhất có thế. Từ các số liệu thực tế11 chứng minh đầu vào trường luật tại Mỹ mang tính cạnh tranh cực cao, bao gồm việc đặt nặng vấn đề điểm LSAT và GPA có phần cứng nhắc hơn so với yêu cầu ở Anh. 

3.4.Bậc học và thời gian đào tạo 

Tại Anh, quy trình từ bậc học đại học (undergrad) – đào tạo cử nhân luật (có thời gian đào tạo là 03 năm tại trường đại học) đến đào tạo nghề luật – bậc sau đại học (postgrad), trong thời gian đó ứng viên có thể lựa chọn đào tạo luật sư tư vấn (thời gian đào tạo 01 năm và 02 năm thực tập) hoặc luật sư tranh tụng (thời gian đào tạo 01 năm và 01 năm thực tập). Sau thời gian đó mới được xem xét cấp giấy phép hành nghề. Trung bình, thời gian hoàn tất quy trình đào tạo luật này kéo dài từ 05 đến 06 năm. Tại Mỹ, sinh viên luật phải hoàn thành ít nhất một chương trình đại học Những người này khi trúng tuyển sẽ theo học 03 năm tại khoa luật để lấy bằng J.D.12 Do đào tạo nghề lồng ghép trong thời gian bằng đó ứng viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia kỳ thi cấp giấy phép hành nghề luật sư. Như vậy, tổng thế ứng viên phải dành 6-7 năm, gồm trung bình 3-4 năm cử nhân và 3 năm học luật. Điều này dẫn đến độ tuổi trung bình cho tốt nghiệp sinh khoa luật ở Mỹ là 29.13 

3.5.Vấn đề thi cử và bằng cấp 

Ở Anh, sau khi tốt nghiệp đại học, cá nhân có bằng cử nhân luật L.L.B, từ đây họ có thể lựa chọn để trở thành luật sư tư vấn hay luật sư tranh tụng. Tùy thuộc vào quyết định của mình, ứng viên tham gia những khóa học riêng biệt để hành nghề. Để trở thành luật sư tranh tụng, họ phải vượt qua Bar Professional Training Course và tương tự Solicitors Qualifying Examination (SQE)14 nếu muốn trở thành luật sư tư vấn. Sau khi có được chứng chỉ BPTC hoặc SQE và tham dự đủ 12 buổi bắt buộc tại trường dòng (Inns of Court), ứng viên mới được công nhận năng lực tranh tụng (tương tự với luật sư tư vấn). Sau thời gian thực tập mới được Đoàn luật sư/Hội luật gia) cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư tranh tụng/tư vấn. 

Để trở thành luật sư ở Anh, không nhất thiết phải có bằng cử nhân luật. Những trường hợp này có thể là: có bằng đại học ở ngành khác, không có bằng đại học hoặc là sinh viên, luật sư nước ngoài. Họ có thể tham gia các khóa học và bài thi theo từng trường hợp để có đủ tư cách tham gia chế độ học nghề và thực tập sau đại học như một cử nhân luật bình thường tại Anh, ví dụ như những người đã có bằng đại học trái ngành sẽ tham gia khóa học 1 năm để vượt qua kỳ thi sát hạch nghề phổ thông (CPE) hoặc lấy bằng Diploma về luật (GDL), hoặc các luật sư nước ngoài có thể tham gia Chương trình Chuyển giao Luật sư Đủ điều kiện (QLTS)… Khác với ở Mỹ, nơi một tấm bằng về luật là điều kiện bắt buộc nếu muốn hành nghề luật sư.

