10 nhiệm vụ, giải pháp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cần phải thực hiện trong năm 2009

10 nhiệm vụ, giải pháp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cần phải thực hiện trong năm 2009

24/03/2009

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và sự hỗ trợ, phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của các cá nhân, cơ quan, ban, ngành có liên quan; tăng cường quan hệ phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để nâng cao chất lượng, tăng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương (sau đây gọi Hội đồng liên ngành ở Trung ương) và ở cấp tỉnh, ngày 20/02/2009, Hội đồng liên ngành ở Trung ương (Chủ tịch Hội đồng – Bộ trưởng Bộ Tư pháp) ký Quyết định số 431/QĐ-HĐPH ban hành Kế hoạch hoạt động của liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2009. Kế hoạch đã chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp mà liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cần phải thực hiện năm 2009, cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thành việc thành lập Hội đồng liên ngành, xây dựng Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động của Hội đồng liên ngành ở Trung ương và các Hội đồng liên ngành ở địa phương

Trong Quý I/2009, các công việc cụ thể cần phải thực hiện:

1. Ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng liên ngành ở Trung ương và Tổ giúp việc để xác định trách nhiệm của từng thành viên Hội đồng liên ngành; kịp thời hướng dẫn thống nhất việc thiết lập, củng cố tổ chức, duy trì mối quan hệ phối hợp trong hoạt động tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm.

2. Ban hành Chương trình hành động và kế hoạch hoạt động giai đoạn 2009 – 2012 của liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

3. Kiện toàn, thành lập xong các Hội đồng liên ngành ở địa phương, xây dựng, ban hành Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động hàng năm và kế hoạch hoạt động hoặc Chương trình hành động giai đoạn 2009 – 2012 của Hội đồng liên ngành ở các địa phương. Đến hết quý I/2009 thành lập xong các Hội đồng liên ngành ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bảo đảm hết năm 2009, 100% các Hội đồng liên ngành đều có quy chế hoạt động và kế hoạch hoạt động hàng năm, kế hoạch hoạt động giai đoạn 2009 – 2012;

Thứ hai, tăng cường công tác tập huấn, thông tin, truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của người tiến hành tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng

Trong năm 2009, các công việc cụ thể cần phải thực hiện:

1. Tổ chức tập huấn, quán triệt, nâng cao kiến thức và nhận thức pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội dung của Thông tư liên tịch số 10 đến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong cả nước;

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý nhất là trợ giúp pháp lý trong tố tụng đến với nhân dân, đặc biệt tập trung cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xác lập cơ chế phối hợp thông tin giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giới thiệu hoặc đề nghị cử người tham gia tố tụng để đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý;

3. Đặt các Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý; Hộp tin trợ giúp pháp lý tại trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng, các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, các nơi công cộng. Bảo đảm nội dung của Bảng thông tin đầy đủ, chính xác và dễ đọc.

Thứ ba, rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Các công việc cần thực hiện và thời gian thực hiện:

1. Rà soát, đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định của pháp luật tố tụng cho phù hợp với pháp luật về trợ giúp pháp lý (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính), tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (thực hiện trong cả năm 2009 và những năm tiếp theo);

2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung thay thế các Chương trình, Kế hoạch, Quy chế  phối hợp đã được ký kết liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng cho phù hợp với nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý và Thông tư liên tịch số 10 ở địa phương (hoàn thành trong quý I/2009);

3. Ban hành các biểu mẫu thống kê, báo cáo các số liệu liên quan đến trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (hoàn thành trong quý I/2009).

Thứ tư, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10

Trong năm 2009, các công việc cần thực hiện:

1. Hướng dẫn chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Thông tư liên tịch số 10 có liên quan đến phạm vi trách nhiệm của từng ngành, từng cấp;

2. Thực hiện các nội dung cụ thể theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 (xác định địa điểm đặt Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý, Hộp tin trợ giúp pháp lý; quán triệt đến các chủ thể có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tham gia tố tụng, cấp bản sao các giấy tờ có liên quan; bố trí người tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong chương trình phối hợp; thông báo về chất lượng Luật sư cộng tác viên và Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng…);

3. Tăng số lượng và nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, phấn đấu hết năm 2009, 90% số người có yêu cầu được trợ giúp pháp lý, bảo đảm 95% đến 98% người thuộc diện được trợ giúp pháp lý có Trợ giúp viên pháp lý, luật sư cộng tác viên tham gia tố tụng.

