Vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam

Vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam

25/02/2009

Mối quan hệ giữa luật quốc gia và luật quốc tế ở Việt Nam được quy định tại Luật số 41/2005/QH11 về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005, Chủ tịch nước công bố ngày 24/6/2005 và Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (ban hành ngày 12/11/1996, được sửa đổi, bổ sung ngày 16/12/2002).

Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 là văn bản luật điều chỉnh một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác điều ước quốc tế của Việt Nam. Liên quan đến mối quan hệ giữa luật quốc gia và luật quốc tế, Luật quy định về nguyên tắc, thứ bậc cũng như việc áp dụng điều ước quốc tế.    

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tuy chủ yếu điều chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước, tuy nhiên cũng quy định việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải cân nhắc, tính toán đến các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

1.  Vị trí của điều ước quốc tế

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định rõ ràng về việc điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có vị trí như thế nào trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế (Khoản 1). Do đó, các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia  sẽ được thực thi kể cả trong trường hợp pháp luật Việt Nam còn chưa quy định đầy đủ.. Từ quy định này, có quan điểm cho rằng điều ước quốc tế có vị trí sau Hiến pháp, trên các văn bản luật, pháp lệnh.

Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005

Điều 6. Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước

1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

2. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.

3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.

Bên cạnh đó, năm 2001 Việt Nam cũng đã gia nhập Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước. Điều 26 Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế năm 1969 quy định nguyên tắc Pacta sunt servand quy định "mọi điều ước đã có hiệu lực đều ràng buộc các bên tham gia điều ước và phải được các bên thi hành với thiện ý". Nguyên tắc này đã được chuyển hoá vào quy định của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" (Khoản 6 – Điều 3).

Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam cũng đều thấy rõ giá trị ưu thế của điều ước quốc tế, chẳng hạn:

+ Theo Khoản 2 Điều 759 Bộ luật dân sự năm 2005 "trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định của Bộ luật này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó ".

          + Theo  Khoản 2 Điều 2  Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em "trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.".

          + Theo Điều 3 Luật di sản văn hoá: "Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Có thể thấy rõ công thức chung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam là nếu pháp luật trong nước (từ luật trở xuống) có quy định khác hoặc trái với điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập, thì điều ước quốc tế có giá trị ưu tiên áp dụng. Từ đó cho thấy, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập có giá trị pháp lý ưu tiên hơn so với pháp luật trong nước.

2. Áp dụng điều ước quốc tế

Khoản 3 Điều 6 của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005  quy định Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nước để thực hiện điều ước quốc tế đó. Quy định này thể hiện Việt Nam chấp nhận cả hai phương pháp thực hiện điều ước quốc tế: áp dụng trực tiếp và chuyển hoá điều ước vào văn bản quy phạm pháp luật quốc nội.

          Một ví dụ điển hình là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 về việc  Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó quyết định : "2. Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết này và các cam kết khác của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới. Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm."

          Việc nội luật hoá (hay chuyển hoá điều ước quốc tế) được thực hiện theo các phương thức phổ biến sau:

          – Sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế. Theo quy định tại khoản 10 Điều 14  Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, cơ quan đề xuất ký kết có trách nhiệm Kiến nghị về việc áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế hoặc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế. Như vậy, để thực hiện nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế  mà cần phải sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành, thì cơ quan đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế phải chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc này.

Trong công tác xây dựng pháp luật, theo quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới là phải  "không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."  Đây cũng là một biện pháp bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế phát sinh từ điều ước quốc tế  được tuân thủ nghiêm túc tại Việt Nam.

          – Tiến hành chuyển hoá quy phạm của điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mật thiết đến vấn đề chuyển hoá (nội luật hoá) các điều ước quốc tế vào pháp luật trong nước. Mục đích cơ bản của vấn đề chuyển hoá là bảo đảm thuận lợi cho việc thực hiện các điều ước quốc tế.

          Nhà nước CHXHCN Việt Nam khẳng định thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Trong bộ máy nhà nước, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là một bên ký kết. Như vậy, nhận thức về nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế đã đạt được sự thống nhất cao, được thể chế hoá thành pháp luật, tạo cơ sở thuận lợi cho việc chỉ đạo của Chính phủ và việc thực hiện của các cơ quan nhà nước.

3.  Trình tự thực hiện điều ước quốc tế.

Khi đề cập đến trình tự thực hiện điều ước quốc tế, vấn đề quan trọng đặt ra đối với Việt Nam là làm cách nào để bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ điều ước. Trên cơ sở quy định tại Chương VI của Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, có thể nêu lên một số nội dung quan trọng sau đây liên quan đến trình tự thực hiện điều ước quốc tế của Việt Nam, phù hợp với nguyên tắc Pacta sunt servanda như sau:

          – Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế.Theo quy định tại Điều 71Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế bao gồm những nội dung sau đây:  Lộ trình thực hiện điều ước quốc tế; Dự kiến phân công trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện điều ước quốc tế; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế; Các biện pháp tổ chức, quản lý, tài chính và các biện pháp cần thiết khác để thực hiện điều ước quốc tế; Tuyên truyền, phổ biến điều ước quốc tế.

 Việc thực hiện các điều ước quốc tế, trước hết phải xuất phát từ đặc điểm tình hình, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển. Do đó, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải đề ra tiến trình, các biện pháp tổ chức thực hiện điều ước trong từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế quản lý việc thực hiện điều ước, quản lý nguồn tài chính, kể cả những đóng góp, tài trợ quốc tế cho việc thực hiện điều ước quốc tế cũng phải được vạch ra một cách cụ thể.

– Xác định cơ quan có trách nhiệm thực hiện điều ước quốc tế. Nghĩa vụ thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người, trước hết là thuộc về Nhà nước. Nhưng trong bộ máy nhà nước, nghĩa vụ này chủ yếu thuộc về các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương các cấp. Trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền có trách nhiệm đề ra kế hoạch cụ thể và biện pháp bảo đảm khả thi các cam kết mà Việt Nam đưa ra trong điều ước quốc tế. Việc thực hiện từng loại điều ước lại phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, ngành. Trong trường hợp phát sinh khó khăn, bất cập, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương cần phối hợp với Bộ Ngoại giao kiến nghị Chính phủ những biện pháp cần thiết để khắc phục, nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế phát sinh trên cơ sở điều ước. Đồng thời, hàng năm và khi có yêu cầu, các Bộ, ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Ngoại giao báo cáo Chính phủ, Chủ tịch nước về tình hình thực hiện điều ước quốc tế rong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành. Nghĩa vụ phối hợp thực hiện điều ước quốc tế đòi hỏi chung đối với tất cả các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương; không một Bộ, ngành hoặc cơ quan nhà nước nào có thể đứng ngoài nghĩa vụ này.

Qua phân tích pháp luật Việt Nam, có thể kết luận  các điều ước quốc tế đã được Việt Nam  ký kết và gia nhập thì có hiệu lực pháp lý bắt buộc và được nhà nước đảm bảo thực hiện ngay cả trong trường hợp điều ước quốc tế đó có quy định trái với quy định của pháp luật trong nước. Bằng việc “nội luật hoá” các quy định của điều ước quốc tế, thì ở những mức độ khác nhau, đã có thể coi các quy định của điều ước quốc tế đó là một bộ phận cấu thành của pháp luật trong nước. Chính vì thế, điều ước quốc tế giữ vị trí đặc biệt trong hệ thống các quy phạm pháp luật quốc gia của Việt Nam.

Đặng Trung Hà – Vụ PLQT


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191