Ở Mỹ, sinh viên sau khi tốt nghiệp được gọi là – Juris Doctor/Doctor of Jurisprudence (J.D) – bằng học thuật cấp độ đầu tiên của ngành luật. Bằng J.D. là một đặc trưng của đào tạo luật tại Mỹ, do số giờ học để đạt được bằng này nhiều hơn đáng kể với thời gian một người phải học để đạt được bằng cử nhân ở các ngành khác, do vậy nó không còn được gọi là LL.B(Trước những năm 60, các trường luật ở Mỹ vẫn cấp bằng cử nhân LL.B cho các sinh viên tốt nghiệp.16 MBE, MEE hay MPT được đưa ra và gợi ý bởi Hội đồng Quốc gia về Giám định luật sư (NCBE). Hầu hết các bang đều sử dụng các thành phần bài thi này để tạo thành bài kiểm tra bar của mình, nhưng vẫn có các bang tự tạo ra và tổ chức bài thi của riêng mình ví dụ như California và Pennsylvania) và nó và cũng không tương đương bằng cử nhân luật ở các nước khác. Đối với cá nhân được đào tạo luật bên ngoài nước Mỹ phải hoàn thành chương trình thạc sĩ Master of Laws (LL.M) trong 1 năm hoặc theo học 3 năm cho bằng J.D để được tham dự kỳ hành nghề luật sư. Bằng luật cao nhất ở Mỹ là bằng tiến sĩ – Doctor of Juridical Science (J.S.D)/Doctor of Laws (LL.D), với điều kiện đã hoàn thành LL.M. Bằng S.J.D tương đương Ph.D ở châu Âu và các nước khác xong thưởng chỉ là bằng danh dự, không cấp cho nghiên cứu sinh mà chỉ dành cho người có đóng góp lớn cho nền khoa học pháp lý. 

Để trở thành luật sư sau khi tốt nghiệp J.D., ứng viên phải vượt qua kỳ thi kiểm tra năng lực tại tiểu bang nơi đăng ký dự thi. Đây là kỳ thi thách thức để chọn ra những người có năng lực hành nghề thực sự. Kỳ thi gồm ít nhất 2 phần: phần thi khách quan để kiểm tra kiến thức cơ bản trong các vấn đề nền tảng như hợp đồng, tài sản, vi phạm dân sự, luật tố tụng và luật hiến pháp; phần thi viết bài luận về các chủ đề. Trong kỳ thi, các loại bài thi thường được kết hợp sử dụng tùy theo từng bang, bao gồm Bài kiểm tra trắc nghiệm 200 câu (Multistate Bar Examination (MBE)); Bài luận (Multistate Essay Examination (MEE)) và Bài kiểm tra khả năng thực tiễn (Multistate Performance Test (MPT) thực hiện các công việc tiêu chuẩn của một người luật sư như viết memo hoặc tóm tắt.16 

3.6.Chương trình và phương pháp đào tạo 

Ở Mỹ, chương trình đào tạo luật chính quy để trở thành luật sư đơn giản chỉ có chương trình đào tạo cho bằng J.D, còn lại, việc đi thực tập không là một yêu cầu bắt buộc hoặc chương trình ôn tập cho bar exam (được gọi là bar review) cũng chỉ là tùy chọn, miễn là họ thi qua được bar exam. Năm đầu tiên của trường luật là năm học được đánh giá quan trọng nhất cho sự nghiệp một người muốn hành nghề luật sau này, bởi nó có thể quyết định nơi họ sẽ làm việc khi tốt nghiệp. Nguyên nhân cho điều này là vì chương trình phỏng vấn trong khuôn viên trường (OCI) thường diễn ra vào đầu năm thứ hai và tại thời điểm này, nhà tuyển dụng chỉ có thể có được GPA của năm đầu tiên. Đây là một bước được thực hiện khá sớm, cho thấy được môi trường năng động, cạnh tranh cao ở các trường luật Mỹ ngay từ năm học đầu tiên và cũng cho thấy rằng các cá nhân học luật được “săn đón” từ rất sớm kể cả khi họ chưa tốt nghiệp và có bằng J.D. 

Bên cạnh để áp dụng các vụ việc, án lệ vào giảng dạy, phương pháp tình huống “Socratic” do Trường luật Harvard khởi xướng được áp dụng tại hầu hết tất cả các trường luật.17 Đó là quá trình hỏi đáp, tranh luận liên tục giữa giảng viên và sinh viên xung quanh các vụ việc điển hình. Các câu hỏi xoay quanh tình tiết cơ bản, câu hỏi pháp lý, quy định pháp luật, lập luận của nguyên đơn, bị đơn, tòa cũng như bình luận về cách giải quyết của tòa. Các nguyên tắc pháp lý không được trình bày trực tiếp mà được tổng kết từ thảo luận tình huống. Điều này giúp sinh viên không chỉ tiếp xúc với các quy định mà còn làm quen thực tiễn, học hỏi được kỹ năng phân tích, lập luận của các bên và tòa án, nắm được trình tự tố tụng của vụ án, rèn luyện phản xạ nhanh nhạy, tư duy phản biện, phê phán, nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Điều này rất phù hợp với môi trường pháp luật có sự thay đổi nhanh chóng như tại Mỹ 