Thứ năm, thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn kiểm tra và tổng hợp kết quả công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để trao đổi trực tiếp hoặc bằng văn bản theo định kỳ

Trong năm 2009 (báo cáo kết quả phối hợp được tổng hợp vào báo cáo năm gửi về cơ quan thường trực Hội đồng liên ngành trước ngày 31/10/2009), công việc cần thực hiện:

1. Chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn kiểm tra và tổng hợp kết quả thực hiện nội dung Thông tư liên tịch số 10 trong phạm vi từng Bộ, ngành và tổng hợp kết quả báo cáo về Hội đồng liên ngành (cơ quan thường trực là Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp) để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo liên ngành và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

2. Tăng cường hoạt động thông tin, giám sát của các cơ quan tiến hành tố tụng, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đối với hoạt động của người thực hiện trợ giúp pháp lý, người tiến hành tố tụng để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trong tố tụng, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;

3. Hỗ trợ hoạt động tố tụng trong công tác đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý;

4. Thông qua phản hồi thông tin, báo cáo, kiểm tra;

5 Hoạt động của Hội đồng liên ngành và của từng thành viên, từng Bộ, ngành.

Thứ sáu, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong thực tiễn triển khai Thông tư liên tịch số 10

Trong năm 2009 (báo cáo kết quả tổng hợp vào báo cáo năm gửi về cơ quan thường trực Hội đồng liên ngành trước ngày 31/10/2009), công việc cần thực hiện: Trao đổi, thảo luận, kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn, bảo đảm thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 10.

Thứ bảy, tổ chức kiểm tra liên ngành về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10

Mỗi năm Hội đồng liên ngành Trung ương tổ chức 02 – 03 đợt kiểm tra tại các vùng, miền hoặc khu vực, công việc cần thực hiện:

1. Xây dựng kế hoạch, kiểm tra chung, kiểm tra lồng ghép;

2. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở Trung ương, xác định nội dung thực hiện, Trưởng đoàn và các thành viên (một trong số các thành viên trong Hội đồng liên ngành ở Trung ương làm trưởng đoàn, các thành viên của Tổ giúp việc cho Hội đồng liên ngành là thành viên của đoàn kiểm tra); phối hợp với Hội đồng liên ngành ở cấp tỉnh để kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai thực hiện nội dung Thông tư liên tịch số 10 tại các địa phương (tổ chức kiểm tra điểm ít nhất tại 1/3 số cơ quan thuộc liên ngành cấp tỉnh và 1/5 số cơ quan thuộc liên ngành ở cấp huyện).

 Thứ tám, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, đánh giá về số lượng và chất lượng thực hiện trợ giúp pháp lý của người thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo định kỳ 06 tháng và 01 năm (tổng hợp vào báo cáo 06 tháng và 01 năm gửi về cơ quan thường trực Hội đồng liên ngành trước 31/10/2009), công việc cần thực hiện:

1. Thống kê cụ thể về số vụ việc trợ giúp pháp lý trong từng giai đoạn của quá trình tố tụng trong phạm vi và lĩnh vực của từng ngành trong đó nêu rõ số vụ việc có sự phối hợp giữa các cơ quan;

2. Thực hiện việc đánh giá hiệu quả, tác động của việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 tại các địa phương;

3. Phản hồi thông tin và số liệu về cơ quan thường trực.

Thứ chín, sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 10 và tổng kết hoạt động năm 2009, đề ra kế hoạch hoạt động trong năm 2010

Hội đồng liên ngành ở cấp tỉnh tổ chức vào tháng 9/2009, Hội đồng liên ngành ở Trung ương tổ chức vào tháng 10/2009, công việc cần thực hiện:

1. Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, Toạ đàm để sơ kết, tổng kết theo các chuyên đề, đánh giá kết quả, tác động xã hội của việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10 tại các địa phương;

2. Thực hiện chế độ báo cáo và các bài học kinh nghiệm;

3. Các vướng mắc cần giải quyết hoặc hướng dẫn chung.

Thứ mười, dự liệu kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện các nội dung của Thông tư liên tịch trong năm 2010

Trong Quý III, Quý IV/2009, công việc và cơ quan thực hiện: 

1. Xác định nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động phối hợp công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của Thông tư liên tịch số 10 và quy định của pháp luật về tài chính, kế toán;

2. Các Bộ, ngành thành viên của Hội đồng liên ngành dự toán kinh phí cần thiết để triển khai thực hiện công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng của ngành mình trong dự toán ngành mình;

3. Cơ quan thường trực dự toán kinh phí cho hoạt động chung của Hội đồng liên ngành.

Tuấn Minh


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191