Trong khi đó, tại Anh, đào tạo luật chủ yếu dưới dạng bài giảng và hướng dẫn. Giảng viên thường phác thảo vấn đề theo trật tự, giải thích sự phức tạp và cố gắng liên hệ với tình huống thực tế. Sinh viên được khuyến khích tham gia vào buổi thảo luận và diễn án để rèn luyện kĩ năng lập luận rõ ràng và thuyết phục. Trong giai đoạn đào tạo luật bậc cử nhân, sinh viên phải hoàn thành 6 môn học “cốt lõi” bao gồm: Luật Hiến pháp và Hành chính, Luật Hình sự, Hợp đồng, Luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Luật Đất đai và Công bằng, và Luật Tín thác. Tuy án lệ vẫn đóng vai trò trung tâm, nhưng với xu hướng pháp điển hóa mạnh mẽ hiện nay, luật thành văn cũng là một phần quan trọng được đưa vào chương trình đào tạo để nghiên cứu, thảo luận. Đào tạo luật tại bậc đại học tuy không dạy sinh viên tất cả các kỹ năng cần thiết để hành nghề luật nhưng họ vẫn được dạy về kỹ năng và đạo đức hành nghề luật sư.

Đối với đào tạo luật sư tranh tụng, khóa học tại trường dòng (Inns of Court) chủ yếu tập trung việc học quy tắc về bằng chứng, soạn thảo lời biện hộ và hoàn thiện kỹ năng biện hộ. 

Như vậy ở Anh, sinh viên cần nắm vững các quy định pháp luật, các học thuyết pháp lý rồi mới được đào tạo về kỹ năng hành nghề. Điều này dẫn tới khác biệt cơ bản khi tại Mỹ sinh viên được dạy để đủ khả năng tự liên kết, tìm ra quy luật, quy tắc từ những tình huống thực tiễn (và cả giả định), từ đó 02 phần kiến thức lý thuyết và thực hành đều được đào tạo đồng thời mà vẫn đảm bảo chất lượng. 

Trên cơ sở nghiên cứu, so sánh, đánh giá, tiểu luận thu được một số kết quả như sau: 

Thứ nhất, đào tạo luật tại Anh và Mỹ vừa có những tương đồng và khác biệt điển hình do tuy cùng chung hệ thống luật Common Law nhưng mỗi bên có mô hình đào tạo luật của riêng mình 

Thứ hai, những điểm tương đồng nổi bật bao gồm vai trò quan trọng của án lệ trong đào tạo luật, tuyển sinh đầu vào khắt khe, kĩ càng và chi phí đào tạo luật tốn kém Thứ ba, những điểm khác biệt nổi bật để phân biệt đào tạo nghề giữa Anh và Mỹ có thể kể đến lịch sử đào tạo luật, mục đích của đào tạo luật, phương pháp và chương trình đào tạo, vấn đề về bằng cấp.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1) Đại học luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật so sánh, NXB Công an nhân dân. 

2) Nguyễn Bích Thảo (2016), Một số kinh nghiệm đào tạo Luật ở Mỹ và gợi mở cho Việt Nam, tham luận tại Hội thảo về đổi mới đào tạo và nghiên cứu Luật, Khoa Luật, ĐHQGHN. 

3) Mac Sithigh, D., & Siems, M. (2017). Why Do We Do What We Do? Comparing Legal Methods in Five Law Schools Through Survey Evidence trong Rethinking Legal Scholarship: A Transatlantic Dialogue (pp. 31-83). Cambridge University Press. 

4) Byse (1986), Fifty Years of Legal Education, 71 IowA L. REV. 

5) Diamond (1985), Lawyer Competency and Bar Admissions, The Role of the Law School and the Role of the Profession, trong Legal education in the United Kingdom and the United States: An overview 2. 

6) Rodrigo Sadi (2017-2018), Legal Education and the Civil Law System, 62 N.Y.L. SCH. L. REV. 165. 

7) Fletcher, Roland (2016). Legal education and proposed regulation of the legal profession in England and Wales: a transformation or a tragedy?, Law Teacher, 50(3) pp. 371–385. 

8) Tạp chí Loyola of Los Angeles International and Comparative Law Review số 13 (2/1/1991), Legal Education in the United States and England: A Comparative Analysis

Các bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191